Lời giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 14: Anh em một nhà Cánh diều gồm đầy đủ các phần Chia sẻ và đọc, Viết, Đọc, Nói và nghe, Tự đọc sách báo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:
Tiếng Việt lớp 3 Bài 14: Anh em một nhà
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Hũ bạc
Chia sẻ
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Câu 1: Mỗi tấm ảnh dưới đây thể hiện hoạt động hoặc trang phục của một dân tộc ở Việt Nam. Hãy nói điều em thích trong một tấm ảnh.
Phương pháp giải:
Em quan sát hình ảnh và liên hệ bản thân để nói lên cảm xúc của mình.
Lời giải:
Em thích hình ảnh số 5, trong hình ảnh có tà áo dài và nón lá rất đẹp.
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Câu 2: Kể thêm tên một số dân tộc khác ở Việt Nam mà em biết.
Phương pháp giải:
Em dựa vào hiểu biết của mình để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Một số dân tộc khác mà em biết là: Mường, Tày, Nùng, Chu-Ru, Hà Nhì, Tà Ôi, Gia Rai, Bru-Vân Kiều,...
Bài đọc
Hũ bạc
Xưa, có hai vợ chồng rất siêng năng nên về già để dành được một hũ bạc. Hai ông bà chỉ buồn vì người con trai lười biếng.
Một hôm, ông lão bảo con:
- Cha muốn thấy con tự mình kiếm được tiền. Con hãy đi làm và mang tiền về đây!
Bà mẹ sợ con vất vả, liền dúi tiền cho. Người con cầm tiền đi chơi, khi chỉ còn vài đồng mới về đưa cho cha. Người cha vứt ngay nắm tiền xuống áo. Thấy con vẫn thản nhiên, ông nghiêm giọng:
- Đây không phải tiền con làm ra.
Người con lại ra đi. Bà mẹ chỉ dám cho ít tiền ăn. Hết tiền, anh đành phải đi làm thuê. Anh ăn tiêu tiết kiệm, cố gắng dành dụm tiền. Ba tháng sau, anh trở về, đưa tiền cho cha.
Ông lão hỏi:
- Tiền này con tự làm ra phải không?
- Thưa cha, vâng ạ.
Ông lão ném mấy đồng tiền vào bếp lửa. Người con vội thọc tay vào lửa, lấy tiền ra. Ông lão cười:
- Cha rất mừng vì tiền đó chính tay con làm ra. Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý đồng tiền.
Lúc đó, ông mới đưa hũ bạc cho con và bảo:
- Nếu con lười biếng, cha mẹ có cho một trăm hũ bạc cũng không đủ. Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là đôi bàn tay con.
Truyện dân gian Chăm
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Câu 1: Thấy người con lười biếng, người cha bảo con làm gì?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 của bài đọc.
Lời giải:
Thấy người con lười biếng, người cha bảo con hãy đi làm và mang tiền về.
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Câu 2: Lần đầu người con mang tiền về, vì sao người cha biết đó không phải tiền do con tự làm ra?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 2 của bài đọc.
Lời giải:
Lần đầu người con mang tiền về, người cha biết đó không phải tiền do con tự làm ra vì khi người cha vứt nắm tiền xuống ao, người con trai vẫn thản nhiên.
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Câu 2: Lần thứ hai người con mang tiền về, vì sao người cha biết đó là tiền do con làm ra?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 3 của bài đọc.
Lời giải:
Lần thứ hai người con mang tiền về, người cha biết đó là tiền do con làm ra vì khi người cha ném tiền vào bếp lửa, người con vội vàng thọc tay vào lửa lấy tiền ra.
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Câu 4: Em thích nhất câu nói nào trong câu chuyện này? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em liên hệ bản thân và nói lên suy nghĩ của mình.
