Lời giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 16: Bảo vệ Tổ Quốc Cánh diều gồm đầy đủ các phần Chia sẻ và đọc, Viết, Đọc, Nói và nghe, Tự đọc sách báo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:
Tiếng Việt lớp 3 Bài 16: Bảo vệ Tổ Quốc
Tiếng Việt lớp 3 trang 68 Ôn chữ viết hoa U, Ư
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 68 Câu 1: Viết tên riêng: U Minh
Lời giải:
Em thực hiện viết bài vào vở.
Chú ý:
- Viết đúng chính tả.
- Viết hoa các chữ cái đầu dòng, viết hoa tên riêng.
Tiếng Việt lớp 3 trang 68 Câu 2: Viết câu:
Ước mai này như chú
Giữ yên biển quê hương.
HOÀI KHÁNH
Lời giải:
Em thực hiện viết bài vào vở.
Chú ý:
- Viết đúng chính tả.
- Viết hoa các chữ cái đầu dòng, viết hoa tên riêng
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Chú hải quân
Chia sẻ
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Câu 1: Quan sát tranh và cho biết: Những người trong tranh là ai?
Phương pháp giải:
Em quan sát tranh và trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Những người trong tranh là các chiến sĩ hải quân, bộ binh, pháo binh, đặc công.
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Câu 2: Nghe hoặc hát một bài hát về chú bộ đội.
Phương pháp giải:
Em tìm kiếm và nghe, hát các bài hát về chú bộ đội.
Lời giải:
Em có thể tham khảo một số bài hát sau: Hát cùng chú bộ đội, Cháu thương chú bộ đội, Em yêu chú bộ đội,...
Bài đọc
Chú hải quân
Vững vàng trên đảo nhỏ Bồng súng gác biển trời Áo bạc nhàu nắng gió Chú mỉm cười rất tươi.
Giữa trập trùng xa khơi Hải âu vờn quanh chú Bên đảo đá chơi vơi Dạt dào ngàn sóng vỗ. |
Dù nắng mưa, bão tố Các chú vẫn hiên ngang Bao tàu thuyền qua đó Kéo còi chào ngân vang.
Lá cờ đỏ sao vàng Phấp phới bay trong gió Ước mai này như chú Giữ yên biển quê hương. HOÀI KHÁNH |
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Câu 1: Những hình ảnh nào nói lên khó khăn, gian khổ của chú hải quân?
Phương pháp giải:
Em đọc bài thơ để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Những hình ảnh nói lên khó khăn, gian khổ của chú hải quân là:
- Áo bạc nhàu nắng gió
- Giữa tập trùng xa khơi
- Bên đảo đá chơi vơi
- Dạt dào ngàn sóng vỗ
- Dù nắng mưa, bão tố
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Câu 2: Tìm những hình ảnh đẹp của chú hải quân đứng gác.
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thơ 1.
Lời giải:
Những hình ảnh đẹp của chú hải quân đứng gác là:
- Vững vàng trên đảo nhỏ / Bồng súng gác biển trời / Chú mỉm cười rất tươi
- Giữa trập trùng xa khơi / Hải âu vờn quanh chú
- Dù nắng mưa, bão tố / Các chú vẫn hiên ngang
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Câu 3: Hình ảnh nào trong khổ thơ 4 khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam?
Phương pháp giải:
Em đọc khổ thơ 4.
Lời giải:
Hình ảnh trong khổ thơ 4 khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là: Lá cờ đỏ sao vàng / Phấp phới bay trong gió.
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Câu 4: Hai dòng thơ cuối nói lên ước mong gì của bạn nhỏ?
Phương pháp giải:
Em đọc hai dòng thơ cuối bài.
Lời giải:
Hai dòng thơ cuối nói lên ước mong được trở thành người lính hải quân, bảo vệ biển đảo quê hương của bạn nhỏ.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Câu 1: Đặt câu bày tỏ cảm xúc của em:
a) Trước những khó khăn, gian khổ của chú hải quân.
b) Trước những hình ảnh đẹp của chú hải quân.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) Thấy các chú hải quân phải chịu khó, khăn gian khổ để bảo vệ biển quê hương, em thấy thương các chú biết bao!
b) Hình ảnh chú hải quân bồng súng hiên ngang đứng gác biển với nụ cười tươi thật đẹp làm sao!
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Câu 2: Dấu câu nào phù hợp với mỗi ô trống: dấu hai chấm, dấu ngoặc kép hay dấu chấm than?
