Top 50 bài Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh hay nhất

Toptailieu.vn xin giới thiệu 50 bài văn Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh hay nhất, chọn lọc giúp học sinh lớp 7 viết các bài tập làm văn hay hơn. Tài liệu gồm có các nội dung chính sau:

Mời các bạn đón xem:

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

1. Mở bài:

  • Lí Bạch là nhà thơ nổi tiếng của thơ ca lãng mạn cổ điển Trung Hoa.
  • Thơ ông có một vẻ đẹp kì lạ, khó quên
  • Ông viết nhiều về trăng, coi trăng là biểu tượng của quê hương mà ông suốt đời yêu mến.
  • Bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh được ông sáng tác trong thời gian sống lênh đênh nơi đất khách quê người, trong đêm trăng sáng, chạnh lòng nhớ cố hương.

2. Thân bài:

- Tâm trạng của nhà thơ: Chủ đề bài thơ là trông trăng nhớ quê (vọng nguyệt hoài hương), thường thấy trong thơ cổ điển. Tuy vậy, cách thể hiện của Lí Bạch rất khác lạ.

a) Hai câu đầu: Khung cảnh đêm trăng sáng:

Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

(Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương)

  • Ánh trăng rọi sáng vào tận đầu giường như tìm đến với bạn tri âm, tri kỉ.
  • Vầng trăng tròn đầy, đẹp đẽ là đối tượng để nhà thơ vừa ngắm nhìn, thưởng thức, vừa chia sẻ tâm tình.
  • Nhà thơ đang có trạng thái mơ màng nên cảm thấy ánh trăng trắng đục như sương đang phủ tràn mặt đất.
  • Có thể nhà thơ ngắm trăng qua làn nước mắt xúc động, bồi hồi vì trăng đẹp, vì nhớ quê nên mới cảm nhận như thế.

b) Hai câu sau: Tình cảm tha thiết đối với quê hương:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

(Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương)

  • Vầng trăng tròn đầy tượng trưng cho sự đoàn tụ.
  • Ngắm trăng, Lí Bạch mừng như gặp lại cố nhân nhưng vì chua xót cho thân phận cô đơn nơi đất khách quê người của mình nên càng thương nhớ quê hương cách xa ngàn dặm.
  • Tâm trạng trĩu nặng nỗi sầu, hành động thu gọn trong hai cử chỉ: Ngẩng đầu, cúi đầu… Nỗi nhớ quê hương của nhà thơ thật thiết tha, sâu nặng.
  • Trong hai câu thơ đều không có chủ ngữ nhưng nhân vật trữ tình – chính là thi sĩ vẫn hiện lên rất rõ nét cả về tư thế lẫn tâm trạng.

3. Kết bài:

  • Bài thơ Tĩnh dạ tứ truyền cho người đọc niềm xúc động chân thành và tình yêu quê hương tha thiết của thi sĩ họ Lí.
  • Nhận xét về bài thơ này, Trương Minh Phi – nhà phê bình nghiên cứu về thơ Đường đã viết: Trong loại thơ nhìn trăng mà thổ lộ tâm tình nhớ quê, bài có khuôn khổ nhỏ nhất, ngôn từ đơn giản tinh khiết nhất là Tĩnh dạ tứ của Lí Bạch, song bài có ma lực lớn nhất được truyền tụng rộng nhất cũng là bài Tĩnh dạ tứ ấy.

Video Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Video Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 1

Lý Bạch - người được mệnh danh là Thi Tiên của nền văn học trung đại Trung Quốc. Ông đã để lại cho nhân loại một kho tàng thơ ca đồ sộ. Trong đó, người ta thường nhắc đến nhất, chính là tác phẩm Tĩnh dạ tứ.

Tĩnh dạ tứ còn được gọi với cái tên là Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh. Tác phẩm này được viết với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Với tứ thơ quen thuộc là hai câu trước tả cảnh, hai câu sau ngụ tình.

Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Chỉ với ba từ “minh”, “quang”, “sương”, tác giả đã khắc họa được cả một đêm trăng trên đầu giường. Đây đều là những chữ rất đắt, được Lý Bạch thiên tuyển mà chọn ra. Ba từ đó phối hợp với nhau, khắc họa khung cảnh một đêm khuya, có ánh trăng sáng bàng bạc, dìu dặt, với tầng sương mỏng manh. Cảnh đẹp ấy vừa nên thơ, trữ tình, lại có chút tĩnh mịch, cô liêu. Vị trí của tác giả được thể hiện qua một chữ “sàng” - nghĩa là đầu giường. Từ đó, ta biết được tác giả đang nằm trên giường mà vọng ra ngoài, nhìn ngắm ánh trăng. Đêm đã khuya, mà ông vẫn chưa ngủ, chắc hẳn đang ôm một nỗi lòng nào đó. Trong mắt nhà thơ, ánh trăng dày như dòng thác đổ từ trên cao xuống. Dày đến mức, ông tưởng như khắp mặt đất là một biển sương mở. Cảnh đẹp ấy như là chốn bồng lai tiên cảnh, dẫn người ta phải mơ màng.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương

Càng ngắm trăng, Lý Bạch lại càng chua xót cho thân phận của mình. Đó là cuộc đời của một kẻ tha hương, lênh đênh xứ người chẳng biết bao giờ mới được trở lại. Hình ảnh trăng tròn là biểu tượng muôn thuở cho sự đoàn viên, tụ họp của gia đình. Có lẽ, vầng trăng trên quê hương ông cách đây ngàn vạn dặm cũng đang lung linh, huyền ảo như thế. Hai hành động đối lập “ngẩng đầu” rồi lại “cúi đầu” của nhà thơ, khiến ta đồng điệu được với nỗi lòng sâu lắng của ông. Có lẽ đó cũng chính là sự thay đổi trong cảm xúc của chính tác giả. Niềm vui khi được nhìn ngắm cảnh trăng tươi đẹp đã nhanh chóng hạ xuống, tan biến vì bị đè nặng bởi sự đau buồn khi nhớ về quê hương. Nỗi nhớ ấy thiết tha, sâu lắng đến cảm thấy khó thở trong lồng ngực. Trong hai câu thơ cuối ấy, tuy không xuất hiện trực tiếp, nhưng chủ thể trữ tình vẫn hiện diện rõ ràng qua tâm tình và hành động của mình.

Thi phẩm Tĩnh dạ tứ đã lột tả một cách truyền cảm những nỗi niềm thương nhớ quê hương Lý Bạch. Không chỉ vậy, tác phẩm còn đi vào lòng người đọc với những thủ pháp nghệ thuật và cách lựa chọn từ ngữ tinh tuyển, đặc sắc của nhà thơ.

Những bài thơ Lý Bạch hay nhất từ trước đến nayNhững bài thơ Lý Bạch hay  nhất từ trước đến nay - Luật Trẻ Em

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 2 

Có ai đi xa mà chẳng nhớ về quê hương làng xóm. Nơi đã gắn bó máu thịt trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Với Lý Bạch, thi nhân suốt đời chống kiếm lãng du luôn nặng tình với quê hương. Tình cảm ấy thể hiện da diết mãnh liệt, dâng trào, nó được nâng cánh bằng cảm hứng lãng mạn, bay bổng diệu kỳ qua bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh.

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương

Từ xưa đến nay các thi nhân bao giờ cũng mượn cảnh để bày tỏ nỗi niềm tâm sự. Một bức tranh đẹp ập vào mắt ta trước tiên cũng là cảnh và sau đó là tình, tả tâm trạng ẩn chứa bên trong Lý Bạch - "thi tiên" của đời Đường Trung Quốc ngay từ những dòng thơ đầu đã dẫn ta vào một thế giới tràn đầy ảo diệu.

Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Ấn tượng đầu tiên là trăng, trăng ở khắp mọi nơi không chỉ giới tận nơi đầu giường lữ khách. Đêm khuya thanh tĩnh, bốn bề vắng lặng ta nghe những bước trăng nhẹ nhàng len lỏi phủ khắp không gian. Trăng như dòng suối miên man chảy trong đêm sâu. Trăng dịu mát vuốt ve cảnh vật trong cái tĩnh lặng đến khôn cùng. Trong đêm thâu, không gian bốn bề vắng lặng, không một tiếng gió thổi, một tiếng côn trùng kêu, cũng chẳng có một tiếng chuông chùa ngân buông... chỉ có trăng sáng trải khắp không gian. Ánh trăng gợi cảm giác lâng lâng lạ thường, ánh trăng giờ đây là chủ thể. Thiên nhiên hiện lên với vẻ đẹp trong sáng nhất. Cuộc sống trở về những nhịp thâm trầm, trút bỏ cái náo động, xô bồ của ban ngày. Trăng đẹp hiền dịu biết bao, trăng tìm đến với con người. Bác Hồ của chúng ta cũng là một lãnh tụ rất yêu trăng:

Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau

Bác Hồ đành từ chối người bạn tri âm tri kỷ bởi còn bận việc nước. Còn với Lý Bạch người lãng tử trong phút dừng chân nơi quán trọ để trọn lòng mình đến với trăng. Trăng đẹp và thơ mộng quá. Đêm đã sang canh êm đềm thanh tĩnh lúc này chỉ có trăng và nhà thơ. Và rồi không thể hững hờ với vầng trăng đã từng làm bạn từ ngày còn hẹn hò trên núi Nga Mi. Lý Bạch ngẩng đầu ngắm trăng, trăng gặp thi nhân như hai kẻ tri âm tri kỷ, cảm động không nói nên lời.

