Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu Top 30 Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức (Có đáp án) gồm các đề thi được tuyển chọn và tổng hợp từ các đề thi môn Ngữ văn THCS trên cả nước có hướng dẫn giải chi tiết giúp học sinh làm quen với các dạng đề, ôn luyện để đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Ma trận đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức - Đề số 1
Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức (Có đáp án) - Đề số 1
Phòng Giáo dục và Đào tạo ...
Đề thi Học kì 1 - Kết nối tri thức
Năm học 2022 - 2023
Môn: Ngữ Văn lớp 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 1)
Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
HÀNG QUÀ RONG
Người Hà Nội, ăn thì ngày nào cũng ăn, nhưng thường thì không để ý. Nếu chúng ta về ở các tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà ở Hà Nội ngon chừng nào. Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi. Trong một ngày, không lúc nào là không có hàng quà. Mỗi giờ là một thứ khác nhau; ăn quà cũng là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán hàng ấy, mới là người sành ăn.
Tang tảng sáng, tiếng bánh Tây đã rao, lẫn với tiếng chổi quét đường. Đó là quà của những người thợ đi làm sớm. Rồi, có từng độ, phố xá vang lên tiếng rao “bán bánh rán nóng, trinh một, xu đôi” của một lũ trẻ con. Cái bánh rán vừa cứng và xấu, thật làm giảm thanh thế của quà Hà Nội, do một cửa hàng nào đó muốn kiếm lời, cứ muốn bắt thiên hạ ăn bánh rán lúc còn ngái ngủ.
Này đây mới là quà chính tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh Trì mông như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơ, bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành. Người bán bánh cuốn Thanh Trì đội mẹt và rổ trên đầu, từng tụm năm, bảy người từ phía Lò Lợn đi vào trong phố, dáng điệu uyển chuyển và nhanh nhẹn.
Rồi mùa nực thì hàng xôi cháo: cháo hoa quánh mùi gạo thơm, xôi nồng mùi gạo nếp. Xôi đậu, xôi lạc, xôi vừng mỡ và dừa. Ờ, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa ngậy vừa bùi. Mà có đắt gì đâu! Ăn một, hai xu là đủ rồi. Mùa rét thì xôi nóng, hãy còn hơi bốc lên như sương mù, ăn vừa nóng người vừa chắc dạ.
Và có ai ngẫm nghĩ kĩ cái vị hành khô chưng mỡ ở trong bát ngô nếp bung non; hành giòn và thơm phức, những hạt ngô béo rưới chút nước mỡ trong...Ngô bung (xôi lúa) thì có nhiều hàng ngon, nhưng ngon nhất và đậm nhất là ngô bung của một bà già trên Yên Phụ. Cứ mỗi buổi sáng, bà từ ô xuống phố, theo một đường đi nhất định, đã ngoài hai mươi năm nay, để các nhà muốn ăn cứ việc sai người ra đứng chờ. Bà đội thúng ngô, tay thủ vào cái áo cánh bông, và cất tiếng rao, tựa như khôngphải tiếng người, một tiếng rao đặc biệt và kì lạ: “Ééé...éc”, “Éé...ééc...”.
Đối với các bà, các cô đi chợ, cô hàng vải, cô hàng rau, v.v là những người ưa món quà gì vừa rẻ vừa ngon, lại vừa no lâu – các cô khó tính, sành ăn và hay xét nét lắm [...].
Món quà này sạch sẽ và tinh khiết, từ quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng, tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm [...].
Cơm nắm từng nắm dài, to nhỏ có, nằm trên chiếc mẹt phủ tấm vải màu trắng tinh để che ruồi, muỗi. Con dao cắt, sáng như nước, và lưỡi đưa ngọt như đường phèn. Cơm cắt ra từng khoanh, cô hàng lại cẩn thận gọt bỏ lớp ngoài, rồi lại cắt ra từng miếng nhỏ, vuông cạnh và dài, để bày trên đĩa. Cô muốn xơi với thứ gì? Với chả mới nhé hay giò lụa mịn màng?
Các cô vừa ăn vừa nhai nhè nhẹ và thong thả vừa hỏi han thân mật cô hàng: cùng bạn làm ăn cả, một gánh nuôi chồng con, đóng góp thì nhiều. Âu cũng là cái phận chứ biết làm thế nào.
(Thạch Lam, NXB Văn học, Hà Nội, 2004)
Câu 1 (1 điểm): Văn bản viết theo thể loại nào? Cho biết những dấu hiệu giúp em nhận ra thể loại đó.
Câu 2 (1 điểm): Theo tác giả, điều gì làm nên “nghệ thuật” ăn quà của người Hà Nội?
Câu 3 (1 điểm): Câu văn:“Con dao cắt, sáng như nước, và lưỡi đưa ngọt như đường phèn.” sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 4 (2 điểm):Tình cảm của nhà văn đối với các món quà Hà Nội được thể hiện qua những hình ảnh, câu văn nào? Em hãy nhận xét về tình cảm đó.
Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)
Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc.
HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I
NĂM HỌC 2022 – 2023
MÔN: NGỮ VĂN 7 (KẾT NỐI TRI THỨC)
Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)
Câu |
Đáp án |
Điểm |
Câu 1 |
- Thể loại: tùy bút. - Dấu hiệu nhận biết: + Văn bản viết thành văn xuôi. + Văn bản ghi chép về đối tượng cụ thể - thú ăn quà của người Hà Nội, bộc lộ tình cảm và suy nghĩ của tác giả. + Giọng văn giàu chất trữ tình, ngôn ngữ giàu hình ảnh. + Tác giả thể hiện rõ cái tôi của mình qua những nhận định, đánh giá. |
0,5 điểm 0,5 điểm |
Câu 2 |
- “Nghệ thuật” ăn quà của người Hà Nội: thể hiện qua việc “ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy”, tức là chọn thời điểm ăn và chọn người bán món quà đúng mới thể hiện mình là người sành ăn. |
1 điểm |
Câu 3 |
- Biện pháp tu từ: so sánh. - Tác dụng: gợi tả được con dao – dụng cụ hành nghề, vừa tái hiện được động tác đưa dao xắt miếng cơm một cách chuyên nghiệp, lành nghề của cô hàng cơm nắm. => câu văn giàu hình ảnh và phong phú hơn. |
0,5 điểm 0,5 điểm |
Câu 4 |
- Hình ảnh, câu văn thể hiện tình cảm của nhà văn đối với các món quà rong Hà Nội: + Nếu chúng ta về ở các tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà ở Hà Nội ngon chừng nào. Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi. + Cái bánh rán vừa cứng và xấu, thật làm giảm thanh thế của quà Hà Nội, do một cửa hàng nào đó muốn kiếm lời, cứ muốn bắt thiên hạ ăn bánh rán lúc còn ngái ngủ. + Này đây mới là quà chính tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa. + Ờ, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa ngậy vừa bùi. Mà có đắt gì đâu! + Và có ai ngắm nghĩ kĩ cái vị hành khô chưng mỡ ở trong bát ngô nếp bung non; hành giòn và thơm phức, những hạt ngô béo rưới chút nước mỡ trong...Ngô bung (xôi lúa) thì có nhiều hàng ngon, nhưng ngon nhất và đậm nhất là ngô bung của một bà già trên Yên Phụ. Cứ mỗi buổi sáng, bà từ ở xuống phố, theo một đường đi nhất định, đã ngoài hai mươi năm nay, để các nhà muốn ăn cứ việc sai người ra đứng chờ. + Món quà này sạch sẽ và tinh khiết, từ quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng, tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm. - Nhận xét: qua những câu văn trên, người đọc nhận ra sự gắn bó, mến yêu tha thiết của Thạch Lam đối với văn hóa ăn quà của người Hà Nội. Nhà văn say sưa tận hưởng bằng cả vị giác lẫn thị giác, khứu giác những món quà đường phố, từ đó thể hiện sự am hiểu, tự hào và trận trọng ẩm thực vùng đất kinh kì. |
1 điểm 1 điểm |
Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)
Đáp án |
Điểm |
*Hình thức: xác định đúng yêu cầu đề và cấu trúc của bài văn biểu cảm, đảm bảo bố cục 3 phần. Mở bài: - Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (con người hoặc sự vật) và nêu ấn tượng ban đầu về đối tượng đó. |
1 điểm 0,5 điểm 3 điểm 0,5 điểm |
Thân bài: - Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người, sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng sâu đậm trong em. - Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với người hoặc sự việc được nói đến. |
|
Kết bài: - Biểu cảm về đối tượng đó đối với bản thân em. * Biểu điểm chung: - Điểm 5: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, mạch lạc, liên kết, mắc một số lỗi chính tả, dùng từ. - Điểm 3,4: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có mạch lạc, liên kết, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 2: Bố cục không rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu bài văn biểu cảm, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 1: Các trường hợp còn lại. |
Ma trận đề thi học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức - Đề số 2
Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức (Có đáp án) - Đề số 2
Phòng Giáo dục và Đào tạo ...
Đề thi Học kì 1 - Kết nối tri thức
Năm học 2022 - 2023
Môn: Ngữ Văn lớp 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
(Đề số 2)
Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
BÀI THUYẾT GIẢNG
Tại một ngôi làng nhỏ, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống, về đồng bào vào mỗi ngày chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi.
Nhưng đến một ngày chủ nhật nọ, một cậu bé, vốn rất chăm chỉ đến nghe nói chuyện bỗng nhiên không đến nữa. Nghe nói cậu ta không muốn nghe những bài nói chuyện tầm xàm và cũng chẳng muốn chơi với những cô cậu bé khác nữa.
Sau hai tuần, vị giáo sư quyết định đến thăm nhà cậu bé. Cậu bé đang ở nhà một mình, ngồi trước bếp lửa. Đoán được lý do chuyến viếng thăm, cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm. Vị giáo sư ngồi xuống nhưng vẫn không nói gì. Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa.
Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt riêng nó sang bên cạnh lò sưởi. Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc. Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần, cuối cùng cháy thêm được một vài giây nữa rồi tắt hẳn, không còn đốm lửa nào nữa. Nó trở nên lạnh lẽo và không còn sức sống.
Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đến thăm một người khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh lẽo và đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó bắt đầu cháy, tỏa sáng, lại một lần nữa với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó. Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông và nói:
- Cảm ơn bác đã đến thăm, và đặc biệt cảm ơn bài nói chuyện của bác. Tuần sau cháu sẽ lại đến chỗ bác cùng mọi người.
(Nguồn https://truyenviet.vn/bai-thuyet-giang)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm): Giải thích nghĩa của từ thuyết giảng.
Câu 3 (1 điểm): Trước khi vị giáo sư đến thăm nhà, cậu bé là người thế nào? Vị giáo sư đã thuyết giảng cậu bé bằng cách nào?
Câu 4 (1 điểm):Theo em, cậu bé đã nhận ra được bài học thuyết giảng nào từ vị giáo sư?
Câu 5 (2 điểm): Lời nhắn gửi đến mọi người từ câu chuyện trên mà em tâm đắc.
Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)
Phát biểu cảm nghĩ về một người thân của em.
HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I
NĂM HỌC 2022 – 2023
MÔN: NGỮ VĂN 7 (KẾT NỐI TRI THỨC)
Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)
Câu |
Đáp án |
Điểm |
Câu 1 |
- Phương thức biểu đạt chính: tự sự. |
0,5 điểm |
Câu 2 |
- Thuyết giảng: trình bày, giảng giải về một vấn đề |
0,5 điểm |
Câu 3 |
- Trước khi nghe vị giáo sư thuyết giảng, cậu bé là người không hề muốn chơi hay làm bạn với bất kì ai, lối sống khép kín, cá nhân và cô độc. - Vị giáo sư thuyết giảng bằng cách: lấy kẹp nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt bên cạnh lò sưởi. Được một thời gian, khi cục than đã tắt,ông đặt lại nó vào lò sưởi và nó lại cháy. |
0,5 điểm 0,5 điểm |
Câu 4 |
- Cậu bé đã nhận được bài học về sự hòa nhập : Khi ta tách riêng khỏi tập thể, cộng đồng sẽ trở nên vô ích và tự diệt. Chỉ khi hòa mình vào với mọi người để cùng nhau sống, cùng nhau cố gắng, đoàn kết ,cá nhân mới tìm thấy niềm vui, phát huy được năng lực, sở trường, sức mạnh của chính mình. |
1 điểm |
Câu 5 |
- Lời nhắn gửi tới mọi người thông qua câu chuyện: Khi sống đơn độc, lẻ loi, tách khỏi tập thể, cộng đồng, cá nhân sẽ đẩy mình đến chỗ tự diệt. Chỉ khi hòa mình vào với mọi người để cùng nhau sống, cùng nhau nỗ lực, cá nhân mới tìm thấy niềm vui, phát huy được năng lực, sở trường, sức mạnh của chính mình, mới thực sự sống và sống một cách có ý nghĩa. |
2 điểm |
Phần 2: Tạo lập văn bản (5 điểm)
Đáp án |
Điểm |
*Hình thức: xác định đúng yêu cầu đề và cấu trúc của bài văn biểu cảm, đảm bảo bố cục 3 phần. Mở bài: - Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (con người hoặc sự vật) và nêu ấn tượng ban đầu về đối tượng đó. |
1 điểm 0,5 điểm 3 điểm 0,5 điểm |
Thân bài: - Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người, sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng sâu đậm trong em + Nét nổi bật về ngoại hình. + Vai trò cảu người thân và mối quan hệ đối với người xung quanh. + Kỉ niệm đáng nhớ nhất giữa em và người thân, biểu cảm về người đó. - Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với người hoặc sự việc được nói đến. |
|
Kết bài: - Khẳng định lại tình cảm, suy nghĩ của em đối với người thân đó. * Biểu điểm chung: - Điểm 5: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, mạch lạc, liên kết, mắc một số lỗi chính tả, dùng từ. - Điểm 3,4: Xác định được ngôi viết phù hợp, đảm bảo đúng yêu cầu của bài vănbiểu cảm, đảm bảo bố cục đủ 3 phần; Có mạch lạc, liên kết, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 2: Bố cục không rõ ràng, đảm bảo đúng yêu cầu bài văn biểu cảm, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 1: Các trường hợp còn lại. |
Xem thêm các đề thi giữa học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 hay, chi tiết khác:
Đề thi Giữa học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức (Có đáp án)...
Đề thi Giữa học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 Chân trời sáng tạo (Có đáp án)...
Đề thi Giữa học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 Cánh diều (Có đáp án)...
Xem thêm các đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 7 hay, chi tiết khác:
Đề thi Học kì 1 Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo (Có đáp án)...
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.