Trên boong tàu, các chú thủy thủ bỗng reo ầm lên_ “Cá heo_”. Cá heo là bạn của hải quân đấy! Ở một số nước, cá heo được huấn luyện để bảo vệ vùng biển. Các chuyên gia cho biết: _Cá heo mũi chai có khả năng dò tìm thủy lôi nhanh hơn nhiều so với máy móc._.
Theo HOÀNG TRANG
Phương pháp giải:
Em dựa vào kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Trên boong tàu, các chú thủy thủ bỗng reo ầm lên: “Cá heo!”. Cá heo là bạn của hải quân đấy! Ở một số nước, cá heo được huấn luyện để bảo vệ vùng biển. Các chuyên gia cho biết: “Cá heo mũi chai có khả năng dò tìm thủy lôi nhanh hơn nhiều so với máy móc.”.
Theo HOÀNG TRANG
Tiếng Việt lớp 3 trang 68 Đọc sách báo viết về bảo vệ Tổ quốc
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 68 Câu 1: Tìm đọc thêm ở nhà:
- 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về bảo vệ Tổ quốc.
- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về bảo vệ Tổ quốc.
Phương pháp giải:
Em tìm hiểu ở sách, báo, tạp chí về những câu chuyện, bài thơ để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Em có thể tham khảo một số bài đọc như: Từ ấy, Chị Võ Thị Sáu, Tổ quốc nhìn từ biển,...
Tiếng Việt lớp 3 trang 68 Câu 2:
Viết vào phiếu đọc sách:
- Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn câu thơ em thích).
- Cảm nghĩ của em.
Phương pháp giải:
Em đọc các bài đã tìm kiếm, sưu tầm được.
Lời giải:
Em lựa chọn bài đọc mà em ấn tượng ở câu 1 sau đó liên hệ bản thân để nói lên cảm nghĩ của mình.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Kể chuyện: Chàng trai làng Phù Ủng
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 1: Nghe và kể lại câu chuyện:
CHÀNG TRAI LÀNG PHÙ ỦNG
Theo sách Nghìn xưa văn hiến
Gợi ý:
a) Chàng trai ngồi đan sọt ở đâu?
b) Quân lính phải làm gì để dẹp đường?
c) Vị vương hầu và chàng trai đã trò chuyện thế nào?
d) Câu chuyện kết thúc ra sao?
Phương pháp giải:
Em lắng nghe cô giáo kể chuyện và dựa vào gợi ý để kể lại câu chuyện.
Lời giải:
Phạm Ngũ Lão là một vị tướng giỏi thời nhà Trần. Ông có tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Thời trai trẻ của ông cũng thật đáng khâm phục. Câu chuyện kể về ông như sau:
Một buổi sáng, bên vệ đường làng Phù Ủng có một chàng trai ngồi đan sọt. Chàng mải miết với công việc và đăm chiêu suy nghĩ về việc nước nên không hề để ý tới cảnh vật xung quanh mình. Giữa lúc ấy, đoàn quân đưa kiệu Trần Hưng Đạo đi ngang qua làng. Lối hẹp, quân đông, võng xe chật đường, loa phát thanh náo nhiệt. Thế nhưng, chàng trai vẫn ngồi điềm nhiên đan sọt. Quân mở đường giận quá bèn lấy giáo đâm vào đùi chàng trai, máu chảy lai láng nhưng chàng trai vẫn không hay biết.
Kiệu Hưng Đạo Vương đến gần. Lúc ấy, chàng trai mới sực tỉnh và vội đứng dậy vái chào. Hưng Đạo Vương hỏi:
- Đùi bị đâm chảy máu thế kia ngươi không biết sao?
Chàng trai đáp:
- Tôi đang mải nghĩ mấy câu trong sách Binh thư nên không để ý, xin Đại vương xá cho.
Trần Hưng Đạo hỏi tên, chàng trai xưng là Phạm Ngũ Lão. Hỏi đến chiến thuật dùng binh, chàng trai trả lời trôi chảy. Hưng Đạo tỏ lòng mến trọng người tài, đưa theo về kinh đô. Sau đó, Phạm Ngũ Lão cầm quân đánh giặc và lập được chiến công lớn.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Câu 2: Trao đổi:
- Phạm Ngũ Lão là người như thế nào?
- Em thích nhất chi tiết nào trong câu chuyện? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em dựa vào câu chuyện và trao đổi cùng các bạn.
Lời giải:
- Phạm Ngũ Lão là một vị tướng giỏi thời nhà Trần. Ông có tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.