Trong phút đối diện bất ngờ ấy, sự liên tưởng lãng mạn kèm theo sự hoài nghi diệu kỳ. Trăng hay là sương mặt đất? Ánh trăng hắt qua song cửa hay là sương khói mông lung? Trăng thực đấy mà sao mờ mờ, ảo ảo khó nắm bắt đến kỳ lạ. Cái sương khói của ánh trăng làm cho câu thơ ngập trong không khí mơ màng, hư hư thực thực, trăng sáng mà sáng bàng bạc huyền ảo. Trăng ở quanh thi nhân như tầng tầng lớp lớp. Trăng làm cho căn phòng hẹp của thi nhân và mặt đất bao la hoà làm một, và cũng rất tự nhiên:

Cửu đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cô hương)

Đêm nay nhìn trăng sáng nơi quê người, nỗi lòng mãnh liệt, tha thiết trong lòng đứa con xa quê trỗi dậy, day dứt khôn nguôi. Ánh trăng thời trai trẻ năm nào trên núi Nga Mi hiện về. Quá khứ, hiện tại, quê nhà, quê người, thành công, thất bại, hy vọng.. đan xen trĩu nặng trong lòng tác giả, ánh trăng đêm nay sáng quá và nó gợi bao kỷ niệm. Ngẩng đầu nhìn trăng là tư thế hướng ngoại, cúi đầu là nhớ về cố hương (hướng nội). Hai tư thế ngẩng đầu, và cúi đầu, hai tâm trạng nhìn và nhớ, hai đối tượng làm trĩu lòng kẻ xa quê. Hai hình ảnh trăng sáng và cố hương đi sóng đôi nhau biểu hiện một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương tha thiết. Nhớ cố hương là nhớ tới gia đình, người thân, nhớ tới thời thơ ấu với bao mộng tưởng đẹp đẽ. Thế mới biết quê hương là những gì thiêng liêng nhất, một ngôi nhà, một góc phố, một cánh đồng, một dòng sông...

Nhà thơ Chế Lan Viên có câu:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn

(Tiếng hát con tàu)

Tình yêu quê hương đã thành máu, thành hồn. Nó được thể hiện qua những cung bậc của tình cảm. Nỗi nhớ quê hương qua sự khơi gợi của ánh trăng dội về mãnh liệt. Tình yêu quê hương với cả một bức tranh chan chứa ánh trăng làm nền bay cao mãi, xa mãi, ngân vang mãi khúc nhạc lòng của chàng trai trẻ ngày nào trên núi Nga Mi. Câu thơ cuối khép lại nhưng tình nhưng ý còn chưa dứt. Dù chỉ trong hai mươi chữ, nhưng cuối cùng ấn tượng đậm nét trong ta về Lý Bạch là một con người luôn gắn bó với cố hương.

Quả thật Lý Bạch với tình yêu quê hương đất nước tha thiết, mãnh liệt được nâng cánh bằng những cảm hứng lãng mạn tuyệt vời. Tĩnh dạ tứ đã hâm nóng những mạch cảm xúc trong ta, ta yêu quý trân trọng và hoà cùng những dòng thơ Lý Bạch chính là làm cho giá trị đích thực của thi ca chuyển tải thế giới nội tâm con người sống mãi với thời gian. Lý Bạch đã góp phần làm cho diện mạo thơ Đường thêm phong phú.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 3 

Lí Bạch là một nhà thơ nổi tiếng đời đường của Trung Quốc. Những tác phẩm của ông cho đến nay và mai sau vẫn sống mãi trong lòng người đọc. Và một trong những tác phẩm để đời là bài Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh)

Thơ xưa thường hay nói đến thiên nhiên, thiên nhiên như một người bạn để thi nhận có thể chia sẻ tâm sự của mình hoặc cũng có bài thơ viết lên chỉ để ca ngợi thiên nhiên. Thơ Lí Bạch cũng nhắc đến thiên nhiên, đặc biệt là trăng, trăng tràn ngập trong thơ Lí Bạch. Có những bài, trăng như người bạn cùng vui chơi với Lí Bạch còn có những bài ánh trăng như là cái cớ để ông bày tỏ tâm sự, nỗi lòng của mình và bài thơ Tĩnh dạ tứ là một bài như thế điều đó được thể hiện ngay ở nhan đề bài thơ. Bài thơ có tựa đề là Tĩnh dạ tứ tức là những suy nghĩ trong một đêm rất đẹp, trên trời ánh trăng toả sáng khắp nơi, một thứ ánh sáng lung linh huyền ảo và chính trong khung cảnh thiên nhiên ấy trong lòng Lí Bạch bỗng trào dâng lên nỗi nhớ quê hương. Toàn bộ bài thơ là cảm xúc chân thành thiết tha của tác giả. Ở hai câu thơ đầu:

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phơi sương

Đọc hai câu thơ này, cảm giác đầu tiên đến với ta đó là sự yên tĩnh, vắng lặng và thời gian lúc này như đã khuya lắm rồi, tất cả như đang chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ có ánh trăng âm thầm thực hiện nhiệm vụ của mình. Ánh trăng tràn vào nhà, soi rọi khắp nơi. Ánh trăng bằng bạc ấy khiến ông ngỡ như là sương đang la đà trên mặt đất. Hình ảnh ấy gợi cho người đọc một cảm giác cô đơn và trống vắng. Phải chăng trong lòng thi nhân đang chất chứa một nỗi niềm tâm sự, bởi vậy nên ánh trăng đẹp như vậy mà ông cứ ngỡ như mặt đất phủ sương. Đồng thời với sự “nhầm lẫn” ấy ta còn thấy tâm trạng ngỡ ngàng, bất ngờ của thi nhân trước khung cảnh thiên nhiên. Câu thơ thứ ba:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Câu thơ này vẫn nói đến trăng, nói đến thiên nhiên nhưng từ “ngẩng” dường như ko gợi cho ta cảm giác nhẹ nhàng thanh thản của người ngắm trăng mà đó là cái nhìn chất chứa tâm sự. Trong ba câu thơ đầu, ta thấy tác giả nhắc nhiều đến thiên nhiên, đến trăng. Khung cảnh thiên nhiên ấy dẫu buồn nhưng vẫn gợi cho ta cảm giác đẹp, một vẻ đẹp huyền ảo, lung linh.

Nếu như ở ba câu thơ đầu thi nhân nhắc nhiều đến trăng, điều đó khiến cho ko ít người ngỡ rằng bài thơ chủ yếu nói về trăng nhưng đến câu thơ cuối tất cả bộc lộ ra rất rõ:

Cúi đầu nhớ cố hương

Chúng ta thấy câu thơ thứ 3 và câu thứ 4 đối nhau ở 2 tư thế “cúi” và “ngẩng”. Cái tình trong bài thơ đã bộc lộ rõ hơn. Rõ ràng đây là một bài thơ tả cảnh ngụ tình. Tâm trạng của nhà thơ đã thực sự bộc lộ đó là nỗi nhớ cồn cào quê hương. Như ta đã biết, thuở nhỏ Lí bạch thường lên núi Nga Mi múa kiếm và ngắm trăng, khi lớn lên trở thành nhà thơ ông lại thường xa quê nay đây mai đó. Thế nhưng dù cho năm tháng trôi qua thì tình cảm của ông đối với quê hương vẫn sâu đậm và tha thiết, chỉ cần nhìn ánh trăng thôi cũng đủ để gợi cho ông những cảm xúc dạt dào, tha thiết về chốn cũ. Và ánh trăng “đêm nay” đã khiến cho tâm hồn ông trĩu nặng nỗi nhớ quê, nhớ về nơi ông sinh ra, ở đó có những người thân của ông, nơi đó có biết bao kỉ niệm về những ngày thơ ấu, những năm tháng thăng trầm của một đời người.

Như vậy, có thể thấy toàn bộ bài thơ cảnh và tình luôn song hành và gắn bó với nhau. Đối với Lí Bạch thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành vừa có thể cùng ông vui chơi nhưng cũng có khi lại là nơi để ông trút nỗi tâm sự của mình. Tâm hồn ông luôn tha thiết với thiên nhiên và chính tấm lòng ấy đã gợi cho Lí Bạch những cái nhing khá độc đáo về thiên nhiên, từ thiên nhiên nhà thơ lại nhớ về quê hương thân yêu.

Có thể nói, những bài thơ của Lý Bạch đều thể hiện một tình yêu quê hương, đất nước chân thành, thiết tha. Trong đó bài thơ Tĩnh dạ tứ có thể được coi là một bài thơ viết về tình yêu quê hương hay nhất, bởi tác giả rất tinh tế lấy ngoại cảnh, thiên nhiên để biểu hiện nỗi nhớ quê của mình. Bài thơ rất ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, nhớ quê là tâm trạng chung của tất cả những người phải sống xa quê.

Giai thoại ngàn năm: Khúc 'đạp ca' tiễn chân Lý Bạch - Bài tứ tuyệt dành  tặng Uông Luân - DKN News

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 4 

Lí Bạch là nhà thơ nổi tiếng của thơ ca lãng mạn cổ điển Trung Hoa. Nhắc tới ông, người đọc thường nhớ đến những vần thơ trữ tình bay bổng có vẻ đẹp lạ kì. Có thể nói, thơ Lí Bạch tràn ngập ánh trăng. Thuở nhỏ Lí Bạch thường lên núi Nga Mi để ngắm trăng cho rõ. Vì thế hình ảnh Trăng nửa vành thu trên đỉnh Nga Mi đã in sâu vào tâm khảm nhà thơ, trở thành một trong những biểu tượng của quê hương Tứ Xuyên mà nhà thơ thương nhớ suốt cuộc đời.

Từ tuổi 25, Lí Bạch đã xa quê và xa mãi, nhưng hình bóng quê hương luôn in đậm trong tâm khảm của ông. Vì thế mà trên bước đường lữ thứ tha phương, mỗi lần ngắm trăng sáng là ông lại chạnh lòng nhớ quê và chỉ biết gửi gắm tâm sự vào những vần thơ. Bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh được Lí Bạch sáng tác trong một hoàn cảnh như vậy.

Nguyên văn chữ Hán:

Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.

Dịch thơ:

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

Chủ đề của bài thơ là trông trăng nhớ quê (vọng nguyệt hoài hương). Đây là chủ đề quen thuộc trong thơ cổ, không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở Việt Nam, song cách thể hiện của Lí Bạch thật độc đáo.

Với những từ ngữ đơn giản mà chắt lọc, bài thơ đã thể hiện tình cảm tha thiết với quê hương của nhà thơ.

