Top 50 bài Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn hay nhất

Toptailieu.vn xin giới thiệu 50 bài văn Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn hay nhất, chọn lọc giúp học sinh lớp 7 viết các bài tập làm văn hay hơn. Tài liệu gồm có các nội dung chính sau:

Mời các bạn đón xem:

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn

Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm “Bài ca Côn Sơn”: Bài ca Côn Sơn thể hiện tình yêu thiên nhiên sâu sắc và mãnh liệt của thi sĩ Nguyễn Trãi.

2. Thân bài

- Bức tranh thiên nhiên hiện lên sống động với âm thanh của tiếng suối mà tác giả liên tưởng tới tiếng đàn cầm du dương.

- Bức tranh thiên nhiên Côn Sơn còn có hình ảnh hết sức chân thực như phiến đá.

- Nhà thơ đắm mình vào thiên nhiên, thả hồn vào cảnh vật nơi núi rừng để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

- Nghệ thuật: Ngòi bút miêu tả tài hoa, những hình ảnh so sánh độc đáo, nhịp thơ đa dạng.

- Bài thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên sâu sắc và mãnh liệt của tác giả. Cảnh và người hòa quyện tạo nên một bức tranh Côn Sơn thật đẹp. Thi sĩ tìm về với thiên nhiên chính là để tìm sự bình yên trong tâm hồn.

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ về bài thơ: “Bài ca Côn Sơn” là một bài thơ hay và đặc sắc. Tình yêu thiên nhiên bắt nguồn từ nhân cách thanh cao, tâm hồn nghệ sĩ của Ức Trai.

Video Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn

Video Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 1 

Học giả Đào Duy Anh xếp bài thơ Côn Sơn ca vào số 87 trong ức Trai thi tập. Nguyên tác bằng chữ Hán, viết theo thể ca gồm 36 câu, câu ngắn nhất 4 chữ, câu dài nhất 10 chữ, phần lớn là ngũ ngôn và thất ngôn. Dịch giả đã chuyển thành thơ lục bát, 26 câu; trong các bản dịch Côn Sơn ca thì bản dịch này là thanh thoát hơn, thể hiện được hồn thơ Nguyễn Trãi đã nhiều năm ở ẩn tại động Thanh Hư thuộc Côn Sơn. Thời thơ ấu, Nguyễn Trãi từng sống với mẹ và ông ngoại tại đấy. Nguyễn Trãi đã xem Côn Sơn là “quê cũ” của mình. Trong Ức Trai thi tậpQuốc âm thi tập, ông có nhiều bài thơ về Côn Sơn với bao tình thương mến, thắm thiết. Bao nhiêu lần nhờ hồn mộng mà tìm làng cũ: “Kỉ thác mộng hồn tầm cố lí” (Về Côn Sơn làm trong thuyền).

“Quê cũ nhà ta thiếu của nào?

Rau trong nội, cá trong ao.

(…)

Cảnh thanh dường ấy về chăng nghỉ.

Lẩn thẩn làm chi áng mận đào?”

(Mạn thuật)

Côn Sơn ca là bài ca giao cảm với thiên nhiên, cũng là bài ca tâm trạng thời thế, triết lí về cuộc đời.

Phần đầu nói về vẻ đẹp lâm tuyền của Côn Sơn bằng bốn cảnh: Suối, đá, thông và trúc. Trong nguyên tác chữ Hán, tác giả viết bằng thơ bốn chữ và thơ năm chữ, nhằm miêu tả vẻ đẹp Côn Sơn tầng tầng lớp lớp xuất hiện:

“Côn Sơn hữu tuyền,

Kì thanh lình linh nhiên

 Ngô dĩ vi cầm huyền

 Côn Sơn hữu thạch

Vũ tẩy đài phô bích

Ngô dĩ vi đạm tịch…”.

Cảnh đẹp thứ nhất là suối Côn Sơn, tiếng nước chảy róc rách như tiếng đàn cầm. Cảnh đẹp thứ hai là đá, mưa sạch rêu biếc như chiếu êm. Cảnh đẹp thứ ba là rừng thông, tán lá như những chiếc lọng rủ bóng đáng yêu gắn bó với tâm hồn nhà thơ. Suối, đá, trúc, thông là nơi nương tựa, nâng đỡ tâm hồn, là đối tượng để thi nhân cùng với thiên nhiên giao hòa giao cảm, để “Ta cho là đàn cầm”, để “Ta cho là đệm chiếu”, để “Ta nghỉ ngơi” trong rừng thông, để “Ta ngâm nga” bên rừng trúc. Hình ảnh thơ là âm thanh, là màu sắc gắn liền với cảm giác, với tâm hồn nhà thơ bằng những liên tưởng vô cùng thiết tha, đằm thắm:

“Trong ghềnh thông mọc như nêm,

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Trong rừng có bóng trúc râm,

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”.

Gắn bó, chan hòa với suối, đá, thông, trúc Côn Sơn chính là biểu lộ tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với quê cũ yêu thương. Mấy chục năm trời loạn lạc, li hương, không đêm nào ông không nằm mộng nhớ quê, nhớ luống cúc vườn cũ:

“Tưởng nhớ vườn nhà ba rặng cúc,

Hồn về đêm vẫn gửi chiêm bao”.

(Ngày thu ngẫu nhiên làm)

Quê cũ với tùng, với đá, với mai… biết bao thương nhớ bồi hồi:

“Thạch bạn tùng phong có thắng tưởng

Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm”.

(Tùng reo bậc đá ai nghe đấy?

Mai chiếu bên khe thú vịnh đâu?)

