Top 50 bài Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh hay nhất

Toptailieu.vn xin giới thiệu 50 bài văn Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh hay nhất, chọn lọc giúp học sinh lớp 7 viết các bài tập làm văn hay hơn. Tài liệu gồm có các nội dung chính sau:

Mời các bạn đón xem:

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh

Dàn ý Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh

I. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về tác giả Trần Quang Khải, tác phẩm Phò giá về kinh.
  • Cảm nghĩ chung về bài thơ Phò giá về kinh.

II. Thân bài

1. Hào khí chiến thẳng của quân dân ta

- Hai câu đầu nói về chiến thắng của quân và dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của người chỉ huy chính là tác giả.

- Động từ “đoạt, cầm” kết hợp với các địa danh “Chương Dương”, “Hồ Hàm Tử” góp phần làm nổi bật sự hào hùng và không khí chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử.

- Đây đều là những trận chiến gây được tiếng vang lớn.

=> Không chỉ ca ngợi chiến công của quân dân ta mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc.

2. Khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta

- Câu thơ 3: Thái bình tu trí lực (Thái bình nên gắng sức). Sau khi đánh bại quân thù, đất nước giành được độc lập bước vào thời bình, cần phải xây dựng và phát triển đất nước.

- Câu thứ 4: Vạn cổ thử giang sang (Non nước ấy ngàn thu). Khẳng định sự tồn vong bất diệt của đất nước đến muôn đời.

=> Đây không chỉ là mong muốn của riêng tác giả mà còn là mong muốn của cả một quốc gia, dân tộc.

III. Kết bài

Đánh giá lại giá trị của Phò giá về kinh.

Video Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh

Video Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh - Mẫu 1

Trần Quang Khải không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một người có tài văn chương. Bài thơ “Phò giá về kinh” của ông đã giúp người đọc cảm nhận được hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần:

“Đoạt sóc Chương Dương độ,

Cầm Hồ Hàm Tử quan.

Thái bình tu nỗ lực,

Vạn cổ thử giang san”

Bài thơ được làm lúc tác giả đi đón Thái thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) ngay sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285.

Hai câu đầu, Trần Quang Khải đã nói về chiến thắng của quân và dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của người chỉ huy, cũng chính là tác giả. Việc sử dụng một loại các động từ mạnh như “đoạt, cầm” kết hợp với các địa danh “Chương Dương”, “Hồ Hàm Tử” góp phần làm nổi bật sự hào hùng và không khí chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử. Điều đó cho thấy được chiến công to lớn của quân đội nhà Trần. Nhưng không dừng lại ở đó, nhà thơ còn gửi gắm lòng tự hào dân tộc.

Sau khi nói đến chiến thắng lừng lẫy của quân dân nhà Trần, tác giả bộc lộ khát vọng về một đất nước thịnh trị. Đất nước giành được độc lập thì khi bước vào thời bình, cần phải xây dựng và phát triển đất nước. Như vậy thì quốc gia mới tồn tại đến muôn đời. Có thể thấy rằng đây không chỉ là mong muốn của riêng tác giả mà còn là mong muốn của cả một quốc gia, dân tộc. Với cách nói giản dị, cô đúc đã tóm gọn được những vấn đề trọng đại của đất nước (chiến thắng cũng như những nhiệm vụ trong thời bình) chỉ trong vài câu thơ ngắn.

Tóm lại, Phò giá về kinh là một bài thơ tứ tuyệt cô đọng, hàm súc. Bài thơ còn nguyên giá trị đến muốn đời sau.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Phò giá về kinh - Văn 7 (2 mẫu)

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh - Mẫu 2

Trang sử vẻ vang của dân tộc đã được tái hiện qua những tác phẩm văn học. Một trong số đó là bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần quang Khải đã thể hiện lòng yêu nước cháy bỏng, khát vọng thái bình thịnh trị đến muôn đời:

“Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san”

Tác phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh Trần Quang Khải đi đón Thái thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) ngay sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285. Thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt ngắn gọn mà hàm súc đã gửi gắm được nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Mở đầu bài thơ, người đọc cảm nhận được không khí sôi nổi, hào hùng. Hai động từ mạnh “đoạt” và “cầm” miêu tả chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần trong hai trận chiến Chương Dương và Hàm Tử. Cách liệt kê hai địa danh khiến cho ý thơ thêm cụ thể, sâu sắc. Cách dịch thơ cũng không khác so với nguyên tác:

“Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù”

Vị anh hùng thời đại nhà Trần đã tuyên bố về chiến thắng của nhân dân Đại Việt trước kẻ thù một cách thật hùng hồn. Đó là do sức mạnh vô địch của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn của tướng sĩ trong cuộc chiến đấu cam go. Bài thơ vang lên như một khúc khải hoàn ca.