Bức tranh được phác họa trong bài thơ là cảnh đêm trăng thanh tĩnh. Nỗi cô đơn trên đất khách quê người khiến cho Lí Bạch trằn trọc, thao thức, không sao ngủ được. Ông muốn chia sẻ tâm sự với vầng trăng – người bạn không lời nhưng gắn bó thân thiết với ông và được ông coi là tri âm, tri kỉ.

Kể từ độ cất bước ra đi, suốt mấy chục năm trường, Lí Bạch làm sao nhớ nổi bao nhiêu lần mình ngắm trăng?! Trăng lung linh rải ánh vàng, ánh bạc trên sông hồ. Trăng buồn tê tái nơi quan ải. Trăng nhạt nhòa, huyền ảo trên mặt đất mênh mông… Đã có lần, thi sĩ uống rượu dưới trăng: Cất chén mời trăng sáng, Ta với bóng lạ ba. Đêm nay, trên đất khách, ánh trăng rọi sáng vào tận đầu giường như tìm đến với bạn tri âm, như muốn chia sẻ cho vơi bớt nỗi cô đơn đang vây phủ tâm hồn thi sĩ:

Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

(Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương).

Đây là bài thơ tứ tuyệt tương đối dễ hiểu. Song đơn giản, dễ hiểu không có nghĩa là hời hợt, nông cạn. Ngôn ngữ thơ ca bao giờ cũng chọn lọc và tinh luyện.

Trong hai câu thơ đầu, ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng nhân vật trữ tình. Ánh trăng dù đẹp đẽ và tràn ngập nơi nơi nhưng vẫn chỉ là đối tượng để thi sĩ cảm nhận.

Đêm khuya trăng sáng, nhà thơ trằn trọc không ngủ hoặc cũng có thể là đã ngủ rồi chợt tỉnh dậy và không ngủ lại được. Để tả trạng thái mơ màng ấy thì dùng chữ nghi (ngỡ là) và chữ sương là hợp lí. Ánh trăng trắng đục giống như sương là điều có thật mà trước Lí Bạch mấy trăm năm, nhà thơ Tiêu Cương đã viết: Dạ nguyệt tự thu sương (Trăng đêm giống như sương thu).

Chi tiết trăng rọi sáng đầu giường là thực; còn ngỡ mặt đất phủ sương là ảo. Nhà thơ nhìn ánh trăng mà ngỡ là sương bởi ánh trăng được nhìn qua làn nước mắt nhớ thương, sầu muộn đang rớm quanh mi. Nỗi cô đơn tột đỉnh đang thấm lạnh cả tâm tình khiến sương dâng trong hồn, sương giăng trước mắt. Đọc hai câu thơ này, ta hiểu đằng sau từng chữ là cảm xúc bâng khuâng, da diết đang trỗi dậy trong lòng thi sĩ.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 5 

Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Trung Quốc. Đến với bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, người đọc đã cảm nhận được tình yêu cùng nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ:

“Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương”

Mở đầu bài thơ, tác giả miêu tả vẻ đẹp của ánh trăng. Các từ “minh ”, “quang”, “sương” gợi tả ánh trăng trong đêm rất sáng và mở ảo, chiếu xuống mà nhìn là dưới mặt đất đất đang phủ một làn sương mờ ảo. Cùng với đó là từ “sàng” (giường) giúp người đọc nhận biết được vị trí ngắm trăng của nhà thơ. Ánh trăng xuyên qua khe cửa, chiếu xuống đầu giường chứng tỏ trăng đêm rất sáng và trời cũng đã khuya rồi. Nhưng lúc này, nhà thơ vẫn còn thức để ngắm trăng - chứng tỏ tâm trạng thao thức, băn khoăn của nhà thơ. Ánh trăng chiếu xuống vạn vật trong đêm tối mờ ảo khiến cho nhà thơ không phân biệt được đâu là trăng đâu là màn sương đêm. Và trước vẻ đẹp của ánh trăng, Lý Bạch cảm thấy đầy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của ánh trăng. Hình ảnh ánh trăng trong con mắt nhà thơ mờ ảo, người đọc có thể hình dung ra cảnh nhà thơ Lý Bạch vừa uống rượu vừa thưởng trăng.

Trong đêm trăng đẹp, Lý Bạch đã nhớ đến quê hương. Từ “vọng” có thể hiểu theo hai cách. Cách hiểu thứ nhất là “nhìn ra xa” cho thấy hành động ngắm trăng của nhà thơ. Còn cách hiểu thứ hai là “ngóng trông” cho thấy hành động nhìn về quê hương ở phía xa. Nhưng dẫu hiểu theo cách nào, chúng ta cũng cảm nhận được sự tinh tế trong tâm hồn Lý Bạch. Tiếp đến, câu thơ tiếp theo Lý Bạch đã xây dựng hai hình ảnh đối lập: “cử đầu” - “đê đầu” (ngẩng đầu - cúi đầu) giúp cho câu thơ trở nên đăng đối nhịp nhàng: Với hành động “ngẩng đầu”, ta thấy được hướng nhìn về phía ánh trăng đang chiếu sáng khắp mặt đất, cả quê hương của nhà thơ. Với hành động “cúi đầu”, ta lại thấy được nhà thơ đang tự nhìn vào nội tâm mình - tự đối mặt với nỗi nhớ quê hương da diết. Tình cảm của nhân vật trữ tình được bộc lộ trực tiếp qua từ “tư” (nhớ) nỗi nhớ quê hương sâu đậm. Như vậy, hai câu thơ sau đã khắc họa tình cảm nhớ thương của nhân vật trữ tình dành cho quê hương.

Có thể khẳng định rằng, bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh chính là tiếng lòng của nhà thơ. Lý Bạch đã cho người đọc thấy được một tấm lòng yêu quê hương sâu sắc, da diết.

Phát biểu cảm tưởng bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 6 

Lý Bạch được coi là “thơ tiên”. Thơ ông thường thể hiện một tâm hồn tự do, hào phóng. Hình ảnh trong thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện. Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là một trong những bài thơ hay của ông:

“Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương”

Bài thơ có thể được chia làm hai phần. Phần đầu khắc họa vẻ đẹp của ánh trăng. Nhà thơ đã sử dụng khéo léo các từ “minh ”, “quang”, “sương” nhằm gợi tả ánh trăng trong đêm rất sáng và mở ảo, chiếu xuống mà nhìn là dưới mặt đất đất đang phủ một làn sương mờ ảo. Kết hợp với đó là từ chỉ vị trí - “sàng” (giường) để nói rõ vị trí ngắm trăng của nhà thơ. Ánh trăng sáng chiếu rọi xuống đầu giường, đêm đã về khuya nhưng Lý Bạch vẫn còn thức. Tâm trạng được bộc lộ đó là nỗi thao thức khiến nhà thơ không ngủ được. Ánh trăng chiếu xuống vạn vật trong đêm tối mờ ảo khiến cho nhà thơ không phân biệt được đâu là trăng đâu là màn sương đêm. Ta thấy rằng dưới con mắt của nhà thơ, ánh trăng lúc này hiện lên với vẻ mờ ảo. Điều đó khiến chúng ta hình dung ra hình ảnh Lý Bạch vừa uống rượu vừa ngắm trăng.

Tiếp đến, phần thứ hai đã diễn tả tâm trạng của nhà thơ. Việc sử dụng từ “vọng” có thể được hiểu là nhìn ra xa để ngắm trăng hoặc ngóng trông, nhìn về quê hương ở phía xa. Câu thơ tiếp theo Lý Bạch đã xây dựng hai hình ảnh đối lập: “cử đầu” - “đê đầu” (ngẩng đầu - cúi đầu) giúp cho câu thơ trở nên đăng đối nhịp nhàng. Với hành động “ngẩng đầu”, ta thấy được hướng nhìn về phía ánh trăng đang chiếu sáng khắp mặt đất, cả quê hương của nhà thơ. Với hành động “cúi đầu”, ta lại thấy được nhà thơ đang tự nhìn vào nội tâm mình - tự đối mặt với nỗi nhớ quê hương da diết. Đọc hai câu thơ này, người đọc thấu hiểu được tình yêu của nhà thơ.

Như vậy, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh đã cho người đọc thấy được tình yêu quê hương cùng nỗi nhớ da diết của một người sống xa quê trong đêm trăng thanh tĩnh.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 7 

Thơ xưa thường hay nói đến thiên nhiên, thiên nhiên như 1 người bạn để thi nhân có thể chia sẻ tâm sự của mình hoặc cũng có bài thơ viết lên chỉ để ca ngợi thiên nhiên. Thơ Lí Bạch cũng nhắc đến thiên nhiên, đặc biệt là trăng, trăng tràn ngập trong thơ Lí Bạch. Có những bài, trăng như người bạn cung vui chơi với Lí Bạch còn có những bài ánh trăng như là cái cớ để ông bày tỏ tâm sự, nỗi lòng của mình và bài thơ Tĩnh dạ tứ là 1 bài như thế.

Điều đó được thể hiện ngay ở nhan đề bài thơ. Bài thơ có tựa đề là Tĩnh dạ tứ tức là những suy nghĩ trong 1 đêm rất đẹp, trên trời ánh trăng toả sáng khắp nơi, một thứ ánh sang lung linh huyền ảo vag chính trong khung cảnh thiên nhiên ấy trong lòng Lí Bạch bỗng trào dâng lên nỗi nhó quê hương. Toàn bộ bài thơ là cảm xúc chân thành thiêt tha của tác giả. Ở hai câu thơ đầu:

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phư sương

Đọc hai câu thơ này, cảm giác đầu tiên đến với ta đó là sự yên tĩnh, vắng lặng và thời gian lúc này như đã khuya lắm rồi, tất cả như đang chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ có ánh trăng âm thầm thực hiện nhiệm vụ của mình. Ánh trăng tràn vào nhà, soi rọi khắp nơi. Ánh trăng bàng bạc ấy khiến ông ngỡ như là sương đang la đà trên mặt đất. Hình ảnh ấy gợi cho người đọc 1 cảm giác cô đơn và trống vắng. Phải chăng trong lòng thi nhân đang chất chứa 1 nỗi niềm tâm sự, bởi vậy nên ánh trăng đẹp như vậy mà ông cứ ngỡ như mặt đất phủ sương. Đồng thời với sự "nhầm lẫn" ấy ta còn thấy tâm trạng ngỡ ngàng, bất ngờ của thi nhân trước khung cảnh thiên nhiên. Câu thơ thứ ba:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Câu thơ này vẫn nói đến trăng, nói đến thiên nhiên nhưng từ "ngẩng" dường như không gợi cho ta cảm giác nhẹ nhàng thanh thản của người ngắm trăng mà đó là cái nhìn chất chứa tâm sự. Trong 3 câu thơ đầu, ta thấy tác giả nhắc nhiều đến thiên nhiên, đến trăng. Khung cảnh thiên nhiên ấy dẫu buồn nhưng vẫn gợi cho ta cảm giác đẹp, 1 vẻ đẹp huyền ảo, lung linh.