Giọng thơ trầm hẳn xuống: Nguyễn Trãi đang vui thú say sưa lắng nghe tiếng suối róc rách, đang say mê ngắm nhìn rêu đá, thông rủ bóng, trúc xanh mát, rồi trầm ngâm tự nói với mình, tự nhắc nhở mình:

“Về đi sao chẳng sớm toan

Nửa đời vướng bụi trận hoàn làm chi?

Câu thơ chữ Hán nghĩa là: Hỡi người sao không về đi, nửa đời người giam buộc mình mãi trong cát bụi làm chi? Bốn chữ “Bất quy khứ lai” lấy cảm hứng từ bài “Quy khứ lai từ” của Đào Tiềm, một danh sĩ cao khiết đời Tấn bên Trung Quốc đã coi thường danh lợi, không chịu khom lưng uốn gối vì mấy đấu gạo lương bổng, đã treo ấn từ quan, trở về vườn cũ, cày ruộng, ươm cúc, thảnh thơi với tháng ngày. Nguyễn Trãi làm quan tài năng không được thi thố, bị bọn quyền thần, nịnh thần chèn ép. Có lúc ông tự than: “Dưới công danh đeo khổ nhục” (Ngôn chí), hoặc: “Được thua phú quý dầu thiên mệnh – Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn” (Mạn thuật). Người anh hùng thuở “Bình Ngô” đã từng “Viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” thế mà giờ đây tự trách mình “Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?”, điều đó cho thấy Nguyễn Trãi đang sống những ngày tháng đầy bi kịch. Đó là tâm trạng thời thế. Năm 1429, Lê Thái Tổ đã sát hại Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, hai đại công thần; còn Nguyễn Trãi cũng đã bị hạ ngục. Sau đó tuy được tha nhưng chỉ là một công thần “thanh chức”. Nguyễn Trãi đã nhiều năm sống trong tâm trạng muốn trở về Côn Sơn làm bạn với cỏ hoa chốn lâm tuyền:

“Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế,

Ắt đã trong hàng nước ở bầu”.

Nguyễn Trãi có lúc tự dặn mình: “Vườn quỳnh dù có chim hót – Cõi trần có trúc đứng ngăn”. Nhưng trước áp lực của bọn nịnh thần, ông phải lui về Côn Sơn. Mấy năm sau Lê Thái Tông lại xuống chiếu vời Nguyễn Trãi ra làm quan. Trong biểu tạ ân, ông hả hê nói: “Cảm mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng”; ông tự cho mình là con ngựa già “còn kham rong ruổi”, là cây thông qua năm rét mà “còn dạn tuyết sương”. Chẳng bao lâu sau đó, Nguyễn Trãi đã về hẳn Côn Sơn. Cuộc đời Nguyễn Trãi đã phản ánh tâm trạng đầy bi kịch giằng xé, đúng như ông đã viết trong Côn Sơn ca:

“Về đi sao chẳng sớm toan,

Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?”

“Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá..” (Phạm Văn Đồng), và đó là nguồn gốc sâu xa bi kịch vô cùng đau thương của người anh hùng thuở “bình Ngô”.

Côn Sơn ca còn hàm chứa triết lí về cuộc đời của Ức Trai. Trước hết ông nói về giàu sang phú quí, bần tiện, vinh và nhục ở đời. Đổng Trác đời Đông Hán, Nguyên Tải đời Đường chức trọng quyền cao, phú quí đến cực độ, cuối cùng chết trong ô nhục, để lại tiếng dơ muôn đời:

“Muôn chung chín vạc làm gì,

Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi.

Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,

Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan”.

Tác giả nhắc lại cách ứng xử và cái chết của Bá Di, Thúc Tề đời Ân, Chu, từ đó suy ngẫm về “hiền ngu” ở đời, chung qui chỉ là “đều làm cho thỏa được như ý mình”.

Kiếp người khác nào “cây cỏ”, đời người một trăm năm, mừng, buồn, lo, vui, cái nọ đi, cái kia đến, tốt tươi rồi khô héo, tuần hoàn nối tiếp nhau trong vòng một trăm năm hữu hạn. Sự chiêm nghiệm của nhà thơ thấm một nỗi buồn mênh mông, khi tóc đã bạc, chỉ còn biết làm bạn với mây núi, tráng ngàn:

“Láng giềng một áng mây bạc,

Khách khứa hai ngàn núi xanh”.

Ý nghĩa cuộc đời là gì? Nguyễn Trãi mang màu sắc bi quan chưa hẳn đã sai? Đời người “Trăm năm còn có gì đâu? – Chẳng qua một nấm cỏ khô xanh rì” (Cung oán ngâm khúc). Với Nguyễn Trãi lúc này thì chết là hết. Sự phủ định đầy ngao ngán:

“Núi gò đài các đó đây

Chết rồi ai biết dâu ngày nhục vinh”.

Nguyễn Trãi viết Côn Sơn ca không bao lâu trước khi vụ án Lệ chi viên xảy ra. Tâm trạng thời thế, triết lí về cuộc đời mà Nguyễn Trãi nói đến trong phần hai bài ca là cả một nỗi buồn thấm sâu, tỏa rộng trong tâm hồn nhà thơ. Từ những chiêm nghiệm lịch sử phong kiến Việt Nam, nhất là ba triều đại Trần, Hồ, Lê, về cuộc đời ông ngoại (tướng công Trần Nguyên Đán), về cha mình (Nguyễn Phi Khanh), về những thăng trầm, vinh nhục, ngọt bùi cay đắng của đời mình, nên ức Trai mới có suy ngẫm ấyvề một phương diện khác, triết lí về cuộc đời của Nguyễn Trãi thể hiện sự cảm thông cho số kiếp của con người. Cái nhìn ấy, sự suy ngẫm ấy mang tính nhân bản sâu sắc. Bi kịch của Nguyễn Trãi là bi kịch của kẻ sĩ trong xã hội phong kiến, cũng là bi kịch lịch sử “Anh hùng di hận kỉ thiên niên” (Quan Hải).

