Bạn cần đăng nhập để báo cáo vi phạm tài liệu

Quan sát Hình 2, tìm hiểu và giới thiệu về bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

216

Với giải Câu 12 trang 44 SBT Lịch sử 11 Cánh diều chi tiết trong Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông (thế kỉ XV) giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải, từ đó biết cách làm bài tập SBT Lịch sử 11. Mời các bạn đón xem:

Quan sát Hình 2, tìm hiểu và giới thiệu về bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Câu 12 trang 44 SBT Lịch Sử 11: Quan sát Hình 2, tìm hiểu và giới thiệu về bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) theo gợi ý: thời gian tạo dựng, vị trí, mục đích, những điểm độc đáo hoặc nổi bật, giá trị, sự ghi nhận của hậu thế...

 (ảnh 1)

Lời giải:

(*) Tham khảo:

Bia tiến sĩ Văn Miếu gồm 82 tấm bia đá khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời nhà Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Bia được đặt trên lưng rùa đá để biểu thị sự trường tồn của tinh hoa dân tộc, phản ánh được giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước trong suốt 300 năm.

Tất cả 82 bia tiến sĩ đều được chế tác theo cùng một phong cách: bia dẹt, trán cong, hình vòm. Các tấm bia được đặt trên lưng rùa, rùa được tạo dáng theo một phong cách chung: to, đậm và chắc khỏe. Cách thức dựng bia cũng rất độc đáo: đá dựng bia được lựa chọn kỹ càng, sau đó được thiết kế, trang trí, chạm khắc các hoa văn và bài ký. Vì được làm hoàn toàn bằng tay nên công việc này đòi hỏi sự nhẫn nại và khéo léo rất lớn của những người thợ.

82 bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là những tấm bia tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia) không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm (từ 1442 đến 1779) mà còn ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài, do đó có tác động to lớn đối với xã hội đương thời và hậu thế. Các bài văn bia còn ghi rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản và duy nhất của tư liệu. Các văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước biên soạn nên về cơ bản chúng là những tác phẩm văn học vô giá. Những văn bia này được viết bằng chữ Hán với cách viết khác nhau khiến cho mỗi tấm bia như một bức tranh chữ, một tác phẩm thư pháp. Mỗi dòng chữ trên 82 tấm bia đá là nguồn sử liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về con người và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng… Hơn nữa, trong số 1304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia đá thì có 225 vị từng đi sứ Trung Quốc như tiến sĩ Nguyễn Như Đổ, tiến sĩ Lê Quý Đôn… Điều này đã thể hiện giá trị độc đáo và khẳng định ý nghĩa quốc tế của bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Bên cạnh đó, mỗi tấm bia còn là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh tế và độc đáo với những hoa văn trang trí cầu kỳ mang tính cách điệu cao như hoa lá, mây, trăng, long, ly, quy, phượng. Chữ viết trên bia, các hoa văn trang trí cùng phong cách tạo dáng bia, rùa đều mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật đã coi đây như một tư liệu quan trọng trong quá trình nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật và điêu khắc Việt Nam từ thế kỷ XV đến XVIII.

Đến nay, bia tiến sĩ Văn Miếu vẫn là những bản gốc duy nhất được lưu giữ tại chỗ, liên tục kể từ khi dựng. Phần lớn các hoa văn và văn tự còn rõ, có khả năng đọc được. Tính hiếm có và không thể thay thế ở nội dung và cách thức dựng bia, giá trị lịch sử - mỹ thuật và ảnh hưởng xã hội của tấm bia khiến cho 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trở nên vô cùng đặc sắc, không đâu có được.

Chiều ngày 9/3/2010 tại Macau, Trung Quốc, Ủy ban ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Hậu Lê và Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình ký ức thế giới của UNESCO.

Đánh giá

0

0 đánh giá