Hai câu thơ tiếp theo, ý thơ có sự chuyển biến. Trần Quang Khải bày tỏ khát vọng thái bình thịnh trị:

“Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san”

Khát vọng mạnh mẽ nhất của nhà thơ, cũng là của dân tộc là làm sao dựng xây lên được một quốc gia hùng mạnh, no ấm, tồn tại tới ngàn năm. Giọng thơ lúc này không còn dồn dập, sôi nổi mà gửi gắm nhiều tâm tư, khao khát. Đó cũng là lời nhắn nhủ tràn đầy niềm tin và hy vọng về tương lai đất nước sẽ giàu đẹp, phát triển. Đó là tầm nhìn xa trộng rộng của một con người hơn người.

Như vậy, chỉ với bốn câu thơ, Trần Quang Khải đã thể hiện được hào khí của dân tộc. Cũng như khát vọng về quốc gia thịnh trị vẫn còn nguyên giá trị đến muôn đời.

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh - Mẫu 3 

Những trang lịch sử chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước của dân tộc Việt Nam thật oanh liệt, hào hùng. Người viết nên những trang sử vẻ vang ấy chính là bao vị anh hùng và nhân dân các thời đại, mà ở thời đại nào, lòng yêu nước nơi họ cũng tỏa sáng rực rỡ. Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải là một trong những vị anh hùng như thế, ông đã đem trọn tài năng, phẩm chất, khí tiết để dâng hiến cho non sông, góp phần đánh tan quân giặc xâm lược Mông - Nguyên mạnh như hổ đói, khi chúng vào giày xéo mảnh đất quê hương. Bài thơ "Phò giá về kinh" của Trần quang Khải đã thể hiện lòng yêu nước cháy bỏng của ông và một khát vọng mạnh mẽ muốn xây dựng quê hương giàu mạnh đến ngàn thu:

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san.

Bài thơ trên đây có một hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt, mà muốn hiểu hết giá trị của nó, ta cần nhắc tới: Đó là năm 1285, sau chiến thắng vang dội ở Chương Dương và Hàm Tử, kinh đô được giải phóng. Trong niềm vui chiến thắng rộn ràng, Trần Quang Khải đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long. Hào khí Đông A của thời đại nhà Trần ở lúc thịnh nhất, Trần Quang Khải đã tràn trề cảm xúc tự hào và tin tưởng khi sáng tác bài thơ này. Nhà thơ chọn thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt cực kỳ ngắn gọn, hàm súc để thể hiện niềm vui mạnh mẽ trong lòng ông.

Cảm nhận đầu tiên khi đọc bài thơ là giọng thơ sôi nổi, dứt khoát với cách ngắt nhịp 2/3, khiến ta thấy ngay đây là giọng thơ của một nhà thơ võ tướng. Hai động từ mạnh "đoạt" và cầm" miêu tả chiến thắng oanh liệt của quân dân ta với niềm tự hào bất tận, vì chính nhà thơ là người giữ vai trò lãnh đạo hai trận chiến khốc liệt mà vinh quang ở Chương Dương và Hàm Tử. Cách liệt kê hai địa danh khiến cho ý thơ thêm hào hùng. Phép đối của thơ ngũ ngôn tứ tuyệt thật chuẩn, ngay cả ở phần dịch thơ cũng chứa đầy hào khí:

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù.