Hai câu kết như một lời thiết tha nhắn gọi:

“Sao, Do bằng có tái sinh,

Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn”.

Sao Phủ và Hứa Do, hai cao sĩ đời vua Nghiêu trong lịch sử truyền kì Trung Quốc không màng công danh, chỉ thích sống cuộc đời ẩn sĩ, coi trọng thanh cao, chan hòa với núi cao rừng thẳm. Nguyễn Trãi một mặt cảm thông, kính trọng tấm gương sáng của hai người hiền xa xưa, mặt khác tự hào biểu lộ niềm tự hào về tâm thế của mình: trở về Côn Sơn là để thoát vòng danh lợi, được chan hòa với suối rừng thiên nhiên, sống cuộc đời nhàn hạ, thanh cao. Đó là âm điệu trữ tình, là nội dung tư tưởng tình cảm của “Khúc hát bên ghềnh Côn Sơn” vậy.

Nếu văn (Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo…) là khúc ca thắng trận của người anh hùng thì thơ (Quốc âm thi tập, ức Trai thi tập) là tấm lòng, là ý chí nung nấu của Ức Trai. Côn Sơn ca là bài hát về suối, đá, thông, trúc, là tình yêu quê hương, là những suy ngẫm buồn lo về cuộc đời, về kiếp ngươi hữu hạn trong dòng chảy vô hạn của thời gian. Cảnh sắc thiên nhiên Côn Sơn đã trở thành tâm hồn của Ức Trai. Triết lí về cuộc đời mà Nguyễn Trãi nói đến trong phần hai bài ca thật ra không có gì mới. “Thân cát bụi lại trở về cát bụi” (Kinh Thánh), “Sinh tồn hoa ốc xứ – Linh lạc qui sơn khưu (Sống ở nhà lộng lẫy, chết lại về núi gò – Tào Thực, đời Hán). “Xử thế nhược đại mộng - Hồ vị lao kì sinh?” (Sông ở đời như giấc mộng lớn - Tội chi vất vả đời mình – Lí Bạch)… Có điều, qua Côn Sơn ca, ta thấy hồn thơ của Ức Trai rất đẹp. Nguyễn Trãi tự hào cuộc đời mình thanh cao, thương cuộc đời mình đầy bi kịch, thương đời người cát bụi. Chất triết lí Côn Sơn ca giàu tính nhân văn để lại dấu ấn đậm đà trong lòng ta

 

Văn lớp 11: Cảm nhận, cảm nghĩ về Bài ca Côn sơn | VFO.VN

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 2 

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) hiệu là Ức Trai, con của Nguyễn Phi Khanh, quê gốc xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Gia đình đến lập nghiệp ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây và Nguyễn Trãi được sinh ra tại đây. Năm 1400, ông đậu thái học sinh và ra làm quan trong triều nhà Hồ. Sau đó tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, với vai trò quân sư bên cạnh chủ tướng Lê Lợi. Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng, nhà quân sự thiên tài, nhà ngoại giao xuất chúng, nhà văn hóa, nhà thơ nỗi lạc. Ông đã để lại cho đòi một sự nghiệp văn chương đồ sộ và phong phú, trong đó có Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập...

Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca) có nhiều khả năng được sáng tác trong thời gian hòa bình, ông đã cáo quan về sống ở Côn Sơn. Côn Sơn không chỉ là quê hương mà còn là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn Nguyễn Trãi.

 Côn Sơn ca vừa là bài ca thiên nhiên vừa là bài ca tâm trạng. Hai ý này hòa quyện thống nhất trong cảm xúc của thi nhân. Đoạn trích miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên nhưng vẫn thấm nhuần ý vị trữ tình của tâm trạng.

Trong nguyên văn chữ Hán, Bài ca Côn Sơn được viết theo thể thơ khác nhưng bản dịch đã chuyển thành thể lục bát:

Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Côn Sơn có đa rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

Trong rừng thông mọc như nêm,

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm,

Trong rừng có bóng trúc râm,

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn... 

Sự giao hòa tuyệt đối giữa con người với cảnh vật được thể hiện khá rõ trong đoạn thơ, qua đó phản ánh nhân cách thanh cao và tâm hồn phóng khoáng của Nguyễn Trãi.

Trước hết, ta hãy thưởng thức giọng thơ sảng khoái, hứng khởi, bộc lộ qua các câu thơ tự do trong nguyên văn chữ Hán:

Côn Sơn hữu tuyền,

Kì thanh linh linh nhiên,

Ngô dĩ vi cầm huyền.

Côn Sơn hữu thạch,

Vũ tẩy đài phô bích,

Ngô dĩ vi đạm tịch.

Nham trung hữu tùng,

Vạn lí thúy đồng đồng.

Ngô ư thị hồ,

Yến tức kì trung.

Lâm trung hữu trúc,

Thiên mẫu ấn hàn lục

Ngô ư ngâm tiếu kì khắc.

Nhịp thơ rộn rã như nhịp đàn, nhịp phách. Tinh thần sảng khoái trong tâm hồn thi sĩ đã tạo nên chất phóng khoáng của lời thơ.

Gần trọn cuộc đời lo cho dân, cho nước, nhưng những năm cuối đời, Nguyễn Trãi phải sống trong sự đố kị, ghen ghét của đám nịnh thần. Vì vậy, khi trở về Côn Sơn, Nguyễn Trãi như con chim bằng sổ lồng tung cánh, cảm thấy mình thật sự tự do giữa trời cao đất rộng. Lúc này, ông mới được sống thật với chính mình, mới được là mình. Thi sĩ lúc dạo chơi, khi nằm nghỉ, khi chuyện trò tâm sự với những người nông dân áo vải, lúc cao hứng ngâm nga, vui say giữa rừng núi quê nhà. Phong thái nhà thơ thật giản dị, ung dung mà cũng thật cởi mở, chan hòa.

