Bài tập 7 trang 18, 19 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

83

Với giải Câu 1 trang 10 SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức chi tiết trong Bài 8: Cấu trúc của văn bản thông tin giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải, từ đó biết cách làm bài tập Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Bài tập 7 trang 18, 19 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 7 trang 18, 19 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Nữ trọng tài người Pháp Xtê-pha-ni Phờ-rap-pát (Stephanie Frappart) đi vào lịch sử World Cup khi trở thành “nữ hoàng áo đen” đầu tiên điều khiển chính một trận đấu World Cup. Cùng với cô còn có năm nữ trọng tài nữa được phân công làm nhiệm vụ ở ngày hội bóng đá thế giới diễn ra tại Qua-ta (Qatar).

Họ là Sa-li-ma Mu-kan-sang – Salima Mukansang (Ru-an-đa – Rwanda), L-6-si-mi Ya-ma-si-ta – Yoshimi Yamashita (Nhật Bản) – hai trọng tài được phân nhiệm vụ bắt chính như Phờ-rap-pát, cùng Nê-o-da Bách – Neuza Back (Bra-xin – Brazil), Ka-ren Đi-át – Karen Diaz (Mê-xi-cô – Mexico) và Ka-thơ-rin Ne-xbit – Kathryn Nesbitt (Mỹ) là các trợ lí trọng tài.

Trong đó, Bách và Đi-át hỗ trợ Phờ-rap-pát để trở thành tổ trọng tài toàn nữ đầu tiên ở World Cup nam giới – một cột mốc lịch sử. Các “nữ hoàng áo đen” này làm việc ở rất nhiều khu vực trong World Cup 2022, mỗi người đều tham gia từ hai đến bốn trận đấu.

“Tôi biết đây là sự kiện mới mẻ và thu hút chú ý vì họ là phụ nữ. Nhưng với tôi, họ là những trọng tài. Đây là thông điệp tôi muốn gửi cho họ trước trận đấu: Các cô ở đây không phải vì các cô là phụ nữ, mà vì các cô là những trọng tài đủ tiêu chuẩn của FIFA. Tất nhiên luôn có những hạn chế cho việc bổ nhiệm trọng tài, chủ yếu liên quan đến tính trung lập. Nhưng tất cả các trọng tài chính thức của FIFA đều sẵn sàng điều hành bất kì trận đấu nào”, cựu trọng tài lừng danh người Ý, nay là Trưởng ban trọng tài World Cup 2022, Pi-e-lu-gi Co-li-nơ (Pierluigi Collina) phát biểu.

Đây không phải lần đầu tiên các nữ trọng tài điều hành những trận đấu của nam giới. Phờ-rap-pát từng điều hành các trận đấu của Giải hạng nhất Pháp (Ligue 2). Bách từng bắt chính các trận ở Copa Sudamericana (giải đấu Nam Mỹ tương ứng với Europa League của châu Âu).

Đi-át thì đi vào lịch sử bóng đá Mê-xi-cô khi điều hành trận chung kết lượt về Liga MX – tức giải vô địch quốc gia Mê-xi-cô.

Nhưng World Cup vẫn là câu chuyện hoàn toàn khác. Sự hiện diện của các nữ trọng tài ở đây loan đi những thông điệp mạnh mẽ về bình đẳng giới, đồng thời cũng gây ra nhiều tranh luận.

Cựu danh thủ Pháp Giê-rôm Rô-then (Jerome Rothen) lập hẳn một chương trình radio để chỉ trích việc FIFA sử dụng trọng tài nữ ở World Cup.

Theo lí luận của Rô-then, cùng không ít fan bóng đá khác, động thái của FIFA chỉ đơn giản là “làm màu”, và những nữ trọng tài như Phờ-rap-pát, Bách hay Đi-át không thể theo kịp một trận bóng đá nam.

Trận đấu lịch sử do tổ trọng tài của Phờ-rap-pát điều hành – giữa Đức và Cốt-xta Ri-ca (Costa Rica) – cũng xuất hiện ít nhiều lợn cợn. Một số pha căng cờ của Đi-át bị người hâm mộ chỉ trích là không chuẩn xác, trong khi Phờ-rap-pát phải nhiều lần nhờ đến sự hỗ trợ của VAR để đưa ra quyết định chính xác.

Nhưng không phải mọi chuyện đều tiêu cực. Sự hiện diện của các trọng tài nữ ít nhiều khơi dậy tính cao thượng (vốn ngày càng ít) trong các cầu thủ bóng đá đỉnh cao.