Người nam nhi thời Trần đã lập nên nghiệp lớn, dẫn đầu binh sĩ đánh bại cả một đoàn quân bạo tàn từng nghênh ngang cho rằng gót ngựa chúng đi tới đâu thì ngay cả cỏ cũng không mọc nổi. Thế nhưng qua lời tuyên bố ngắn gọn như trên, vị anh hùng thời đại nhà Trần đã tuyên bố về chiến thắng của nhân dân Đại Việt trước bọn chúng. Đó là do sức mạnh vô địch của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn của tướng sĩ trong cuộc chiến đấu cam go. Nhịp điệu nhanh mạnh của câu thơ thể hiện đúng không khí chiến thắng. Và lời thơ cất lên như một khúc khải hoàn ca làm nức lòng người. Có thể nói,nhà thơ đã viết lên lời ký sự ngắn gọn mà nóng bỏng ngay trong phút giây đáng tự hào nhất của thời đại Đông A.

Chiến thắng giặc thù rồi, khát vọng của cả dân tộc và của triều đình đâu dừng lại. Nhà thơ nói lên khát vọng ấy:

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san.

Tức: Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu

Hai câu thơ đầu nói về chiến tranh, thì hai câu thơ cuối chuyển ngay sang nói về thời kỳ hòa bình và nhiệm vụ mới của dân tộc. Đây là sự chuyển mạch đột ngột nhưng hợp lý của bái thơ, thế là đã chấm dứt những ngày tháng "ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa" (Trần Quốc Tuấn), nhưng quân dân không thể ngủ quên trên chiến thắng. Khát vọng mạnh mẽ nhất của nhà thơ, cũng là của dân tộc là làm sao dựng xây lên được một quốc gia hùng mạnh,no ấm, tồn tại tới ngàn năm. Giọng thơ hai câu sau không còn nhanh mạnh, dồn dập như ở hai câu đầu, mà chuyển sang trầm lắng suy tư, như gói trọn bao chiêm nghiệm, khao khát ấp ủ của người anh hùng yêu nước trong một giai đoạn mới. Đó cũng là lời nhắn nhủ tràn đầy niềm tin và hi vọng về tương lai đất nước sẽ đẹp giàu, mạnh mẽ, không kẻ thù ngoại xâm nào dám bén mảng đến. Ta thấy ở đây không chỉ là niềm tin và khát vọng, mà còn là trí tuệ uyên thâm, tầm nhìn xa rộng của một người cầm quân đánh giặc và lãnh đạo nhân dân xây dựng quê hương.

Bài thơ tứ tuyệt thật hàm súc và độc đáo, cảm xúc cô đọng, dồn nén, với từng câu, từng chữ đều toát lên niềm tự hào bất tận và khát vọng vĩ đại dựng xây giang san. Còn nguyên vẹn trong bài thơ là chí khí của một người anh hùng vĩ đại thời Trần, cho đến ngày hôm nay, sự cao cả của tấm lòng yêu quê hương đất nước và mơ ước đẹp của nhà thơ vẫn là điều mà mỗi con người Việt Nam đang bền bỉ thực hiện, để "non nước ấy ngàn thu" vững bền và ngày một phát triển.

Tổng hợp kết bài tác phẩm Phò giá về kinh - Văn 7 (14 mẫu)

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh - Mẫu 4 

Trần Quang Khải là một trong những vị anh hùng đem tài thao lược làm nên chiến công Chương Dương Hàn Tử lừng lẫy muôn đời. Bên cạnh là một võ tướng dũng mãnh ông còn có tài viết văn thơ. Ông cũng để lại một khối lượng tác phẩm khá lớn và có giá trị đến tận ngày nay. Kể đến những tác phẩm tiêu biểu của ông ta không thể không nhắc đến tác phẩm “phò giá về kinh”. Tác phẩm được sáng tác khi ông đi tùy tùng đón vua về khinh thành thăng long

Mở đầu bài thơ tác giả muốn giới thiệu đôi nét cho chúng ta về tình cảnh đất nước thời bấy giờ

“Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm tử cướp quân thù”

Hai câu thơ đầu tiên là hình ảnh chiến trận thảm khốc nhưng lại chứa đựng những nét thơ ca độc đáo. Chương dương và hàm tử là hai chiến thắng lừng lẫy của nước Đại Việt ta trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược Mông cổ. Đối với nhân dân nhà Trần thì chỉ cần nhắc đến hai cái tên đó cũng đủ nức lòng. Tác giả chính là người chỉ huy trực tiếp chiến trận người góp phần rất lớn làm nên chiến công ấy thì cảm giác của tác giả cũng không kém phần bồi hồi xúc động nhớ nhung. Tác giả kể mà không tả, ông không trực tiếp kể ra trận chiến thảm khốc của nhân dân ta đã chiến thắng oanh dũng trước kẻ thù xâm lược, tuy vật việc chỉ kể ra như thế thôi cũng đủ làm sống dậy cả một không khí trận mạc hào hùng của nhân dân ta bởi tiếng gươm kiếm tiến ngựa hí tiếng binh khí và cả tiến gào thét vang dội cả trời đất. Đó chính là sức gợi cảm mà lại vô cùng cương nghĩ của tác phẩm