Trong Bài ca Côn Sơn, cảnh vật thiên nhiên hiện lên với dòng suối trong chảy róc rách, rì rầm như tiếng đàn lúc khoan, lúc nhặt. Phiến đá phẳng phủ rêu xanh mướt, mịn như chiếu êm. Thông, tùng mọc như nêm; rừng trúc bạt ngàn màu xanh tươi mát. Qua nét vẽ tài hoa của ngòi bút Nguyễn Trãi, khung cảnh Côn Sơn hiện liên với những đặc điểm riêng biệt, không lẫn với bất cứ bức tranh sơn thủy nào.

Trong bài thơ, đại từ ta xuất hiện năm lần. Ta ở đây chính là Nguyễn Trãi. Ta nghe tiếng suối mà như nghe tiếng đàn. Ta ngồi trên đá lại tưởng ngồi chiếu êm. Ta nằm hóng mát, ta ngâm thơ nhàn... Giữa khung cảnh mơ mộng, hình ảnh của thi sĩ giống như một nhà hiền triết hoặc một ông Tiên ông đang đắm mình vào thiên nhiên tuyệt mĩ.

Nguyễn Trãi vừa là thi sĩ rung cảm trước cái đẹp, vừa là họa sĩ vẽ nên phong cảnh hữu tình của Côn Sơn. Ông đã vẽ bức tranh Côn Sơn với cây, với suối, với nhân vật trữ tình là chính mình. Đồng thời, ông còn là một nhạc sĩ tài hoa, bằng những nốt nhạc bổng trầm, dệt nên Bài ca Côn Sơn du dương cuốn hút lòng người.

Thiên nhiên Côn Sơn khoáng đạt và thanh tĩnh. Bao trùm lên tất cả là sắc lá xanh ngời. Ở đây có suối chảy rì rầm, có bàn đá rêu phơi, có rừng tùng, rừng trúc che ánh nắng mặt trời, tạo ra khung cảnh tao nhã cho thi nhân ngồi ngâm thơ nhàn một cách thú vị... Hình ảnh cây trúc, cây tùng trong văn chương tượng trưng cho khí phách cứng cỏi của người quân tử: Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.

Nhà thơ hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ. Từ tiếng suối chảy róc rách, những tấm thảm rêu biếc, những tán thông kiêu hãnh, rừng trúc xanh tươi đều toát lên vẻ yên ả, đem lại sự thanh nhàn, bình yên cho tâm hồn. Bao lo lắng, phiền muộn của cuộc đời dường như được trút sạch, con người và thiên nhiên hòa làm một.

Bức tranh Côn Sơn được Nguyễn Trãi cảm nhận không chỉ bằng thị giác, thính giác mà còn được cảm nhận bằng cả trái tim. Người đọc nhận ra cái "tâm" trong sáng và cái tài độc đáo của thi nhân qua bài thơ này.

Bóng dáng nhà thơ hiện lên mờ ảo, thấp thoáng. Dường như ông hòa lẫn vào suối, vào rêu, vào đá, vào thông, vào trúc. Cái bóng dáng ẩn hiện và tiếng ngâm thơ trầm bổng, ngân nag trong không gian ấy gần như đã thể hiện đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ.

Nếu như ở bốn câu đầu, cảnh thiên nhiên Côn Sơn được miêu tả khách quan thì ở các câu thơ sau, tác giả lại kín đáo lồng vào trong đó lời khuyên xuất thế. Khi Nguyễn Trãi cáo quan về quê, mọi người đều tưởng ông bất mãn, chán đời, lui vào ẩn dật để quên mình, quên đời... nhưng không phải vậy. Lê Thánh Tông hiểu lòng ông, vời ông ra làm việc, ông lại hăng hái về triều, gánh vác việc dân, việc nước. Trong biểu tạ ơn vua, Nguyễn Trãi đã tự ví: Thần như con ngựa già còn ham rong ruổi...

Nếu so sánh câu thơ: Côn Sơn có suối rì rầm, Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai của Nguyễn Trãi với câu thơ: Tiếng suối trong như tiếng hát xa của Hồ Chí Minh trong bài Cảnh khuya, chúng ta sẽ thấy cả hai đều là cảm xúc của tâm hồn thi sĩ tinh tế, cùng tưởng tượng tiếng suối giống như tiếng nhạc, tiếng hát tuyệt vời.

Hai người cùng chung đề tài, chung biện pháp nghệ thuật so sánh nhưng khác nhau ở vị thế lúc làm thơ. Bài ca Côn Sơn được sáng tác khi Nguyễn Trãi bất đắc dĩ phải sống ẩn dật ở Chí Linh. Còn Cảnh khuya được nhà cách mạng Hồ Chí Minh viết trong lúc giữ cương vị tổng chỉ huy củ cuộc kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc. Hai cảnh ngộ, hai tâm trạng khác nhau, tuy đều lấy tiếng suối làm mạch nguồn cảm xúc nhưng sự cảm nhận và liên tưởng của mỗi người lại thể hiện nét riêng mang đậm dấu ấn cá nhân và tinh thần thời đại.

Hai nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, hai thi nhân tầm vóc thời đại tuy sống cách nhau năm thế kỉ nhưng giống nhau ở cảm hứng mãnh liệt trước thiên nhiên tươi đẹp. Chỉ khác là nghe tiếng suối, Nguyễn Trãi liên tưởng đến tiếng đàn huyền diệu, còn Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nghĩ tới âm hưởng hùng tráng của bài ca chiến thắng trong tương lai.

