SBT Sinh học 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 17: Cảm ứng ở động vật

323

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải SBT Sinh học 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 17: Cảm ứng ở động vật hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SBT Sinh học 11 từ đó học tốt môn Sinh học 11.

 SBT Sinh học 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 17: Cảm ứng ở động vật

Câu 17.1 trang 56 SBT Sinh học 11Cảm ứng ở động vật là gì?

A. Cảm ứng ở động vật là khả năng tiếp nhận và phản ứng lại với các kích thích từ môi trường.

B. Cảm ứng ở động vật là khả năng cơ thể động vật tiếp nhận các kích thích từ môi trường. 

C. Cảm ứng ở động vật là khả năng phản ứng lại với các kích thích từ môi trường của cơ thể động vật.

D. Cảm ứng ở động vật là khả năng trả lời lại với các kích thích từ môi trường.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Cảm ứng ở động vật là khả năng tiếp nhận và phản ứng lại với các kích thích từ môi trường bên ngoài cũng như bên trong cơ thể, đảm bảo cho động vật có thể tồn tại và phát triển.

Câu 17.2 trang 56 SBT Sinh học 11Ở động vật đã có hệ thần kinh, quá trình cảm ứng được thực hiện qua

A. sự co rút của chất nguyên sinh.

B. các phản xạ.

C. sự chuyển động của cả cơ thể.

D. các phản ứng của cơ thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Ở động vật đã có hệ thần kinh, quá trình cảm ứng được thực hiện qua các phản xạ. Phản xạ là các phản ứng của cơ thể đáp trả lại các kích thích từ môi trường dưới sự điều khiển của hệ thần kinh.

Câu 17.3 trang 56 SBT Sinh học 11Dựa vào chức năng của neuron, hãy cho biết neuron có số lượng sợi nhánh nhiều sẽ có ưu thế gì.

A. Sợi nhánh càng nhiều giúp neuron xử lí các thông tin càng chính xác → quá trình truyền thông tin càng nhanh chóng.

B. Sợi nhánh càng nhiều giúp neuron truyền thông tin đến các tế bào khác càng nhanh → quá trình xử lí thông tin càng chính xác.

C. Sợi nhánh càng nhiều giúp neuron tiếp nhận nhiều thông tin từ thân neuron gửi tới → quá trình xử lí thông tin càng chính xác.

D. Sợi nhánh càng nhiều giúp neuron tiếp nhận thông tin từ nhiều tế bào khác gửi tới → quá trình xử lí thông tin càng chính xác.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Các sợi nhánh của neuron có tác dụng tiếp nhận tín hiệu từ các tế bào khác được chuyển giao qua synapse → Ưu thế của neuron có số lượng sợi nhánh nhiều: Sợi nhánh càng nhiều giúp neuron tiếp nhận thông tin từ nhiều tế bào khác gửi tới → quá trình xử lí thông tin càng chính xác.

Câu 17.4 trang 56 SBT Sinh học 11Trên sợi trục thần kinh, khoảng cách giữa các bao myelin được gọi là

A. synapse.

B. chuỳ synapse.

C. eo Ranvier.

D. thụ thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Trên sợi trục thần kinh, khoảng cách giữa các bao myelin được gọi là eo Ranvier. Eo Ranvier là vị trí không có tính chất cách điện.

Câu 17.5 trang 56 SBT Sinh học 11: Loại thụ thể cảm giác nào sau đây chỉ đóng vai trò cảm nhận kích thích từ môi trường bên ngoài?

A. Thụ thể đau.

B. Thụ thể nhiệt.

C. Thụ thể điện từ.

D. Thụ thể hoá học.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Thụ thể điện từ có vai trò phát hiện các dạng khác nhau của năng lượng điện từ như ánh sáng nhìn thấy, dòng điện và từ trường. Đây là loại thụ thể chỉ đóng vai trò cảm nhận kích thích từ môi trường bên ngoài.

Câu 17.6 trang 57 SBT Sinh học 11Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về các dạng hệ thần kinh?

A. Hệ thần kinh dạng ống gồm các tế bào thần kinh tập trung lại tạo thành các hạch thần kinh, nối với nhau bằng các sợi thần kinh.

B. Hệ thần kinh dạng ống gồm phần đầu của ống phát triển mạnh thành não bộ, phần sau hình thành tuỷ sống.

C. Hệ thần kinh dạng lưới gồm các tế bào thần kinh tập trung thành từng cụm ở các bộ phận nhất định trên cơ thể.

D. Hệ thần kinh dạng ống có sự phân hoá thành hạch não, hạch ngực và hạch bụng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

A. Sai. Hệ thần kinh gồm các tế bào thần kinh tập trung lại tạo thành các hạch thần kinh, nối với nhau bằng các sợi thần kinh là hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.

