Tiếng Việt lớp 3 Bài 12: Đồng quê yêu dấu - Cánh diều

1.1 K

Lời giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 12: Đồng quê yêu dấu Cánh diều gồm đầy đủ các phần Chia sẻ và đọc, Viết, Đọc, Nói và nghe, Tự đọc sách báo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 3 Bài 12: Đồng quê yêu dấu

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Vẽ quê hương

Chia sẻ

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Câu 1: Hãy đọc và giải các câu đố sau:

a) Cánh gì cánh chẳng biết bay

Chim hay sà xuống nơi đây kiếm mồi

Đổi ngàn vạn giọt mồ hôi

Bát cơm trắng dẻo, đĩa xôi thơm bùi?

(Là gì?)

b) Thân thì bé nhỏ

Bụng có ngọn đèn

Tỏa sáng về đêm

Những hôm tối mịt.

(Là con gì?)

c) Bằng cái vung

Vùng xuống ao

Đào không thấy

Lấy chẳng được. 

(Là gì?)

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập. 

Lời giải:

a) Cánh đồng

b) Con đom đóm

c) Mặt trăng 

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Câu 2: Các câu đố trên nói về cảnh vật, con vật ở đâu? Chọn ý đúng:

a) Ở thành phố.

b) Ở nông thôn.

c) Ở ngoài biển. 

Phương pháp giải:

Em dựa vào hiểu biết của mình để trả lời câu hỏi. 

Lời giải:

Chọn b) Ở nông thôn 

Bài đọc

Vẽ quê hương

Bút chì xanh đỏ

Em gọt hai đầu

Em thử hai màu

Xanh tươi, đỏ thắm.  

 

Em vẽ làng xóm

Tre xanh, lúa xanh

Sông máng lượn quanh

Một dòng xanh ngát

Trời mây bát ngát

Xanh ngắt mùa thu

Xanh màu ước mơ...

Em quay đầu đỏ

Vẽ nhà em ở

Ngói mới đỏ tươi

Trường học trên đồi

Em tô đỏ thắm

Cây gạo đầu xóm

Hoa nở chói ngời.

 

A, nắng lên rồi!

Mặt Trời đỏ chót

Lá cờ Tổ quốc

Bay giữa trời xanh...

Chị ơi bức tranh

Quê ta đẹp quá!  

ĐỊNH HẢI

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Câu 1: Bức tranh quê hương có những cảnh vật gì? 

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 2, 3.  

Lời giải:

Bức tranh quê hương có cảnh làng xóm, lũy tre, cánh đồng lúa, sông, nhà, trường học, cây cối.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Câu 2: Những hình ảnh nào cho biết đó là một bức tranh về nông thôn? 

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 2. 

Lời giải:

Những hình ảnh cho biết đây là bức tranh nông thôn là: làng xóm, tre xanh lúa xanh, sông máng lượn quanh. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Câu 3: Tìm những từ ngữ thể hiện màu sắc tươi sáng của bức tranh. 

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài thơ để trả lời câu hỏi. 

Lời giải:

Những từ ngữ thể hiện màu sắc tươi sáng của bức tranh là: xanh tươi, đỏ thắm, xanh mát, xanh ngắt, xanh màu ước mơ, đỏ tươi, chói ngời, đỏ chót,... 

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Câu 4: Vì sao bạn nhỏ thấy bức tranh quê hương rất đẹp?

- Học thuộc lòng các khổ thơ 2, 3. 

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và nói lên cảm nhận của mình.  

Lời giải:

Bạn nhỏ thấy bức tranh quê hương rất đẹp vì đây là bức tranh có những hình ảnh quen thuộc như làng xóm, đồng lúa, có trường nơi bạn đến trường, có ngôi nhà thân yêu, còn có cả lá cờ Tổ quốc khiến bạn nhỏ rất tự hào, rất yêu quê hương mình.  

Luyện tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Câu 1: Tìm các từ có nghĩa giống nhau trong bài thơ:

a) Các từ chỉ màu xanh.