Nếu hai câu thơ đầu tiên cho chúng ta một mạch cảm xúc chiến trận hào hùng bi tráng thì hai câu thơ tiếp theo lại hướng về cảnh thanh bình, đó chính là cảnh bình yên mà nhân dân ta đã cố gắng đánh đổi máu sương để có thể giành lại được.

“Thái bình nên gắng sức

Non nước lấy ngàn thu”

Đây phải chăng chính là một lời tự nhủ của tác giả nói với chính bản thân mình về thân phận là quan phải phụng sự đất nước phò tá nhân dân thì nhân dân mới có thể được hưởng thái bình ấm no hạnh phú. Nhà thơ tự nói với mình, tự nhắc nhở mình về nhiệm vụ trước mắt cũng là nhiệm vụ lâu dài: “Thái bình tu trí lực”. Giặc ngoại xâm đã bị quét sạch, đất nước được thái bình, các quý tộc, các vương hầu phải “tu trí lực”, nghĩa là nên gắng sức, đem tài trí. đem sức người, sức của ra xây dựng lại đất nước. Đó cũng !à điều tâm huyết mà nhà thơ muốn nhắc nhở mọi người. Lời thơ cho thấy nhặn quan sáng suốt, tầm chiến lược sâu xa của Trần Quang Khải, cho thấy tầng lớp quý tộc nhà Trần là lực lượng tiến bộ nhất trong xu thế đi lên của lịch sử dân tộc, đang nắm quyền lãnh đạo đất nước Đại Việt.

Vì sự vững bền của giang sơn đến muôn đời mà “tu trí lực”. Lời thơ bình dị, nhưng ý tưởng chứa đựng bên trong, cái ý nhắc nhở của nhà thơ thì không chút tầm thường và đơn giả. Đó cũng là lời tự nhủ đối với toàn thể nhân dân ta thời bấy giờ. Tiếng nói khát vọng của một người đã trở thành ý nghĩ quyết tâm của toàn nhân dân ta thời bấy giờ. Tiếng nói khát vọng của một người đã trở thành ý nghĩ quyết tâm của toàn nhân tộc. Đồng thời nhân dân hãy gắng sức phát huy thành quả mà chúng ta mới có được nếu không rất có thể đất nước sẽ rơi vào cảnh nước mất nhà tan. Câu thơ cho chúng ta thấy được tình cảm của một vị tướng quân đối với đất nước khi mà ông mới trở về sau chiến trận nhưng lại quan tâm ngay đến thai bình của nhân dân không để nhân dân vì quá vui mừng cho chiến thắng mà lại quên đi nhiệm vụ xây dựng đất nước của dân tộc ta. Câu thơ kết mở ra cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa Câu thơ vừa mở ra cái đích của đất nước lại vừa chỉ ra mong muốn khát khao của chính tác giả về một đất nước hòa bình an cư lạc nghiệp về tương lai tươi sáng của cả dân tộc. Nghĩa của câu thơ biếu ý nhưng nhạc của câu thơ lại biểu cảm. Lời thơ răn dạy hòa bình niềm hi vọng đối với nhân dân đất nước.

Tác phẩm là một kiết tác trong nền thơ cổ văn học Việt Nam. Bài thơ có giá trị lịch sử như một tượng đài chiến công tráng lệ và nó đã làm sống lại những chiến công hào hùng của dân tộc ta. Đồng thời tác phẩm cũng cho chúng ta thấy được thế hệ con cháu chúng ta cần học tập thật tốt để xây dựng một đất nước giàu mạnh để đền đáp xứng đáng mong ước của nhân dân ta của cha ông ta.