B. Đúng. Hệ thần kinh dạng ống gồm phần đầu của ống phát triển mạnh thành não bộ, phần sau hình thành tuỷ sống.

C. Sai. Hệ thần kinh dạng lưới gồm các tế bào thần kinh nằm rải rác khắp cơ thể và nối với nhau thành một mạng lưới thần kinh.

D. Sai. Hệ thần kinh dạng ống có sự phân hoá thành 2 phần là thần kinh trung ương (não bộ và tuỷ sống) và thần kinh ngoại biên (các hạch thần kinh và các dây thần kinh).

Câu 17.7 trang 57 SBT Sinh học 11Não bộ ở động vật được chia thành bao nhiêu phần?

A. 2.

B. 3.

C. 4.

D. 5

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Não bộ ở động vật được chia thành 5 phần: bán cầu đại não, não trung gian, tiểu não, não giữa và hành - cầu não.

Câu 17.8 trang 57 SBT Sinh học 11Phát biểu nào sau đây là không đúng khi nói về cấu tạo của synapse hoá học?

A. Trên màng trước synapse có các kênh Ca2+.

B. Khe synapse là khoảng hở giữa màng trước synapse và màng sau synapse.

C. Trên màng sau synapse có các thụ thể tiếp nhận các chất trung gian hoá học.

D. Các chất trung gian hoá học trong các bóng synapse được chứa ở khe synapse.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

D. Sai. Các chất trung gian hoá học trong các bóng synapse được chứa ở trong chuỳ synapse. Dưới tác động của Ca2+, các bóng synapse trong chuỳ synapse dung hợp với màng trước synapse và giải phóng chất trung gian hoá học đi vào khe synapse bằng hình thức xuất bào.

Câu 17.9 trang 57 SBT Sinh học 11Ý nào sau đây là đúng khi mô tả về đường dẫn truyền xung thần kinh trong cung phản xạ?

A. Cơ quan thụ cảm → neuron cảm giác → trung ương thần kinh có các neuron trung gian → neuron vận động → cơ quan đáp ứng.

B. Cơ quan thụ cảm → neuron trung gian → trung ương thần kinh có các neuron cảm giác → neuron vận động → cơ quan đáp ứng.

C. Cơ quan thụ cảm → neuron vận động → trung ương thần kinh có các neuron trung gian → neuron cảm giác → cơ quan đáp ứng.

D. Cơ quan thụ cảm → neuron cảm giác → trung ương thần kinh có các neuron vận động → neuron trung gian → cơ quan đáp ứng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Đường dẫn truyền xung thần kinh trong cung phản xạ: Cơ quan thụ cảm → neuron cảm giác → trung ương thần kinh có các neuron trung gian → neuron vận động → cơ quan đáp ứng.

Câu 17.10 trang 57 SBT Sinh học 11Động vật có khả năng nhận biết các loại thức ăn có thể và không thể ăn được là nhờ vai trò của giác quan nào?

A. Thị giác.

B. Xúc giác.

C. Khứu giác.

D. Vị giác.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Vị giác là giác quan có vai trò giúp động vật chọn lựa loại thức ăn ăn được và không ăn được, đảm bảo chất dinh dưỡng cho cơ thể tồn tại và phát triển.

Câu 17.11 trang 57 SBT Sinh học 11: Trong các nguyên nhân sau, có bao nhiêu nguyên nhân làm cho xung thần kinh truyền qua synapse chỉ theo một chiều từ màng trước ra màng sau?

(1) Chỉ có trên màng sau synapse có thụ thể tiếp nhận chất trung gian hoá học.

(2) Chỉ có chùy synapse có bóng chứa chất trung gian hoá học.

(3) Trên màng sau synapse có chứa các enzyme phân giải chất trung gian hoá học.

(4) Chỉ có trên màng trước synapse có các kênh ion tiếp nhận ion Ca2+.

(5) Chỉ có trên màng trước synapse có các kênh ion.

A. 4.

B. 1.

C. 3.

D. 2.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Xung thần kinh truyền qua synapse chỉ theo một chiều từ màng trước ra màng sau do:

(1) Chỉ có trên màng sau synapse có thụ thể tiếp nhận chất trung gian hoá học.