- Em tự liên hệ bản thân để lựa chọn chi tiết mà bản thân yêu thích trong câu chuyện và nói lên cảm xúc của mình.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69, 70 Hai Bà Trưng
Bài đọc
Hai Bà Trưng
Thuở xưa, nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ. Chúng thẳng tay chém giết dân lành, cướp hết ruộng nương màu mỡ. Chúng bắt dân ta lên rừng săn thú lạ, xuống biển mò ngọc trai, khiến bao nhiêu người thiệt mạng vì hổ báo, cá sấu, thuồng luồng,... Lòng dân oán hận ngút trời, chỉ chờ dịp vùng lên đánh đuổi quân xâm lược.
Bấy giờ, ở huyện Mê Linh có hai người con gái tài giỏi là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Cha mất sớm, nhờ mẹ dạy dỗ, hai chị em đều giỏi võ nghệ và nuôi chí giành lại non sông. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách cũng cùng chí hướng với vợ. Tướng giặc Tô Định biết vậy, lập mưu giết chết Thi Sách.
Nhận được tin dữ, Hai Bà Trưng liền kéo quân về thành Luy Lâu hỏi tội kẻ thù. Trước lúc trẩy quân, có người xin nữ chủ tướng cho mặc đồ tang. Trưng Trắc trả lời:
- Không! Ta sẽ mặc giáp phục thật đẹp để dân chúng thêm phấn khích, còn giặc trông thấy thì kinh hồn.
Hai Bà Trưng bước lên bành voi. Đoàn quân rùng rùng lên đường. Giáo lao, cung nỏ, rìu búa, khiên mộc cuồn cuộn tràn theo bóng voi ẩn hiện của Hai Bà. Tiếng trống đồng dội lên vòm cây, đập vào sườn đồi, theo suốt đường hành quân.
Thành trì quân giặc lần lượt sụp đổ dưới chân của đoàn quân khởi nghĩa. Tô Định ôm đầu chạy về nước. Đất nước ta sạch bóng quân thù. Hai Bà Trưng trở thành hai vị anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử nước nhà.
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 69, 70 Câu 1: Tìm đoạn văn ứng với mỗi ý sau:
a) Tội ác của giặc ngoại xâm.
b) Nuôi chí lớn giành lại non sông.
c) Khí thế của nghĩa quân.
d) Khởi nghĩa thắng lợi.
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) Tội ác của giặc ngoại xâm: Từ “Thuở xưa,...” đến “đánh đuổi quân xâm lược.”.
b) Nuôi chí lớn giành lại non sông: Từ “Bấy giờ,...” đến “lập mưu giết chết Thi Sách.”.
c) Khí thế của nghĩa quân: Từ “Nhận được tin dữ” đến “theo suốt đường hành quân.”.
d) Khởi nghĩa thắng lợi: Từ “Thành trì...” đến hết.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69, 70 Câu 2: Giặc ngoại xâm gây ra những tội ác như thế nào đối với dân ta?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 của bài đọc.
Lời giải:
Giặc ngoại xâm gây ra những tội ác đối với dân ta là:
- Chúng thẳng tay chém giết dân lành, cướp hết ruộng nương màu mỡ.
- Chúng bắt dân ta lên rừng săn thú lạ, xuống biển mò ngọc trai, khiến bao nhiêu người thiệt mạng vì hổ báo, cá sấu, thuồng luồng,...
Tiếng Việt lớp 3 trang 69, 70 Câu 3: Tìm những chi tiết thể hiện:
a) Tài năng và chí lớn của Hai Bà Trưng.
b) Khí phách hiên ngang của Hai Bà Trưng.
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 2 và đoạn 3 của bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Những chi tiết thể hiện:
a) Tài năng và chí lớn của Hai Bà Trưng: Cha mất sớm, nhờ mẹ dạy dỗ, hai chị em đều giỏi võ nghệ và nuôi chí giành lại non sông.
b) Khí phách hiên ngang của Hai Bà Trưng:
Hai Bà Trưng liền kéo quân về thành Luy Lâu hỏi tội kẻ thù. Trước lúc trẩy quân, có người xin nữ chủ tướng cho mặc đồ tang. Trưng Trắc trả lời:
- Không! Ta sẽ mặc giáp phục thật đẹp để dân chúng thêm phấn khích, còn giặc trông thấy thì kinh hồn.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69, 70 Câu 4: Những hình ảnh nào nói lên khí thế oai hùng và thắng lợi vang dội của đoàn quân khởi nghĩa?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 4 của bài đọc.