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh - Mẫu 5 

Trong văn học trung đại Việt Nam, yêu nước là một đề tài lớn thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ chắp bút. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong quá trình đó dân tộc ta liên tiếp phải đối phó với những vó ngựa của kẻ xâm lược. Tuy nhiên, bằng sức mạnh của lòng đoàn kết, của tinh thần đấu tranh, lòng tự tôn dân tộc, thì nước ta đã vượt qua bao thăng trầm, khẳng định được nền độc lập như ngày nay. Cũng viết về tình yêu tha thiết đối với đất nước cùng sự tự hào đối với sức mạnh của dân tộc, Trần Quang Khải đã sáng tác bài thơ “Phò giá về kinh”. Đọc bài thơ ta sẽ cảm nhận được thấm thía, tình yêu cũng như sự tự hào to lớn này.

Bài thơ “Phò giá về kinh sư” được Trần Quang Khải sáng tác khi quân ta thu lại được kinh thành Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, lúc này tác giả đang nhận nhiệm vụ về Thiên Trường để bảo vệ, phò giá hai vị vua trở về kinh đô. Bài thơ này đã thể hiện được niềm tự hào to lớn về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cũng như sức mạnh chống xâm lược của toàn quân, đồng thời qua đó cũng thể hiện được niềm tin mãnh liệt vào vận mệnh vững bền của quốc gia, dân tộc.

“Đoạt sóc Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan”

Dịch:

(Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù)

Trong hai câu thơ đầu tiên, Trần Quang Khải đã gợi lại những chiến thắng hiển hách của dân tộc trong niềm tự hào. Đó chính là những chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử, tuy đây không phải những chiến thắng lớn nhất, lừng lẫy nhất của quân ta nhưng đây lại là những chiến thắng cuối cùng, quyết định sự thắng lợi của quân ta. Nhà thơ nhớ lại những giây phút hân hoan, đầy tự hào đó “Chương Dương cướp giáo giặc”, nhà thơ dùng những động từ chỉ hành động để nói về những chiến thắng của quân ta. Tuy nhiên, ta có thể thấy, ở phần phiên âm, nhà thơ dùng từ “đoạt” mang nhiều ý nghĩa hơn ở phần dịch thơ “cướp”. Vì về sắc thái, từ “cướp” chỉ hành động không chính nghĩa, dùng sức mạnh để chiếm đoạt, như vậy sẽ làm mất đi sự hào hùng vốn có của câu thơ.

Từ “đoạt” vừa thể hiện được sự thắng lợi của quân ta với giặc khi đoạt được vũ khí – thứ mà chúng dùng để gây chiến tranh, gây ra đau khổ cho dân ta, mà còn thể hiện được tư thế, thái độ của người chiến thắng, quân ta đứng trên thế chủ động, dùng chính nghĩa mà đoạt đi giấc mộng bạo tàn, phi nghĩa của quân giặc. Hiểu như thế ta không chỉ thấy tính chính nghĩa của hành động mà còn thể hiện được tư thế của một dân tộc anh hùng, chính nghĩa. Ở của Hàm Tử cũng ghi dấu một trận chiến oai hùng, một chiến thắng thật đáng tự hào, đó là khi ta giành được thắng lợi cuối cùng, cái gian ác đã bị diệt trừ, nền độc lập được bảo vệ “bắt quân thù”.

“Thái bình tu trí lực

Vạn cổ cựu giang san”

Dịch:

(Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu)

Nếu ở hai câu thơ đầu, Trần Quang Khải đã dẫn ra những chiến thắng để thể hiện lòng tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, thì ở hai câu thơ cuối này, nhà thơ lại hướng đến khẳng định sự vững bền của nền độc lập, của không khí thái bình cũng như tin tưởng tuyệt đối vào vận mệnh trường tồn của đất nước. “Thái bình nên gắng sức”, thái bình là không khí hòa bình, yên ả của đất nước sau khi đã giành được độc lập, đã đánh đuổi được lũ giặc ngoại xâm. Ở câu thơ này, tác giả thể hiện niềm tự hào song cũng là lời nhắc nhở đầy chân tình “nên gắng sức”. Bởi Việt Nam luôn là đối tượng xâm chiếm của những kẻ thù, tuy ta có sức mạnh có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ chống giặc nhưng cũng không nên chủ quan, phải luôn gắng sức để duy trì không khí thái bình và đề cao sự cảnh giác đối với các thế lực bên ngoài. Nhà thơ còn thể hiện một niềm tin bất diệt đối với vận mệnh của đất nước, nhà thơ tin chắc rằng, khi toàn dân ta gắng sức cho nền độc lập, cho không khí thái bình ấy thì dân tộc ta sẽ không còn bị cản trở bởi bất cứ thế lực nào nữa, vận mệnh đất nước sẽ cứ vậy đi lên, cứ mãi vững bền “Non nước ấy nghìn thu”.