Đọc những bài thơ của Nguyễn Trãi viết về cảnh vật thôn quê, chúng ta hiểu thêm về tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng của ông. Bài ca Côn Sơn khiến lòng ta xao xuyến, bồi hồi và càng thêm gắn bó với từng mảnh vườn, góc phố quê hương.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 3 

Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca) là một bài thơ chữ Hán nổi tiếng. Có lẽ Nguyễn Trãi viết bài thơ này trong thời kì ông cáo quan về ở ẩn ở Côn Sơn để giữ cho tâm hồn được thanh cao, trong sạch.

Đối với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là một miền đất có sức hút kì lạ. Chẳng thế mà hai lần cáo quan về ở ẩn, ông đều tìm về với Côn Sơn. Và núi rừng Côn Sơn thanh vắng đã trở thành một thế giới riêng đầy thân thương gắn bó với thi nhân. Tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi được sống với chính mình. Dường như thiên nhiên đã trở thành cứu cánh cho tâm hồn ông - một tâm hồn đớn đau vì nhân tình thế thái. Tại Côn Sơn, mọi vật đối với ông trở nên có tình, có nghĩa, như bầu bạn, như tri âm:

Núi láng giềng, chim bầu bạn

 Mây khách khứa, nguyệt anh tam

(Thuật hứng - Bài 19)

Cảnh trí Côn Sơn thanh tĩnh, rộng mở, để cho tâm hồn Nguyễn Trãi hoá thân tìm về, ùa vào đó mà quên đi mọi nỗi ưu phiền:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm

Trong ghềnh thông mọc như nêm,

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Trong rừng có bóng trúc râm,

Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

(Trích Côn Sơn ca)

Đoạn mở đầu bài Côn Sơn ca đem đến cho người đọc bao cảm nhận mới mẻ về tâm hồn thi sĩ của Ức Trai. Trong cảm xúc của ông, cảnh trí Côn Sơn hiện ra thật thơ mộng và lãng mạn: có tiếng suối chảy rì rầm, có đá rêu phơi êm ái, có rừng thông mọc rậm, dày, có rừng trúc xanh mát..., vừa có cái hoang dã của thiên nhiên, vừa có hơi ấm của cuộc sống đầy ắp tình người. Hơn nữa, trong con mắt thi nhân, thiên nhiên không chỉ là cảnh, mà đã trở thành nhà. Ngôi nhà thiên nhiên ấy thật đặc biệt: suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm giường, bóng tre trúc là nơi ngâm vịnh thơ ca. Thật là tuyệt thú! Và trong ngôi nhà thiên nhiên ấy, ông để tâm hồn mình giao hoà với cảnh và vẽ lại nó bằng một ngọn bút tài hoa.

Bức tranh thiên nhiên được chấm phá bằng âm thanh rì rầm của tiếng suối được cảm nhận như tiếng đàn:

Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Một hình ảnh so sánh thật độc đáo và gợi cảm. Suối đang chảy hay thi nhân đã thả hồn mình vào tiếng suối, làm rung lên cung đàn diễn tả nỗi khát khao yêu cuộc sống?

Năm trăm năm sau, thi sĩ Hồ Chí Minh cũng có chung cảm nhận ấy:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Phải chăng những tâm hồn nghệ sĩ đã tìm về với nhau?

Sau những giây phút thả hồn mình cùng tiếng suối, thi nhân lặng đến ngồi bên những phiến đá mà thời gian đã rêu phong bao phủ. Ông ngồi chơi ngắm cảnh, hay ngồi đánh cờ một mình? Có lẽ là cả hai. Trên nhân gian này, không ít người đã từng ngồi trên đá, nhưng làm sao họ cảm nhận được như thi nhân?

Côn Sơn có đá rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

Một hình ảnh so sánh liên tưởng đầy thú vị khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Nguyễn Trãi trở về Côn Sơn không phải là để ẩn dật theo đúng nghĩa của cách sống ẩn dật, mà ông trở về Côn Sơn với nỗi hân hoan đầy tự do của một con người trở về nhà mình (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Và trong ngôi nhà ấy, ông không những được tha hồ nghe nhạc rừng, ngồi trên đá đánh cờ, mà còn được nằm dưới bóng thông râm mát, được ngâm thơ nhàn dưới bóng trúc xanh. Một cuộc sống mà người và cảnh gắn bó với nhau, hoà nhập vào nhau. Lòng Ức Trai thanh thản đến lạ kì.

Chưa bao giờ mà tâm hồn thi sĩ của Ức Trai lại được bộc lộ đầy đủ, sâu sắc và đầm thắm đến thế! Cũng tại Côn Sơn này, hồn thơ Ức Trai còn tiếp tục rộng mở để đón nhận thiên nhiên, chở thiên nhiên về chất đầy kho:

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc

Thuyền chở yến hà nặng vay then

(Thuật hứng - Bài 24)

Tình yêu thiên nhiên sâu nặng đến mức thi nhân sợ bóng hoa tan mà không dám quét nhà:

Hé cửa, đêm chờ hương quế lọt,

Quét hiên, ngày đợi bóng hoa tan

(Quốc Âm thi tập - Bài 160)

Nhân cách thanh cao và tâm hồn thi sĩ của nguyễn Trãi thực sự là tấm gương sáng để ta soi vào.

 

Top 10 Bài văn phân tích tác phẩm

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 4 

Bài ca Côn Sơn ( Côn Sơn Ca) là một bài thơ chữ Hán nổi tiếng. Có lẽ Nguyễn TRãi viết bài thơ này trong thời kì ông cáo quan về ở ẩn ở Côn Sơn để giữu cho tâm hồn được thanh cao , trong sạch.

