Với soạn bài Kiến thức ngữ văn lớp 8 trang 108 Tập 1 Ngữ văn 8 Cánh Diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó học tốt văn 8.
Soạn bài Kiến thức ngữ văn lớp 8 trang 108 Tập 1 (Cánh Diều)
1. Nghị luận xã hội và các kiểu văn bản nghị luận xã hội
- Nghị luận xã hội là kiểu văn bản trong đó tác giả đưa ra ý kiến của mình về một vấn đề xã hội và dùng các lí lẽ, bằng chứng để luận bàn, làm sáng tỏ và thuyết phục người đọc về ý kiến đã nêu lên.
- Các kiểu văn bản nghị luận xã hội:
+ Nghị luận xã hội trung đại: Ở Việt Nam, thời trung đại, văn bản nghị luận được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, được thể hiện bằng các thể loại như chiếu, cáo, hịch,…
+ Chiếu, cáo thường được vua, chúa dùng để ban bố trước dân chúng về những công việc và sự kiện có tính chất quốc gia; hịch được vua, chúa, tướng lĩnh hoặc thủ lĩnh các phong trào viết ra để kêu gọi, thuyết phục dân chúng và những người dưới quyền cùng thực hiện những sự việc trọng đại.
+ Nghị luận xã hội trung đại thường được viết bằng văn biền ngẫu (biền là ngựa đi sóng đôi, ngẫu là theo từng cặp), các câu đối nhau về âm (thanh bằng, thanh trắc), về từ loại (danh từ với danh từ, động từ với động từ,…) và về nghĩa, tạo nên nhịp điệu và ý nghĩa của bài văn. Ví dụ: Câu 4 chữ đối với câu 4 chữ “ruột đau như cắt,//nước mắt đầm đìa”; câu 6 chữ đối với câu 6 chữ “sinh ra phải thời loạn lạc,//lớn lên gặp buổi gian nan” (Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn) hoặc câu 4/6 và 4/6 (“Đô đốc Thôi Tự/ lê gối dâng tờ tạ tội// Thượng thư Hoàng Phúc/ trói tay để tự xin hàng” (Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi);…Từ ngữ được sử dụng trong văn bản nghị luận xã hội trung đại thường trang trọng, uyên bác, giàu tính ước lệ, tượng trưng, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố lập luận và cảm xúc của người viết.
+ Nghị luận xã hội hiện đại: khác với nghị luận xã hội trung đại, nghị luận xã hội hiện đại được viết bằng văn xuôi Quốc ngữ, câu văn tự do. Về nội dung, bên cạnh những vấn đề có tính chất quốc gia, quốc tế, các văn bản nghị luận xã hội hiện đại còn bàn bạc nhiều vấn đề của cuộc sống đời thường. Tác giả nghị luận xã hội hiện đại có thể là những nhân vật có uy tín, có vị trí trong xã hội hoặc có thể là một người bình thường.
2. Một số thành tố của văn bản nghị luận
- Luận đề là vấn đề trọng tâm bao trùm toàn bộ bài viết, thường được nêu ở nhan đề hoặc trong phần mở đầu của văn bản.
- Luận điểm nhằm triển khai làm rõ luận đề. Số lượng luận điểm nhiều hay ít tùy thuộc vào nội dung của vấn đề được triển khai trong bài nghị luận. Các luận điểm lại được làm sáng tỏ bởi các lí lẽ và bằng chứng.
- Ý kiến đánh giá chủ quan của người viết là những phát biểu, nhận định mang quan điểm riêng của tác giả nên chúng có thể đúng hoặc chưa đúng.
- Bằng chứng khách quan là những sự vật, số liệu có thật, có thể kiểm nghiệm được trong thực tế đời sống.
Các ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết chỉ có thể được làm sáng tỏ và chứng minh tính đúng đắn thông qua các lí lẽ và bằng chứng khách quan. Nếu không có các lí lẽ và bằng chứng khách quan thì các luận điểm của người viết sẽ thiếu chính xác và không thể thuyết phục người đọc.
Xem thêm các bài soạn văn Ngữ văn 8 Cánh Diều hay, chi tiết khác:
Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 107
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.