Mẫu: xanh tươi

b) Các từ chỉ màu đỏ. 

Mẫu: đỏ thắm.

Phương pháp giải:

Em đọc bài thơ để tìm các từ có nghĩa giống nhau.    

Lời giải:

a) Xanh tươi, xanh mát, xanh ngắt.

b) Đỏ thắm, đỏ tươi, đỏ chót. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Câu 2: Tìm bộ phận câu trả lời cho câu hỏi Bằng gì?.

a) Bức tranh quê hương được vẽ bằng bút chì xanh đỏ.

b) Làng xóm, ruộng đồng, dòng sông và bầu trời được vẽ bằng màu xanh.

c) Mái ngói, hoa gạo, Mặt Trời, lá cờ Việt Nam được vẽ bằng màu đỏ. 

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.   

Lời giải:

a) Bức tranh quê hương được vẽ bằng bút chì xanh đỏ.

b) Làng xóm, ruộng đồng, dòng sông và bầu trời được vẽ bằng màu xanh.

c) Mái ngói, hoa gạo, Mặt Trời, lá cờ Việt Nam được vẽ bằng màu đỏ. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Đọc sách báo viết về nông thôn

Bài tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Câu 1: Tìm đọc thêm ở nhà:

- 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về nông thôn.

- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về nông thôn. 

Phương pháp giải:

Em tìm hiểu ở sách, báo, tạp chí về những câu chuyện, bài thơ để hoàn thành bài tập. 

Lời giải:

Em có thể tham khảo, đọc một số câu chuyện, bài thơ sau:  Quê hương nhớ mãi tiếng gà trưa, Nhớ lắm quê hương, Làng quê tôi,... 

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Câu 2: Viết vào phiếu đọc sách:

- Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn câu thơ em thích).

- Cảm nghĩ của em. 

Phương pháp giải:

Em lựa chọn bài đọc mà em ấn tượng ở câu 1 sau đó liên hệ bản thân để nói lên cảm nghĩ của mình.  

Lời giải:

Em chủ động hoàn thành bài tập.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Ôn chữ viết hoa: P, Q

Bài tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Câu 1Viết tên riêng: Phú Quốc  

Lời giải:

Em thực hiện viết bài vào vở.

Chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Viết hoa các chữ cái đầu dòng, viết hoa tên riêng. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Câu 2Viết câu:

Quê ta có dải sông Hàn

Có chùa Non Nước, có hang Sơn Trà.

Ca dao

Lời giải:

Em thực hiện viết bài vào vở.

Chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Viết hoa các chữ cái đầu dòng, viết hoa tên riêng. 

Trả lời các câu hỏi phần Trao đổi: Kì nghỉ thú vị trang 19 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 Cánh diều giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 từ đó học tốt môn Tiếng Việt lớp 3.

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Trao đổi: Kì nghỉ thú vị

Đọc câu chuyện

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Câu 1:

KÌ NGHỈ THÚ VỊ

Nghỉ hè, Lâm được về quê ở với ông bà. Lần đầu tiên, em thấy quả táo, quả lê ở trên cây, thấy cây đỗ với hai cái lá non vừa đội đất nhô lên, quả bí đao dài thượt trên giàn và cánh đồng lúa đang trổ đòng thơm mùi sữa,...

Thấy mấy con vật to, da trắng loang đen, có cặp sừng nhọn, Lâm hoảng sợ. Ông bảo: “Cháu đừng sợ! Đây là mấy con bò vẫn cho cháu sữa đấy.”. 

Trao đổi: Kì nghỉ thú vị trang 19 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 1)

Ông dẫn Lâm ra chuồng gà, chỉ cho em xem một quả trứng, chú gà ở bên trong đã mổ vỏ, chuẩn bị ra ngoài. Lâm tò mò muốn biết chú gà sẽ chui ra như thế nào nên ngồi canh ổ gà cả một buổi.