Lời giải:
Những hình ảnh nói lên khí thế oai hùng và thắng lợi vang dội của đoàn quân khởi nghĩa:
- Hai Bà Trưng bước lên bành voi. Đoàn quân rùng rùng lên đường. Giáo lao, cung nỏ, rìu búa, khiên mộc cuồn cuộn tràn theo bóng voi ẩn hiện của Hai Bà. Tiếng trống đồng dội lên vòm cây, đập vào sườn đồi, theo suốt đường hành quân.
- Thành trì quân giặc lần lượt sụp đổ dưới chân của đoàn quân khởi nghĩa.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 69, 70 Câu 1: Tìm các tên người, tên địa lí trong bài.
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
- Tên người: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sách, Tô Định.
- Tên địa lí: Mê Linh, Luy Lâu.
Tiếng Việt lớp 3 trang 69, 70 Câu 2: Các tên người, tên địa lí nói trên được viết hoa như thế nào?
Phương pháp giải:
Em dựa vào các tên người đã tìm để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Các tên người, tên địa lí nói trên được viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng trong tên.
Tiếng Việt lớp 3 trang 71 Viết về người anh hùng
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 71 Câu 1: Viết đoạn văn về một anh hùng chống giặc ngoại xâm mà em biết.
Gợi ý:
- Người đó là ai?
- Người đó tài giỏi và có chí lớn như thế nào?
- Người đó có công lao hoặc đóng góp gì?
- Tình cảm của em đối với người anh hùng đó?
- Gắn tranh ảnh em sưu tầm vào đoạn viết.
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Bài tham khảo 1:
Một trong những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm mà em yêu thích và ấn tượng nhất, chính là Lý Thường Kiệt. Ông là một vị tướng tài giỏi và dũng cảm ở thời nhà Lý. Lúc đó, quân Tống lăm le xâm lược nước ta để thỏa mãn những tham vọng xấu xa của chúng. Là tướng quân của quân đội ta, Lý Thường Kiệt đã suy nghĩ, tìm cách chống lại kẻ thù. Cuối cùng, ông quyết định tấn công quân Tống trước, khiến chúng chẳng kịp trở tay. Vậy là, Lý Thường Kiệt đã dẫn đầu đại quân, tấn công vào kẻ địch ở biên giới, và còn tấn công cả hai châu của nhà Tống. Những trận đánh đó đã thành công vang dội, đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống. Đồng thời ghi danh Lý Thường Kiệt vào trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc ta.
Bài tham khảo 2:
Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong suốt những năm đó, biết bao anh hùng đã đứng lên để lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập cho dân tộc. Nhưng em cảm thấy ấn tượng nhất với Nguyễn Trãi - vị tướng tài ba đã giúp quân ta giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống lại quân Minh xâm lược. Nguyễn Trãi (1380 - 1442), quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khi quân Minh đến xâm lược nước ta, Nguyễn Trãi đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là quân sư cho Lê Lợi trong nhiều trận đánh quan trọng. Không chỉ có tài năng quân sự, mà ông còn là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông được UNESCO công nhận là Danh nhân quân sự thế giới. Em rất ngưỡng mộ Nguyễn Trãi.
Tiếng Việt lớp 3 trang 71 Câu 2: Giới thiệu và bình chọn những đoạn văn hay.
Phương pháp giải:
Em đọc, lắng nghe và lựa chọn cùng các bạn.
Lời giải:
Em chủ động hoàn thành bài tập.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Trận đánh trên không
Bài đọc
Trận đánh trên không
Hai chiếc Mích bám theo nhau cùng vút lên trong khoảng trời xanh lóa nắng. Phía dưới Lương và Sáu, mây đã mỏng và thưa đi, để lộ rõ những dãy núi phơi sống lưng lởm chởm.
- Thăng Long! Mục tiêu phía trước, 12 cây.
- Thăng Long nghe rõ! – Tiếng Sáu đanh gọn trả lời.
Thấp thoáng trong mây mỏng, một thằng địch đang bay là là trên những ngọn núi.
- Xin phép công kích.
- Cho công kích!
Lương đâm xuống ngay trên lưng thằng địch, bắn một loạt đạn. Những đốm lửa đỏ phùn phụt bay về phía trước. Lương vọt lên, vượt qua thằng địch. Nó vẫn bay ngoằn ngoèo.
Chiếc Mích vòng lại, nghiêng cánh bổ xuống lần thứ hai. Chiếc máy bay địch màu vàng bẩn cứ mỗi giây một to thêm, lấp đầy cả vòng kính ngắm. Lương bóp cò. Anh có cảm tưởng như đang túm tận gáy thằng địch mà quật xuống. Những đốm đỏ xuyên thẳng vào đầu và cánh chiếc máy bay Mỹ. Những mảnh kim khí và mi ca bắn tung tóe. Một bên cánh của nó văng rời hẳn ra, lửa bốc lem lém lẫn với khói.
