Sinh học 11 (Kết nối tri thức) Bài 22 : Sinh trưởng và phát triển ở động vật

213

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải Sinh học 11 (Kết nối tri thức) Bài 22 : Sinh trưởng và phát triển ở động vật hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SGK Sinh học 11 Bài 22 từ đó học tốt môn Sinh học 11.

Sinh học 11 (Kết nối tri thức) Bài 22 : Sinh trưởng và phát triển ở động vật

Giải Sinh học 11 trang 145

Mở đầu trang 145 Sinh học 11: Quá trình một tế bào hợp tử phát triển thành một cơ thể hoàn chỉnh diễn ra như thế nào?

Lời giải:

Quá trình một tế bào hợp tử phát triển thành một cơ thể hoàn chỉnh: Trứng khi được thụ tinh tạo thành hợp tử, hợp tử phân chia nhiều lần tạo thành phôi. Các tế bào trong phôi phân hóa thành các cơ quan của động vật, quá trình này diễn ra bên trong hoặc bên ngoài cơ thể mẹ. Sau đó động vật sẽ nở ra từ trứng hoặc được sinh ra từ cơ thể mẹ và phát triển thành con trưởng thành.

Giải Sinh học 11 trang 148

Dừng lại và suy ngẫm (trang 148)

Câu hỏi 1 trang 148 Sinh học 11: Phân biệt phát triển không qua biến thái và phát triển qua biến thái, phát triển qua biến thái hoàn toàn và biến thái không hoàn toàn.

Lời giải:

- Phân biệt phát triển không qua biến thái và phát triển qua biến thái:

Phát triển không qua biến thái

Phát triển qua biến thái

Là quá trình phát triển trong đó con non mới nở từ trứng ra hoặc mới sinh ra đã có cấu tạo giống con trưởng thành.

Là sự thay đổi về hình thái, cấu tạo của động vật sau khi sinh ra hoặc nở từ trứng ra.

Ví dụ: Con gà, con mèo, con trâu,…

Ví dụ: Châu chấu, ếch, bướm,…

- Phân biệt phát triển qua biến thái hoàn toàn và biến thái không hoàn toàn:

Phát triển qua biến thái hoàn toàn

Phát triển qua biến thái không hoàn toàn

Là quá trình phát triển mà ấu trùng có hình thái và cấu tạo rất khác so với con trưởng thành.

Là quá trình phát triển mà ấu trùng phát triển chưa hoàn thiện, trải qua nhiều lần lột xác, ấu trùng biến đổi thành con trưởng thành.

Ví dụ: Bướm, muỗi, ếch,…

Ví dụ: Châu chấu, gián, ve sầu,…

Câu hỏi 2 trang 148 Sinh học 11: Kẻ bảng vào vở theo mẫu sau, điền ít nhất tên 10 loài động vật vào bảng và đánh dấu x vào biểu biến thái của chúng.

Sinh học 11 (Kết nối tri thức) Bài 22 : Sinh trưởng và phát triển ở động vật (ảnh 1)

Lời giải:

Tên động vật

Phát triển không qua biến thái

Phát triển qua biến thái

Phát triển qua biến thái hoàn toàn

Phát triển qua biến thái không hoàn toàn

1. Ruổi

 

x

 

2. Muỗi

 

x

 

3. Ếch

 

x

 

4. Châu chấu

 

 

x

5.  Gián

 

 

x

6. Gà

x

 

 

7. Mèo

x

 

 

8. Bướm

 

x

 

9. Ve sầu

 

 

x

10. Ong

 

x

 

Câu hỏi 3 trang 148 Sinh học 11: Quan sát Hình 22.1 và 22.2, phân biệt các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của con người từ giai đoạn phôi cho đến khi trưởng thành, từ đó giải thích tại sao cần có chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ em và phụ nữ khi mang thai?

Sinh học 11 (Kết nối tri thức) Bài 22 : Sinh trưởng và phát triển ở động vật (ảnh 2)

Lời giải:

- Phân biệt các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của con người từ giai đoạn phôi cho đến khi trưởng thành:

Giai đoạn phôi thai

Giai đoạn sau sinh

Là giai đoạn phát triển từ hợp tử hình thành nên thai nhi.

Là giai đoạn phát triển từ sơ sinh đến khi trưởng thành.

Diễn ra bên trong cơ thể mẹ.

Diễn ra bên ngoài cơ thể mẹ.

Nguồn chất dinh dưỡng được lấy từ cơ thể mẹ.