Như vậy, bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải là một bài thơ đề cao sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tự hào về truyền thống anh hùng, truyền thống chính nghĩa ấy. Đồng thời, bài thơ cũng thể hiện được ý thức của bản thân nhà thơ đối với vận mệnh cũng như sự trường tồn của đất nước, không chỉ là ý thức cho mình, Trần Quang Khải còn đưa ra những lời khuyên chân thành đến với toàn thể nhân dân, những con người anh hùng của một dân tộc giàu truyền thống.

Bài văn mẫu lớp 6: Cảm nhận khi đọc bài thơ Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn  kinh sư) của Trần Quang Khải

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh - Mẫu 6  

Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải (1241-1294), con trai thứ ba của vua Trần Thánh Tông, không những là một danh tướng kiệt xuất mà còn là một nhà thơ đã in dấu ấn trong văn chương dân tộc.

Trần Quang Khải làm thơ không nhiều, nhưng chỉ cần một bài như Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) cũng đủ để thành một tên tuổi.

Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, giữa không khí hào hùng, ngây ngất men say của vinh quang chiến thắng. Và tác giả của nó, một vị tướng lỗi lạc, mà tên tuổi đã từng phải: 10 phen khiến quân thù phải kinh hồn bạt vía, người vừa lập công lớn trong chiến trận, nay kiêu hãnh giữ trọng trách phò giá hai vua về kinh đô trong khúc khải hoàn ca của dân tộc. Tức cảnh sinh tình. Trong hào quang của chiến thắng, tâm hồn vị tướng - nhà thơ của chúng ta bỗng dạt dào cảm hứng thi ca, kết tinh thành những vần thơ thật đẹp:

Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm tử bắt quân thù.

Thái bình nên gắng sức.

Non nước ấy ngàn thu.

(Trần Trọng Kim dịch)

Dường như sự xúc động quá lớn về niềm vui chiến thắng khiến nhà thơ không nói được nhiều. Bao nhiêu cảm xúc, suy tư dồn nên cả lại vào bốn dòng ngụ ngôn tứ tuyệt gân guốc, chắc nịch.

Hai câu mở đầu nóng bỏng hơi thở chiến trận và đậm chất anh hùng ca:

Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù.

Chương Dương và Hàm Tử là hai chiến thắng lẫy lừng của Đại Việt trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược Mông Cổ năm 1285. Đối với quân dân nhà Trần lúc đó, chỉ cần nhắc đến cái tên Chương Dương - Hàm Tử cũng đã đủ thấy nức lòng. Đặc biệt, đối với thượng tướng Trần Quang Khải, người trực tiếp chỉ huy và lập nên chiến công trong trận Chương Dương, cũng là người góp phần hỗ trợ đắc lực cho Trần Nhật Duật đánh trận Hàm Tử, thì càng thêm xao xuyến, bồi hồi.

Tác giả không tả lại cảnh khói lửa binh đao, cũng không tả lại cảnh quyết chiến của quân ta, mà chỉ kể lại theo cách liệt kê sự kiện, nhưng vẫn làm sống dậy cả một không khí trận mạc hào hùng bởi tiếng gươm khua, ngựa hí, tiếng binh khí, và cả tiếng thét tiến công vang dội. Sức gợi cảm của cách nói giản dị mà cương quyết, rắn rỏi là ở đó.

Nên như mạch cảm xúc của hai câu đầu hướng về chiến trận, về hào quang chiến thắng, thì ở hai câu sau, mạch cảm xúc lại mở ra một hướng khác:

Thái bình nên gắng sức,

Non nước ấy ngàn thu.

