Xây dựng dàn ý cho bài thuyết trình về nét đặc sắc trong cách kể ở một truyện ngắn tự chọn

228

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn đầy đủ Tập 1 và Tập 2 chương trình sách mới sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong sách SBT Ngữ Văn 11 từ đó học tốt môn Ngữ văn 11.

Xây dựng dàn ý cho bài thuyết trình về nét đặc sắc trong cách kể ở một truyện ngắn tự chọn

Bài tập 1 trang 8 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1Xây dựng dàn ý cho bài thuyết trình về nét đặc sắc trong cách kể ở một truyện ngắn tự chọn.

Trả lời:

1. Giới thiệu

- Truyện ngắn Vợ nhặt là một sáng tác thành công của Kim Lân và của văn xuôi sau kháng chiến chống Pháp. Sự thành công của truyện là ở chỗ: để phản ánh số phận bi thảm của người nông dân trong năm đói 1945 và khát vọng sống mạnh mẽ cùng những phẩm chất tốt đẹp, Kim Lân đã lựa chọn được một tình huống độc đáo: tình huống nhặt vợ.

- Câu chuyện nhặt vợ của anh Tràng dưới ngòi bút miêu tả của Kim Lân đã làm toả sáng vẻ đẹp rất người ở những con người đói khổ, đồng thời cũng khiến ý đồ tư tưởng của nhà văn được thể hiện trọn vẹn. Có được thành công ấy là nhờ ở tài năng nghệ thuật của Kim Lân trong triển khai tình huống.

2. Phân tích

a. Mục đích của Kim Lân khi viết Vợ nhặt. Viết về nạn đói song ý đồ của nhà văn không phải là phản ánh thảm cảnh đói khát cùng tất cả vỏ cơ cực nhếch nhác của con người do nạn đói gây ra. Với Kim Lân “Đói, nó vừa cay đắng, vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự (Nhà văn nói về tác phẩm). Truyện Vợ nhặt khai thác các khía cạnh sau cùng của bi kịch ấy.

b. Tình huống được lựa chọn: Khi nạn đói hoành hành, cái đói, cái chết đang bao bọc, bủa vây xung quanh cuộc Sống của con người, lẽ ra phải lo kiếm miếng ăn để bảo toàn sự sống thì Tràng - một thanh niên nghèo của xóm ngụ cư - lại nhặt về một người vợ. Tràng đã có vợ, có gia đình riêng của anh đúng vào thời điểm mà đáng ra, khát khao hạnh phúc chưa nên có vì nó khó có thể tồn tại được. Quả thực, tình huống nhặt vợ của Tràng là một tình huống tâm lí - nó có ý nghĩa như một phép thử để đo phẩm chất người trong con người. Lựa chọn tình huống này, Kim Lân phải rất bạo tay đồng thời phải có đủ sự tinh tế cũng như khả năng thấu hiểu nhân thế để có thể xử lí, triển khai theo đúng ý đồ, dự định ban đầu.

c. Những đặc sắc nghệ thuật của Kim Lân khi triển khai tình huống

c. 1. Đặc biệt chú ý khai thác các quan hệ trong bức tranh đời sống

- Tương quan đối lập giữa bối cảnh đói khát, đầy ám ảnh chết chóc với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người:

+ Nhà văn đã miêu tả khá tỉ mỉ bối cảnh của nạn đói, đặc biệt là không gian năm đói với các phương diện âm thanh, mùi vị, hình ảnh, không khí để tạo một cảm giác gai lạnh, ghê rợn, trước cái chết đang sừng sững ngự trị khắp mọi ngóc ngách của đời sống. Trên cái nền ấy, sự tồn tại của con người trở nên hết sức chông chênh: có người đã chết vì đói, có người còn sống song cũng vật vờ như những bóng ma. Lúc này, sự sống trở nên yếu thế khi bị cái chết dồn đuổi. Người ta dễ dàng tin rằng nếu cứ như thế, sự sống sẽ dần chìm nghỉm trong không gian đặc quánh mùi vị chết chóc. Trong không khí ấy, cần có một sự kiện thật lạ lùng, thật đặc biệt để làm khuấy động và đảo lộn cái xu thế đang chìm dần kia: đó chính là sự kiến anh Tràng đưa vợ về. Kim Lân đã cho thấy, đúng là sự kiện lạ lùng ấy đã làm cho xóm ngụ cư xôn xao lên được một lúc, và hơn cả sự xôn xao là cái dư vị mà nó tạo ra “một cái gì lạ lùng và tươi mát đang thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”.

+ Sự đối lập không chỉ ở bên ngoài mà còn tồn tại ngay trong lòng nhân vật. Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân đã lách sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để khám phá và miêu tả các trạng thái tâm lí đối lập nhau ở mỗi con người: ở anh Tràng là nỗi lo lắng “thóc gạo này đến cái thân mình còn chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng” và cái tặc lưỡi đầy liều lĩnh của một người đàn ông chưa bao giờ có cái hạnh phúc được sống trong một gia đình đầy đủ “chậc, kệ”, ở bà cụ Tứ là nỗi buồn tủi xót xa vì thân phận nghèo hèn, cảnh sống đói khổ không hạnh phúc, không biết đến tương lai và niềm vui con trai có vợ...

+ Từ các tương quan đối lập đó, nhà văn đã dồn bút lực vào việc miêu tả tâm lí nhân vật với những biểu hiện vô cùng phong phú để đi đến khẳng định: cái đói, cái chết với những ám ảnh khủng khiếp mà nó gây ra không thắng nổi khát khao hạnh phúc ở những con người biết sống có tình người. Anh Tràng cũng lo cho bản thân song cũng rất biết trân trọng người vợ mới (mua / hào dầu). Bà cụ Tứ cả đời nghèo khổ cơ cực song lại rất thương con và vô cùng nhân hậu trong cách xử sự. Với những biểu hiện tâm hồn, tính cách như thế của nhân vật, sự chiến thắng của sự sống với cái chết trở nên hợp lí vì gợi nhiều xúc động.