Lời giải:
Em thích nhất câu nói “Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là đôi bàn tay con” trong câu chuyện này. Vì câu nói chỉ ra rằng có làm lụng, lao động thì mới tạo ra của cải, đôi tay có thể làm nên tất cả.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Câu 1: Đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm trong các câu dưới đây:
a) Người con ăn tiêu rất tiết kiệm, cố gắng dành dụm để mang tiền về.
b) Ông lão ném mấy đồng tiền vào bếp lửa để thử lòng con trai.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) Người con ăn tiêu rất tiết kiệm, cố gắng dành dụm để làm gì?
b) Vì sao ông lão ném mấy đồng tiền vào bếp lửa?
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Câu 2: Tìm trong bài đọc:
a) Một câu kể.
b) Một câu hỏi.
c) Một câu khiến.
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
a) Một câu kể: Xưa, có hai vợ chồng rất siêng năng nên về già để dành được một hũ bạc.
b) Một câu hỏi: Tiền này con tự làm ra phải không?
c) Một câu khiến: Con hãy đi làm và mang tiền về đây!
Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Đọc sách báo viết về các dân tộc anh em
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 1: Tìm đọc thêm ở nhà:
- 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về các dân tộc anh em.
- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về các dân tộc anh em.
Phương pháp giải:
Em tìm hiểu ở sách, báo, tạp chí về những câu chuyện, bài thơ để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Em có thể tham khảo các bài đọc như: Bác Hồ với các chiến sĩ dân tộc, Truyện thơ các dân tộc thiểu số,...
Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 2: Viết vào phiếu đọc sách:
- Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn câu thơ em thích).
- Cảm nghĩ của em.
Phương pháp giải:
Em lựa chọn bài đọc mà em ấn tượng ở câu 1 sau đó liên hệ bản thân để nói lên cảm nghĩ của mình.
Lời giải:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Ôn chữ viết hoa: T, V
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Câu 1: Viết tên riêng: Trà Vinh
Ôn chữ viết hoa: T, V
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Tục ngữ
Lời giải:
Em thực hiện viết bài vào vở.
Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Câu 2: Viết câu:
Lời giải:
Em thực hiện viết bài vào vở.
Chú ý:
- Viết đúng chính tả.
- Viết hoa các chữ cái đầu dòng, viết hoa tên riêng.
Trả lời các câu hỏi phần Kể chuyện: Hũ bạc trang 48 SGK Tiếng Việt 3 Tập 2 Cánh diều giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 từ đó học tốt môn Tiếng Việt lớp 3.
Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Kể chuyện: Hũ bạc
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Câu 1: Kể lại câu chuyện Hũ bạc theo lời người con
a) Kể đoạn 1 và 2:
b) Kể đoạn 3, 4, 5:
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài đọc và nhìn theo tranh để kể lại câu chuyện.
Lời giải:
a) Kể đoạn 1, 2:
Cha mẹ tôi rất siêng năng nên về già để dành được một hũ bạc. Hai ông bà chỉ buồn vì tôi lười biếng.
Một hôm, cha bảo tôi rằng:
- Cha muốn thấy con tự mình kiếm được tiền. Con hãy đi làm và mang tiền về đây!
Mẹ sợ tôi vất vả, liền dúi tiền cho. Tôi đã cầm tiền đi chơi, khi chỉ còn vài đồng mới về đưa cho cha. Cha vứt ngay nắm tiền xuống áo. Mà tôi vẫn thản nhiên, ông nghiêm giọng:
- Đây không phải tiền con làm ra.
b) Kể đoạn 3, 4, 5:
Tôi lại ra đi. Lần này mẹ chỉ dám cho tôi ít tiền ăn. Hết tiền, tôi đành phải đi làm thuê. Tôi ăn tiêu tiết kiệm, cố gắng dành dụm tiền. Ba tháng sau, tôi trở về, đưa tiền cho cha.
Cha hỏi:
- Tiền này con tự làm ra phải không?
- Thưa cha, vâng ạ.
Cha ném mấy đồng tiền vào bếp lửa. Tôi vội thọc tay vào lửa, lấy tiền ra. Cha cười:
- Cha rất mừng vì tiền đó chính tay con làm ra. Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý đồng tiền.