Nếu như ở 3 câu thơ đầu thi nhân nhắc nhiều đến trăng, điều đó khiến cho không ít người ngỡ rằng bài thơ chủ yếu nói về trăng nhưng đến câu thơ cuối tất cả bộc lộ ra rất rõ:

Cúi đầu nhớ cố hương

Chúng ta thấy câu thơ thứ 3 và câu thứ 4 đối nhau ở 2 tư thế "cúi" và "ngẩng". Cái tình trong bài thơ đã bộc lộ rõ hơn. Rõ ràng đây là 1 bài thơ tả cảnh ngụ tình. Tâm trạng của nhà thơ đã thực sự bộc lộ đó là nỗi nhớ cồn cào quê hương. Như ta đã biết, thuở nhỏ Lí bạch thường lên núi Nga Mi múa kiếm cà ngắm trăng, khi lớn lên trở thành nhà thơ ông lại thường xa quê nay đây mai đó. Thế nhưng dù cho năm tháng trôi qua thì tình cảm của ông đối với quê hương vẫn sâu đậm và tha thiết, chỉ cần nhìn ánh trăng thôi cũng đủ để gợi cho ông những cảm xúc dạt dào, tha thiết về chốn cũ. Và ánh trăng "đêm nay" đã khiến cho tâm hồn ông trĩu nặng nỗi nhớ quê, nhớ về nơi ông sinh ra, ở đó có những người thân của ông, nơi đó có biết bao kỉ niệm về những ngày thơ ấu, những năm tháng thăng trầm cua 1 đời người.

Như vậy, có thể thấy toàn bộ bài thơ cảnh và tình luôn song hành và gắn bó với nhau. Đối với Lí Bach thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành vừa có thể cùng ông vui chơi nhưng cũng có khi lại là nơi để ông trút nỗi tâm sự của mình. Tâm hồn ông luôn tha thiết với thiên nhiên và chính tấm lòng ấy đã gợi cho LÍ Bạch những cái nhìn khá độc đáo về thiên nhiên, tứ thiên nhiên nhà thơ lại nhớ về quê hương thân yêu.

Có thể nói, những bài thơ của Lý Bạch đều thể hiện 1 tình yêu quê hương, đất nước chân thành, thiết tha. Trong đó bài thơ Tĩnh dạ tứ có thể được coi là 1 bài thơ viết về tình yêu quê hương hay nhất, bởi tác giả rất tinh tế lấy ngoại cảnh, thiên nhiên để biểu hiện nỗi nhớ quê của mình. Bài thơ rất ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, nhớ quê là tâm trạng chung của tất cả những người phải sống xa quê.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 8 

Thơ Lý Bạch đã tràn đầy ánh trăng. Trăng có lúc là bạn tri âm, cũng có lúc là niềm vui của con người. Có lúc nó là vật nổi hiện tại với quá khứ. Chính vì thế trăng trong thơ Lí Bạch đã sáng mãi bao đời với các thế hệ con người yêu thích. Và bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” đã thể hiện được điều đó.

Tĩnh dạ tư là một bài thơ độc đáo trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của Lý Bạch. Nó không có những nét bay bổng, phóng khoáng hay hình ảnh khoa trương, phóng đại quen thuộc trong thơ của một bậc trích tiên. Nó chinh phục người đọc ở sự hàm súc, cô đọng nhưng lại có sức lay động lớn. Mở đầu bài thơ, Lý bạch lấy hình ảnh ánh trăng để gợi nhớ về quê hương cố xứ:

“Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.”

(Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương)

Hai câu thơ đầu, chúng ta thấy được mối quan hệ giữa tĩnh và động. Cảnh thật tĩnh lặng như tờ. Tất cả các hoạt động của con người đã chìm xuống, chỉ còn vũ trụ vận động. Ánh trăng đến vào lúc con người đang mơ màng. Mơ màng nên nhìn ánh trăng bàng bạc, mỏng mảnh như những sợi tơ lan toả trên mặt đất lại ngỡ là sương phủ. Cái tĩnh lặng của cảnh, cái tĩnh tại của tư thế con người là cái bên ngoài ẩn chứa những xao động bên trong tâm hồn. Và quê hương hiện về trong những phút lắng sâu, yên ả nhất của tâm hồn nhà thơ.

Nỗi nhớ quê hương trào dâng lên như một con sóng. Chứng tỏ đây là một tình cảm thường trực trong tâm hồn tác giả, chỉ một cái cớ nhỏ cũng có thể khơi dậy. Bằng vài nét chấm phá đơn sơ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh phác thảo làm phông nền cho những suy tư nội tâm. Tình ẩn trong cảnh, cảnh chan chứa tình:

“Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.”

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương)

Hai câu thơ cuối là sự trở về của tâm hồn nhà thơ trong hai bài suy tưởng rất quen thuộc ở thơ Đường: hiện thực và hoài niệm, hồi ức và tưởng tượng. Thơ Đường là thơ của sự đăng đối, hài hoà. Hai câu thơ trên chính là một minh chứng mẫu mực cho ý kiến đó.

Phép đối thể hiện ở cả đối từ, đối thanh, đối ý: “cử đầu – đê đầu”, “vọng – nhớ, “minh nguyệt – cố hương”, “cử đầu – đê đầu” (ngẩng đầu – cúi đầu) là tư thế quen thuộc của người phương Đông “phủ thị ngưỡng thiên” (cúi nhìn xuống đất ngửa lên nhìn trời). Nhưng nếu với các nhà thơ khác tư thế ấy là sự tự đặt mình vào các chiều kích của vũ trụ để chiêm nghiệm về cái hữu hạn của kiếp người thì với Lý Bạch đó là sự suy ngẫm về tình quê. Tình quê đặt ngang với cái vĩnh hằng của vũ trụ.

“Cử đầu vọng” (ngẩng đầu nhìn) là cái nhìn hướng ngoại, hướng ra ngoại cảnh. Còn “đê đầu tư” (cúi đầu nhớ) là cái nhìn hướng vào nội tâm, vào nỗi nhớ, hoài niệm. Điểm hướng tới của hai hướng nhìn trái chiều nhau ấy là “minh nguyệt” và “cố hương”. Giữa “trăng sáng” và “cố hương” ấy có mối quan hệ hữu cơ với nhau.

“Trăng sáng” vừa là hình ảnh thực vừa là cầu nối về quê hương, nối quá khứ với hiện tại. “Nhìn trăng sáng – nhớ cố hương” vì trăng đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh quê hương. Đó chính là vầng trăng trên núi Nga Mi thuở nào. Trăng từ thời ấu thơ luôn ám ảnh trong tâm hồn tác giả, trở thành nỗi nhớ thường trực, ray rứt khôn nguôi.

Bài thơ viết về tình cảm, suy nghĩ của mình, tác giả không thể sử dụng những hình dung từ, những dòng tả suy tư cảm xúc mà chỉ thể hiện qua một loạt các động từ khắc hoạ hành động và tư thế tĩnh tại bên ngoài. Nhưng đúng là “công phu thơ phải ở ngoài thơ”. Không nói nhớ quê da diết như thế nào nhưng chỉ bằng hai chữ “cố hương” đã lắng đọng trong đó bao suy nghĩ, xúc cảm.

Ở Thôi Hiệu, khói sóng trên sông trong bóng chiều mờ ảo khiến cho tâm tư không ngừng nhớ về cố xứ. Xưa con người ra đi trên bến nước, đêm nhìn trăng mà lòng dạ thương nhớ biết bao. Bởi thế, bến nước hay vầng trăng đều gợi nhớ đến quê nhà cả. Bài thơ không chỉ gửi gắm tình quê mà còn khắc tạc một tư thế nhớ quê “đê đầu tư cố hương”. Tình quê vì thế thấm thía lan toả trong tâm hồn người đọc.

Bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” đã thể hiện tình yêu quê hương cùng nỗi nhớ da diết của một người sống xa quê trong đêm trăng thanh tĩnh.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 9 

Trong thơ Lý Bạch tràn ngập ánh trăng. Hình ảnh trong thơ Lý Bạch hết sức đa dạng, ý nghĩa vô cùng phong phú. Chủ đề của bài thơ rất quen thuộc “Vọng nguyệt hoài hương” cách thể hiện rất giản dị mà độc đáo. Điều đó được thể hiện qua bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”.

Bài thơ được Lý Bạch sáng tác trong thời gian sống lênh đênh nơi đất khách quê người. Trong đêm trăng sáng, ông chạnh lòng nhớ cố hương. Bài thơ được viết theo hình thức cổ thể, một thể thơ trong đó mỗi câu thường có năm đến bảy chữ song không bị những quy tắc chặt chẽ về niêm luật và đối ràng buộc.