Kì nghỉ hè đã mang lại cho Lâm bao điều mới lạ, bổ ích.  

Theo sách 365 chuyện kể mỗi ngày

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Câu 2: Trao đổi:

a) Qua kì nghỉ hè ở quê, Lâm đã biết thêm điều gì về cây, quả?

b) Ông đã giúp Lâm hiểu về nguồn gốc của sữa và sự ra đời của những chú gà con bằng cách nào? 

Phương pháp giải:

Em đọc câu chuyện để trả lời câu hỏi và trao đổi cùng các bạn.

Lời giải:

a) Qua kì nghỉ hè ở quê, Lâm biết thêm về quả táo, quả lê, cây đỗ với hai cái lá non vừa đội đất nhô lên, quả bí đao trên giàn và cánh đồng lúa đang trổ đòng thơm mùi sữa,...

b) Ông đã dẫn Lâm đi xem bò sữa và ra chuồng gà xem gà con. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Câu 3: Hãy nói về một con vật (hoặc cây, hoa, quả) mà em thích.

Gợi ý:

a) Đó là con gì (cây, hoa, quả gì?)

b) Con vật (cây, hoa, quả) ấy trông như thế nào?

c) Vì sao em thích con vật (cây, hoa, quả) ấy? 

Phương pháp giải:

Em dựa vào gợi ý và liên hệ bản thân để hoàn thành bài tập. 

Lời giải:

Bài tham khảo 1:

Nhà em có nuôi một chú mèo. Tên chú là Miu. Chú có thân mình gầy guộc vì lười ăn. Dáng chú thấp. Lông chú màu nâu. Đầu chú tròn như quả bóng nhỏ. Tai chú nhỏ như chiếc lá non. Mỗi khi đi học về, chú thường đến gần em. Em yêu chú lắm!

Bài tham khảo 2:

Hè năm ngoái em về quê ngoại chơi và thấy cây mít ông bà trồng từ lâu đã bắt đầu sai trĩu quả trông rất thích mắt. Thân cây khá to cỡ hơn một vòng tay em. Thân màu nâu sẫm, khi đứng cạnh trông em trở nên bé nhỏ so với nó. Lá mít rất to, dày, xanh đậm. Lá mít to cỡ bằng bàn tay xòe của em và có độ bóng thật đẹp. Năm nào, cây cũng ra quả sai trĩu. Quả mít chín ăn rất ngọt và thơm. Mùi mít chín cây thơm lừng cả vườn cây. Được thưởng thức những múi mít to vàng ươm em thật thích biết bao nhiêu. Em rất thích cây mít nhà bà ngoại em. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21 Hương làng

Bài đọc

Hương làng

Làng tôi là một làng nghèo nên chẳng nhà nào có đất để trồng hoa. Tuy vậy, đi trong làng, tôi luôn thấy những làn hương mộc mạc, chân chất quen thuộc của đất quê.

Chiều chiều, hoa thiên lí cứ thoảng nhẹ đâu đây, bay đến rồi thoáng cái lại bay đi. Tháng Ba, tháng Tư, hoa cau thơm lạ lùng. 

Hương làng trang 20, 21 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 1)

Tháng Tám, tháng Chín, hoa ngâu như những viên trứng cua tí tẹo, ẩn sau tầng lá xanh rậm rạp, thơm nồng nàn. Tưởng như có thể sờ được, nắm được những làn hương ấy.

Ngày mùa, mùi thơm từ đồng thơm vào, thơm trên đường làng, thơm ngoài sân đình, thơm trên các ngõ. Đó là hương cốm, hương lúa, hương rơm rạ. Cứ muốn căng lồng ngực ra mà hít thở đến no nê, giống như thuở nhỏ hít hà hương thơm từ nồi cơm gạo mới mẹ bắc ra và gọi cả nhà ngồi vào quanh mâm.

Mùa xuân, ngắt một cái lá chanh, lá bưởi, một lá xương sông, một chiếc lá lốt, một nhánh hương nhu, nhánh bạc hà,... hai tay mình cũng đượm mùi thơm mãi không thôi.