Lúc đó, cha mới đưa hũ bạc cho tôi và bảo:
- Nếu con lười biếng, cha mẹ có cho một trăm hũ bạc cũng không đủ. Hũ bạc tiêu không bao giờ hết chính là đôi bàn tay con.
Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Câu 2: Trao đổi:
a) Em thích điều gì ở người cha trong câu chuyện trên?
b) Theo em, điều đáng quý ở người con là gì?
c) Câu chuyện muốn khuyên em điều gì?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và liên hệ bản thân để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
a) Em thích sự nghiêm khác của người chả trong câu chuyện, ông đã cố gắng để người con hiểu được giá trị của đồng tiền và biết quý trọng đồng tiền.
b) Điều đáng quý ở người con là anh đã biết thay đổi, không còn lười biếng, cố gắng làm lụng để kiếm tiền.
c) Câu chuyện khuyên em phải biết quý trọng đồng tiền, biết yêu lao động, không nên lười biếng.
Tiếng Việt lớp 3 trang 49 Bên ô cửa đá
Bài đọc
Bên ô cửa đá
Buổi sáng em ngồi học Mây rủ nhau vào nhà Ông Mặt Trời khó nhọc Đang leo dốc đằng xa.
Lảnh lót tiếng chim ca Kéo nắng lên rạng rỡ Cả khoảng trời bao la Hiện dần qua ô cửa. |
Trong bếp còn đỏ lửa Hương ngô thoảng ra ngoài Rìa đường dăm chú ngựa Đứng nghe em học bài.
Bản Mông em sơ sài Chênh vênh trên núi đá Vẫn có bao điều lạ Từ sách hồng bước ra. HOÀI KHÁNH |
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 49 Câu 1: Tìm những hình ảnh trong các khổ thơ 1, 2 miêu tả vẻ đẹp của buổi sáng vùng cao.
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thơ 1, 2.
Lời giải:
Những hình ảnh trong các khổ thơ 1, 2 miêu tả vẻ đẹp của buổi sáng vùng cao:
- Mây rủ vào nhà chơi/ Ông Mặt Trời khó nhọc / Đang leo dốc đằng xa.
- Lảnh lót tiếng chim ca / Kéo nắng lên rực rỡ.
Tiếng Việt lớp 3 trang 49 Câu 2: Các khổ thơ 3, 4 cho em biết điều gì về cuộc sống của đồng bào Mông?
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thơ 3, 4.
Lời giải:
Các khổ thơ 3, 4 cho em biết về cuộc sống của đồng bào Mông là: tuy đơn sơ nhưng rất yên bình, thanh tĩnh, không khí trong lành, có hương thơm bếp lửa, có ngựa ăn cỏ bên đường,...
Tiếng Việt lớp 3 trang 49 Câu 3: Em hiểu hai dòng thơ cuối như thế nào?
a) Bản Mông sơ sài nhưng vẫn có rất nhiều điều lạ.
b) Trên núi đá chênh vênh có rất nhiều điều lạ.
c) Bạn nhỏ biết thêm nhiều điều mới lạ từ những trang sách.
Phương pháp giải:
Em đọc hai dòng thơ cuối bài.
Lời giải:
Em hiểu hai dòng thơ cuối là:
c) Bạn nhỏ biết thêm nhiều điều mới lạ từ những trang sách.
Tiếng Việt lớp 3 trang 49 Câu 4: Bài thơ cho thấy tình cảm của bạn nhỏ với quê hương mình như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc bài thơ để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Bài thơ cho thấy bạn nhỏ rất yêu và tự hào về quê hương mình.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 49 Câu 1: Dựa vào nội dung bài thơ, em hãy đặt câu nói về cảnh thiên nhiên buổi sáng ở bản Mông:
a) Một câu kể.
b) Một câu cảm.
Phương pháp giải:
Em dựa vào nội dung bài thơ và đặt câu.
Lời giải:
a) Một câu kể: Buổi sáng, bạn nhỏ ngồi học bên cửa sổ, thấy thiên nhiên quê mình đẹp như tranh vẽ.
b) Một câu cảm: Buổi sáng, không khí trong lành hòa với tiếng chim ca kéo ánh nắng lên, khung cảnh ấy đẹp biết bao!