Thơ xưa thường hay nói đến thiên nhiên coi thiên nhiên như một người bạn để cho thi nhân có thể chia sẻ gửi gắm tâm sự của mình hoặc cũng có đơn giản những bài thơ viết chỉ để miêu tả thiên nhiên. Thơ Lý Bạch cũng viết về thiên nhiên nhưng chủ yếu thường là ánh trăng. Ông coi trăng như một người bạn để giãi bày tâm trạng, nỗi lòng của mình và bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là một bài thơ như thế. Toàn bộ bài thơ là cảm xúc chân thành tha thiết của tác giả ở hai câu thơ đầu:

“Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương”

Khi đọc hai câu thơ này cảm giác đầu tiên đến với ta là sự yên tĩnh, vắng lặng hơn nữa thời gian lúc này đã khuya lắm rồi tất cả vạn vật như đang chìm sâu vào giấc ngủ thì chỉ còn ánh trăng ở lại. Ánh trăng tràn vào nhà lan tỏa vạn vật soi rọi khắp nơi,ánh trăng bàng bạc ấy khiến cho ông cứ ngỡ là sương đêm đang la đà trên mặt đất. Hình ảnh ấy gợi cho người đọc một cảm giác cô đơn trống vắng phải chăng trong lòng tác giả đang chất chứa nhiều tâm sự nên ánh trăng đẹp như vậy mà ông cứ ngỡ là màn sương.

Cho đến câu thơ thứ ba vẫn nói đến trăng, nói đến thiên nhiên nhưng từ “ngẩng” dường như không gợi cho ta cảm giác nhẹ nhàng thanh thản của người ngắm trăng mà đó chính là cái nhìn chất chứa đầy tâm sự. Ở trong ba câu thơ đầu ta thấy tác giả nhắc nhiều đến thiên nhiên đến ánh trăng khung cảnh thiên nhiên dẫu buồn nhưng vẫn gợi cho ta cảm giác đẹp lung linh huyền ảo.

Nếu như ở ba câu thơ đầu tác giả có nhắc nhiều đến ánh trăng điều đó khiến cho không ít người ngỡ rằng bài thơ chủ yếu là viết về ánh trăng nhưng cho đến câu thơ cuối thì tất cả bộc lộ rất rõ. Cúi đầu nhớ cố hương. Như ta đã thấy câu thơ thứ ba và câu thơ thứ tư đối nhau ở hai tư thế “ cúi” và “ngẩng”.

Cái nhìn trong bài thơ đã được bộc lộ rõ hơn đây là một bài thơ tả cảnh hữu tình. Tâm trạng của nhà thơ thật sự được bộc lộ đó là nỗi nhớ cồn cào quê hương, nhỏ Lý Bạch thường hay lên núi Nga My múa kiếm ca ngắm trăng khi lớn lên ông lại thường lại hay xa quê hương.

Thế nhưng dù năm tháng có trôi qua thì tình cảm của ông đối với quê hương vẫn sâu đậm và tha thiết, chỉ cần nhìn ánh trăng thôi cũng đủ gợi cho ông những cảm xúc dạt dào,tha thiết về chốn cũ. Và ánh trăng đêm nay đã khiến cho tâm hồn ông trĩu nặng nỗi nhớ quê,nhớ về nơi ông sinh ra, nơi đó có những người thân của ông,nơi đó có biết bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu,những năm tháng thăng trầm của cuộc đời.

Bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh có thể được coi là một bài thơ viết về tình yêu quê hương hay nhất. Tác giả rất tinh tế lấy ngoại cảnh thiên nhiên để biểu hiện nỗi nhớ quê của mình. Bài thơ rất ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, nhớ quê dường như nó là một tâm trạng chung của những người phải xa quê.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 10 

Trong thơ ca, ánh trăng luôn là một đề tài được rất nhiều người sử dụng để làm nơi trút đầy những tâm tư, tình cảm của những thi nhân. Mỗi câu chữ, mỗi hình ảnh, ánh trăng lại mang những ý nghĩa khác nhau và đưa cho chúng ta những cảm xúc khác nhau. Và với Lý Bạch- người được coi là Thi tiên của Trung Quốc thì ánh trăng đối với ông lại là nguồn chỉ dẫn làm cho ông nhớ về quê hương của mình- nơi mình đã sinh ra và gắn bó trong suốt thời ấu thơ. Điều đó đã được thể hiện một cách rõ nét qua tác phẩm “ tĩnh dạ tứ”.

Bài thơ có một tiêu đề rất đẹp –“ tĩnh dạ tứ. tĩnh dạ tứ có nghĩa là đêm trăng tĩnh lặng. Hình ảnh của một buổi đêm với ánh trăng sáng soi rọi toàn bộ cảnh vật hiện lên trong mắt người đọc. Ánh trăng như dát bạc dát vàng, chiếu xuống khắp mọi nơi và làm cho con người cảm thấy như có sự ấm áp. Và trong hoàn cảnh đó, nhà thơ Lí Bạch cũng đã được ánh trăng soi rọi.

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương

Có lẽ vào thời khắc này, toàn bộ cảnh vật bên ngoài đều đã thấm đẫm hương trăng. Ánh trăng cũng đã len lỏi và đi vào trong căn phòng của tác giả. Nó chiếu những ánh vàng của mình xuống phía đầu giường và làm cho tác giả đã tưởng rằng mặt đất được phủ sương. Đó là một sự so sánh rất đắt giá. Hình ảnh mặt đất phủ sương cho chúng ta cảm nhận được ánh trăng vàng tới bên giường của tác giả rất nhiều, nhuộm vàng cả mặt đất, làm cho tác giả nghĩ ngay rằng có lẽ sương đêm đang rơi trong căn phòng của mình.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương

Hai câu thơ cuối tác giả đã sử dụng biện pháp những từ đối nhau: ngẩng đầu- cúi đầu. trong lúc bừng tỉnh, nhìn thấy ánh trăng vàng đi vào trong căn phòng của mình, tác giả không biết phải làm như thế nào. Và thế là ông đã nghĩ ngay có lẽ đó chính là ánh trăng đổ vào trong căn phòng của mình qua chiếc cửa sổ. tuy ba câu thơ đầu tiên không có bất cứ điều gì nói về tình cảm của tác giả, thế nhưng chỉ với việc miêu tả lên ánh trăng vàng cùng nhịp thơ chậm rãi mà chúng ta lại có cảm giác ánh trăng ấy sao mà thê lương và buồn tới vậy.

Tại sao chúng ta lại có thể có sự khẳng định như vậy. ví như trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cũng có miêu tả ánh trăng như sau”:

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song

Chỉ với câu thơ đầu tiên chúng ta đã cảm nhận được trong ánh trăng của Nguyễn Du có gì đó rất thánh thiện và cũng rực sáng như thế tâm trạng con người giúp cho chính ánh trăng cũng đẹp như vậy. Còn với Lí Bạch thì lại khác, ánh trăng ở đây lại có nét man mác buồn và cô liêu, như sương như khói.

Chính những hình ảnh ấy đã làm cho chúng ta có sự so sánh và để trong câu thơ cuối cùng, chúng ta đã hiểu ra tại sao trăng trong thơ của Lí Bạch lại buồn như vậy. Tất cả là bởi vì ông đang nhớ tới quê nhà, nhớ về những kỉ niệm của mình. Chúng ta cũng đã biết Lí Bạch là con người có nhiều ý tưởng lớn. do đó ông thường xuyên đi đây đi đó nên không thể tránh khỏi có những lúc ông lại khao khát được trở về với quê hương của mình.

Qua bài thơ, chúng ta thấy được cách làm thơ tài tình của vị Thi tiên bấy giờ. Chỉ là một bài thơ ngẫu hứng nhưng những tác phẩm của ông lại mang tình cảm sâu sắc như gợi nhớ cho mọi người những kỉ niệm của họ về thời ấu thơ cùng quê hương- nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 11 

Quê hương – hai tiếng gọi thân thương trìu mến mà mỗi người đi xa đều đau đáu trong lòng. Đối với Lý Bạch – thi nhân suốt một đời xa quê thì tình yêu quê hương lại càng dâng trào mãnh liệt. Điều đó được thể hiện qua bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh:

“Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt, đất phủ sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương”

Mở đầu là hình ảnh ánh trăng. Trăng không chỉ giới hạn ở nơi đầu giường, mà ánh trăng bao trùm cả không gian toả khắp căn phòng nơi tác giả nghỉ trọ. Trăng như dòng suối chảy miên man khắp đêm sâu. Cảnh vật như say dưới trăng, giữa khoảnh khắc đêm sâu như vậy, ánh trăng là chủ thế trong cuộc sống tĩnh lặng. Hơi thở của tạo vật đất trời cũng nhè nhẹ sợ làm vỡ tan cái êm dịu của đêm trăng.

Với Lý Bạch – một hiệp khách thì ánh trăng sáng trong quán trọ không phải là chuyện lạ. Nhưng với thi nhân thì ánh trăng đêm nay rất khác lạ. Ánh trăng len lỏi vào tận đầu giường nơi tác giả nằm. Ánh trăng không phải là vô tri vô giác, nó như biết được nơi người hiệp khách dừng chân. Trăng chủ động tìm đến trò chuyện, tâm sự cùng tác giả. Trong khoảnh khắc đêm thâu tĩnh lặng, ánh trăng trong sáng và tinh khiết được tác giả chào đón nồng hậu.

Ánh trăng rọi ngỡ là sương mặt đất, chỉ một hình ảnh thôi mà gợi cả một thế giới cảm xúc. Đây là một hiện tượng rất bình thường, nhưng với tác giả thì hiện tượng này tạo cảm hứng mãnh liệt. Sức liên tưởng kỳ lạ làm hình tượng thơ sống dậy. Trăng hay là sương bao phủ mặt đất? Trăng là thực mà lại không thực? Bằng chất lãng mạn, thi nhân đã nâng ánh trăng lên đến mức diệu kỳ.

Vầng trăng trở nên như cõi thiên thai. Sương khói của ánh trăng làm cho câu thơ ngập trong không khí mơ màng, hư hư thực thực. Cả trăng và thi nhân đã giao hoà, giao cảm quyện làm một. Phải thật tĩnh lặng mới nghe được tiếng trò chuyện thầm thì của trăng và thi nhân. Một sự quan hệ qua lại như đền đáp ân huệ mà thiên nhiên ban tặng cho thi nhân cũng như lòng ngưỡng mộ của thi nhân với trăng. Rất tự nhiên, nhẹ nhàng thi nhân hướng về nàng tiên trong đêm sâu.