Theo BĂNG SƠN

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21 Câu 1: Mỗi khi đi trong làng, tác giả cảm nhận được điều gì? 

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn 1 của bài đọc. 

Lời giải:

Mỗi khi đi trong làng, tác giả luôn thấy những làn hương mộc mạc, chân chất quen thuộc của đất quê.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21 Câu 2: Tìm những từ ngữ trong bài văn tả hương thơm của hoa, lá. 

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn 2, đoạn 4 của bài đọc. 

Lời giải:

Những từ ngữ tả hương thơm hoa, lá là: thoảng nhẹ, thơm lạ lùng, thơm nồng nàn, đượm mùi thơm.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21 Câu 3: Ngày mùa, làng quê tác giả còn có những hương thơm đặc biệt nào? 

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn 3 của bài đọc.   

Lời giải:

Ngày mùa, làng quê tác giả có hương thơm của cốm, hương lúa, hương rơm rạ. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21 Câu 4: Theo em, vì sao bài văn có tên là Hương làng

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và nói lên cảm nhận của mình. 

Lời giải:

Bài văn có tên là Hương làng vì làng quê tác giả luôn có những làn hương mộc mạc, quen thuộc, chân chất. 

Luyện tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21 Câu 1: Đọc câu sau và hoàn chỉnh sơ đồ so sánh ở bên dưới:

Tôi cứ muốn căng lồng ngực ra mà hít thở đến no nê những mùi thơm ấy, giống như thuở nhỏ hít hà hương thơm từ nồi cơm gạo mới mẹ bắc ra. 

Hương làng trang 20, 21 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ câu văn để hoàn thành bài tập.

Lời giải:

Hoạt động 1: hít thở những mùi thơm ấy

Từ so sánh: giống như

Hoạt động 2: hít hà hương thơm từ nồi cươm gạo mới mẹ bắc ra. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21 Câu 2: Tìm những hoạt động được so sánh với nhau trong mỗi câu văn, câu thơ sau:

a) Những con bướm vàng sẫm, ven cánh có răng cưa, lượn lờ đờ như trôi trong nắng.

VŨ TÚ NAM

b) Con mẹ đẹp sao

Những hòn tơ nhỏ

Chạy như lăn tròn

Trên sân, trên cỏ.

PHẠM HỔ

c) Thuyền chồm lên hụp xuống như nô giỡn. 

BÙI HIỂN

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.  

Lời giải:

a) Lượn lờ đờ so sánh với trôi trong nắng.

b) Chạy so sánh với lăn tròn

c) Chồm lên hụp xuống so sánh với nô giỡn. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 23 Viết thư thăm bạn

Bài tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 23 Câu 1: Đọc bức thư sau và trao đổi: 

Viết thư thăm bạn trang 23 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 1)

a) Quỳnh Ngọc viết thư cho ai? Dòng đầu bức thư, bạn ấy viết gì?

b) Quỳnh Ngọc hỏi thăm bạn về điều gì, kể với bạn những gì?

c) Cuối bức thư, Quỳnh Ngọc viết gì?

Phương pháp giải:

Em đọc thư và trả lời các câu hỏi. 

Lời giải:

a) Quỳnh Ngọc viết thư cho Hà, Dòng đầu thư viết ngày tháng năm, Hà thân mến.

b) Hỏi thăm bạn về trường mới, về gia đình bạn, kể cho bạn nghe về những thay đổi ở quê.

c) Cuối thư Ngọc chúc hà học giỏi, và chờ thư Hà. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 23 Câu 2: Hãy đóng vai bạn Hà, viết một bức thư trả lời Quỳnh Ngọc. 

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân và hoàn thành bài tập.  

Lời giải:

Đồng Nai, ngày... tháng... năm...

Quỳnh Ngọc thân mến!