Đối với Nguyễn TRãi , Côn Sơn là một miền đất có sức hút kì lạ. Chẳng những thế mà hai lần cáo quan về ở ẩn ông đều tìm về với Côn Sơn. Và núi rừng Côn Sơn thanh vắng đã trở thành một thế giới riêng đầy thân thương gắn bó với thi nhân . Tại Côn Sơn , Nguyễn Trãi được sống với chính mình. Dường như thiên nhiên đã trở thành cứu cánh cho tâm hồn ông – một tâm hồn đớn đau  vì nhân tình thế thái. Tại Côn Sơn ,mọi vật đối với ông trở nên có tình có nghĩa như bàu bạn , như tri âm:

  • “Núi láng giềng , chim bầu bạn

  • Mây khách khứa , nguyệt anh tam”

  • ( Thuật hứng bài 19)

Cảnh trí Côn Sơn thanh tĩnh rộng mở để tâm hồn Nguyễn Trãi hóa thân tìm về ùa vào đó mà quên đi mọi nỗi ưu phiền.

Bức tranh thiên nhiên được chấm phá bằng âm thanh rì rầm của tiếng suối được cảm nhận như tiếng đàn:

  • “Côn Sơn suối chảy rì rầm,

  • Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”

Một hình ảnh so sánh thật độc đáo và gợi cảm . Suối đang chảy hay thi nhân đã thả hồn mình vào tiếng suối, làm rung lên cung đàn diễn tả nỗi khát khao yêu cuộc sống?

Năm trăm năm sau thi sĩ Hồ Chí Minh cũng chung cảm nhận ấy

  • “Tiếng suối trong như tiếng hát xa ”

  • Phải chăng nhũng tâm hồn nghệ sĩ đã tìm về với nhau ?

Không chỉ có thanh âm, bức tranh thiên nhiên ấy còn toát lên sức sống tươi mới của thiên nhiên bởi sắc xanh của núi rừng. Đoạn mở đầu bài thơ đêm đến cho người đọc bao cảm xúc mới mẻ về tâm hồn thi sĩ Ức trai. Trong cảm xúc của ông, cảnh trí Côn Sơn hiện lên thật thơ mộng và lãng mạn: có tiếng suối chảy rì rầm , có đá rêu phơi êm ái, có rừng thông mọc rậm, dày , có rừng trúc xanh mát…, vừa có cái hoang dã của thiên nhiên, vừ có cái hơi ấm của cuộc sống đầy ắp tình người. Hơn nữa trong con mắt thi nhân thiên nhiên không chỉ là cảnh mà đã trở thành nhà. Ngôi nhà thiên nhiên ấy thật đặc biệt: Suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm giường, bóng tre trúc làm nơi ngâm vịnh thơ ca . Thật là tuyệt thú ! Và trong ngôi nhà thiên nhiên ấy ông đã để tâm hồn mình giao hòa với cảnh và vẽ lại nó bằng một ngọn bút tài hoa .

  • “Côn Sơn có đá rêu phơi

  • Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm

  • Trong ghềnh thông mọc như nêm,

  • Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

  • Trong rừng có bóng trúc râm,

  • Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.”

Đó là màu xanh của rêu trên đá, là rừng thông mọc dày, là rừng trúc xanh tỏa bóng râm mát, gợi ra nét hoang dã của núi rừng thơ mộng. Và giữa bức tranh ấy, hơi ấm của con người được lan tỏa, hòa quyện cùng thiên nhiên

Đọc những bài thơ của Nguyễn Trãi viết về cảnh vật thôn quê, chúng ta hiểu thêm về tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng của ông. Bài ca Côn Sơn khiến lòng ta xao xuyến, bồi hồi và càng thêm gắn bó với từng mảnh vườn, góc phố quê hương.

 

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 5 

“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Lòng Ức Trai tỏa rạng văn chương), ý thơ do chính bậc quân minh như Lê Thánh Tông thốt ra, có lẽ nó là minh chứng tiêu biểu nhất cho tài năng và tâm lòng của Nguyễn Trãi. Để có thể hiểu hết được tâm hồn thi sĩ trong sáng tựa sao khuê ấy tất nhiên không phai trong ngày một ngày hai là thấu hết, nhưng bức tranh thiên nhiên trong “Côn Sơn ca” cũng có thể là một ánh đèn giúp ta phần nào hiểu hơn về một danh nhân văn hóa vĩ đại không chỉ của Việt Nam mà còn vươn tầm thế giới.

Bản gốc bài thơ được viết bằng chữ Hán, song chúng ta lại biết đến bản dịch thơ rộng rãi hơn bởi tính dễ hiểu, dễ nhớ của nó.

  • “Côn sơn suối chảy rì rầm

  • Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.”

Câu thơ mở đầu bằng âm thanh tiếng suối chảy đã tạo không khí êm đềm, bình yên bao trùm lấy khắp núi non. Giữa không gian rộng lớn lại có thể lắng nghe được tiếng suối chảy, ví nó với “tiếng đàn cầm”, có trầm bổng, có nhịp điệu, có tâm tình, ta rốt cuộc nên cảm thán thiên nhiên nên thơ lay động lòng người hay nên ngưỡng mộ tâm hồn thi sĩ tinh tế lãng mạn của Nguyễn Trãi? Tiếng đàn cầm đắm say của Ức Trai dường như cũng dẫn hồn ta về hòa điệu với tiếng hát của người ca nữ nào đó trong thơ Hồ Chí Minh

  • “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”

  • (Cảnh Khuya)

Cùng là tiếng suối, người cảm như tiếng đàn, người cảm như tiếng hát, đó là kết đọng của tâm hồn yêu, gắn bó, đồng điệu hoàn toàn với thiên nhiên mà chỉ những bậc thi sĩ với giác quan nhạy cảm và rung động mạnh mẽ với đời mới có thể có.