Nguồn chất dinh dưỡng được lấy từ thức ăn.

- Cần có chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ em và phụ nữ khi mang thai vì thức ăn là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển ở người. Chỉ cần thiếu hoặc không đủ số lượng một loại chất dinh dưỡng thì trẻ em sẽ chậm lớn và có thể phát triển không bình thường.

Giải Sinh học 11 trang 150

Dừng lại và suy ngẫm (trang 150)

Câu hỏi 1 trang 150 Sinh học 11: Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố bên trong đến sinh trưởng và phát triển ở động vật.

Lời giải:

Ảnh hưởng của các yếu tố bên trong đến sinh trưởng và phát triển ở động vật:

- Di truyền: Yếu tố di truyền quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của mỗi loài, mỗi cá thể động vật. Hệ thống gene chịu trách nhiệm điều khiển sinh trưởng và phát triển ở động vật. Hai đặc điểm sinh trưởng và phát triển dễ nhận thấy nhất do yếu tố di truyền quyết định đó là tốc độ lớn và giới hạn lớn. Hệ gene quy định đặc điểm sinh học đặc trưng cho loài như kích thước, tuổi thọ, khả năng kháng bệnh,… Hệ gene quy định hiệu quả chuyển đổi thức ăn; tốc độ, giới hạn và thời gian sinh trưởng, phát triển.

- Hormone: Động vật có xương sống và không xương sống có nhiều hormone ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển. Ở động vật có xương sống, có 4 loại hormone được coi là ảnh hưởng mạnh nhất đến sinh trưởng và phát triển là hormone sinh trưởng (GH), thyroxine, testosterone và estrogen.

Câu hỏi 2 trang 150 Sinh học 11: Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển ở động vật sống trên cạn và sống dưới nước.

Lời giải:

Ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển ở động vật sống trên cạn và sống dưới nước:

- Thức ăn: Thức ăn là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất lên quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật và người. Các chất dinh dưỡng có trong thức ăn đều cần cho sinh trưởng và phát triển của động vật và người.

- Nhiệt độ: Mỗi loài động vật sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ môi trường thích hợp. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật, đặc biệt là động vật biến nhiệt.

- Ánh sáng: Ánh sáng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật qua nhiều cách khác nhau. Ánh sáng phối hợp với nhiệt độ làm tăng quá trình chuyển hóa thông qua hệ thần kinh và nội tiết. Ánh sáng cung cấp nhiệt và tác động đến sự chuyển hóa các chất trong cơ thể.

Dừng lại và suy ngẫm (trang 150)

Câu hỏi 1 trang 150 Sinh học 11: Những hormone nào gây dậy thì ở trẻ em nam và nữ? Giải thích.

Lời giải:

Dậy thì ở trẻ em nam chủ yếu do tác động của sự tăng hormone testosterone ở nam và dậy thì ở nữ do tăng hormone estrogen. Do các hormone này có vai trò kích thích sinh trưởng, phát triển và hoàn thiện cơ quan sinh dục ở giai đoạn dậy thì.

Câu hỏi 2 trang 150 Sinh học 11: Kẻ bảng vào vở theo mẫu dưới đây, sau đó điền những thay đổi về thể chất, sinh lí, tâm lí, tình cảm ở tuổi dậy thì vào bảng (Lưu ý: Nữ điền vào cột dành cho nữ, nam điền vào cột dành cho nam).

Sinh học 11 (Kết nối tri thức) Bài 22 : Sinh trưởng và phát triển ở động vật (ảnh 4)

Lời giải:

Thay đổi

Nữ

Nam

1. Thể chất

- Tuyến bã nhờn ở da tăng tiết dẫn đến xuất hiện mụn trứng cá.

- Chiều cao tăng nhanh.

- Xuất hiện lông nách, lông mu.

- Cơ quan sinh dục phát triển.

- Tuyến mồ hôi tăng tiết.

- Tuyến vú phát triển.

- Xương chậu phát triển.

- Có vóc dáng của phụ nữ.

- Cơ và xương phát triển.

- Mọc râu.

- Sụn giáp trạng phát triển, giọng nói thay đổi.

- Có vóc dáng của đàn ông.

2. Sinh lí

- Trứng chín và rụng.

- Tăng tiết hormone sinh dục nữ.

- Xuất hiện kinh nguyệt.

- Tinh hoàn bắt đầu sản sinh tinh trùng.

- Tăng tiết hormone sinh dục nam.