Mình rất vui khi nhận được thư của bạn. Mình cũng rất nhớ bạn. Mình đang dần quen với trường mới. Ở đây mọi người rất hòa đồng và đáng mến. Thầy cô giáo cùng các bạn mới đều rất thân thiện và tốt bụng. Nghe cậu kể về quê mình thay đổi mà mình mong nhanh chóng đươc về quê hơn. Khi nào nghỉ hè, mình sẽ về và chúng mình cùng đi chơi nhé.

Mình chúc Quỳnh Ngọc thật nhiều sức khỏe và học thật giỏi. 

Mình chờ thư của bạn.

Thanh Hà

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Làng em

Bài đọc

Làng em

Làng em nằm lặng lẽ

Bên bờ dòng sông Diêm

Làng mềm như dáng lúa

Cong cong hình lưỡi liềm.

 

Buổi sáng Mặt trời mọc

Trên nóc ngôi nhà cao

Để những đêm trăng lặn

Làm mặt sông lao xao.

 

Những con đường lầy lội

Giờ đã rộng thênh thang

Cần ăng ten đón gió

Vắt câu chèo sang ngang.

 

Trường của em khang trang

Dưới hàng cây rợp mát

Từ dưng em muốn hát

“Em yêu làng của em”. 

BÙI HOÀNG TÁM

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Câu 1: Làng quê của bạn nhỏ ở đâu? Hình dáng ngôi làng có gì đặc biệt? 

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 1. 

Lời giải:

Làng quê bạn nhỏ nằm bên bờ sông Diêm, cong hình lưỡi liềm. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Câu 2: Làng quê của bạn nhỏ đã đổi thay như thế nào so với trước kia? 

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 3.  

Lời giải:

Những con đường lầy lội giờ đã rộng thênh thang, còn có thêm các thiết bị điện tử để bắt sóng.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Câu 3: Ngôi trường mới được bạn nhỏ miêu tả như thế nào? 

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 4. 

Lời giải:

Ngôi trường mới của bạn nhỏ khang trang, có bóng cây rợp mát. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Câu 4: Hai dòng thơ cuối thể hiện điều gì? 

Phương pháp giải:

Em đọc hai câu thơ cuối và trả lời câu hỏi.  

Lời giải:

Thể hiện tình yêu với làng của bạn nhỏ.  

Luyện tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Câu 1: Tìm từ có nghĩa trái ngược với từ in đậm trong câu thơ sau:

Những con đường lầy lội

Giờ đã rộng thênh thang. 

Qua đó, em hiểu con đường trước đây như thế nào?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập. 

Lời giải:

Trái nghĩa với rộng là hẹp.

Con đường ngày xưa là con đường đất nhỏ, hẹp, lầy lội. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Câu 2: Ghép đúng để được các cặp từ có nghĩa trái ngược nhau: 

Làng em trang 24 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.   

Lời giải:

a – 3, b – 1, c – 2. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Câu 3: Đặt câu phân biệt hai từ có nghĩa trái ngược nhau.

Mẫu:

- Ban đêm, khu vườn rất lặng lẽ. 

- Vừa sáng sớm, tiếng cười nói đã ồn ào.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và đặt câu. 

Lời giải:

- Mặt trời mọc trên biển làm bừng sáng cả một vùng trời.

- Mặt trời lặn trên biển dần kéo màn đêm xuống cho thành phố nghỉ ngơi. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 25 Vẽ quê hương

Bài tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 25 Câu 1: Nhớ – viết: Vẽ quê hương (các khổ thơ 2, 3) 

Phương pháp giải:

Em thực hiện bài viết vào vở.

Chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Viết hoa các chữ cái đầu dòng mỗi dòng thơ.

Lời giải:

Em hoàn thành bài viết vào vở.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 25 Câu 2: Tìm chữ phù hợp với ô trống:

a) Chữ s hay x?

Mùa xuân, khi mưa phùn và _ương _ớm lẫn vào nhau, cây gạo ngoài cổng chùa bật ra những đóa hoa làm _áng bừng một góc trời. Tiếng chim _áo về ríu rít. Nghe mà _ốn _ang mãi.