Tiếng Việt lớp 3 trang 49 Câu 2: Viết tên các dân tộc được nêu ở phần Chia sẻ (trang 45).
Phương pháp giải:
Em nhớ lại phần Chia sẻ (trang 45) để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Người Ba-na, người Chăm, người Dao, người Khmer, người Kinh, người Mông (Hmông).
Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Viết về nhân vật yêu thích
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 1: Chọn 1 trong 2 đề:
VIẾT VỀ NHÂN VẬT YÊU THÍCH
1. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về một nhân vật em yêu thích trong câu chuyện Hũ bạc (nhân vật người cha hoặc người con).
Gợi ý:
a) Nhân vật đó có đức tính gì đáng quý?
- Nếu viết về người cha: Người cha chăm chỉ và tiết kiệm như thế nào? Cách ông dạy con có gì hay? Câu nói của ông ở cuối câu chuyện giúp người con hiểu ra điều gì?
- Nếu viết về người con: Trước kia, tính nết người con thế nào? Say này, anh đã thay đổi như thế nào? Điều gì đã làm anh thay đổi?
b) Qua câu chuyện, em rút ra bài học gì?
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Bài tham khảo 1:
Trong câu chuyện Hũ bạc, em rất thích nhân vật người cha. Người cha có đức tính cần cù, chăm chỉ, biết tiết kiệm. Khi thấy con trai mình lười biếng, ông đã không nuông chiều con mà bảo con hãy đi làm kiếm tiền để biết quý trọng đồng tiền, Ông đã ném tiền xuống nước và vào bếp lửa để thử người con. Câu nói của ông ở cuối câu chuyện giúp người con hiểu rằng chỉ có lao động chăm chỉ mới có thể làm ra tiền, nếu không làm việc thì có bao nhiêu tiền cũng hết.
Bài tham khảo 2:
Trong truyện Hũ bạc, em thích nhân vật người con, trước kia, anh là một người lười biếng, không chịu làm việc. Sau này, dưới sự dạy bảo của người cha, anh đã ra ngoài đi làm, tiết kiệm tiền mang về. Anh ra ngoài mới biết kiếm được đồng tiền vất vả thế nào, biết quý trọng đồng tiền, từ đó anh đã thay đổi thành một người chăm chỉ, yêu lao động.
Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 2: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về một nhân vật em yêu thích trong câu chuyện em đã đọc hoặc bộ phim em đã xem.
Gợi ý:
- Tên truyện (phim) đó là gì?
- Em thích nhân vật nào trong truyện (phim) đó?
- Nhân vật ấy có đặc điểm hoặc hoạt động gì khiến em yêu thích?
Phương pháp giải:
Em tự liên hệ bản thân và dựa vào gợi ý để viết về nhân vật mà em yêu thích.
Lời giải:
Bài tham khảo 1:
Trong dân gian của chúng ta, có biết bao nhiêu nhân vật truyền thuyết nổi tiếng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học khác nhau. Trong số đó, có lẽ nhân vật mà em yêu thích và đã để lại cho em nhiều ấn tượng đó chính là Sơn Tinh. Sơn Tinh là một vị thần ở núi Tản Viên đã chống chọi mọi cuộc tấn công của Thủy Tinh khi hai người đang cố giành Mị Nương cho mình. Sơn Tinh đại diện cho bên tốt, có lòng vị tha và khoan dung, ngược lại, Thủy Tinh là một người rất xấu xa, đã đang lũ làm ngập lụt, thiệt hại cho nhân dân. Trong câu chuyện, Sơn Tinh đã cố làm mọi cách để không cho Thủy Tinh dâng nước phá hoại làng xóm. Em rất yêu thích nhân vật Sơn Tinh!