- Bắt đầu xuất tinh, có hiện tượng mộng tinh.

3. Tâm lí, tình cảm

- Có xu hướng độc lập.

- Tính tình thay đổi.

- Có rung cảm với người khác giới.

Giải Sinh học 11 trang 151

Câu hỏi 3 trang 151 Sinh học 11: Tìm hiểu qua tài liệu, internet, hỏi bác sĩ,… về các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai, hậu quả mang thai ở tuổi học sinh, sau đó trả lời các câu hỏi sau:

a) Bệnh lây truyền qua đường tình dục gồm những bệnh nào? Hậu quả khi mắc các bệnh đó là gì?

b) Tại sao mang thai ở tuổi học sinh đưa đến nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe, tâm sinh lí, học tập? Làm cách nào để tránh mang thai ở tuổi học sinh?

Lời giải:

a) Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như: Bệnh giang mai, sùi mào gà, viêm gan B, bệnh lậu, bệnh viêm âm đạo, HIV/AIDS,…

- Hậu quả khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục:

+ Gây các biến chứng về sức khỏe như biến chứng thai kì; viêm hố chậu ở nữ; các bệnh về xương khớp; nguy cơ bị ung thư,…

+ Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, có thể gây vô sinh.

+ Gây ảnh hưởng tinh thần, học tập và làm việc của người bệnh.

+ Ảnh hưởng đến kinh tế do chi phí điều trị bệnh tốn kém.

b) Mang thai ở tuổi học sinh đưa đến nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe, tâm sinh lí, học tập vì:

+ Cơ quan sinh sản ở lứa tuổi học sinh phát triển chưa hoàn thiện; có thể dẫn đến các biến chứng như sinh non, dễ bị sảy thai, tăng nguy cơ tử vong của người mẹ,…

+ Mang thai ở lứa tuổi học sinh có thể gây ra áp lực về tâm lý, lo lắng và trầm cảm. Dẫn đến người mẹ có ý nghĩ nạo phá thai ở các dịch vụ không an toàn, từ đó gây ra các biến chứng như sót nhau, băng huyết, thậm chí đe dọa tính mạng.

+ Ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, gây gián đoạn học tập.      

- Biện pháp tránh mang thai ở lứa tuổi học sinh:

+ Không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành để tránh mang thai ngoài ý muốn, phá thai,…

+ Có hành vi đúng mực với người khác giới, giữ gìn tình bạn trong sáng; giảm nguy cơ bị xâm hại.

+ Chủ động tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, các biện pháp quan hệ tình dục an toàn từ những nguồn tin cậy để có hiểu biết và nhận thức đúng đắn về hành vi của bản thân.

Câu hỏi 4 trang 151 Sinh học 11: Nam, nữ ở tuổi dậy thì cần phải làm gì để bảo vệ sức khỏe, chăm sóc bản thân và người khác?

Lời giải:

Để bảo vệ sức khỏe, chăm sóc bản thân và người khác, nam nữ ở tuổi dậy thì cần:

-  Chủ động tìm hiểu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản từ những nguồn thông tin đáng tin cậy.

- Không xem phim ảnh, trang mạng không phù hợp.

- Không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành.

- Không sử dụng các chất kích thích để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

- Nâng cao sức khỏe, vệ sinh cá nhân và cơ quan sinh dục đúng cách, sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên; có chế độ dinh dưỡng hợp lí giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Dừng lại và suy ngẫm (trang 151)

Câu hỏi trang 151 Sinh học 11: Tham khảo tài liệu khoa học, internet,… hãy đề xuất thêm biện pháp thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của một số loài vật nuôi nào đó hoặc biện pháp kìm hãm, tiêu diệt côn trùng gây hại.

Lời giải:

- Biện pháp thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của một số loài vật nuôi:

+ Khi làm chuồng cho lợn, nên làm theo hướng đông nam để đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát, giúp vật nuôi sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

+ Xây dựng chuồng trại nuôi lợn theo mô hình khép kín có máng ăn, uống tự động, quạt thông khí, làm hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt.

- Biện pháp kìm hãm, tiêu diệt côn trùng gây hại:

+ Loại bỏ các vũng nước đọng để tránh muỗi đẻ trứng vào đó, tiêu diệt ấu trùng muỗi.

+ Dùng đèn để bẫy côn trùng như bướm, bọ cánh cứng, rầy.