Ý thơ đẹp như vậy phần nhiều đến từ chính cái tài và cái tâm của người viết nhưng ta cũng không thể phủ nhận cảnh trí đất Côn Sơn cũng là một chất xúc tác để chúng có thể phát huy mãnh mẽ nhất

  • “Côn Sơn có đá rêu phơi

  • Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”

Mới đầu đọc lên ta bỗng thấy có điểm vô lí có ai dùng từ êm cho một hòn đá? Đặt trong vẻ thiên nhiên tráng lệ kì vĩ của Côn Sơn, ăt hẳn đá Côn Sơn cũng sẽ mang vẻ cứng cáp, trơ lì tương xứng. Ấy thế mà, qua ngòi bút của Nguyễn Trãi đá rêu phơi lại trở thành “chiếu êm”, thành nơi phóng bút của thi nhân. Rõ ràng, nhà thơ đang tận hưởng hết mình cùng thiên nhiên, coi thiên nhiên như người bạn để mình nghỉ ngơi, tâm tình cho thỏa tấm lòng thi sĩ. “Côn Sơn”điệp lại đã tái khẳng định sự gắn bó, tình cảm đặc biệt của Nguyễn Trãi với cảnh đẹp nơi đây.

Nếu như ở phần đầu, ta có thể nhìn sơ qua bức tranh toàn cảnh của Côn Sơn, thì đến phần sau lăng kính của tác giả đã đi vào sâu hơn với cảnh rừng cây bên trong

  • “Trong rừng thông mọc như nêm

  • Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm

  • Trong rừng có bóng trúc râm

  • Trong màu xanh mát, ta ngâm thơ nhàn”

So với những thi pháp ước lệ cổ điển và sang trọng của thơ trung đại, phép so sánh “thông mọc như nêm” của Nguyễn Trãi có phần giản dị và nôm na. Nhưng để nói lên sự gần gũi, gắn bó mật thiết của con người cùng thiễn nhiên thì cách nói mộc mạc ấy quả là rất ăn khớp. Rừng thông đã trở thành chốn nghỉ ngơi, chốn để tâm hồn phóng khoáng được tự do, tự tại. Cùng với nét mãnh mẽ, thẳng thắn của thông chính là hiền hòa dịu êm của trúc. Trúc và thông đã tạo ra một không gian trữ tình đầy sức sống tươi trẻ để con người chìm trong sự ung dung khoan khoái cả về thể xác lẫn tinh thần. Chữ “nhàn” kết thúc bài thơ đã thể hiện hoàn hảo tinh thần, tâm thế chung của bài thơ.

Với bút pháp nghệ thuật tài tình cùng tâm hồn thi sĩ tinh tế nhạy cảm, bức tranh Côn Sơn mang đậm dấu ấn Nguyễn Trãi đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn đọc muôn đời.

 

Côn Sơn Kiếp Bạc

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 6 

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Lê Thánh Tông chú thích rằng:"Ức Trai tiên sinh, đương lúc Thái Tổ mới sáng nghiệp theo về Lỗi Giang, trong thì bàn kế hoạch nơi màn trướng, ngoài thì thảo văn thư dụ các thành; văn chương tiên sinh làm vẻ vang cho nước, lại được vua yêu tin quí trọng".  Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng, nhà quân sự thiên tài, nhà ngoại giao xuất chúng, nhà văn hóa, nhà thơ nỗi lạc. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đồ sộ và phong phú, trong đó có Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập... Trong đó, bài ca Côn Sơn được viết khi ông cáo quan về ở ẩn 

  • Côn Sơn suối chảy rì rầm

  • Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

  • Côn Sơn có đá rêu phơi

  • Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm

  • Trong ghềnh thông mọc như nêm,

  • Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

  • Trong rừng có bóng trúc râm,

  • Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

Đối với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là một miền đất có sức hút kì lạ. Có lẽ cũng bởi vì chán ghét cuộc sống nơi phồn hoa, chốn ganh đua quan trường mà ông đã cáo quan, bỏ lại sau lưng tiền tài danh vọng để sống thật với cuộc đời mình. Và khi ông đến với Côn Sơn ông đã cảm nhận được điều đó. Ông coi Côn Sơn như một người bạn tri kỉ, vẻ đẹp của nó có thể gột rửa tâm hồn giúp cho người thi sĩ quên đi thực tại và có thể làm chính mình.

  • Côn Sơn suối chảy rì rầm,

  • Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Tiếng suối không còn là thứ âm thanh róc rách, khô khan mà nó đã được thổi hồn vào trong đó. Những giai điệu du dương như đang hòa cùng âm thanh của đất trời để viết lên một bản tình ca thật đẹp. Ẩn dụ “ đàn cầm” biểu lộ niềm vui giao cảm với suối, coi suối là mảnh tâm hồn của “ ta”,  dòng suối chảy róc rách,rì rầm như tiếng đàn lúc khoan,lúc nhặt. Tiếng đàn này, Hồ Chí Minh cũng cảm nhận

"Tiếng suối trong như tiếng hát xa"

Người nghệ sĩ được thiên nhiên tắm rửa lại mảnh hồn héo úa trong mình để rồi ông lại dạt dào tình cảm với cảnh vật nơi núi rừng:

  • "Côn Sơn có đá rêu phơi

  • Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm"

Nguyễn Trãi trở về Côn Sơn không phải là để ẩn dật theo đúng nghĩa của cách sống ẩn dật, mà ông trở về Côn Sơn với nỗi hân hoan đầy tự do của một con người trở về nhà mình (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Trên tảng đá có phủ một lớp rêu xanh được tác giả nhân cách hóa thành như ngồi trên chiếu êm. Từ một tảng đá vô tri, một vật cứng nhắc được núi rừng bao bọc, những tảng đá bất động bị mưa gió bào mòn, rồi mưa nắng cùng với thiên nhiên phủ lên thân đá lớp rêu xanh.