Bài tham khảo 2:
Truyện mà em thích nhất là Sọ Dừa. Chàng trai Sọ Dừa sinh ra đã mang một dáng hình khác lạ, xấu xí nhưng chàng lại có nhiều tài năng, phẩm chất tốt đẹp. Vì muốn giúp đỡ mẹ, chàng đã xin đến ở nhà phú ông và chăn bò rất giỏi, con nào con nấy no căng. Không những vậy, chàng còn gặp được người con gái út của phú ông có tấm lòng nhân hậu, tốt bụng và nên duyên vợ chồng. Trải qua nhiều gian nan và thử thách, cuối cùng hai vợ chồng Sọ Dừa đã có được cuộc sống hạnh phúc. Đó là một kết thúc có hậu, phần thưởng xứng đáng cho những con người hiền lành, lương thiện.
Tiếng Việt lớp 3 trang 51, 52 Hội đua ghe ngo
Bài đọc
Hội đua ghe ngo
Hội đua ghe ngo diễn ra vào dịp lễ hội Cúng Trăng giữa tháng 10 âm lịch hằng năm.
Ghe ngo được làm từ gỗ cây sao, dài từ 10 mét trở lên, chứa được từ 20 đến 40 tay chèo. Ghe được chà nhẵn bóng để lướt nhanh trên dòng sông. Mũi và đuôi ghe cong vút, tạo hình rắn thần. Thân ghe vẽ hoa văn và sơn màu sặc sỡ. Mỗi ghe ngo là của một hoặc một vài phum, sóc. Ghe được cất giữ ở chùa, mỗi năm chỉ được hạ thủy một lần vào dịp hội. Trước ngày hội, các tay đua còn phải tập chèo theo nhịp trên cạn cho quen.
Vào cuộc đua, mỗi ghe có một người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi chỉ huy và một người đứng giữa ghe giữ nhịp. Theo hiệu lệnh, những mái chèo đưa nhanh thoăn thoắt, đều tăm tắp, đẩy chiếc ghe lướt nhanh trên sông. Tiếng trống hội, tiếng hò reo cổ vũ vang dội cả một vùng sông nước.
Theo PHƯƠNG NGHI
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 51, 52 Câu 1: Hội đua ghe ngo diễn ra vào dịp nào?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 của bài đọc.
Lời giải:
Hội đua ghe ngo diễn ra vào dịp lễ hội Cúng Trăng giữa tháng 10 âm lịch hằng năm.
Tiếng Việt lớp 3 trang 51, 52 Câu 2: Những chiếc ghe ngo có gì đặc biệt?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 2 của bài đọc.
Lời giải:
Những chiếc ghe ngo được làm từ gỗ cây sao, dài từ 10 mét trở lên, chứa được từ 20 đến 40 tay chèo. Ghe được chà nhẵn bóng để lướt nhanh trên dòng sông. Mũi và đuôi ghe cong vút, tạo hình rắn thần. Thân ghe vẽ hoa văn và sơn màu sặc sỡ.
Tiếng Việt lớp 3 trang 51, 52 Câu 3: Vì sao trước ngày hội, các tay đua phải tập chèo theo nhịp trên cạn?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 2 của bài đọc.
Lời giải:
Ghe được cất giữ ở chùa, mỗi năm chỉ được hạ thủy một lần vào dịp hội nên trước ngày hội, các tay đua phải tập chèo theo nhịp trên cạn để quen nhịp.
Tiếng Việt lớp 3 trang 51, 52 Câu 4: Cuộc đua ghe ngo diễn ra sôi động như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 3 của bài đọc.
Lời giải:
Cuộc đua ghe ngo diễn ra rất sôi động. Những mái chèo đưa nhanh thoăn thoắt, đều tăm tắp, đẩy chiếc ghe lướt nhanh trên sông. Tiếng trống hội, tiếng hò reo cổ vũ vang dội cả một vùng sông nước.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 51, 52 Câu 1: Đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm trong mỗi câu dưới đây:
a) Đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Cúng Trăng để tỏ lòng biết ơn đối với Thần Mặt Trăng.
b) Ghe ngo được chà nhẵn bóng để lướt nhanh trên dòng sông.
Phương pháp giải:
Em đọc và đặt câu hỏi cho phần in đậm trong các câu.
