Toptailieu.vn xin giới thiệu Top 50 mẫu Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã học (hay nhất) sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chọn lọc giúp học sinh lớp 10 viết các bài tập làm văn hay hơn. Mời các bạn đón xem:
Top 50 mẫu Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã học (hay nhất)
Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã học (mẫu 1)
Giữa bộn bề mưu sinh của cuộc sống, chẳng mấy ai còn bận tâm hay dành thời gian để cảm nhận thời khắc giao mùa. Nếu mùa xuân là của của sự sống đâm chồi nảy lộc, mùa hạ là mùa của hoa thơm trái ngọt, mùa đông là mưa dầm gió bấc thì mùa thu là mùa của lá rơi và kỷ niệm. Bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh thực sự đã mang giây phút giao mùa sang thu chạm đến sự rung động của người đọc. Khoảnh khắc nhận ra thu về vừa ấn tượng lại dịu dàng và rất tinh tế.
Đối với Hữu Thỉnh, dấu hiệu để nhận biết mùa thu sang không phải là lá vàng rơi rụng mà là hương ổi chín thơm ngọt ngào. Một mùi hương tuy bình dị, dân dã nhưng lại rất đặc trưng và quen thuộc.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Từ “bỗng” mở đầu bài thơ cho thấy tác giả khi ấy rất ngỡ ngàng, bất chợt nhận ra một mùi hương thân thuộc từ trong ngọn gió se se lạnh. Động từ “phả” được đảo lên đầu câu không chỉ diễn tả sự giao thoa, hòa quyện giữa hương ổi và gió se mà còn gợi sự vận động, lan tỏa nhẹ nhàng của một hương thơm thanh mát, dịu nhẹ của hương ổi trong không gian. Tác giả Hữu Thỉnh đã cảm nhận được dấu hiệu mơ hồ của mùa thu bằng các giác quan: khứu giác, thị giác và bằng cả tâm hồn nhạy cảm của một con người tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống.
“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Cách cảm nhận của tác giả thật khéo léo, những màn sương sớm được nhà thơ ví là đang “chùng chình” đi qua ngõ, mang vẻ ngập ngừng, thong dong, không chắc rằng thu đã về hay chưa, và để rồi cảm thấy bâng khuâng nhận ra “thu đã về”. “Hình như” đã diễn tả sự mơ hồ, không xác định trong cảm giác của nhà thơ khi bắt gặp những dấu hiệu chưa thực sự rõ nét của mùa thu.
Nếu trong khổ thơ đầu Hữu Thỉnh mơ hồ cảm nhận được những dấu hiệu của mùa thu thì sang khổ thơ thứ hai, sự thay đổi của đất trời khi thu sang được cảm nhận vô cùng rõ ràng. Quá trình chuyển biến của thiên nhiên khi sang thu hiện hữu ở mọi cảnh vật, khiến cho con người ta nhận ra mùa thu đang ngày càng hiện hình rõ nét chứ không còn mơ hồ nữa.
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Có thể thấy, sự biến chuyển của không gian, thiên nhiên trong quá trình sang thu đã được nhà thơ cảm nhận tinh tế qua nhiều yếu tố và bằng nhiều giác quan, đặc biệt đó là sự cảm nhận từ chính sự rung động của tác giả trước mùa thu. Dòng sông bước vào mùa thu không còn nước dâng cao chảy xiết mà “dềnh dàng” một cách nhẹ nhàng, yên ả, gợi lên vẻ đẹp dịu dàng của bức tranh thiên nhiên mùa thu. Những cánh chim cũng bắt đầu “vội vã” bay về phương Nam tránh rét. Hình ảnh thú vị đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” khiến người đọc liên tưởng đám mây kia không phải vật vô tri vô giác mà bỗng trở nên có hồn, có cảm xúc. Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây mùa hạ cuối cùng di chuyển một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển “vắt nửa mình sang thu”, dường như đám mây ấy vừa mong chờ thu sang nhưng cũng như lưu luyến, nuối tiếc phải chia tay mùa hạ.