Theo BĂNG SƠN

b) Chữ n hay ng?

Bà_ xòe những lá non

Xoa_ rắc hoa tím ngát

Đậu nảy mầm ngơ ngác

Nhì_ hoa gạo đỏ cành

Lúa chiêm bát ngát xanh

Chờ ngày mai sấm gọi

Đom đóm quê_ sớm tối

Đêm thắp đè_ chơi xuâ_

LÊ QUANG TRANG

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.  

Lời giải:

a) Mùa xuân, khi mưa phùn và sương sớm lẫn vào nhau, cây gạo ngoài cổng chùa bật ra những đóa hoa làm sáng bừng một góc trời. Tiếng chim sáo về ríu rít. Nghe mà xốn xang mãi. 

Theo BĂNG SƠN

b) Bàng xòe những lá non

Xoan rắc hoa tím ngát

Đậu nảy mầm ngơ ngác

Nhìn hoa gạo đỏ cành

Lúa chiêm bát ngát xanh

Chờ ngày mai sấm gọi

Đom đóm quên sớm tối

Đêm thắp đèn chơi xuân

LÊ QUANG TRANG

Tiếng Việt lớp 3 trang 25 Câu 3:

Chọn tiếng trong ngoặc đơn phù hợp với ô trống:

a) (sẻ, xẻ): chia _, cưa _, suôn _, san _

b) (bản, bảng): _ lớp, _ làng, _ kế hoạch, _ vàng thi đua. 

Phương pháp giải:

Em dựa vào kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.   

Lời giải:

a) (sẻ, xẻ): chia sẻ, cưa xẻ, suôn sẻ, san sẻ

b) (bản, bảng): bảng lớp, bản làng, bản kế hoạch, bảng vàng thi đua.

Tiếng Việt lớp 3 trang 26 Kho báu

Bài tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 26 Câu 1: Nghe và kể lại câu chuyện: 

KHO BÁU

Ngụ ngôn Ê-dốp

Nghe - kể: Kho báu trang 26 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 1)

Gợi ý:

a) Hai vợ chồng người nông dân chịu khó như thế nào?

b) Tính tình hai người con của họ ra sao? 

c) Trước khi mất, người cha dặn dò các con điều gì?

d) Hai người con đã làm gì? Không tìm thấy thứ cha nói, họ làm gì?

e) Cuối cùng, hai người con đã thay đổi như thế nào?

Phương pháp giải:

Em lắng nghe cô giáo kể chuyện và dựa vào gợi ý để kể lại câu chuyện. 

Lời giải:

Kho báu

1. Ngày xưa, có hai vợ chồng người nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu. Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời. Đến vụ lúa, họ cấy lúa, gặt hái xong, lại trồng khoai, trồng cà. Họ không để cho đất nghỉ, mà cũng chẳng lúc nào ngơi tay. Nhờ làm lụng chuyên cần, họ đã gây dựng được một cơ ngơi đàng hoàng.

2. Nhưng rồi, hai ông bà mỗi ngày một già yếu. Hai con trai của họ đều ngại làm ruộng, chỉ mơ chuyện hão huyền. Ít lâu sau, bà lão qua đời. Rồi ông lão cũng lâm bệnh nặng. Biết mình khó lòng qua khỏi, ông dặn dò các con:

– Cha không sống mãi để lo cho các con được. Ruộng nhà có một kho báu, các con hãy tự đào lên mà dùng. 

3. Theo lời cha, hai người con đào bới cả đám ruộng mà chẳng thấy kho báu đâu. Vụ mùa đến, họ đành trồng lúa. Nhờ làm đất kĩ, vụ ấy lúa bội thu. Hết mùa, hai người con lại ra công đào bới mà vẫn không tìm được gì. Mùa tiếp theo, họ lại đành trồng lúa và vụ ấy lúa cũng bội thu.

Liên tiếp mấy vụ liền được mùa, hai anh em có của ăn của để. Lúc ấy, họ mới hiểu lời dặn dò khi trước của người cha.