Lời giải:
a) Đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Cúng Trăng để làm gì?
b) Ghe ngo được chà nhẵn bóng để làm gì?
Tiếng Việt lớp 3 trang 51, 52 Câu 2: Sử dụng một câu hỏi Để làm gì?, hỏi đáp với bạn theo nội dung các câu sau:
a) Một người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi ghe để chỉ huy các tay đua.
b) Một người đứng giữa ghe để giữ nhịp cho các tay đua chèo thật đều.
c) Trước ngày hội, các tay đua phải tập chèo theo nhịp trên cạn cho quen.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) Người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi ghe để làm gì?
b) Cần một người đứng giữa ghe để làm gì?
c) Trước ngày hội, các tay đua phải tập chèo theo nhịp trên cạn để làm gì?
Tiếng Việt lớp 3 trang 53 Hội đua ghe ngo
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 53 Câu 1: Nghe – viết: Hội đua ghe ngo (từ “Vào cuộc đua” đến hết)
Chính tả
Phương pháp giải:
Em thực hiện bài viết vào vở.
Chú ý:
- Viết đúng chính tả.
- Viết hoa các chữ cái đầu dòng mỗi dòng thơ.
Lời giải:
Em hoàn thành bài viết vào vở.
Tiếng Việt lớp 3 trang 53 Câu 2: Chọn chữ và dấu thanh phù hợp:
a) Chữ r, d hay gi?
Đây con sông xuôi _òng nước chảy
Bốn mùa soi từng mảnh mây trời
Từng ngọn _ừa _ó đưa phe phẩy
Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi.
Đây con sông như _òng sữa mẹ
Nước về xanh _uộng lúa, vườn cây
Và ăm ắp như lòng người mẹ
Chở tình thương trang trải đêm ngày.
HOÀI VŨ
b) Dấu hỏi hay dấu ngã?
Dòng suối nho trôi nhanh,
Chơ niềm vui đi mai
Cây nêu vừa dựng lại
Duyên dáng khoe sắc màu.
Sân rộng, còn vút cao,
Tiếng cười vang khắp ban
Đu quay tròn, loáng thoáng
Các em mừng, vây tay.
NGUYỄN LONG
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) Chữ r, d hay gi?
Đây con sông xuôi dòng nước chảy
Bốn mùa soi từng mảnh mây trời
Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy
Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi.
Đây con sông như dòng sữa mẹ
Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây
Và ăm ắp như lòng người mẹ
Chở tình thương trang trải đêm ngày.
HOÀI VŨ
b) Dấu hỏi hay dấu ngã?
Dòng suối nhỏ trôi nhanh,
Chờ niềm vui đi mãi
Cây nêu vừa dựng lại
Duyên dáng khoe sắc màu.
Sân rộng, còn vút cao,
Tiếng cười vang khắp bản
Đu quay tròn, loáng thoáng
Các em mừng, vẫy tay.
NGUYỄN LONG
Tiếng Việt lớp 3 trang 53 Câu 3: Giúp chú kiến tha bánh về đúng chỗ:
a) r, d hay gi?
b) Dấu hỏi hay dấu ngã?
Phương pháp giải:
Em dựa vào kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) để dành
giành lấy
rành mạch
tham gia
giày da
đi ra
b) vui vẻ
học vẽ
cơn bão
dạy bảo
nóng nảy
lúc nãy
Tiếng Việt lớp 3 trang 54 Trao đổi: Em đọc sách báo
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 54 Câu 1: Kể lại hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) về các dân tộc anh em trên đất nước ta mà em đã đọc ở nhà.
Mẫu:
Bảo tàng Dân tộc học
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm ở một quận phía tây Thủ đô Hà Nội. Tòa nhà chính của bảo tàng giống như một chiếc trống đồng khổng lổ.
Bảo tàng là nơi trưng bày những hiện vật và hình ảnh tiêu biểu về 54 dân tộc anh em trên đất nước ta. Đến đây, có thể thấy những đồ vật rất gần gũi với đời sống hằng ngày: con dao, chiếc gùi, ống sáo, cây đàn,... Đây là căn nhà sàn của người Thái thấp thoáng những cô gái ngồi bên khung dệt thổ cẩm. Kia là mô hình nhà rộng bên những bộ cồng chiêng, giáo mác cổ kính,...