Nếu như cuộc đời con người cũng như bốn mùa trong năm thì mùa thu là mùa mà ở đó con người ta đã trưởng thành, đã đủ chín chắn để chiêm nghiệm ra nhiều điều.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Tiết trời mùa thu vẫn còn vương vấn cái oi nồng của mùa hạ “còn bao nhiêu nắng”, tuy vẫn sáng nhưng không chói chang gay gắt mà nhạt dần, dịu dần. Vẫn có mưa, nhưng không còn là những cơn mưa rào đến bất ngờ và đi trong thoáng chốc “vơi dần cơn mưa”. Trời vào thu cũng đã bớt đi những tiếng sấm đột ngột và bất ngờ trên những hàng cây đứng tuổi. Hai câu thơ cuối bài được coi là câu thơ hay nhất cũng là kết tinh giá trị tư tưởng cho toàn bộ bài thơ:
“Nắng cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Nắng, mưa hay sấm đều là những tác động bất ngờ và bất thường tự nhiên. Từ hiện tượng bất thường của thời tiết, tác giả Hữu Thỉnh đã gợi cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về tác động của nghịch cảnh trong cuộc đời mỗi người. “Hàng cây đứng tuổi” là những hàng cây cổ thụ, đó cũng là biểu tượng cho những con người đã trưởng thành. Khi con người đã trưởng thành, đã từng đi qua những bão táp, giông tố sẽ vững vàng, kiên cường hơn hơn trước những biến cố bất ngờ của cuộc sống.
Đất trời cuối hạ sang thu chuyển mình một cách rất nhẹ nhàng nhưng rõ rệt, nhờ có nhà thơ Hữu Thỉnh với bài “Sang thu” mà người đọc đã có cơ hội lắng mình trong giây phút để cảm nhận thu về. Không chỉ là sự cảm nhận về thay đổi thời tiết, thiên nhiên mà còn để nhìn nhận về chính bản thân mình sau những đổi thay.
Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã học (mẫu 2)
Nhắc đến phong trào Thơ mới không thể không nhắc đến Huy Cận. Tràng giang là một bài thơ được trích trong tập thơ "Lửa thiêng", nổi tiếng của ông, được viết vào những năm trước Cách mạng tháng Tám. Bài thơ không chỉ bộc lộ được nỗi tâm trạng u sầu, nỗi buồn mênh mông của lòng người mà còn khắc hoạ hình ảnh thiên nhiên mang nét đẹp đượm buồn.
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng."
Giữa dòng sông rộng mênh mông, dài vô tâm ấy, từng con sóng gợn lăn tăn, mênh mang, trùng điệp. Dòng nước cứ thế lững lờ trôi có chút gì đó chậm chạp, hững hờ, vô định. Con thuyền nhỏ bé lênh đênh xuôi theo dòng nước cuốn như một lẽ tự nhiên thuận theo ý muốn đất trời. Chiếc thuyền vẫn xuôi theo từng nhịp, sóng vẫn gợn nhẹ giữa dòng mà sao thấy cảnh vật như tĩnh lặng đứng yên. Dòng sông cứ bao la, mênh mang như thế, mang vẻ buồn vô tận của thời gian
"Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng"
Cành củi nhỏ bé trôi vô định giữa những dòng nước cuốn, lạc lối đơn độc giữa dòng sông rộng mênh mông. Nhành củi khô ấy dường nhiều mất đi sức sống, vẻ tươi xanh vốn có, một hình ảnh cô độc, nhỏ nhoi giữa không gian sông nước bao la, rợn ngợp càng tô đậm thêm nỗi cô đơn trống vắng trong lòng người.
Giữa đất trời vũ trụ bao la mà thiên nhiên dành tặng, vậy mà đâu đó vẫn hiện lên cảnh hiu quạnh, vắng vẻ, lạnh lẽo:
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu".
Một khung cảnh tiêu điều hiện ra trước mắt, nhìn nơi đâu cũng thấy lạnh lẽo, hoang tàn. Tiếng vãn chợ xa xôi vọng lại càng tô đậm nét buồn nơi cảnh vật, chẳng thể xua bớt đi vẻ tĩnh mịch nơi thiên nhiên. Có sóng, có nắng, có đất trời, mọi cảnh vật dường như đang chuyển động trước thời gian. Không gian rợn ngợp ngút ngàn mà con người thì nhỏ nhoi, cô đơn, sầu muộn" bến cô liêu".
"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."
Từ khung cảnh tổng quát, tác giả cảm nhận thiên nhiên một cách chi tiết hơn mong tìm thấy chút hi vọng nhỏ nhoi của niềm vui, nhưng càng nhìn lại càng buồn, càng soi thấu lại càng khắc khoải, từng cánh bèo hàng nối hàng trôi nổi, không đích đến giữa biển nước bao la. Nó như tượng trưng cho những kiếp người bạc bẽo, nổi trôi vô định giữa cuộc đời. Bờ xanh với bãi vàng song hành cùng nhau, nhìn đâu cũng mang vẻ buồn tư lự, ngước đâu cũng chẳng thấy bóng người qua chuyến đò ngang. Tất thảy, vẫn là thiên nhiên với thiên nhiên, vẫn là mình ta với đất trời rợn ngợp, với vũ trụ bao la trùm kín nỗi sầu nhân thế.
"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."