(2) Chỉ có chùy synapse có bóng chứa chất trung gian hoá học.

(3) Trên màng sau synapse có chứa các enzyme phân giải chất trung gian hoá học.

(4) Chỉ có trên màng trước synapse có các kênh ion tiếp nhận ion Ca2+.

Câu 17.12 trang 58 SBT Sinh học 11Trong các bệnh sau đây, có bao nhiêu bệnh liên quan đến hệ thần kinh?

(1) Alzheimer.

(2) Parkinson.

(3) Trầm cảm.

(4) Rối loạn cảm giác.

A. 4.

B. 1.

C. 3.

D. 2.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Alzheimer (do các neuron ở nhiều vùng của não suy yếu dần và chết hoặc do sự tích luỹ các protein gây cản trở quá trình truyền thông tin trong não), parkinson (do sự thoái hoá của các neuron ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến mất kiểm soát khả năng vận động của các cơ), trầm cảm (do hoạt động của hệ thần kinh bị rối loạn khi não bộ bị chấn thương, căng thẳng quá mức, sốc tâm lí,…), rối loạn cảm giác (do bị tổn thương các đường dẫn truyền cảm giác, hư hỏng các thụ thể ở cơ quan thụ cảm) đều là những bệnh liên quan đến hệ thần kinh.

Câu 17.13 trang 58 SBT Sinh học 11: Có bao nhiêu loại thuốc sau đây có tác dụng giảm đau?

(1) Morphine.

(2) Paracetamol.

(3) Oxycodone.

(4) Piperazin.

A. 4.

B. 1.

C. 3.

D. 2.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Trong các loại thuốc trên, các loại thuốc có tác dụng giảm đau là: (1), (2), (3). Trong đó, morphine và oxycodone có tác dụng giảm đau do có tác dụng ức chế thụ thể ở màng sau, ngăn chặn quá trình truyền tin qua synapse; paracetamol có tác dụng giảm đau do ức chế sự tổng hợp prostaglandin (một chất do các mô tổn thương, vùng đồi dưới tiết ra có tác dụng tăng cường cảm giác đau).

Câu 17.14 trang 58 SBT Sinh học 11: Có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng khi nói về ảnh hưởng của các chất ma tuý đối với con người?

(1) Sau nhiều lần sử dụng sẽ gây nghiện và lệ thuộc vào chúng.

(2) Tạo cho con người cảm giác sảng khoái, hưng phấn, giảm căng thẳng và mệt mỏi.

(3) Sử dụng ma tuý quá liều có thể gây tử vong đột ngột.

(4) Khi sử dụng lâu dài có tác dụng giảm đau, giảm căng thẳng.

(5) Người sử dụng có thể có những hành vi gây nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

A. 3.

B. 4.

C. 1.

D. 2.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Các phát biểu đúng là: (1), (2), (3), (5).

(4) Sai. Khi sử dụng ma tuý lâu dài, sức khoẻ sẽ bị giảm sút rõ rệt, thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, nhịp sinh học bị rối loạn, suy giảm trí nhớ và khả năng lao động, không làm chủ được bản thân dẫn đến có thể gây nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

Câu 17.15 trang 58 SBT Sinh học 11Có bao nhiêu biện pháp sau đây nhằm đảm bảo hệ thần kinh được khoẻ mạnh?

(1) Đảm bảo giấc ngủ hằng ngày hợp lí.

(2) Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

(3) Sử dụng các chất để kích thích hoạt động của hệ thần kinh.

(4) Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao.

A. 3.

B. 4.

C. 1.

D. 2.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong các biện pháp trên, biện pháp nhằm đảm bảo hệ thần kinh được khoẻ mạnh là: (1), (2), (4).

(3) Sai. Để bảo vệ hệ thần kinh thì cần phải không lạm dụng chất kích thích.

Câu 17.16 trang 58 SBT Sinh học 11Có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng khi nói về hậu quả của bệnh Parkinson?

(1) Trí nhớ suy giảm ngày càng trầm trọng và cuối cùng là tử vong.

(2) Khả năng vận động kém, mất khả năng vận động vô thức (chớp mắt, đung đưa tay khi đi bộ,...),

(3) Tinh thần, trí tuệ và khả năng cảm nhận niềm vui giảm sút, rối loạn giấc ngủ.

(4) Hệ thần kinh không còn khả năng tiếp nhận và xử lí chính xác các thông tin được truyền đến từ các giác quan.