Vẫn với hai câu thơ ngắn gọn, chắc nịch mà lại chất chứa cảm xúc, tâm trạng và bao nỗi niềm suy tư. Vị tướng thắng trận mới đang trên đường trở về kinh đô, chưa kịp nghỉ ngơi (chứ đừng nói tới việc hưởng thụ chiến công), đã lo nghĩ cho đất nước, những mong một nền thái bình muôn thuở cho ngàn đời con cháu mai sau. Thật cảm động và đáng kính phục!

Tuy nhiên, Trần Quang Khải cảm nhận sâu sắc nền thái bình ấy đâu phải cứ mong là có. Để có nó, cần có sự chung lòng, chung sức, với bao tâm huyết (tu trí lực) của triều đình và trăm họ, trong đó có sự gắng sức của chính bản thân ông.

Niềm mong mỏi của nhà thơ chính là khát vọng của cả một dân tộc, của muôn triệu trái tim Đại Việt xưa và nay. Vì thế hai câu kết với cảm hứng hoà bình đậm chất nhân văn đã đem lại cho bài thơ một vẻ đẹp mới, lấp lánh đến muôn đời.

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh - Mẫu 7 

Suốt chiều dài lịch sử, nước ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến đấu ác liệt mới có được nên độc lập như ngày hôm nay. Những cuộc chiến đấu ấy không chỉ được ghi lại qua những trang sử hào hừng, mà nó còn được ghi lại qua những bài văn, bài thơ. Một trong số đó là bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải- một tướng giỏi cũng là một người có những vần thơ đặc sắc. Bài thơ đã ghi lại cảm xúc của tác giả về chiến thắng khi trên đường đón hai vua Trần về Kinh.

  • Đoạt sáo Chương Dương độ,

  • Cầm Hồ Hàm Tử quan.

  • Thái bình tu nỗ lực,

  • Vạn cổ thử gian san.

Bài thơ được sáng tác năm 1285, khi Trần Quang Khải đi đón hai vua Trần sau khi đánh đuổi quân Thoát Hoan. Bài thơ với khí thế hào hừng mừng chiến thắng đã khái quát được chiến thắng của quân ta, đồng thời nêu ra được trách nhiệm của mỗi người trong thời bình.

Mở đầu bài thơ là giọng thơ đầy tự hào khi nhắc đến những gì đã đạt được:

  • Đoạt sáo Chương Dương độ,

  • Cầm Hồ Hàm Tử quan.

  • (Chương Dương cướp giáo giặc,

  • Hàm Tử bắt quân thù)

Chỉ hai câu thơ ngắn gọn nhưng đã khái quát hết chiến thắng của quân ta. Tác giả chọn hình thức liệt kê, liệt kê ra những địa danh có vai trò quan trọng nhất trong chiến thắng, là Chương Dương và Hàm Tử. Bằng lỗi viết sóng đôi, hai câu thơ như hai về đối, ta có thể thấy được trận chiến ác liệt như hiện lên trước mặt với nhịp thơ có phần nhanh, dồn dập. Và kết thúc trận chiến là chiến thắng thuộc về quân ta khi ta đã đánh tan quân thù ở Chương Dương, chặt đầu tướng giặc Toa Đô ở Hàm Tử. Hai câu thơ không có từ cảm xúc, chỉ như một lời thông báo, nhưng ta có thể cảm nhận được lòng tự hào vô cùng của tác giả trước chiến thắng của đất nước.

Và rồi trong cái chiến thắng ấy, Trần Quang Khải đưa ra nhiệm vụ của nhân dân trong thời bình:

  • Thái bình tu trí lực,

  • Vạn cổ thử giang san.

  • (Thái bình nên gắng sức,

  • Non nước ấy ngàn thu)

Để có được hòa bình không dễ, giữ được nó lại càng khó. Trần Quang Khải qua hai câu thơ đã nhắc nhở tất cả mọi người không được lơ là, không được chìm đắm trong chiến thắng mà quên đi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Ông cho rằng, đất nước muốn được nghìn thu, thì phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, dựa vào việc nỗ lực xây dựng, bảo vệ đất nước, nỗ lực tự tu dưỡng, rèn luyện chính mình.