Từng đám mây chuyển động theo từng lớp tạo nên vẻ đẹp của bầu trời xanh.Từng cánh chim nhỏ nhoi đã xuống dòng sông bay về nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc lúc hoàng hôn buông xuống. Tất cả tạo nên một khung cảnh buồn vương vấn. Không gian mở rộng đến rợn ngợp, nỗi buồn cứ thế cũng dài bất tận, dằng dặc.
Thiên nhiên tuy đẹp đấy, hùng vĩ thật đấy nhưng lại lặng lẽ buồn. Phải chăng bởi được khúc xạ qua tâm hồn của một thi sĩ nhiều tâm sự với người, với đời, bởi vốn dĩ:" Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Bằng những nét vẽ tinh tế, bút pháp chấm phá đặc sắc, kết hợp giữa vẻ đẹp hiện đại và cổ điển, Huy Cận đã vẻ nên một bức tranh thiên nhiên rất riêng. Phải có một tình yêu tuyệt vời dành cho thiên nhiên, cho quê hương, Huy Cận mới viết nên những vần thơ đầy tinh tế, gợi cảm đến như thế.
Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã học (mẫu 3)
Nguyễn Trãi là một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Nếu như “Bình Ngô đại cáo” của ông mang đầy nhiệt huyết, lòng tự tôn dân tộc thì bài thơ “Cảnh ngày hè” là một bức tranh về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.
Mở đầu bài thơ “Cảnh ngày hè” là sáu câu thơ miêu tả cảnh ngày hè:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng Ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Tác giả đã đón nhận cảnh ngày hè trong tư thế ung dung, thoải mái khi ở ẩn. Bức tranh vào ngày hè được tác giả vẽ lên thật rực rỡ và tươi đẹp với nhiều màu sắc. Đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Tất cả hòa quyện lại với nhau. Tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè. Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, tác giả còn cảm nhận cảnh vật bằng thính giác và khứu giác. Ông thấy mùi hương của ao sen, thấy âm thanh “lao xao” của làng chài, “dắng dỏi” của tiếng ve. Bức tranh cảnh ngày hè đã trở nên sinh động hơn, đặc sắc hơn với âm thanh và mùi vị. Mặc dù khung cảnh mà tác giả miêu tả là cuối ngày, khi mặt trời lặn nhưng mọi vật vẫn tràn đầy sức sống với những từ ngữ "đùn đùn", "giương", "phun", "tiễn", "lao xao", "dắng dỏi". Những từ ngữ đó cũng góp phần thể hiện những điều trong lòng tác giả - ước mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Nhiệt huyết đó như muốn phun ra, trào ra và lan tỏa đi khắp nơi. Trong sáu câu thơ này, tác giả đã thay đổi, không đi theo tính quy phạm của văn học phong kiến nữa. Ông miêu tả cảnh ngày hè với những sự vật vô cùng gần gũi với cuộc sống hằng ngày.
Hai câu cuối của bài thơ đã được tác giả gửi gắm trọn vẹn tâm tư và suy nghĩ:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông nghe thấy âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Ông quan tâm tới nhân dân, lo cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật có chen hai câu thơ lục ngôn. Tuy vậy, nhà thơ lại không tuân theo bố cục: đề - thực - luận - kết của thể thơ Đường luật. Chính vì thế, bài thơ mang nét đặc sắc riêng của một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ thế, bài thơ còn có hình ảnh hoa lựu khiến ta liên tưởng tới hai câu thơ của Nguyễn Du:
“Đầu tường hoa lựu lập lòe đơm bông”
Câu thơ của Nguyễn Du mang đậm chất tạo hình nhưng câu thơ của Nguyễn Trãi lại thể hiện được cá tính về nhiệt huyết của mình. Điều đó cho thấy rõ hơn tài năng của Nguyễn Trãi về thơ văn.
Bài thơ "Cảnh ngày hè" đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Ông là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Nhưng trên hết, ông là một người vừa có tài, vừa có tâm bởi ông luôn lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Ông muốn cống hiến nhiệt huyết của mình để nhân dân hạnh phúc, ấm no, đất nước giàu mạnh. Tư tưởng của Nguyễn Trãi như một bài học gửi gắm cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ước mong cống hiến cho đất nước.
Viết bài văn phân tích, đánh giá tình cảm của tác giả với thiên nhiên trong một bài thơ bạn đã học (mẫu 4)
Mùa thu, mùa của sự lãng mạn. Nó gợi lên cho con người biết bao nhiêu cảm xúc dâng trào. Chẳng khó có thể lý giải lý do vì sao mà có nhiều bài thơ hay viết về mùa thu đến vậy. Vẻ đẹp của mùa thu chắc hẳn bất cứ ai cũng có thể nhìn ra. Nhưng cái khoảnh khắc sang thu có lẽ phải nhờ đến tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ mới có thể cảm nhận được. Bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh đã chỉ ra cho người đọc cái nhìn đầy tinh tế về sự chuyển giao giữa mùa hạ sang mùa thu.