A. 3.

B. 4.

C. 1.

D. 2.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Các phát biểu đúng là: (2).

Bệnh Parkinson xảy ra do sự thoái hoá của các neuron ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến mất kiểm soát khả năng vận động của các cơ → Hậu quả của bệnh Parkinson là khả năng vận động kém, mất khả năng vận động vô thức (chớp mắt, đung đưa tay khi đi bộ,…), không biểu đạt được các trạng thái cảm xúc trên mặt, thay đổi thói quen hằng ngày (tiếng nói, chữ viết, tính cách,…),…

Câu 17.17 trang 59 SBT Sinh học 11Có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng khi nói về cơ chế thu nhận và truyền tín hiệu âm thanh ở người?

(1) Vành tai và ống tai ngoài có vai trò dẫn truyền sóng âm vào màng nhĩ.

(2) Chuỗi xương tai ở tai giữa có vai trò khuếch đại âm thanh.

(3) Các thụ thể cảm nhận thính giác nằm ở ốc tai, có vai trò truyền tín hiệu về vùng cảm nhận thính giác ở hành não.

(4) Sự rung động của màng nhĩ được truyền qua chuỗi xương tai ở tai giữa đến cửa sổ bầu dục ở tai trong.

A. 3.

B. 4.

C. 1.

D. 2.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Các phát biểu đúng là: (1), (2), (4).

(3) Sai. Các thụ thể cảm nhận thính giác nằm ở ốc tai, có vai trò truyền tín hiệu về vùng cảm nhận thính giác ở vỏ não.

Câu 17.18 trang 59 SBT Sinh học 11Có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng khi nói về cơ chế thu nhận và truyền tín hiệu ánh sáng ở người?

(1) Khi truyền đến mắt, giác mạc là bộ phận đầu tiên tiếp nhận ánh sáng.

(2) Thụ thể tiếp nhận ánh sáng ở mắt là các tế bào que và tế bào nón.

(3) Sau khi tiếp nhận ánh sáng, các tế bào que và tế bào nón truyền xung thần kinh đến các tế bào ngang và tế bào amacrine.

(4) Xung thần kinh được truyền đến vùng cảm nhận thị giác ở vỏ não qua các sợi thần kinh thị giác.

A. 4.

B. 3.

C. 1.

D. 2.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Các phát biểu đúng là: (1), (2), (4).

(3) Sai. Sau khi tiếp nhận ánh sáng, các tế bào que và tế bào nón khởi phát xung thần kinh truyền đến các tế bào lưỡng cực, rồi từ tế bào lưỡng cực, xung thần kinh được truyền đến các tế bào hạch rồi theo các sợi thần kinh thị giác đến vùng cảm nhận thụ giác ở vùng vỏ não.

Câu 17.19 trang 59 SBT Sinh học 11Khi nói về các loại phản xạ, có bao nhiêu nhận định dưới đây là không đúng?

(1) Các phản xạ không điều kiện thường đơn giản, ít tế bào thần kinh tham gia.

(2) Phản xạ tiết dịch tiêu hoá, phản xạ định hướng là các phản xạ có điều kiện.

(3) Cơ sở hình thành phản xạ không điều kiện là sự hình thành cầu nối giữa các tế bào ở thần kinh trung ương.

(4) Các phản xạ có điều kiện không bền vững, phải được củng cố thường xuyên.

(5) Phản xạ có điều kiện không đặc trưng cho từng cá thể nhưng đặc trưng cho loài.

(6) Phản xạ không điều kiện có tính chất bẩm sinh, không di truyền.

A. 2.

B. 3.

C. 1.

D. 4.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Các nhận định đúng là: (1), (4).

(2) Sai. Phản xạ tiết dịch tiêu hoá, phản xạ định hướng là các phản xạ không điều kiện.

(3) Sai. Cơ sở hình thành phản xạ không điều kiện là do genn quy định, còn cơ sở hình thành phản xạ có điều kiện là sự hình thành đường liên hệ tạm thời giữa hai trung khu thần kinh khác nhau trên vỏ não.

(5) Sai. Phản xạ có điều kiện được hình thành trong quá trình sống và đặc trưng cho cá thể.

(6) Sai. Phản xạ không điều kiện có tính chất bẩm sinh, di truyền, đặc trưng cho loài.

Câu 17.20 trang 60 SBT Sinh học 11Quá trình hình thành phản xạ có điều kiện cần những điều kiện nào?

Lời giải:

Quá trình hình thành phản xạ có điều kiện cần những điều kiện sau:

- Có sự kết hợp giữa tác động của kích thích có điều kiện (tín hiệu: bật đèn) và tác nhân củng cố không điều kiện (thức ăn).