Cả bài thơ không sử dụng biên pháp tu từ, với thể thơ thất ngon tứ tuyệt, giọng thơ hào hùng đầy chất tráng ca, nhịp thơ sôi nổi thể hiện khí thế, Trần Quang Khải không chỉ khái quát được chiến thắng lừng lẫy của nhân dân ta, mà còn tổng kết nên một bài học vô cùng quý giá. Có thể nói, Trần Quang Khải là một người có lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, đồng thời, ông cũng là một người có tinh thần trách nhiệm cao, có tài trong việc gây dựng đường lối bảo vệ đất nước.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, bài học từ bài thơ Phò giá về kinh vẫn là bài học mà mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ nên noi theo. Dù cho đất nước không còn chiến tranh, nhưng giặc trong thù ngoài vẫn luôn lăm le, mỗi người hãy nhớ cho mình bài học từ bài thơ, cố gắng tu dưỡng bản thân để góp phần xây dựng đất nước.

Cảm nghĩ bài Phò giá về kinh - Mẫu 8 

Phò giá về kinh là bài thơ xuất sắc của Trần Quang Khải-  một võ tướng kiệt xuất, cũng là người có những vần thơ sâu xa lí thú. Bài thơ đã ghi lại những suy nghĩ của ông trên đường đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long.

Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn, được chia làm hai phần chính: phần một gồm hai câu đầu nói về những chiến công vang dội của quân ta, phần hai lại nói về trách nhiệm giữ gìn hòa bình.

Hai câu thơ đầu tuy ngắn gọn nhưng đã khái quát được chiến thắng oanh liệt của quân ta trước kẻ thù:

  • Đoạt sáo Chương Dương độ

  • Cầm Hồ Hàm Tử quan.

  • (Chương Dương cướp giáo giặc

  • Hàm Tử bắt quân thù.)

Trần Quang Khải đã nhắc đến hai địa danh lịch sử là Chương Dương và Hàm Tử, nơi đây đã xảy ra những trận chiến ác liệt, và kết quả không kém phần vui mừng: tại trận Hàm Tử, ta chém được Toa Đô, Còn Trần Quang Khải đã đánh đuổi đại quân Nguyên- Mông tại Chương Dương.

Tác giả đã sử dụng lối nói liệt kê, kết hợp giọng thơ dồn dập, sôi động, hai câu thơ như hai câu đối tương xứng nhau, không đi vào trận chiến mà chỉ chỉ ra kết quả, nó đã thể hiện niềm vui sướng, mừng rỡ trước chiến thắng của dân tộc, bên cạnh đó còn là niềm tự hào về sức mạnh của dân tộc ta, có thể chiến thắn được mọi kẻ thù.

Trước niềm vui chiến thắng đó, tác giả vẫn không quên một nhiệm vụ quan trọng, đó chính là trách nhiệm trong thời bình.

  •  Thái bình tu nỗ lực,

  •   Vạn cổ thử giang san.

  •   (Thái bình nên gắng sức,

  •   Non nước ấy ngàn thu.)

Đất nước vừa yên ổn, giặc xâm lăng đã bị đuổi nhưng thế không có nghĩa là chúng ta có quyền lơ là trước kẻ thù. Hai câu thơ khẳng định một chân lý: vì hòa bình cố gắng hết sức mình cống hiến, thì đất nước sẽ yên bình ngàn thu. Nó là lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam, không được ngủ quên trong chiến thắng, cũng là lời Trần Quang Khải nhắc nhở chính mình. Qua đây, ta có thể thấy ông là con người có trách nhiệm, suy nghĩ trước sau, đồng thời cũng là con người giàu lòng yêu nước.

Bài thơ không sử dụng nghệ thuật, chủ yếu tâp trung vào ngôn từ nhưng cũng có sức lay động lòng người. Nó nhắc nhở mỗi con người về trách nhiệm của bản thân với đất nước. Đồng thời, Phò giá về king cũng thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước nồng nàn của tác giả.

Trong hoàn cảnh hiện nay, Phò giá về kinh vẫn là một bài nhắc nhở mọi người. Bên cạnh việc đề phòng cách thế lực nhòm ngó, nhiệm vụ quan trọng hơn của mỗi chúng ta là góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn

Tài liệu có 15 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tài liệu cùng môn học

TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT Tuyết TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
1.2 K 1 1
20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng Tuyết 20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
657 1 0
TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia Tuyết TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
742 1 0
20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ Tuyết 20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
598 1 0
Tải xuống