Tiếng Việt lớp 3 trang 26 Câu 2: Trao đổi về nội dung, ý nghĩa câu chuyện.

a) Em hiểu kho báu mà người cha dặn các con tìm là gì?

b) Câu chuyện khuyên chúng ta điều gì? 

Phương pháp giải:

Em trao đổi cùng các bạn.   

Lời giải:

a) Kho báu mà người cha dặn các con tìm chính là lao động, cần cù làm lụng để tạo ra của cải bằng chính sức lao động của mình. 

b) Câu chuyện khuyên chúng ta không nên trông chờ vào những điều có sẵn. Chúng ta phải biết dùng đôi tay và trí óc của mình để tạo ra của cải, vật chất, từ đó có được hạnh phúc.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 27, 28 Phép mầu trên sa mạc

Bài đọc

Phép mầu trên sa mạc

Hầu hết diện tích I-xra-en là sa mạc và núi đá, khí hậu cực kì khắc nghiệt. Nhưng người I-xra-en đã biến sa mạc thành ruộng đồng xanh tốt bằng kĩ thuật tưới nhỏ giọt. Nhờ hệ thống đường ống gắn các đầu nhỏ giọt, nước và phân bón được cung cấp thường xuyên, giúp cây phát triển, phủ xanh sa mạc.

Phép mầu trên sa mạc trang 27, 28 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 1)

Trên sa mạc, xen giữa những cánh đồng cà chua, anh đào, ô liu,... là những trang trại thủy sản lớn. I-xra-en, một đất nước phải tiết kiệm từng giọt nước, đã trở thành nơi xuất khẩu thủy sản. 

Phép mầu trên sa mạc trang 27, 28 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 2)

I-xra-en phát triển không chỉ bằng sự cần cù mà chủ yếu bằng trí óc sáng tạo. Nhờ vậy, thu nhập bình quên của nước này rất cao: Năm 2019, I-xra-en xếp thứ 32 thế giới về thu nhập bình quân. 

Theo CHI MAI

- Ghép đúng: 

Phép mầu trên sa mạc trang 27, 28 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 3)

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ và ghép các câu trả lời phù hợp.  

Lời giải:

Ghép: a – 2, b – 1, c – 4, d - 3 

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 3 trang 27, 28 Câu 1: Người dân I-xra-en đã biến sa mạc thành đồng ruộng xanh tốt bằng cách nào? 

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn 1 bài đọc. 

Lời giải:

Người I-xra-en đã biến sa mạc thành ruộng đồng xanh tốt bằng kĩ thuật tưới nhỏ giọt. Nhờ hệ thống đường ống gắn các đầu nhỏ giọt, nước và phân bón được cung cấp thường xuyên, giúp cây phát triển, phủ xanh sa mạc. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 27, 28 Câu 2: Các trang trại thủy sản của I-xra-en được lập ra ở đâu? 

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn 2 bài đọc.  

Lời giải:

Các trang trại thủy sản của I-xra-en được lập ra xen giữa những cánh đồng cà chua, anh đào, ô liu, trên sa mạc.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 27, 28 Câu 3: Nhờ đâu mà người I-xra-en đã làm nên “phép mầu trên sa mạc”? 

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn 3 bài đọc.  

Lời giải:

Nhờ sự cần cù và chủ yếu bằng trí óc sáng tạo mà người I-xra-en đã làm nên “phép mầu trên sa mạc”. 

Luyện tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 27, 28 Câu 1: Tìm trong bài đọc 2 câu có sử dụng từ bằng. 

Phương pháp giải:

Em đọc lại bài đọc để hoàn thành bài tập.  

Lời giải:

- Nhưng người I-xra-en đã biến sa mạc thành ruộng đồng xanh tốt bằng kĩ thuật tưới nhỏ giọt.