- Cháy rồi! Nó nhảy dù! – Tiếng Sáu reo liên tiếp.
Lương vọt lên cao. Anh còn kịp thấy mở ra hai rồi ba chiếc dù đung đưa.
Theo NGUYỄN ĐÌNH THI
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Câu 1: Chú Lương và chú Sáu là ai? Họ có nhiệm vụ gì?
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Chú Lương và chú Sáu là chiến sĩ không quân. Họ có nhiệm vụ bắn hạ máy bay của địch.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Câu 2: Em hiểu những lời đối thoại ở đoạn 1 và đoạn 2 là của ai?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 và đoạn 2 của bài đọc.
Lời giải:
Em hiểu những lời đối thoại ở đoạn 1 và đoạn 2 là chú Lương và chú Sáu.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Câu 3: Máy bay địch đã bị chiếc Mích của ta hạ gục như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 3 của bài đọc.
Lời giải:
Máy bay địch đã bị chiếc Mích của ta hạ gục như sau:
- Chiếc Mích đâm xuống ngay trên lưng thằng địch, bắn một loạt đạn.
- Chiếc Mích vòng lại, nghiêng cánh bổ xuống lần thứ hai. Chiếc máy bay địch màu vàng bẩn cứ mỗi giây một to thêm, lấp đầy cả vòng kính ngắm. Lương bóp cò. Những đốm đỏ xuyên thẳng vào đầu và cánh chiếc máy bay Mỹ.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Câu 4: Những chi tiết nào nói lên lòng dũng cảm và quyết tâm của các chiến sĩ hạ gục máy bay địch?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Những chi tiết nói lên lòng dũng cảm và quyết tâm của các chiến sĩ hạ gục máy bay địch:
- Lương đâm xuống ngay trên lưng thằng địch, bắn một loạt đạn.
- Lương vọt lên, vượt qua thằng địch.
- Lương bóp cò. Anh có cảm tưởng như đang túm tận gáy thằng địch mà quật xuống.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Câu 1: Những câu nào trong bài đọc là lời nói của nhân vật? Dấu câu nào cho em biết điều đó?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Những câu trong bài đọc là lời nói của nhân vật:
- Thăng Long! Mục tiêu phía trước, 12 cây.
- Thăng Long nghe rõ!
- Xin phép công kích.
- Cho công kích!
- Cháy rồi! Nó nhảy dù!
Dấu gạch ngang đánh dấu lời nói của nhân vật.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Câu 2: Chọn dấu câu phù hợp để thay ngôi sao trong câu dưới đây:
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Câu chuyện Trận đánh trên không phản ánh một mặt trận lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta – mặt trận trên cao.
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Câu 3: Chuyển câu trong dấu ngoặc kép thành lời nói trực tiếp được đánh dấu bằng dấu gạch ngang:
Lương gọi: “Báo cáo Trường Sơn, Hai Mươi Hai đã nhảy dù.”.
NGUYỄN ĐÌNH THI
Phương pháp giải:
Em dựa vào kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
– Báo cáo Trường Sơn, Hai Mươi Ba đã nhảy dù. – Lương gọi.
Tiếng Việt lớp 3 trang 74 Trần Bình Trọng
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 74 Câu 1: Nghe – viết:
Trần Bình Trọng
Năm 1285, giặc Nguyên sang cướp nước ta. Trần Bình Trọng chỉ huy một cánh quân, không may sa vào tay giặc. Giặc dụ dỗ ông đầu hàng, hứa phong tước vương cho. Trần Bình Trọng khảng khái trả lời: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc.”. Giặc tức giận giết ông. Khi ấy, ông mới 26 tuổi.
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam
Phương pháp giải:
Em thực hiện bài viết vào vở.
Chú ý:
- Viết đúng chính tả.
- Viết hoa các chữ cái đầu của tiếng sau dấu chấm câu.
- Viết hoa tên riêng, tên địa lí.
Lời giải:
Em hoàn thành bài viết vào vở.
Tiếng Việt lớp 3 trang 74 Câu 2: Chọn chữ phù hợp với ô trống:
a) Chữ l hay n?
Các anh về
Xôn xao _àng bé nhỏ.
Nhà _á đơn sơ
Tấm _òng rộng mở
_ồi cơm _ấu dở
Bát _ước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.
HOÀNG TRUNG THÔNG
b) Chữ v hay d?