Với những tình huống gây tranh cãi, cầu thủ cũng bớt “vây hãm” trọng tài để tạo áp lực. Thêm vào đó, công nghệ hỗ trợ trọng tài ngày càng tối tân đủ để giúp hạn chế các sai sót lớn trong những tình huống quan trọng.

(Huy Đăng, Trọng tài nữ: ăn uy gồm đủ, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ngày 10/12/2022)

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đoạn mở đầu văn bản có thể tạo nên ấn tượng gì ở người đọc?

Trả lời:

- Thông tin chính được giới thiệu trong đoạn mở đầu văn bản là nữ trọng tài người Pháp Xtê-pha-ni Phờ-rap-pát trở thành trọng tài nữ đầu tiên điều khiển chính một trận đấu World Cup ở Qua-ta 2022. Thông tin này gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc, bởi trước đó, các trọng tài World Cup đều là nam, và tại Qua-ta, trong thể thao, đặc biệt là bóng đá, đó vẫn không phải là sân chơi dành cho nữ giới. Sự kiện này đã thách thức những khuôn mẫu về giới trong thể thao và gợi sự tò mò cho người đọc. Thông tin tiếp đó về việc năm nữ trọng tài khác cũng được phân công nhiệm vụ tại World Cup góp phần truyền tải thêm thông điệp về bình đẳng giới.

Câu 2 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Xác định các ý chính, ý phụ trong văn bản.

Trả lời:

Ý chính

Ý phụ

Giới thiệu sự kiện

- Xtê-pha-ni Phờ-rap-pát trở thành nữ trọng tài đầu tiên bắt chính tại World Cup 2022 cùng năm nữ trọng tài khác.

- Tổ trọng tài nữ đầu tiên ở World Cup 2022 được thành lập.

Bình luận về sự kiện

- Phát biểu của Trưởng ban trọng tài Pi-e-lu-gi Co-li-nơ.

- Chỉ trích của cựu danh thủ Pháp Giê-rôm Rô-then.

- Bình luận của tác giả.

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: “Đây là thông điệp tôi muốn gửi cho họ trước trận đấu: Các cô ở đây không phải vì các cô là phụ nữ, mà vì các cô là những trọng tài đủ tiêu chuẩn của FIFA”. Bạn hiểu như thế nào về phát biểu này?

Trả lời:

- Phát biểu này nhằm phủ định những định kiến về nữ giới trong thể thao và khẳng định năng lực cũng như vị thế bình đẳng của các trọng tài nữ ở World Cup.

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả có dụng ý gì khi nêu những ý kiến phê bình, chỉ trích của dư luận đối với sự hiện diện của nữ trọng tài ở World Cup năm 2022?

Trả lời:

- Các ý kiến phê bình, chỉ trích của dư luận trước sự hiện diện của nữ trọng tài ở World Cup 2022 cho thấy bất kể những nỗ lực của nhân loại trong việc ghi nhận vai trò của phái nữ trong các hoạt động xã hội, thì những định kiến về giới vẫn khó có thể xoá bỏ.

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Văn bản đặt ra vấn đề gì? Trước vấn đề đó, tác giả đã thể hiện quan điểm, thái độ gì?

Trả lời:

- Văn bản đặt ra vấn đề vị trí của phái nữ trong xã hội nói chung và trong thể thao nói riêng.

- Tác giả không trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình, mà ngầm truyền tải thông điệp về bình đẳng giới thông qua cách chọn lọc sự kiện, nhân vật (chọn viết về một trọng tài nữ trong một sự kiện thể thao vốn là sân chơi của đàn ông); qua cách cung cấp những bình luận trái chiều về nhân vật và sự kiện; bằng cách nêu lên những bình luận khách quan (“Sự hiện diện của các trọng tài nữ ít nhiều khơi dậy tính cao thượng (vốn ngày càng ít) trong các cầu thủ bóng đá đỉnh cao”, “cầu thủ cũng bớt “vây hãm” trọng tài để tạo áp lực”, “công nghệ hỗ trợ trọng tài ngày càng tối tân,...). Từ đó, ta có thể nhận ra quan điểm của tác giả Tuy vẫn tồn tại những định kiến về giới trong thế thao, nhưng đã đến lúc cần ghi nhận năng lực và những đóng góp của phái nữ.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 bộ sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài tập 1 trang 15 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 2 trang 15 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 3 trang 15 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 4 trang 16 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 5 trang 16, 17 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 6 trang 17, 18 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 1 trang 19 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Đánh giá

0

0 đánh giá