Tư thế nhìn trăng là một tư thế rất tự nhiên của thi nhân, trong giây phút ấy tác giả gửi trọn hồn mình cho trăng phút chốc tâm tư bỗng trĩu nặng rồi dồn nén vội quên đi cả vũ trụ đất trời đang mời gọi. Đê đầu nhớ về quê cũ yêu thương. Đêm nay trăng sáng nơi quê người, trong quán trọ trên bước đường lữ thứ, tâm hồn nhà thơ sau không khắc khoải bồn chồn. Ánh trăng đêm nay hay chính ánh trăng ngày nào trên núi Nga Mi hiện về. Bỗng chốc lòng tác giả nặng xuống với: quá khứ, hiện tại, tương lai đang trỗi dậy trong lòng.

Quê hương là những gì thiêng liêng nhất, không chỉ Lý Bạch đêm nay nhìn trăng nhớ quê cũ. Ai ai cũng vậy, trong hoàn cảnh ấy quá khứ sao lại chẳng dội về. Có chăng trong những phút nao lòng ấy nhà thơ muốn thốt lên nỗi lòng kẻ xa quê bao năm chưa trở lại. Dẫu sao tình cảm của tác giả với quê hương cũng không bao giờ phai nhạt. Hạ Tri Chương cũng từng thốt lên tâm sự khi hồi hương.

“Khi đi trẻ, lúc về già

Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao”

Lý Bạch đã viết bài thơ bằng tình cảm chân thực. Tĩnh dạ tứ xứng đáng là một khúc nhạc chan chứa tình yêu quê hương của “thi tiên Lý Bạch”.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 12 

Xưa nay với những bậc tao nhân mặc khách, vầng trăng trong trỏe luôn là người bạn của túi thơ bầu rượu. Có khi trăng là người bạn tri âm, có khi trăng là đối tượng để chủ thể trữ tình bày tỏ tâm tư sâu lắng của mình về thế sự. Vớ Lí bạch một hồn thơ sâu lắng, đã mượn ánh trăng của vũ trụ mà vịn lòng để giãi bày tâm sự về quê hương, về lòng yêu cố quốc trong “Tĩnh dạ tứ”.

Ngay từ nhan đề bài thơ, đã thấy một tiếng lòng khao khát được bày tỏ, được thấu hiểu, tri âm. Và đâu chỉ riêng Lí Bạch, thi nhân đời xưa vẫn luôn coi thơ ca là người bạn chân thành nhất để khao khát được tri âm. Bài thơ có tựa đề là Tĩnh dạ tứ tức là những suy nghĩ trong 1 đêm rất đẹp, trên trời ánh trăng toả sáng khắp nơi, một thứ ánh sang lung linh huyền ảo.

Và tức cảnh sinh tình, đối cảnh sinh tình nhà thơ đối diện đàm tâm với chính mình, lòng Lí Bạch bỗng trào dâng lên nỗi nhớ quê hương. Toàn bộ bài thơ là cảm xúc chân thành thiêt tha của tác giả. Ở hai câu thơ đầu:

“Đầu giường ánh trăng rọi / Ngỡ mặt đất phủ sương”

Bao trùm bài thơ cho ta một ấn tượng về sự yên tĩnh, trống vắng và cái mờ ảo huyền hồ của không gian dường như nhà thơ đang muốn mượn cái trống trải của không gian để nói cái trống vắng của lòng người, cái bầu tâm tư trĩu nặng đang chất chứa u hoài. Thời gian đêm khuya với sự yên tĩnh, vắng lặng khi mà tất cả như đang chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ có ánh trăng âm thầm thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là thời gian gợi buồn, gợi cảm, là lúc thi nhân ta hay xúc cảm mà xuất khẩu thành thơ.

Thiên nhiên lại cứ khơi gợi hồn thơ. Ánh trăng tràn vào nhà, soi rọi khắp nơi. Ánh trăng bàng bạc ấy khiến ông ngỡ như là sương đang la đà trên mặt đất. Hình ảnh ấy gợi cho người đọc 1 cảm giác cô đơn và trống vắng. Phải chăng trong lòng thi nhân đang chất chứa 1 nỗi niềm tâm sự, bởi vậy nên ánh trăng đẹp như vậy mà ông cứ ngỡ như mặt đất phủ sương. Đồng thời với sự “nhầm lẫn” ấy ta còn thấy tâm trạng ngỡ ngàng, bất ngờ của thi nhân trước khung cảnh thiên nhiên. Câu thơ thứ ba:

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng”

Một chữ “ngẩng” mà gợi ra toàn bộ cái hồn vía của câu thơ, là bản lề để mở ra một bầu tâm sự đang ẩn kín, tiềm tàng. Có việc gì khiến nhà thơ của chúng ta lại phải chiêm nghiệm, suy ngẫm đằm mình soi rọi sâu xa vào vầng trăng đến vậy.

Nêu ở 2 câu thơ đầu người đọc thấy thiên nhiên hiện lên dẫu buồn nhưng vẫn gợi cho ta cảm giác đẹp, 1 vẻ đẹp huyền ảo, lung linh thì đến câu thơ thứ ba này dường như thấy một cảm giác buồn sâu hơn đột ngột xâm chiếm lòng người. và câu thơ thứ 4 này là lời giải thích cho những cảm xúc bâng khuâng, mơ hồ phía trên:

“Cúi đầu nhớ cố hương”

Một sự tiểu đối ta bắt gặp qua hai câu thơ 3 và 4 đó là tư thế “cúi” và “ngẩng” của nhà thơ. Cái tình trong bài thơ đã bộc lộ rõ hơn. Rõ ràng đây là 1 bài thơ tả cảnh ngụ tình. Tâm trạng của nhà thơ đã thực sự bộc lộ đó là nỗi nhớ cồn cào quê hương bởi nhà thơ thường phải xa quê nay đây mai đó. Thế nhưng dù cho năm tháng trôi qua thì tình cảm của ông đối với quê hương vẫn sâu đậm và tha thiết, chỉ cần nhìn ánh trăng thôi cũng đủ để gợi cho ông những cảm xúc dạt dào, tha thiết về chốn cũ.

Chữ “cúi” cho thấy ánh tăng như nhập vào bên trong tâm giới của nhà thơ để như muốn hiểu thấu lòng người, muốn soi tỏ tầm lòng u hoài của một tâm sự yêu nước.

Nhưng cũng chính ánh trăng đẹp ấy là xúc tác để đem nay, ngay giờ phút này tâm hồn Lí Bạch trĩu nặng nỗi nhớ quê, nhớ về nơi ông sinh ra, ở đó có những người thân của ông, nơi đó có biết bao kỉ niệm về những ngày thơ ấu, những năm tháng thăng trầm cua 1 đời người. Một tiếng thơ buồn đi ra từ một bầu tâm sự, vậy nên thiên nhiên dẫu đẹp nhưng rất mơ hồ, rất buồn, có lẽ cái buồn quê, yêu quê mà nhớ quê da diết của lòng người dã bỏ buồn cho thiên nhiên bởi:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Xuyên suốt bài thơ, người đọc thấy một mạch chảy ngầm giữa cảnh và tình, cứ hào hợp và khéo tri âm nhau. Đối với Lí Bạch, một người nghệ sĩ với tâm hồn vũ trụ, thì thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành vừa có thể cùng ông vui chơi nhưng cũng có khi lại là nơi để ông trút nỗi tâm sự của mình. Tâm hồn ông luôn tha thiết với thiên nhiên và chính tấm lòng ấy đã gợi cho Lí Bạch những cái nhìn khá độc đáo về thiên nhiên, tứ thiên nhiên nhà thơ lại nhớ về quê hương thân yêu.

Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, cách viết hàm súc, cô đọng, vận dụng linh hoạt những tiểu đối trong cùng một câu, Lí Bạch đã khéo thổ lộ với đời một lòng yêu quê, nhớ quê da diết sâu lắng, luôn trực trào trong cảm thức của thi nhân. Chính cảm hứng ấy đã khiến cho cảm xúc tràn qua câu chữ mà vượt lên cái xác thịt của câu từ, thấm đẫm một lòng yêu nước thầm kín. Quả là một bậc thần thơ. Có thể nói, nỗi nhớ quê hương của những kẻ xa quê chưa bao giờ không thôi bén duyên với thơ ca, ta đã từng bắt gặp trong “thu hứng” của Đỗ Phủ:

“Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ / Con thuyền buộc chặt mối tình quê”.

Song mỗi hồn thơ, ta lại bắt gặp một nét riêng, làm đầy thêm cảm hứng về quê hương đất nước cho con người muôn thuở.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 13 

Nhà thơ Lý Bạch xuất hiện giữa thi đàn của thơ Đường giống như một vị tiên thi. Thơ của ông không chỉ mang tâm hồn phóng khoáng và lãng mạn mà đôi khi đó còn là một tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng yêu quê hương đất nước. Bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” chính là bài thơ thể hiện cho tâm hồn đó. Tình cảm sâu nặng của nhà thơ với quê hương đã được thể hiện sâu sắc trong bài thơ.

Chủ đề ngắm trăng nhớ quê là một chủ đề khá phổ biến trong thơ ca cổ, Lý Bạch cũng đã sử dụng chủ đề quen thuộc này, nhưng với tài năng và cách cảm nhận riêng của ông, bài thơ dường như có những nét đặc sắc riêng biệt về cả nội dung và nghệ thuật. Hai câu thơ đầu của bài thơ là những vần thơ miêu tả khung cảnh thiên nhiên trong đêm trăng thanh tĩnh, đẹp đẽ và huyền ảo:

“Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương”

Câu thơ làm nổi bật lên cả về không gian và thời gian, đó là đêm khuya trong không gian tĩnh lặng tràn ngập ánh trăng, ánh trăng đã len lỏi vào cả căn phòng, nơi nhà thơ đang nằm nghỉ. Người đọc có thể cảm nhận rõ không gian yên ắng, tĩnh lặng trong bức tranh ấy, cái tĩnh lặng không phải ở nhan đề bài thơ mà đã được gợi lên từ không gian chỉ có ánh trăng, không có sự xuất hiện của âm thanh, đó là một sự tĩnh lặng tuyệt đối.