Rừng xa _ọng tiếng chim gù
Ngân nga tiếng suối, _i _u gió ngàn.
Mùa xuân đẫm lá ngụy trang
Đường ra tiền tuyến nở _àng hoa mai.
Ba lô nặng, súng cầm tay
Đường xa biết mấy _ặm _ài nhớ thương.
LÊ ANH XUÂN
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) Chữ l hay n?
Các anh về
Xôn xao làng bé nhỏ.
Nhà lá đơn sơ
Tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.
HOÀNG TRUNG THÔNG
b) Chữ v hay d?
Rừng xa vọng tiếng chim gù
Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.
Mùa xuân đẫm lá ngụy trang
Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.
Ba lô nặng, súng cầm tay
Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương.
LÊ ANH XUÂN
Tiếng Việt lớp 3 trang 74 Câu 3: Thi tìm nhanh những từ gồm 2 tiếng:
a) Cả 2 tiếng đều bắt đầu bằng l hoặc n. Mẫu: long lanh, no nê.
b) Cả 2 tiếng đều bắt đầu bằng v hoặc d. Mẫu: vừng vàng, dẻo dai.
Phương pháp giải:
Em dựa vào kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
a) Cả 2 tiếng đều bắt đầu bằng l hoặc n: lỏng lẻo, lung linh, lấp lánh, lấp ló, lanh lợi, năn nỉ, nao núng, nôn nao, na ná, nung nấu.
b) Cả 2 tiếng đều bắt đầu bằng v hoặc d: vỗ về, vi vu, vụng về, vỏn vẹn, dìu dịu, da dẻ, dịu dàng, du dương.
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Trao đổi: Em đọc sách báo
Bài tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 1: Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) về đề tài bảo vệ Tổ quốc mà em đã đọc ở nhà.
Mẫu:
Gửi theo các chú bộ đội
Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi dánh nước, chú ngồi đánh bi.
Rồi từ nhà cháu, chú đi
Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về
Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè
Rặng tre, bãi mía bốn bề vẫy theo...
Chú qua bao suối bao đèo
Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công
Ngoài này cháu đứng cháu trông
Những đêm súng nổ, lửa hồng chân mây.
Cháu về lớp cũ, tường xây
Thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn
Chú đi phá nốt bốt đồn
Cuối trời còn giặc, chú còn ra đi.
Vẫn mong ngày chú trở về
Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi...
TRẦN ĐĂNG KHOA
Phương pháp giải:
Em tìm hiểu ở sách, báo, tạp chí về những câu chuyện, bài thơ để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Em có thể tìm đọc, sưu tầm một số bài thơ, câu chuyện như: Chú bộ đội của em, Anh bộ đội cụ Hồ, Chú bộ đội hành quân trong mưa, Bố em là lính biển, Chú giải phóng quân,...
Chú bộ đội hành quân trong mưa
Mưa rơi, mưa rơi
Lộp bộp, lộp bộp
Áo dù có ướt
Vội đi, vẫn đi.
Đường ra mặt trận
Còn dài, còn dài
Cho dù mưa rơi
Chú vẫn đi tới.
Chú đi trong đêm
Long lanh sao đỏ
Như ngọn đèn nhỏ
Soi đường hành quân.
Mưa rơi, mưa rơi
Áo dù có ướt
Vẫn đi, vẫn đi
Chân dồn dập bước.
VŨ THÙY LINH
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Câu 2: Trao đổi về câu chuyện (bài thơ, bài văn) em đã đọc.
Gợi ý:
- Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó? Vì sao?
- Câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó nói lên điều gì?
Phương pháp giải:
Em lựa chọn bài đọc mà em ấn tượng ở câu 1 sau đó liên hệ bản thân để nói lên cảm nghĩ của mình.
Lời giải:
Trong bài thơ “Chú bộ đội hành quân trong mưa”, em rất thích hình ảnh ở các câu thơ:
Chú đi trong đêm
Long lanh sao đỏ
Như ngọn đèn nhỏ
Soi đường hành quân.
Trong đoạn thơ có hình ảnh chú bộ đội hành quân trong đêm, không ngại mưa rơi, lạnh giá, trên đầu chú đội chiếc mũ cối đặc trưng của bộ đội có in hình ngôi sao năm cánh, soi đường chú hành quân.