Ngồi trong bảo tàng, có thể xem những cuốn phim về lễ hội Ka-tê của người Chăm, cảnh chơi xuân của người Mông hay hội cồng chiêng của người Mường,... Khách tham quan còn được hướng dẫn làm bánh, làm đèn Trung thu, lội suối bắt cá,...
Đi khắp bảo tàng, ta cảm thấy như được sống trong không khí vui vẻ, đầm ấm của một ngôi nhà chung – ngôi nhà của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Theo HƯƠNG THỦY
Phương pháp giải:
Em tìm hiểu ở sách, báo, tạp chí về những câu chuyện, bài thơ để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Em tìm đọc các bài văn, bài thơ về các dân tộc Việt Nam như: Ê-đê, Chu Ru, Mường, Tày, Chăm,...
Tiếng Việt lớp 3 trang 54 Câu 2: Trao đổi về câu chuyện (bài thơ, bài văn) em đã đọc.
Gợi ý:
- Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó? Vì sao?
- Câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó nói lên điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc các bài đọc và nói lên cảm xúc của mình.
Lời giải:
Em lựa chọn bài đọc mà em ấn tượng ở câu 1 sau đó liên hệ bản thân để nói lên cảm nghĩ của mình.
Tiếng Việt lớp 3 trang 55, 56 Nhớ Việt Bắc
Bài đọc
Nhớ Việt Bắc
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
TỐ HỮU
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 55, 56 Câu 1: Bài thơ là lời của ai nói với ai? Chọn ý đúng:
a) là lời của người sắp xa Việt Bắc nói với người dân Việt Bắc.
b) Là lời của người dân Việt Bắc nói với người sắp xa Việt Bắc.
c) Là lời của người dân Việt Bắc nói với nhau về quê hương.
Phương pháp giải:
Em đọc 2 câu thơ đầu.
Lời giải:
Bài thơ là:
a) là lời của người sắp xa Việt Bắc nói với người dân Việt Bắc.
Tiếng Việt lớp 3 trang 55, 56 Câu 2: Tìm những hình ảnh đẹp về núi rừng Việt Bắc trong bài thơ.
Phương pháp giải:
Em đọc từ “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” đến “ân tình thủy chung”.
Lời giải:
Những hình ảnh đẹp về núi rừng Việt Bắc trong bài thơ.
- Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
- Ngày xuân mơ nở trắng rừng
- Ve kêu rừng phách đổ vàng
- Rừng thu trăng rọi hòa bình
Tiếng Việt lớp 3 trang 55, 56 Câu 3: Tìm những hình ảnh đẹp về người dân Việt Bắc cần cù lao động.
Phương pháp giải:
Em đọc từ “Rừng xanh hoa chuối” đến “ân tình thủy chung”.
Lời giải:
Những hình ảnh đẹp về người dân Việt Bắc cần cù lao động là:
- Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
- Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
- Nhớ cô em gái hái măng một mình.
- Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Tiếng Việt lớp 3 trang 55, 56 Câu 4: Những câu thơ nào nói lên lòng yêu nước của người dân Việt Bắc?
- Học thuộc lòng 8 dòng thơ cuối.
Phương pháp giải:
Em đọc 4 dòng thơ cuối.
Lời giải:
Những câu thơ nói lên lòng yêu nước của người dân Việt Bắc là:
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 55, 56 Câu 1: Có thể thay bông hoa trong mỗi câu dưới đây bằng dấu câu nào? Dấu câu ấy được dùng làm gì?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Có thể thay bông hoa trong mỗi bằng dấu hai chấm. Dấu câu ấy được dùng đẻ liệt kê, giải thích sự vật, sự việc.
Tiếng Việt lớp 3 trang 55, 56 Câu 2: Dựa theo nội dung bài đọc, em hãy viết tiếp vào vở câu dưới đây, trong câu có sử dụng dấu hai chấm:
Bài thơ Nhớ Việt Bắc đã khắc họa nên hình ảnh đồng bào các dân tộc Việt Bắc với những phẩm chất đáng quý...