- Tương quan tương đồng trong hưởng vận động của tâm lí nhân vật: Trước khi Tràng đưa vợ về, cả xóm ngụ cư cũng như mỗi cá nhân đều như chìm nghỉm trong nạn đói: đám trẻ ủ rũ, anh Tràng “lảm nhảm than thở”, mệt mỏi nặng nề. Khi Tràng đưa vợ về, cả xóm ngụ cư như bừng lên một nguồn sinh khí mới. Tất cả dường như thay đổi hẳn, thậm chí như thể cái đói đã bị đẩy lùi để nhường chỗ cho sự sống, cho niềm vui: dân xóm ngụ cư bàn tán xôn xao, trẻ con xúm lại trêu Tràng, Tràng thì phớn phở khác thường và đặc biệt nghiêm túc, chín chắn hẳn lên, người đàn bà trở nên hiền hậu đúng mực, dù không hẳn là vui vẻ song cảnh gia đình ấm áp đã khiến thị trở thành một nàng dâu thực sự, bà cụ Tứ sau những lo âu, buồn tủi đã trở nên vui vẻ và nhanh nhẹn hẳn lên. Tuy rằng cái đói, cái chết vẫn bao bọc xung quanh, thậm chí hiện hình trong bữa ăn ngày đói song sự sống và niềm vui đã trở lại trong cuộc sống của mọi người.

- Như vậy là, khi xây dựng tình huống truyện, nhà văn ít khai thác các quan hệ đời sống bên ngoài mà chủ yếu đi vào đặc tả những biến chuyển tâm lí. Vì vậy, truyện tuy có gợi ra cảnh sống bi thảm của con người năm đói song ấn tượng sâu đậm mà nó tạo ra lại là ý nghĩa thiêng liêng của sự sống, của tình người.

c.2. Tổ chức điểm nhìn trần thuật

Nhằm tránh sự đơn điệu, tẻ nhạt và cũng là để tạo chiều sâu tâm lí cho tình huống truyện, Kim Lân đã rất khéo léo khi tổ chức điểm nhìn trần thuật: người trần thuật khi thì đứng ngoài để quan sát, kể và tả một cách khách quan, có lúc hoá thân vào nhân vật để hồi tưởng, trải nghiệm. Truyện trở nên đậm đặc chất trữ tình và giàu khả năng gợi cảm nhất khi nhà văn nhập giọng kể vào giọng nói bên trong của nhân vật biến việc kể chuyện thành việc tự biểu hiện bằng ý nghĩ của nhân vật (đoạn văn miêu tả tâm trạng bà cụ Tứ) nên đã lột tả được một cách sâu sắc, tinh tế các trạng thái tâm lý, những phản ứng tâm lý của nhân vật trước sự kiện.

c.3. Ngôn ngữ truyện

- Ngôn ngữ người kể chuyện: Khi thì tự nhiên, hóm hỉnh, hài hước (đoạn miêu tả cảnh làm quen, cảnh đính ước và nên vợ nên chồng của Tràng và người đàn bà), khi thì trang nghiêm, chân thực (đoạn miêu tả tâm trạng bà cụ Tứ) và nhìn chung là giản dị mà vẫn rất gợi cảm, có những đoạn văn chan chứa chất thơ (đoạn miêu tả cảm giác của Tràng, đoạn miêu tả tâm trạng bà cụ Tứ).

- Ngôn ngữ nhân vật: Đáng lưu ý nhất là ngôn ngữ đối thoại: ngắn gọn, giản dị, có lúc hơi thô mộc và phù hợp với tính cách nhân vật, phù hợp với mục đích lời nói của nhân vật, đó là thứ ngôn ngữ làm quen, làm thân, thăm dò, vừa xa lạ, vừa gần gũi.

c.4. Phát hiện chi tiết: Tác giả sử dụng nhiều chi tiết rất gợi cảm để tạo không khí cho truyện (tiếng hờ khóc, thấy người chết, mùi xác chết). Đặc biệt có những chi tiết có sức phát hiện và khả năng biểu hiện rất lớn (Tràng mua 2 hào dầu và khoe với vợ, Tràng đánh diêm đốt đèn, bữa ăn ngày đói...) Những chi tiết tạo ra tính cụ thể sinh động của tình huống, làm bật phẩm chất người trong con người.

c.5. Mạch truyện: Xoay quanh và bám rất sát sự kiện nhặt vợ của Tràng song không đơn điệu một chiều, nhà văn cố ý đảo trình tự kể để vừa dẫn dắt, vừa giải thích, vừa nhận xét để khai thác mọi khía cạnh của sự kiện.

3. Kết luận

- Bút lực và sự linh hoạt, sáng tạo của Kim Lân đã giúp ông tạo ra trong truyện ngắn Vợ nhặt một tình huống bất ngờ đầy kịch tính: Vừa lạ lùng, vừa éo le, vừa cảm động. Tình huống ấy được triển khai một cách khéo léo và sâu sắc đã biểu đạt được những nội dung phong phú của tác phẩm.

- Cần khẳng định: Tình huống được xây dựng trong truyện ngắn Vợ nhặt không chỉ là nghệ thuật mà còn là sức phát hiện và tấm lòng đồng cảm sâu sắc của Kim Lân với số phận và cảnh ngộ của con người.

Đánh giá

0

0 đánh giá