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Ở lại với chiến khu
Bài đọc
Ở lại với chiến khu
Trung đoàn trưởng bước vào lán, nhìn cả đội một lượt. Cặp mắt ông ánh lên vẻ trìu mến, dịu dàng. Ông ngồi yên lặng một lúc lâu, rồi lên tiếng:
- Các em ạ, hoàn cảnh chiến khu lúc này rất gian khổ. Mai đây chắc còn gian khổ hơn nhiều. Các em sẽ khó lòng chịu nổi. Nếu em nào muốn trở về sống với gia đình thì trung đoàn cho các em về. Các em thấy thế nào?
Trước ý kiến đột ngột của chỉ huy, bọn trẻ lặng đi. Tự nhiên, ai cũng thấy cổ họng mình nghẹn lại.
Lượm bước tới gần đống lửa. Giọng em rung lên:
- Em xin ở lại.
Cả đội nhao nhao:
- Chúng em xin ở lại.
Mừng nói như van lơn:
- Chúng em còn nhỏ, chưa làm được chi nhiều thì trung đoàn cho chúng em ăn ít cũng được. Đừng bắt chúng em phải về, tội chúng em lắm...
Những lời van xin thơ ngây mà thống thiết, van xin được chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc của các chiến sĩ nhỏ tuổi làm trung đoàn trưởng rơi nước mắt.
Ông nói:
- Nếu các em đều xin ở lại, anh sẽ về báo cáo với Ban chỉ huy.
Bỗng một em cất tiếng hát, cả đội đồng thanh hát vang:
“Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi, ra đi, bảo tồn sông núi
Ra đi, ra đi, thà chết không lui...”
Tiếng hát bay lượn trên mặt suối, tràn qua lớp lớp cây rừng, bùng lên như ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh tối, làm lòng người chỉ huy ấm hẳn lên.
Theo PHÙNG QUÁN
Đọc hiểu
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Câu 1: Trung đoàn trưởng nói gì với các chiến sĩ nhỏ?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn 1 của bài đọc.
Lời giải:
Trung đoàn trưởng nói với các chiến sĩ nhỏ là: “Các em ạ, hoàn cảnh chiến khu lúc này rất gian khổ. Mai đây chắc còn gian khổ hơn nhiều. Các em sẽ khó lòng chịu nổi. Nếu em nào muốn trở về sống với gia đình thì trung đoàn cho các em về. Các em thấy thế nào?”
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Câu 2: Vì sao các chiến sĩ xúc động khi nghe trung đoàn trưởng nói?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Các chiến sĩ xúc động khi nghe trung đoàn trưởng nói vì bất ngờ, xúc động khi mình phải rời xa chiến khu, không được tham gia chiến đấu vì Tổ quốc mà phải trở về với gia đình.
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Câu 3: Các chiến sĩ đáp lời trung đoàn trưởng như thế nào?
Phương pháp giải:
Em đọc từ “Trước ý kiến đột ngột” đến “làm trung đoàn trưởng rơi nước mắt.”
Lời giải:
Các chiến sĩ đáp lời trung đoàn trưởng là:
- Lượm bước tới gần đống lửa. Giọng em rung lên: - Em xin ở lại.
- Cả đội nhao nhao: - Chúng em xin ở lại.
- Mừng nói như van lơn: - Chúng em còn nhỏ, chưa làm được chi nhiều thì trung đoàn cho chúng em ăn ít cũng được. Đừng bắt chúng em phải về, tội chúng em lắm...
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Câu 4: Chi tiết nào trong bài khiến em cảm động? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em đọc bài đọc và tự liên hệ bản thân, nói lên cảm xúc của mình.
Lời giải:
Chi tiết trong bài khiến em cảm động là chi tiết các bạn nhỏ đều xin ở lại chiến khu. Em cảm động vì tình cảm của các bạn dành cho chiến khu. Lượm và các bạn khác đều không muốn về nhà vì tất cả đều sẵn sàng chịu đựng gian khổ, sẵn sàng chịu đói khát để ở lại sống chết với chiến khu chứ không muốn sống chung với bọn Việt gian, bọn Tây.
Luyện tập
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Câu 1: Tìm trong lời của nhân vật Mừng một câu khiến.
Phương pháp giải:
Em đọc lại bài đọc để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Một câu khiến trong lời nói của nhân vật Mừng là: Đừng bắt chúng em phải về.
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Câu 2: Chuyển câu “Chúng em xin ở lại.” thành một câu khiến.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Chuyển câu “Chúng em xin ở lại.” thành một câu khiến là: Hãy cho chúng em ở lại.
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Câu 3: Tìm các bộ phận của câu ứng với mỗi cột trong bảng dưới đây:
Tiếng hát bùng lên như ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh tối.
Phương pháp giải:
Em dựa vào kiến thức đã học để hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Tiếng hát bùng lên như ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh tối.