  • Trong ghềnh thông mọc như nêm,

  • Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

  • Trong rừng có bóng trúc râm,

  • Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

Nguyễn Trãi dường như đang nằm giữa một rừng thông xanh ngắt, mát rợp, thả hồn trong sắc màu của cỏ cây, đắm chìm trong bóng râm, gió thoảng, ngủ một giấc ngon lành, để quên hết sự đời, rũ bỏ mọi vướng bận, để hóa thân vào hư không, mang dáng vẻ tao nhã, thanh cao, là dáng vẻ của người quân tử yêu thích cái tinh tế, thuần khiết và gắn bó với thiên nhiên. Đối với ông cuộc sống như thế là một cuộc sống an nhàn hưởng lạc nhưng đâu ai hay đằng sau sự an nhiên như thế lại là một tâm hồn đau đáu vì dân vì nuovws, ngày đêm không ngủ vì nước nhà đang buổi gian truân.

Qua "Bài ca Côn Sơn" chúng ta thấy được một tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên và hòa nhập cùng thiên nhiên.  Sự giao hòa đó vừa nói lên nhaanh cách thanh cao, vừa nói lên phẩm chất thi sĩ lớn lao của Nguyễn Trãi và tất cả là dựa trên một triết lý sâu xa: con người và thiên nhiên là một. Yêu thiên nhiên, hòa mình cùng thiên nhiên nhưng nguyễn Trãi hiển nhiên vẫn là một người anh hùng vì Tổ quốc mà cống hiến.

 

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca Côn Sơn - Mẫu 7 

Bài ca Côn Sơn” được tác giả Nguyễn Trãi sáng tác trong thời gian hòa bình, ông đã cáo quan về sống ở Côn Sơn. Mảnh đất Côn Sơn này không chỉ là quê hương mà còn là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn Nguyễn Trãi. Bài thơ “Côn Sơn ca” vừa là bài ca thiên nhiên, vừa là bài ca tâm trạng, chúng hòa quyện thống nhất trong cảm xúc của thi nhân. Vừa mang vẻ đẹp thiên nhiên nhưng vẫn thấm nhuần ý vị trữ tình của tâm trạng.

Sự giao hòa giữa con người và cảnh vật thiên nhiên được thể hiện khá rõ trong đoạn thơ, qua đó đã phản ánh được nhân cách thanh cao và tâm hồn phóng khoáng của Nguyễn Trãi:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm,

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Côn Sơn có đá rêu phơi,

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm,

Trong rừng thông mọc như nêm,

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Trong rừng có bóng trúc râm,

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn…”

Với nhịp thơ rộn rã như nhịp đàn, nhịp phách. Tinh thần sảng khoái trong tâm hồn tác giả đã tạo nên chất phóng khoáng của lời thơ. Cảnh vật thiên nhiên hiện lên với dòng nước suối trong chảy róc rách, rì rầm như tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt. Phiến đá thì phẳng và mọc rêu xanh, mịn như chiếu êm, các cây tùng thông mọc như nêm, rừng trúc bạt ngàn màu xanh tươi mát. Khung cảnh Côn Sơn hiện lên với những vẻ đẹp riêng biệt, không lẫn với bất cứ bức tranh sơn thủy nào. Trong bài thơ, ta thấy đại từ “ta” xuất hiện đến năm lần,và đó chính là tác giả, hình ảnh đó khiến cho tác giả giống như một nhà hiền triết hoặc một Tiên ông đang đắm mình vào thiên nhiên tuyệt mĩ.

Nguyễn Trãi đã vẽ nên một bức tranh Côn Sơn với cây, suối, và có chính nhân vật trữ tình là mình. Thiên nhiên Côn Sơn khoáng đạt và thanh tĩnh, bao trùm lên tất cả là màu sắc xanh tươi, hình ảnh cây trúc, cây tùng trong văn chương còn tượng trưng cho khí phách cứng cỏi của người quân tử. Nhà thơ đã hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ, bao nhiêu lo lắng muộn phiền của cuộc đời dường như được trút sạch, còn người và thiên nhiên đã hòa vào làm một. Nhà thơ không chỉ cảm nhận cảnh vật thiên nhiên ấy bằng thị giác và thính giác mà còn cảm nhận bằng cả trái tim, ta có thể nhận thấy cái “tâm” trong sáng và cái tài độc đáo của Nguyễn Trãi qua bài thơ này. Bốn câu thơ đầu là cảnh thiên nhiên thì ở bốn câu thơ sau, tác giả đã kín đáo lồng vào trong đó lời khuyên xuất thế. Nguyễn Trãi cáo quan về quê, người ta tưởng ông bất mãn, chán đời và sống ẩn dật để quên đời quên mình. Nhưng thực tế không phải vậy, khi ông được trở về Côn Sơn, ông như con chim được sổ lồng tung cánh, cảm thấy mình thực sự được tự do giữa trời cao đất rộng, được sống thật với chính mình. Thi sĩ đã có những lúc dạo chơi, cao hứng ngâm nga giữa núi rừng quê nhà. Phong thái ấy thật giản dị, ung dung mà thật cởi mở và chan hòa.

Đọc bài thơ “Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi, ch

úng ta hiểu thêm về tình yêu thiên nhiên đất nước sâu nặng của ông, đồng thời cảm nhận được nỗi lòng của một người đã gần trọn cuộc đời lo cho dân, cho nước như Nguyễn Trãi, khi cuối đời lại phải sống trong lòng đố kị, ghen ghét của bọn nịnh thần.

Tài liệu có 23 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tài liệu cùng môn học

TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT Tuyết TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
1.3 K 1 1
20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng Tuyết 20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
761 1 0
TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia Tuyết TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
848 1 0
20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ Tuyết 20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
665 1 0
Tải xuống