- Kích thích có điều kiện phải xuất hiện trước tác nhân củng cố không điều kiện.

- Tác nhân củng cố không điều kiện phải đủ mạnh về mặt sinh học.

- Kích thích có điều kiện phải có cường độ vừa phải, tối ưu.

- Não bộ phải tỉnh táo và hoạt động bình thường.

Câu 17.21 trang 60 SBT Sinh học 11Người ta dùng một loại thuốc Y có tác dụng phá huỷ enzyme acetylcholinesterase ở các synapse để tẩy giun sán cho lợn. Hãy cho biết cơ chế tác dụng của loại thuốc này.

Lời giải:

Khi cho lợn uống thuốc Y để tẩy giun sán, thuốc sẽ ngấm vào tế bào thần kinh của giun sán làm phá huỷ enzyme acetylcholinesterase ở các synapse, do đó, chất trung gian hoá học không bị phân giải. Sự tích tụ acetylcholine nhiều ở màng sau synapse gây hưng phấn liên tục làm cho các cơ của giun sán co liên tục nên giun sán không thể bám được vào niêm mạc ruột lợn và bị đẩy ra ngoài theo nhu động ruột.

Câu 17.22 trang 60 SBT Sinh học 11Tại sao khi chúng ta ăn các loại thức ăn có vị cay thường có hiện tượng toát mồ hôi?

Lời giải:

Khi chúng ta ăn các loại thức ăn có vị cay, các chất hoá học gây cảm giác cay sẽ tác dụng lên thụ thể nóng làm cơ thể toát mồ hôi.

Câu 17.23 trang 60 SBT Sinh học 11Hãy cho một ví dụ về phản xạ có điều kiện. Trình bày quá trình hình thành phản xạ có điều kiện đó.

Lời giải:

- Ví dụ: Khi nghe tiếng lách cách va chạm của chén dĩa, mèo sẽ tiết nước bọt.

- Quá trình hình thành: Ban đầu, khi phản xạ có điều kiện chưa được thành lập, tiếng va chạm lách cách của chén dĩa kích thích cơ quan thính giác của mèo. Sau đó, mèo được cho ăn. Quá trình lặp lại nhiều lần dẫn đến hình thành đường liên hệ thần kinh tạm thời → phản xạ có điều kiện được thành lập.

Câu 17.24 trang 60 SBT Sinh học 11Phản ứng nào sau đây được gọi là phản xạ? Giải thích.

a) Trùng giày bơi đến nơi có nhiều oxygen.

b) Người rụt tay lại khi vô tình chạm vào vật nóng.

c) Cơ thể người toát mồ hôi khi trời nóng và run khi trời rét.

d) Vi khuẩn tiết enzyme phân giải chất dinh dưỡng.

Lời giải:

- Các phản ứng là phản xạ: b, c; vì các phản ứng này có sự điều khiển bởi hệ thần kinh.

- Các phản ứng không phải là phản xạ: a, d; vì các phản ứng này không được điều khiển bởi hệ thần kinh.

Câu 17.25 trang 60 SBT Sinh học 11Hình 17.1 mô tả cấu tạo của một neuron điển hình.

SBT Sinh học 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 17: Cảm ứng ở động vật (ảnh 1)

a) Chú thích các thành phần cấu tạo nên neuron.

b) Hãy cho biết neuron có chức năng gì.

c) Điều gì sẽ xảy ra nếu sợi trục và sợi nhánh bị cắt khỏi thân neuron? Giải thích.

Lời giải:

a) (1) Nhân; (2) Thân neuron; (3) Sợi nhánh; (4) Sợi trục; (5) Bao myelin; (6) Eo Ranvier; (7) Tận cùng synapse.

b) Neuron có vai trò tiếp nhận, xử lí và truyền xung thần kinh trong hệ thần kinh.

c) Nếu sợi trục và sợi nhánh bị cắt khỏi thân neuron thì chúng sẽ bị thoái hoá vì không còn được cung cấp chất dinh dưỡng từ thân neuron.

Câu 17.26 trang 60 SBT Sinh học 11: Hãy chứng minh sự tiến hoá của hệ thần kinh ở động vật theo hướng tập trung hoá và có hiện tượng đầu hoá.

Lời giải:

- Sự tập trung hoá thể hiện ở chỗ các tế bào thần kinh phân tán ở thần kinh dạng lưới, sau đó tập trung thành chuỗi hạch thần kinh → chuỗi hạch bụng → tập trung thành 3 khối hạch: hạch não, hạch ngực và hạch bụng, cuối cùng là tập trung thành ống thần kinh.