Trong không gian tĩnh lặng ấy, nhà thơ nhìn ra ánh trăng mà “ngỡ mặt đất phủ sương”, ánh trăng với màu trắng nhẹ in trên mặt đất khiến cho không gian thêm huyền ảo, tác giả đã từ sự cảm nhận bằng thị giác đến cảm nhận bằng xúc giác. Chính ánh trăng đẹp đẽ và không gian tĩnh lặng ấy đã là chất xúc tác để nhà thơ nhớ về nơi cố hương.

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương”

Sau khoảnh khắc ngỡ ngàng trước ánh trăng trong không gian, nhà thơ ngẩng mặt lên và nhìn ánh trăng sáng, ánh trăng là biểu tượng cho sự đoàn viên. Trong hoàn cảnh đêm khuya lại có một mình nơi đất khách quê người, tác giả không khỏi nhớ về nơi quê nhà, cố hương của mình. Đó chính là tức cảnh sinh tình, hai câu thơ như đối lập nhau nhưng sự đối lập đó chính là nét đặc biệt về nghệ thuật và nội dung “ngẩng – cúi”, “nhìn – nhớ”, “trăng sáng – cố hương”.

Khi ngẩng đầu nhà thơ chợt bắt gặp với những điều gần gũi, thân thuộc đó chính là ánh trăng, sự đoàn viên, rồi sau đó vì những hoài niệm về quê cũ, mảnh đất cũ và những con người cũ đã bao năm không gặp lại, nhà thơ cúi đầu thể hiện nỗi xót xa khó lòng bày tỏ. Bài thơ được làm theo lối thơ cổ, không ràng buộc niêm luật chặt chẽ nhưng vẫn có kết cấu phổ biến của bài thơ Đường: hai câu đầu tả cảnh, hai câu cuối sinh tình.

“Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” của tác giả Lý Bạch không chỉ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn thể hiện được nỗi lòng và tình yêu quê hương tha thiết của một người con xa xứ.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 14 

Lý Bạch là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng nhất thời Thịnh Đường (Trung Hoa). Gia tài thi ca ông để lại vô cùng đồ sộ mà một trong số đó là bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”. Bài thơ nỗi nhớ quê của người con xa xứ trong đêm trăng yên ả, thanh bình. Thiên nhiên trong bài thơ quả thanh tú, con người thì giàu ưu tư, hòa quyện thành một bức họa tuyệt đẹp thời trung cổ.

Nếu để tìm một thời điểm mà khi đó, tâm hồn con người ta được thảnh thơi mà cũng trĩu nặng suy tư nhất đó có lẽ là vào những đêm không ngủ. Ánh sáng của ban ngày thúc gọi người ta tất bật để mau theo kịp gồng quay dữ dội của cuộc sống, khi ấy người ta bận lo cho những chuyện lớn nhỏ của cuộc sống, chỉ khi màn đêm buông xuống, ánh ban mai khuất sau làn mây, những bận bịu của một ngày mới tạm lắng xuống, tâm hồn con người ta mới có thì giờ để suy nghĩ về những điều thắm sâu trong tâm hồn mình.

Thời gian càng về đêm, không gian càng thanh tĩnh thì càng dễ đưa tâm tư con người đến với thế giới sâu thẳm bên trong mà lâu nay vẫn cố giữ yên. Và tâm trạng Lí Bạch hiện ra trong một không gian thời gian như thế:

“Đầu giường ánh trăng rọi / Ngỡ mặt đất phủ sương”

Chỉ hai câu thơ mà gợi nhiều liên tưởng về không gian. Đó là một đêm trăng sáng, ánh sáng của nó trong trẻo, len vào từng khe cửa, rọi vào đầu giường tưởng chừng có thể không thắp đèn mà vẫn rõ ràng mọi vật. Thời gian lúc này có lẽ đã muộn rồi nên sương giăng mắc một cách dày đặc hay do ánh sáng của vần trăng loang trên đất khiến mọi vật như trở nên mờ ảo hơn giống như sương phủ dày trên mặt đất. Từ “ngỡ” đặt ở đầu câu thơ cho thấy sự không thật trong con mắt nhìn sự vật.

Có lẽ sương không nhiều đến thế, chỉ là do ánh sáng vầng trăng làm cho mọi vật trở nên mờ ảo, đánh lừa mắt người. Trong không gian thơ mộng đầy trăng như thế, ta bắt gặp hình ảnh con người cũng đẹp một cách thanh thản, ưu tư:

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng”

Trong không gian ngập tràn ánh trăng như vậy, con người đâu thể nào hững hờ trước vầng trăng mời gọi. Với tư thế “ngẩng đầu”, con người như có gì đó thanh thoát hơn, mang dáng vẻ của một người nghệ sĩ trong vóc dáng trượng phu. Thế nhưng người xưa lấy thú “thưởng nguyệt” làm tao nhã cùng thơ, cùng rượu, nay Lí Bạch có thơ, có trăng nhưng lại chẳng có rượu, bởi lòng ông nặng trĩu suy tư:

“Cúi đầu nhớ cố hương”

Hai câu đối thật chỉnh, mang lại sự gợi tả vóc dáng con người, nhà thơ “cúi đầu” bùi ngùi hay ánh trăng đang xà xuống len lỏi vào từng cảm xúc của nhà thơ để hiểu nỗi nhớ cố hương. Cho dù sự cúi đầu ấy là gì ta vẫn không thể không nhận ra nỗi nhớ quê của nhà thơ gửi gắm vào những câu thơ, tuy không phải ào ạt, mạnh mẽ trào dâng nhưng đậm đà và chân thành vô cùng.

Có lẽ rằng thiên nhiên ở những câu trước chỉ là nền không gian thơ mộng, thanh tĩnh nhưng gợi nhiều cảm xúc cho câu thơ cuối hồn thơ được bay lên bằng tất cả cảm xúc nhớ quê như đã chôn giấu từ lâu của chính tác giả.

Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật, bố cục rõ ràng với hai câu trên tả cảnh, hai câu sau tả tình, Lí Bạch không cầu kì, không dụng công mà từ ngữ vô cùng giản dị, tưởng như chắt từ tim ra, rất dễ đi sâu vào tâm hồn người đọc, đặc biệt là đối với những người xa xứ.

“Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” chỉ với bốn câu thơ nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm nhẹ nhàng dễ chịu về tình cảm với “cố hương” của nhà thơ.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 15 

Lý Bạch không chỉ được biết đến với tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn mà ông còn được biết đến với tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng yêu quê hương đất nước. Bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” đã thể hiện tình cảm sâu nặng của nhà thơ đối với quê hương của mình.

Chủ đề chính của bài thơ là “vọng nguyệt hoài hương” (ngắm trăng nhớ quê) là chủ đề khá phổ biến trong thơ ca cổ. Lý Bạch cũng sử dụng chủ đề quen thuộc này, nhưng bằng tài năng và cách cảm riêng của mình ông đã đem đến cho bài thơ những nét đặc sắc riêng cả về nội dung và nghệ thuật.

Hai câu thơ đầu miêu tả khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, huyền ảo:

“Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương”

Thời gian đã về khuya, cả không gian tĩnh lặng, tràn ngập ánh trăng, ánh sáng của trăng len lỏi vào cả căn phòng đặc biệt là nơi tác giả nằm ngủ. Hai chữ “minh” và “quang” đều nói về ánh sáng, bổ sung cho nhau làm cho sáng càng thêm sáng. Không gian yên ắng, tĩnh lặng, cái yên lặng không chỉ được thể hiện ở nhan đề bài thơ “tĩnh” mà còn được gợi lên từ không gian chỉ có màu sắc – tràn ngập ánh trăng, không hề xuất hiện âm thanh – sự tĩnh lặng tuyệt đối.

Trong không gian tĩnh lặng, vừa hư vừa thực đã khiến tác giả liên tưởng: “ngỡ mặt đất phủ sương”. Ánh trăng sáng dường như mang màu trắng nhẹ, không gian trở nên huyền ảo, ánh trăng mà cứ ngỡ sương phủ. Từ nhận biết bằng thị giác (nhìn ánh trăng) đến sự cảm nhận bằng xúc giác (sương thu). Hai chữ “nghi thị” (ngỡ là) cho thấy khung cảnh đã được cảm nhận qua cảm xúc chủ quan của tác giả.

Ánh trăng đẹp đẽ, huyền diệu chính là tác nhân khiến tác giả nhớ về quê hương mình: “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương”. Sau khoảnh khắc ngỡ ngàng với ánh trăng, với sương thu, tác giả ngẩng mặt và bắt gặp ánh trăng sáng. Khung cảnh làm cho kẻ xa quê dễ nhớ về quê nhà.

Hơn nữa lại trong thời gian đêm khuya, chỉ có một mình, vì vậy nhìn ánh trăng tròn vành vạnh, ánh trăng đoàn viên thì sao tác giả có thể không nhớ về quê hương cho được. Tức cảnh mà sinh tình vậy. Có lẽ sau khoảnh khắc ấy tác giả không thức chỉ vì ánh trăng, vì vẻ lung linh huyền ảo mà nó tạo ra nữa, mà thao thức vì nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, người thân.

Bài thơ làm theo lối cổ thể, không bị ràng buộc bởi những quy tắc niêm luật chặt chẽ, nhưng vẫn có kết cấu phổ biến của một bài thơ Đường: hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau sinh tình. Nghệ thuật đối tài tình làm nổi bật nỗi nhớ quê hương da diết, khắc khoải của tác giả. Ngôn ngữ bình dị, tự nhiên như buột miệng thành lời mà ý tứ hàm súc sâu xa.

Với ngôn ngữ giàu chất biểu cảm, bài thơ đã thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của người con xa xứ. Đồng thời bài thơ còn cho thấy dù ở bất cứ nơi đâu thì tình yêu quê hương cũng là một tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc nhất của mỗi con người.