- I-xra-en phát triển không chỉ bằng sự cần cù mà chủ yếu bằng trí óc sáng tạo. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 27, 28 Câu 2: Tìm các từ ngữ chỉ những sự vật thể hiện đặc điểm của nông thôn mới: 

Phép mầu trên sa mạc trang 27, 28 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 4)

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ để hoàn thành bài tập.  

Lời giải:

Kĩ thuật mới, đường nhựa, máy nông nghiệp, đèn điện, nhà văn hóa, in-tơ-nét. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 29 Viết thư gửi người thân

Bài tập

Tiếng Việt lớp 3 trang 29 Câu 1: Viết một bức thư gửi người thân (ông, bà, cô, chú, bác, dì, cậu,...) theo một trong hai đề sau:

a) Nếu cảm xúc của em về con người (hoặc cảnh vật) ở nông thôn sau một chuyến về thăm quê (hoặc một kì nghỉ ở nông thôn).

b) Kể về những thay đổi tốt đẹp gần đây ở địa phương em. 

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân và viết bức thư cho một người thân mà em muốn.  

Lời giải:

..., ngày .../.../20...

Chị Hồng Nhung thân mến!

Dạo này chị có khỏe không ạ? Chị đi học ở xa nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Tuần trước em được bố mẹ cho đi thăm quê ngoại đấy, nếu có chị đi cùng chắc sẽ rất vui. Ngay từ đầu làng, em đã nhìn thấy một cây đa rất to, tán cây xoè bóng mát rất rộng. Những ngày hè oi ả, ai đi qua hay đi làm về cũng dừng chân ngồi nghỉ dưới tán cây râm mát này. Hai bên đường vào làng là những cánh đồng lúa vàng óng trải dài. Hương lúa thơm ngào ngạt. Thỉnh thoảng lại có một vài chiếc ao nhỏ được người dân thả bèo và hoa sen. Những bông hoa bèo tim tím trông rất mát mẻ, còn những bông hoa sen thì đủ màu sắc kiêu xa đón chào những người con quê hương. Làng còn có một ngôi chùa rất to và rất đẹp. Thấp thoáng trong làng là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Cuộc sống nơi đây rất êm đềm chị ạ.

Thôi em chào chị, chúc chị mạnh khoẻ và chăm viết thư cho em nhiều.  

Em gái

Liên

Mai Liên

Tiếng Việt lớp 3 trang 29 Câu 2: Minh họa cho nội dung bức thư bằng tranh em vẽ hoặc tranh ảnh sưu tầm. 

Phương pháp giải:

Em sưu tầm tranh, ảnh trong sách, báo, tạp chí.   

Lời giải:

Em chủ động hoàn thành bài tập.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 29 Câu 3: Tập ghi phong bì thư. 

Viết thư gửi người thân trang 29 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 - Cánh diều (ảnh 1)

Gợi ý:

- Góc bên trái (phía trên): ghi hộ và tên, địa chỉ người gửi. 

- Góc bên phải (phía dưới): ghi họ và tên, địa chỉ người nhận.

- Góc bên phải (phía trên): dán tem trược khi bỏ thư vào hòm thư.

Phương pháp giải:

Em dựa vào gợi ý và tập ghi phong bì thư.  

Lời giải:

Em chủ động hoàn thành bài tập.   

Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Tiếng Việt lớp 3 trang 17, 18 Vẽ quê hương...

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Đọc sách báo viết về nông thôn...

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Ôn chữ viết hoa: P, Q...

Tiếng Việt lớp 3 trang 19 Trao đổi: Kì nghỉ thú vị...

Tiếng Việt lớp 3 trang 20, 21 Hương làng...

Tiếng Việt lớp 3 trang 23 Viết thư thăm bạn...

Tiếng Việt lớp 3 trang 24 Làng em...

Tiếng Việt lớp 3 trang 25 Nhớ - viết: Vẽ quê hương...

Tiếng Việt lớp 3 trang 26 Kho báu...

Tiếng Việt lớp 3 trang 27, 28 Phép mầu trên sa mạc...

 
Đánh giá

0

0 đánh giá