- Hiện tượng đầu hoá trước hết thể hiện ở sự tập trung của các tế bào thần kinh thành não nằm ở phần đầu của động vật có đối xứng hai bên; cơ thể phân hoá thành đầu, đuôi. Các giác quan và cơ quan miệng được hình thành và phát triển tập trung ở phần đầu. Não phát triển, thể hiện qua các ngành động vật từ thấp đến cao.

Câu 17.27 trang 60 SBT Sinh học 11Có những loại thụ thể cảm giác nào? Cho biết chức năng của mỗi loại thụ thể đó.

Lời giải:

Có năm loại thụ thể cảm giác:

- Thụ thể cơ học: Cảm nhận những kích thích cơ học như áp lực, sự va chạm, xúc giác, căng dãn của các cơ, âm thanh và chuyển động.

- Thụ thể hoá học: Thu nhận thông tin về nồng độ các chất hoà tan hoặc thu nhận thông tin về sự có mặt của một chất hoá học nhất định.

- Thụ thể điện từ: Phát hiện các dạng khác nhau của năng lượng điện từ như ánh sáng nhìn thấy, dòng điện và từ trường.

- Thụ thể nhiệt: Có vai trò phát hiện nhiệt độ nóng và lạnh.

- Thụ thể đau: Phát hiện cảm giác đau.

Câu 17.28 trang 60 SBT Sinh học 11Hãy xác định trong các ví dụ sau đây, vai trò của các loại thụ thể là đúng hay sai bằng cách ghi Đ hoặc S vào cột tương ứng trong bảng sau.

STT

Đ/S

Loại thụ thể

Ví dụ

1

 

Thụ thể cơ học

Xuất hiện cảm giác đau khi bị một vật nhọn đâm vào.

2

 

Thụ thể hoá học

Thụ thể ở xoang động mạch cảnh và cung động mạch chủ, cảm nhận nồng độ COtrong máu.

3

 

Thụ thể điện từ

Dơi có thể phát hiện con mồi trong bóng đêm.

4

 

Thụ thể nhiệt

Mũi xuất hiện cảm giác mát lạnh khi ngửi thấy tinh dầu bạc hà.

5

 

Thụ thể đau

Cơ thể xuất hiện cảm giác tê khi vô tình tiếp xúc với vật đang có dòng điện chạy qua.

Lời giải:

STT

Đ/S

Loại thụ thể

Ví dụ

1

S

Thụ thể cơ học

Xuất hiện cảm giác đau khi bị một vật nhọn đâm vào.

2

Đ

Thụ thể hoá học

Thụ thể ở xoang động mạch cảnh và cung động mạch chủ, cảm nhận nồng độ COtrong máu.

3

S

Thụ thể điện từ

Dơi có thể phát hiện con mồi trong bóng đêm.

4

Đ

Thụ thể nhiệt

Mũi xuất hiện cảm giác mát lạnh khi ngửi thấy tinh dầu bạc hà.

5

S

Thụ thể đau

Cơ thể xuất hiện cảm giác tê khi vô tình tiếp xúc với vật đang có dòng điện chạy qua.

Câu 17.29 trang 60 SBT Sinh học 11: Vị giác và khứu giác có mối liên hệ với nhau như thế nào trong việc lựa chọn thức ăn ở động vật? Cho ví dụ.

Lời giải:

- Mối liên hệ giữa vị giác và khứu giác trong việc lựa chọn thức ăn ở động vật: Khứu giác kết hợp với vị giác giúp động vật nhận biết được thức ăn. Động vật không cần ăn mà chỉ cần ngửi mùi thì có thể nhận biết đó là loại thức ăn gì, có ăn được hay không.

- Ví dụ: Ở người, đôi khi chỉ cần ngửi mùi thì chúng ta có thể nhận biết được món ăn ngon hay không ngon, có ăn được hay không.

Câu 17.30 trang 61 SBT Sinh học 11: Phân tích mối quan hệ về vai trò của các cơ quan cảm giác trong quá trình cảm ứng ở động vật.