Phương pháp giải:
Em dựa vào nội dung bài đọc để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Bài thơ Nhớ Việt Bắc đã khắc họa nên hình ảnh đồng bào các dân tộc Việt Bắc với những phẩm chất đáng quý: cần cù, nghĩa tình, dũng cảm bảo vệ Tổ quốc,...
Tiếng Việt lớp 3 trang 57 Nét đẹp trăm miền
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 57 Câu 1: Chọn 1 trong 2 đề sau:
a) Viết đoạn văn về một ngày tết hoặc lễ hội ở địa phương em.
Gợi ý:
- Đó là ngày tết (lễ hội) nào?
- Ngày tết (lễ hội) diễn ra vào thời gian nào trong năm?
- Mọi người thường làm gì trong những ngày đó?
- Vào những ngày đó, em có cảm xúc như thế nào?
b) Viết đoạn văn về trang phục của một dân tộc mà em biết.
Gợi ý:
- Đó là trang phục của dân tộc nào?
- Trang phục đó gồm có những gì (áo, quần, váy, khăn,...)?
- Trang phục đó có gì đặc biệt (chất liệu vải, hình dáng, màu sắc,...) khiến em yêu thích?
Gắn vào bài viết tranh ảnh mà em sưu tầm, vẽ hoặc cắt dán.
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý và hiểu biết của bản thân để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) Vào mồng năm tháng giêng hàng năm, hội Gò Đống Đa bắt đầu diễn ra. Hội tổ chức tại Gò Đống Đa. Mọi người đi xem rất đông, ai cũng muốn xem tượng đài Quang Trung. Hội bắt đầu bằng hoạt động tưởng nhớ tới anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Hội có những trò chơi như: chơi cờ, đánh đu, chọi gà,… Khi hội kết thúc, em vẫn thấy nuối tiếc và nhớ tới vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Em sẽ học thật giỏi để phục vụ đất nước. Hội Gò Đống Đa đã để lại ấn tượng thật sâu sắc cho em.
b) Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một kiểu trang phục truyền thống riêng. Trong đó, em đã có lần được nhìn thấy tận mắt bộ trang phục của người phụ nữ HMông trong một chuyến du lịch vùng cao. Bộ quần áo của phụ nữ dân tộc Mông gồm có khăn quấn đầu, khăn len đội đầu được dệt bằng tay, váy, yếm được thêu bằng tay.
Bộ trang phục được đính những hạt cườm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Chính vì vậy, để hoàn thành một bộ trang phục mất khá nhiều thời gian. Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người Mông thiên về màu sắc. Đó là sự kết hợp giữa các màu nóng, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng.
Nhìn những bộ trang phục được dệt bằng thổ cẩm nhiều màu sắc như vậy, em thấy rất đẹp và bắt mắt. Nếu có cơ hội, em rất muốn được mặc thử những bộ trang phục này.
Tiếng Việt lớp 3 trang 57 Câu 2: Giới thiệu và bình chọn các đoạn văn hay.
Phương pháp giải:
Em cùng các bạn đọc và bình chọn.
Lời giải:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Tiếng Việt lớp 3 trang 45, 46 Hũ bạc...
Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Đọc sách báo viết về các dân tộc anh em...
Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Ôn chữ viết hoa: T, V...
Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Kể chuyện: Hũ bạc...
Tiếng Việt lớp 3 trang 49 Bên ô cửa đá...
Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Viết về nhân vật yêu thích...
Tiếng Việt lớp 3 trang 51, 52 Hội đua ghe ngo...
Tiếng Việt lớp 3 trang 53 Hội đua ghe ngo...
Tiếng Việt lớp 3 trang 54 Trao đổi: Em đọc sách báo...
Tiếng Việt lớp 3 trang 55, 56 Nhớ Việt Bắc...
Tiếng Việt lớp 3 trang 57 Nét đẹp trăm miền...
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.