Sự vật 1: Tiếng hát.
Đặc điểm: bùng lên
Từ so sánh: như
Sự vật 2: ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh tối.
Tiếng Việt lớp 3 trang 78 Người chiến sĩ
Đề bài
NGƯỜI CHIẾN SĨ
Tiếng Việt lớp 3 trang 78 Câu 1: Viết đoạn văn hoặc bài thơ ngắn về các chiến sĩ nhỏ trong bài đọc Ở lại với chiến khu. Trang trí cho bài viết hoặc gắn tranh vẽ của em.
Gợi ý:
- Câu chuyện Ở lại với chiến khu diễn ra vào thời gian nào?
- Vì sao trung đoàn cho phép các chiến sĩ nhỏ rời chiến khu, về với gia đình?
- Các chiến sĩ trả lời trung đoàn trưởng như thế nào?
- Em có cảm xúc gì khi đọc những lời nói tha thiết của các chiến sĩ?
- Đoạn cuối của câu chuyện đem lại cho em cảm xúc gì?
Lời giải:
Câu chuyện Ở lại với chiến khu diễn ra vào thời điểm kháng chiến ác liệt, căng thẳng. Hoàn cảnh ở chiến khu vô cùng vất vả, gian khổ. Trung đoàn trưởng lo lắng các chiến sĩ còn nhỏ tuổi, không chịu được gian khổ nên cho phép các em trở về với gia đình. Các chiến sĩ đều sẵn sàng ở lại chiến khu, những lời nói ngây thơ nhưng đầy tha thiết, dũng cảm và quyết tâm. Em rất xúc động trước tình cảm của các chiến sĩ nhỏ dành cho chiến khu. Khi tất cả các chiến sĩ đồng thành cất tiếng hát, em cảm thấy vô cùng cảm động và tự hào.
Tiếng Việt lớp 3 trang 78 Câu 2: Viết đoạn văn hoặc bài thơ ngắn về một chiến sĩ quân đội. Gắn ảnh em sưu tầm hoặc tranh vẽ của em.
Gợi ý:
- Em muốn viết về ai?
- Vì sao em biết người chiến sĩ ấy? Mẫu: Đó là người thân của em; là người em đã gặp gỡ hoặc biết qua phim ảnh,...
- Em yêu thích người chiến sĩ ấy ở những điểm nào? Mẫu: Em thích khuôn mặt, nụ cười, hành động dũng cảm,... của người chiến sĩ ấy.
- Em có suy nghĩ gì về những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân?
Phương pháp giải:
Em dựa vào gợi ý và hoàn thành bài tập.
Lời giải:
Vị anh hùng mà em vô cùng ngưỡng mộ là anh Kim Đồng. Tên thật của anh là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng. Anh sinh năm 1929 Ở Thôn Nà Mạ, Xã Xuân Hòa, Huyện Hà Quảng, Tỉnh Cao Bằng. Cha anh bị thực dân Pháp Bắt đi Phu và bị chết. Kim Đồng theo cách mạng làm liên lạc, là một trong năm đội viên đầu tiên của đội. Trong một lần đi liên lạc về giữa đường gặp địch phục kích, Kim Đồng nhanh trí nhử cho địch nổ súng về phía mình. Nhờ đó mà các đồng chí cán bộ ở gần đó đã nhanh chóng trốn thoát lên rừng. Kim Đồng đã anh dũng hy sinh tại một địa điểm gần ngay ở suối Lê Nin khi anh vừa tròn mười bốn tuổi. Kim Đồng đã được nhà nước ta phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.
Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Tiếng Việt lớp 3 trang 68 Ôn chữ viết hoa U, Ư...
Tiếng Việt lớp 3 trang 66, 67 Chú hải quân...
Tiếng Việt lớp 3 trang 68 Đọc sách báo viết về bảo vệ Tổ quốc...
Tiếng Việt lớp 3 trang 69 Kể chuyện: Chàng trai làng Phù Ủng...
Tiếng Việt lớp 3 trang 69, 70 Hai Bà Trưng...
Tiếng Việt lớp 3 trang 71 Viết về người anh hùng...
Tiếng Việt lớp 3 trang 72, 73 Trận đánh trên không...
Tiếng Việt lớp 3 trang 74 Trần Bình Trọng...
Tiếng Việt lớp 3 trang 75 Trao đổi: Em đọc sách báo...
Tiếng Việt lớp 3 trang 76, 77 Ở lại với chiến khu...
Tiếng Việt lớp 3 trang 78 Người chiến sĩ...
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.