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh là bài thơ nói về nỗi nhớ quê hương da diết khi nhà thơ Lý Bạch đang ở quê người. Đây là một trong những bài thơ hay viết về tình yêu quê hương.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 16 

Có người nói thơ Lí Bạch tràn ngập ánh trăng. Hình ảnh trăng trong thơ Lí Bạch hết sức đa dạng, ý nghĩa cũng vô cùng phong phú. Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh được gợi cảm hứng từ đêm ngắm trăng mà nhớ về quê hương của ông:

“Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương

Làn sương khói mênh mông trên mặt hồ tĩnh lặng trong không khí của trời thu khiến cho phủ Tây Hồ mang một vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm. Tác giả dân gian tạo ra một không gian tĩnh lặng tưởng chừng như vạn vật đang đứng yên để rồi âm thanh của tiếng chày như một cách để đánh thức nét đẹp ấy. Còn trong thơ của Lí Bạch, không gian được mở ra với ánh trăng tràn ngập. Tôi hình dung về một đêm trăng sáng của những ngày rằm – khoảng thời gian mà trăng tròn, to, sáng và đẹp nhất.

Lúc này trăng đã lên cao, ánh sáng từ bầu trời trong vắt đổ xuống thế gian khiến cho mặt đất được nhuộm một màu vàng mà trong con mắt của tác giả ánh sang vàng ấm áp, trong vắt ấy là màn sương đang phủ trên mặt đất. Có lẽ vì thế mà bao trùm lên toàn bộ không gian là thứ ánh sáng như mơ màng kì diệu của quá khứ, của tình yêu và nỗi nhớ:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương

Trước kia, khi còn nhỏ ở quê nhà, Lí Bạch đã leo lên ngọn núi Nga Mi ở gần nhà để ngắm trăng, phóng tầm mắt của mình ra xa mà thu lại hình ảnh quê hương tươi đẹp vào trong tâm trí. Và sau này, khi lớn lên, ông xa quê và mãi mãi không bao giờ trở về. Chính vì thế, mỗi lẫn ngắm ánh trăng sáng thì lòng con người ấy lại nhớ về quê hương, về thiên nhiên và những kỉ niệm của thời thơ ấu. Ngẩng đầu để nhìn ảnh trăng như ánh sáng của quá khứ chiếu rọi vào sâu trong tâm hồn để gợi nhắc về những ngày tháng sống ở quê nhà.

Trăng ở nơi nào mà không giống nhau? Nhưng với những người con xa quê, khi nỗi nhớ vẫn luôn dằn vặt, đau đáu trong lòng như Lí Bạch thì trăng ở nơi nào cũng không đẹp bằng ánh trăng ở quê nhà, và nhìn mọi thứ trong cuộc sống ở xung quanh, ông đều nhớ tới quê hương của mình. Có những nỗi nhớ thật khó để gọi thành tên mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, bằng tâm hồn và những hồi ức.Và khi ấy, nỗi nhớ hòa cũng với dòng tâm trạng của con người, khiến cho nó càng trở nên sâu đậm, khó có thể phai mờ.

Đọc thơ của Lí Bạch, ta như được tắm mình trong ánh trăng. Trăng càng đẹp, nỗi nhớ quê nhà của con người ấy lại càng da diết, thấm thía. Đêm trăng thanh tĩnh dường như trở thành không gian để con người ấy có thể đối diện với tâm hồn và cảm xúc thật của chính mình.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 17 

Suốt cuộc đời mấy mươi năm “chống kiếm bỏ quê hương, từ biệt cha mẹ viễn du” và khi qua đời ở tỉnh An Huy. Hình ảnh của quê hương, nhất là những đêm trăng sáng thanh tĩnh đối với Lý Bạch rất tha thiết, đầy nỗi nhớ thương. Tình cảm sâu lắng đó ông đã diễn tả trong bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” của mình.

Ngay từ câu thơ đầu, chủ đích của Lý Bạch là tả ánh trăng sáng để tượng trưng cho đêm thanh tĩnh. Ánh trăng ở đây chẳng những sáng mà còn tràn ngập, chan hòa và dịu hiền. Qua âm điệu khoan thai của câu thơ năm chữ, sự thanh tĩnh hiện lên một cách tự nhiên, đáng yêu. Ánh trăng chiếu sáng trên bầu trời, ở mặt đất và ở đầu giường.

Cuộc sống thanh bình, yên tĩnh, đêm ngủ không cần cửa đóng, then cài, nên gió trăng thả sức đến chơi. Trước ánh trăng lung linh, vằng vặc, Lý Bạch ngỡ ngàng tưởng tượng rằng “mặt đất phủ sương”. Phải là một tâm hồn giàu sức liên tưởng, thường thi vị hóa sự vật nên mới có được cái nhìn tuyệt vời, thơ mộng như thế. Ánh trăng bàng bạc, lung linh hay là sương rơi la đà mặt đất?

Sự liên tưởng phong phú tạo nên một hình ảnh thơ tuyệt đẹp. Làm sao một tâm hồn đa cảm dạt dào cảm xúc, lai láng yêu thương như Lý Bạch lại có thể không rung động trước ánh trăng tuyệt diệu đầy hấp dẫn của chị Hằng? Hơn nữa, vầng trăng tuyệt vời kia vẫn là nguồn thi hứng vô tận của Lý Bạch. Trăng ở đây còn là biểu tượng của một mảnh hồn cô đơn, luôn luôn mơ tìm một tâm hồn tri âm tri kỷ.

Ba câu thơ đầu đơn thuần là miêu tả cảnh vật. Mà cảnh vật tưởng tượng ở đây là ánh trăng sáng. Từ miêu tả ngoại cảnh, Lý Bạch đi sâu vào miêu tả nội tâm. Nội tâm mà tác giả diễn tả trong câu thơ cuối là tâm trạng.

Hai câu thơ cuối là hai câu thơ tuyệt hay, hay về lời và ý. Từ “vọng” bao hàm sự ngưỡng mộ, ưu ái. Từ “minh nguyệt” được lặp lại nhưng không hề tạo cảm giác thừa mà trái lại làm người đọc thấy được tâm tình thiết tha, quyến luyến của Lý Bạch đối với trăng sáng mông lung. Tình yêu quê hương đậm đà, như máu trong tim, như hơi thở của tác giả.

Tính cách thâm trầm, kín đáo được tác giả thể hiện rất cảm xúc, đầy suy tư ở hai câu thơ sau. Hai câu thơ đối nhau rất chỉnh từng từ, từng ý. Mối liên hệ chặt chẽ giữa vẻ đẹp thiên nhiên với tình yêu, cảm xúc của con người trước sự vật. Ba câu thơ đầu gợi lên hình ảnh rất đẹp của thiên nhiên, nhưng chính câu thơ cuối mới là “câu thơ thần” của bài thơ.

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh đã thể hiện tình yêu quê hương cùng nỗi nhớ da diết của một người sống xa quê trong đêm trăng thanh tĩnh. Lý Bạch là một nhà thơ xuất sắc của nền văn học Trung Quốc.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh - Mẫu 18 

Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Trung Quốc. Đến với bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, người đọc đã cảm nhận được tình yêu cùng nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ:

“Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương”

Mở đầu bài thơ, tác giả miêu tả vẻ đẹp của ánh trăng. Các từ “minh ”, “quang”, “sương” gợi tả ánh trăng trong đêm rất sáng và mở ảo, chiếu xuống mà nhìn là dưới mặt đất đất đang phủ một làn sương mờ ảo. Cùng với đó là từ “sàng” (giường) giúp người đọc nhận biết được vị trí ngắm trăng của nhà thơ. Ánh trăng xuyên qua khe cửa, chiếu xuống đầu giường chứng tỏ trăng đêm rất sáng và trời cũng đã khuya rồi.

Nhưng lúc này, nhà thơ vẫn còn thức để ngắm trăng – chứng tỏ tâm trạng thao thức, băn khoăn của nhà thơ. Ánh trăng chiếu xuống vạn vật trong đêm tối mờ ảo khiến cho nhà thơ không phân biệt được đâu là trăng đâu là màn sương đêm. Và trước vẻ đẹp của ánh trăng, Lý Bạch cảm thấy đầy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của ánh trăng. Hình ảnh ánh trăng trong con mắt nhà thơ mờ ảo, người đọc có thể hình dung ra cảnh nhà thơ Lý Bạch vừa uống rượu vừa thưởng trăng.

Trong đêm trăng đẹp, Lý Bạch đã nhớ đến quê hương. Từ “vọng” có thể hiểu theo hai cách. Cách hiểu thứ nhất là “nhìn ra xa” cho thấy hành động ngắm trăng của nhà thơ. Còn cách hiểu thứ hai là “ngóng trông” cho thấy hành động nhìn về quê hương ở phía xa. Nhưng dẫu hiểu theo cách nào, chúng ta cũng cảm nhận được sự tinh tế trong tâm hồn Lý Bạch.

Tiếp đến, câu thơ tiếp theo Lý Bạch đã xây dựng hai hình ảnh đối lập: “cử đầu” – “đê đầu” (ngẩng đầu – cúi đầu) giúp cho câu thơ trở nên đăng đối nhịp nhàng: Với hành động “ngẩng đầu”, ta thấy được hướng nhìn về phía ánh trăng đang chiếu sáng khắp mặt đất, cả quê hương của nhà thơ.

Với hành động “cúi đầu”, ta lại thấy được nhà thơ đang tự nhìn vào nội tâm mình – tự đối mặt với nỗi nhớ quê hương da diết. Tình cảm của nhân vật trữ tình được bộc lộ trực tiếp qua từ “tư” (nhớ) nỗi nhớ quê hương sâu đậm. Như vậy, hai câu thơ sau đã khắc họa tình cảm nhớ thương của nhân vật trữ tình dành cho quê hương.

Có thể khẳng định rằng, bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh chính là tiếng lòng của nhà thơ. Lý Bạch đã cho người đọc thấy được một tấm lòng yêu quê hương sâu sắc, da diết.

Tài liệu có 31 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tài liệu cùng môn học

TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT Tuyết TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
1.2 K 1 1
20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng Tuyết 20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
657 1 0
TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia Tuyết TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
742 1 0
20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ Tuyết 20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
598 1 0
Tải xuống