Bài thơ được tác giả viết theo thể thơ 5 chữ. Toàn bộ bài cũng chỉ có 3 khổ, ngắn gọn nhưng súc tích. Bài thơ không chỉ vẽ lên được được cảnh đẹp của giây phút chuyển mùa mà còn thể hiện được tâm trạng và cảm xúc của tác giả trước cảnh đẹp thiên nhiên. Mở đầu bài thơ Hữu Thỉnh viết:
"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về"
Khác với thơ xưa khi miêu tả mùa thu thường nhắc đến màu vàng của lá với hình ảnh lá rụng mùa thu. Ở thơ Hữu Thỉnh, ông cảm nhận mùa thu qua nhiều giác quan khác nhau. Đó là khứu giác, là xúc giác, là thị giác và là tri giác. Mùa thu trong Hữu Thỉnh đến từ mùi hương của những bông hoa ổi và những quả ổi chín vàng ươm. Mùa thu còn đến từ những cơn gió se, không lạnh như gió mùa đông cũng không nóng như gió mùa hè. Nó dịu mát và làm tâm hồn con người thêm thư thái. Mùa thu với đặc trưng sương mù cũng bắt đầu hiện hữu, chúng “chùng chình qua ngõ” và len lỏi khắp mọi ngõ ngách của đường phố. Tất cả những điều ấy khiến cho tác giả đặt ra một câu nghi vấn. Ông không khẳng định mà chỉ nói rằng “hình như thu đã về”. Từ “hình như” gợi lên cho người đọc một sự ngỡ ngàng, một sự bâng khuâng không dám tin rằng đây lại là sự thật.
Sau sự cảm nhận của các giác quan thì lúc này, dường như mùa thu đã hiện hữu rõ nét hơn thông qua những hình ảnh cụ thể:
"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu"
Tác giả Hữu Thỉnh đã rất khéo léo khi sử dụng những tính từ để chỉ sự chảy trôi của dòng sông và của những cánh chim bay. Sông thì “dềnh dàng” bởi mùa thu những cơn gió sẽ khiến cho dòng nước lững lờ trôi. “Dềnh dàng” ý chỉ sự chậm rãi, ung dung, tự tại cũng giống như từ “chùng chình” khi miêu tả sương ở câu thơ trên. Nhưng đối lập với sự chậm rãi ấy lại là sự “vội vã” của những chú chim. Đó là sự nhạy cảm của tác giả khi nhìn cảnh vật xung quanh. Ông hiểu rằng, mùa đông là thời điểm lũ chim sẽ bay về phương nam tránh rét. Vì vậy mà khi trời chuyển sang thu, chúng sẽ bắt đầu chuẩn bị cho một hành trình dài bay về phương xa. Sự vội vã ở đây cũng là điều rất dễ hiểu. Nhưng hình ảnh đám mây mới là hình ảnh tinh tế nhất. Vì đây là khoảnh khắc sang thu nên tiết trời vẫn còn chút vấn vương của mùa hạ. Điều đó thể hiện qua hình ảnh đám mây “vắt nửa mình sang thu”. Một nửa của nó vẫn còn đang ở mùa hạ. Dường như giữa hai mùa chỉ cách nhau một ranh giới trên bầu trời. Chỉ cần đám mây kia di chuyển qua vạch ranh giới ấy là mùa thu sẽ chính thức gõ cửa.
Khổ thơ cuối cùng, tác giả đã cảm nhận mùa thu bằng lý trí của mình. Ông lồng ghép trong đó những tâm sự của con người trước thời cuộc:
" Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"
Mùa thu mới chớm tới, nắng dù vẫn còn nhiều nhưng những cơn mưa đã thưa thớt dần, sấm chớp cũng không còn dữ dội và khiến người ta bất ngờ như những ngày đầu hè nữa. Ở đây, có thể hiểu câu thơ của tác giả theo hai lớp nghĩa, một là đơn thuần tả cảnh thiên nhiên, hai là nói đến cảm xúc của con người. Nếu những hàng cây cổ thụ không còn bất ngờ bởi tiếng sấm thì những con người đã trải qua biết bao biến cố của cuộc đời cũng không e ngại bất cứ một sóng gió nào nữa.
Bằng cách dùng tính từ chỉ con người để nói về cảnh vật, nhà thơ Hữu Thỉnh đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa một cách tài tình khiến cảnh vật trở nên sống động và có hồn hơn. Câu thơ đọc lên đến đâu là gợi mở cảm xúc cho con người đến đó. Bài thơ cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước khi mùa xuân về.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.