Lời giải:

Mối quan hệ về vai trò của các cơ quan cảm giác trong quá trình cảm ứng ở động vật: Các cơ quan cảm giác có vai trò tiếp nhận kích thích từ môi trường, qua đó truyền đến thần kinh trung ương để đưa ra các phản ứng trả lời phù hợp. Mỗi cơ quan cảm giác có vai trò tiếp nhận một hoặc một số kích thích nhất định, do đó, sự phối hợp giữa các cơ quan cảm giác giúp động vật có thể tiếp nhận được nhiều loại kích thích khác nhau, nhờ đó mà cơ thể có các phản ứng đa dạng, phức tạp và chính xác.

Câu 17.31 trang 61 SBT Sinh học 11: Dựa vào kiến thức về cơ chế thu nhận sóng âm ở tai, hãy giải thích:

a) Tại sao người ta có thể phân biệt được các tần số âm thanh khác nhau?

b) Tại sao người bị viêm hệ thống xương ở tai giữa có thể ảnh hưởng đến thính lực?

c) Tại sao những công nhân làm việc thường xuyên trong các nhà máy có tiếng ồn lớn lại có nguy cơ bị giảm thính lực?

Lời giải:

a) Người ta có thể phân biệt được các tần số âm thanh khác nhau vì: Sóng âm tần số thấp làm rung đoạn màng nền ở gần đỉnh ốc tại, sóng âm có tần số trung bình làm rung đoạn giữa màng nền, sóng âm có tần số cao làm rung đoạn màng nền ở đáy ốc tai. Các tế bào thụ cảm nằm trên các đoạn màng khác nhau đập lên màng phủ, xung thần kinh xuất hiện và lan truyền về thuỳ thái dương cho cảm giác âm thanh ở những tần số khác nhau.

b) Các xương ở tai giữa có chức năng truyền đúng tần số sóng âm vào tai trong và khuếch đại âm. Khi bị viêm, các xương tai giữa giảm hoặc không dao động → giảm hoặc mất chức năng truyền âm → gây giảm thính lực hoặc điếc.

c) Tiếng ồn lớn và liên lục ở các nhà máy làm cho tế bào thụ cảm âm thanh đập mạnh lên màng phủ. Quá trình này diễn ra liên tục, lâu ngày sẽ làm các tế bào thụ cảm giảm khả năng hưng phấn hoặc bị tổn thương → giảm thính lực.

Câu 17.32 trang 61 SBT Sinh học 11Điền từ/cụm từ thích hợp vào chỗ trống.

Khi xung thần kinh truyền đến ...(1)... sẽ làm màng tế bào thay đổi tính thấm đối với ...(2)..., Ca2+ từ dịch mô tràn vào dịch bào qua kênh protein.

Dưới tác động của Ca2+, các ...(3)... trong chùy synapse dung hợp với màng trước synapse và giải phóng ...(4)... đi vào ...(5)... bằng hình thức xuất bào. Các phân tử chất trung gian hoá học lập tức gắn vào các ...(6)... ở màng sau synapse và làm thay đổi tính thấm của ...(7)..., dẫn đến các kênh ion ở đây mở ra cho phép các ion chuyên biệt qua màng làm ...(8)... được hình thành tại màng sau synapse, tiếp tục lan truyền dọc theo sợi thần kinh và cứ như thế cho đến ...(9)...

Sau khi xung thần kinh được hình thành và truyền đi, chất trung gian hóa học bị các ...(10)... phân giải và mất tác dụng. Các sản phẩm phân giải này có thể quay trở lại màng trước, đi vào chùy synapse và được sử dụng để tái tổng hợp trở lại chất trung gian hoá học.

Lời giải:

(1) chuỳ synapse; (2) Ca2+; (3) bóng synapse; (4) chất trung gian hoá học; (5) khe synapse; (6) thụ thể; (7) màng sau synapse; (8) xung thần kinh; (9) cơ quan đáp ứng; (10) enzyme.

Câu 17.33 trang 61 SBT Sinh học 11Dựa vào cơ chế hình thành phản xạ có điều kiện, hãy cho biết:

a) Cơ sở của sự hình thành phản xạ có điều kiện là gì.

b) Trong sự hình thành phản xạ tiết nước bọt ở chó khi có ánh sáng đèn, hãy cho biết trong các trường hợp sau đây phản xạ có điều kiện có xảy ra không. Giải thích.

(1) Cho chó ăn trước rồi mới bật đèn.

(2) Bột đèn, sau một giờ mới cho chó ăn.

(3) Bật đèn có công suất lớn trước khi cho chó ăn.

Lời giải:

a) Sự hình thành phản xạ có điều kiện có cơ sở dựa trên sự hình thành đường liên hệ thần kinh tạm thời giữa hai trung khu ở vỏ não khi chúng hưng phấn cùng lúc.

b)

(1) Cho chó ăn trước rồi mới bật đèn → không hình thành phản xạ vì trung khu tiếp nhận kích thích có điều kiện phải được kích thích trước.