Giải Sinh học 11 trang 152

Luyện tập và vận dụng (trang 152)

Câu hỏi 1 trang 152 Sinh học 11: Tại sao sâu bướm và châu chấu, cào cào phá hoại cây xanh rất mạnh và gây ra tổn thất cho nông nghiệp?

Lời giải:

Sâu bướm và châu châu, cào cào phá hoại xanh rất mạnh và gây ra tổn thất cho nông nghiệp vì ở giai đoạn này, chúng cần nhiều năng lượng để tích lũy cho sự sinh trưởng và phát triển, chúng sử dụng thức ăn chủ yếu là lá, thân và gần như là ăn liên tục, làm suy yếu và giảm năng suất sinh học của cây trồng. Bên cạnh đó, chúng còn là vật trung gian lây truyền bệnh, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, dẫn đến gây những tổn thất nặng nề cho nông nghiệp.

Câu hỏi 2 trang 152 Sinh học 11: Hormone có thể làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển của động vật nhưng tại sao không nên lạm dụng hormone trong chăn nuôi?

Lời giải:

Hormone có thể làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển của động vật nhưng không nên lạm dụng hormone trong chăn nuôi vì nếu sử dụng quá liều hoặc sai nguyên tắc có thể gây ra bệnh tật cho động vật, thậm chí gây chết. Đặc biệt, khi con người tiêu thụ các sản phẩm từ vật nuôi đó, gây tác động xấu đến sức khỏe con người, có thể gây ra một số bệnh nguy hiểm và gây ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, không nên lạm dụng hormone trong chăn nuôi.

Câu hỏi 3 trang 152 Sinh học 11: Kinh nghiệm của những người chăn nuôi là cắt bỏ hai tinh hoàn của gà trống con khi nó bắt đầu biết gáy. Kết quả thu được là gà lớn nhanh và béo, nhưng cơ thể gà phát triển không bình thường như mào nhỏ, cựa không phát triển, không biết gáy, mất bản năng sinh dục,… Điều này được giải thích như thế nào?

Lời giải:

Do tinh hoàn sản xuất hormone testosterone – hormone kích thích phân hóa tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục thứ cấp ở con đực, khi cắt tinh hoàn trong cơ thể gà trống sẽ không có hormone testosterone do đó cơ thể không hình thành các tính trạng sinh dục phụ thứ cấp như (như mào nhỏ, cựa không phát triển, không biết gáy, mất bản năng sinh dục,…). Hormone testosterone có vai trò kích thích phát triển cơ bắp nên khi thiếu gà sẽ không phát triển cơ bắp, tích lũy mỡ dẫn đến béo. Ngoài ra, việc loại bỏ tinh hoàn cũng làm giảm sự hung hăng, hiếu động của gà trống, làm cho chúng ít hoạt động, do đó ít tiêu hao năng lượng hơn, khiến cho gà trông lớn nhanh và béo.

Câu hỏi 4 trang 152 Sinh học 11: Vận dụng hiểu biết về các giai đoạn phát triển, cho biết tại sao phải quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ em theo độ tuổi. Nếu trẻ em thường xuyên ăn quá nhiều thức ăn giàu chất dinh dưỡng hoặc ăn không đủ chất dinh dưỡng thì hậu quả sẽ như thế nào? Giải thích.

Lời giải:

- Cần quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ em theo độ tuổi vì thức ăn là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ. Mỗi giai đoạn, trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau, đảm bảo cung cấp đủ lượng và đủ chất cho sự phát triển của trẻ. Cơ thể thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của trẻ em qua các giai đoạn.

- Nếu trẻ em thường xuyên ăn quá nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng sẽ dẫn đến tăng cân và béo phì. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe như tiểu đường, tim mạch và xương khớp. Nếu trẻ em thường xuyên ăn không đủ chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến chậm lớn, cơ thể phát triển không bình thường, sức đề kháng kém, có thể suy dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

→ Làm giảm khả năng học tập và hoạt động hằng ngày của trẻ. Vì vậy, cần có chế độ ăn uống hợp lí phù hợp theo độ tuổi, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.

Xem thêm các bài giải bài tập SGK Sinh học 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 21: Thực hành: Bấm ngọn, tỉa cành, xử lí kích thích tố và tính tuổi cây

Bài 23: Thực hành: Quan sát biến thái ở động vật 

Bài 24 : Khái quát về sinh sản ở sinh vật

Bài 25: Sinh sản ở thực vật 

Bài 26 : Thực hành: Nhân giống vô tính và thụ phấn cho cây

Đánh giá

0

0 đánh giá