(2) Bật đèn, sau một giờ mới cho chó ăn → không hình thành phản xạ vì khoảng cách thời gian giữa tín hiệu và tác nhân củng cố quá xa, lúc này hưng phấn ở trung khu tiếp nhận kích thích có điều kiện sẽ không còn.

(3) Bật đèn có công suất lớn trước khi cho chó ăn → không hình thành phản xạ vì đèn có công suất lớn có khả năng gây tổn thương cho con vật, dẫn đến ức chế quá trình hình thành phản xạ có điều kiện.

Câu 17.34 trang 61 SBT Sinh học 11: Ở động vật, tại sao đa số các synapse đều là synapse hoá học?

Lời giải:

Ở động vật, đa số các synapse đều là synapse hoá học vì synapse hoá học có các ưu điểm sau:

- Quá trình truyền tin dễ được điều chỉnh hơn thông qua điều chỉnh lượng chất truyền tin tiết vào khe synapse. Ngoài ra, mức độ đáp ứng tín hiệu ở màng sau synapse cũng dễ được điều chỉnh hơn thông qua điều chỉnh số lượng các kênh ion.

- Dẫn truyền xung thần kinh chỉ theo một chiều từ màng trước synapse sang màng sau synapse, nên xung thần kinh chỉ truyền theo một chiều từ cơ quan thụ cảm đến cơ quan đáp ứ Để nghiên cứu sự dẫn truyền xung thần kinh từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh kia qua synapse, một nhà khoa học ng.

- Chất trung gian hoá học có tính đặc hiệu, ở mỗi loại synapse gây ra đáp ứng khác nhau (tuỳ theo loại thụ thể tiếp nhận).

Câu 17.35 trang 61 SBT Sinh học 11Để nghiên cứu sự dẫn truyền xung thần kinh từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh kia qua synapse, một nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm với các tế bào thần kinh A và B nối nhau bằng synapse hóa học trong các dung dịch sau:

- Dung dịch A: Chứa chất kích thích khiến kênh ion của màng sau synapse luôn mở.

- Dung dịch B: Chứa chất ức chế hoạt động của enzyme acetylcholinesterase.

- Dung dịch C: Chứa chất ức chế hình thành acetylcholine trong bóng synapse.

- Dung dịch D: Chứa chất kích thích khiến cổng Ca2+ của chuỳ synapse luôn mở.

Hãy dự đoán xung thần kinh có truyền được từ tế bào thần kinh A sang tế bào thần kinh B khi đặt vào các dung dịch trên không? Giải thích.

Lời giải:

- Dung dịch A: Xung thần kinh có thể truyền từ tế bào A sang tế bào B, do kênh ion của màng sau synapse luôn mở nên tế bào thần kinh B luôn bị hưng phấn.

- Dung dịch B: Ban đầu xung thần kinh được truyền từ tế bào A sang tế bào B nhưng sau một thời gian thì xung thần kinh không được truyền đi nữa. Do ban đầu acetylcholine bám vào thụ thể màng sau synapse khiến cho màng tăng tính thấm với các ion → xung thần kinh truyền từ tế bào A sang tế bào B. Tuy nhiên, enzyme acetylcholinesterase không hoạt động nên không phân giải được acetylcholine → thiếu nguyên liệu để hình thành trở lại acetylcholine trong các bóng synapse → sau một thời gian thì sự truyền xung thần kinh bị dập tắt.

- Dung dịch C: Xung thần kinh không được truyền từ tế bào A sang tế bào B do không có acetylcholine nên không có chất truyền tin qua synapse.

- Dung dịch D: Ban đầu xung thần kinh được truyền từ tế bào A sang tế bào B nhưng sau một thời gian thì xung thần kinh không được truyền đi nữa. Do cổng Ca2+ luôn mở khiến cho các bóng synapse liên tục giải phóng acetylcholine → xung thần kinh liên tục truyền từ tế bào A sang tế bào B. Tuy nhiên, khi các bóng synapse đều đã giải phóng acetylcholine trong khi acetylcholine chưa kịp tái tạo thì xung thần kinh bị dập tắt.

Xem thêm lời giải bài tập Sinh học lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 16 : Thực hành: Cảm ứng ở thực vật 

Bài 18 : Tập tính ở động vật

Đánh giá

5

1 đánh giá

1