SBT Ngữ Văn 7 trang 20 Nói và nghe Tập 1 Kết nối tri thức

511

Với Giải SBT Ngữ Văn 7 trang 20 Nói và nghe Tập 1 trong Bài 2: Khúc nhạc tâm hồn Sách bài tập Ngữ Văn  lớp 7 Tập 1 Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7 trang 20.

SBT Ngữ Văn 7 trang 20 Nói và nghe Tập 1

Bài tập 1 trang 20 SBT Ngữ Văn 7: Trình bày ý kiến của em về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân.

Trả lời:

Chuẩn bị nội dung nói

- Dựa vào trải nghiệm của chính em để chọn nội dung phù hợp: vai trò của thiên nhiên đối với đời sống con người; tình yêu thiên nhiên, ý thức trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc cây cối, loài vật; tình trạng ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng và các giải pháp khắc phục;...

- Có thể đọc lại một số văn bản như Tiếng ve, Sao không về Vàng ơi! trong các bài tập đọc hiểu để được gợi ý thêm về ý tưởng, chẳng hạn tình yêu, sự rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên trong bài Tiếng ve; tình yêu thương đối với loài vật trong bài Sao không về Vàng ơi!...

- Em có thể tìm thêm thông tin trên các phương tiện nghe nhìn để bổ sung những nội dung cần thiết cho bài nói.

- Chuẩn bị tranh, ảnh, đoạn phim ngắn, bài thơ, bài hát,... liên quan đến đề tài em chọn để bài nói thêm sinh động, có sức thuyết phục.

- Lập dàn ý cho bài nói: ghi ra giấy những ý chính, sắp xếp theo trình tự hợp lí:

+ Giới thiệu khái quát vấn đề: tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân.

+ Vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống con người: thiên nhiên là nguồn sinh dưỡng của con người. Nếu con người tác động xấu đến thiên nhiên, con người sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc (lũ lụt, hạn hán, bão lốc,...).

+ Nêu giải pháp giữ vệ sinh chung, bảo vệ thiên nhiên, môi trường như: hạn chế dùng đồ nhựa, trồng cây xanh, tham gia tuyên truyền bảo vệ môi trường,...

2. Tập luyện: Em có thể tập luyện một mình hoặc cùng bạn bè, người thân và nhờ họ nhận xét, góp ý.

3. Trình bày bài nói theo các ý đã chuẩn bị, chú ý sử dụng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt thái độ, cảm xúc,...

* Bài nói mẫu tham khảo:

Xin chào thầy cô và các bạn, tôi tên là ….. học sinh lớp…. Trường ……

Các bạn thân mến: Thế giới ngày nay đang bước vào giai đoạn phát triển không ngừng, hàng loạt sản phẩm ra đời giúp cho cuộc sống con người trở nên thuận lợi, đơn giản hơn. Thế nhưng đi liền với điều đó thì những khó khăn cũng gây nên bất lợi cho con người, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng yêu cầu chúng ta phải tìm ra biện pháp bảo vệ.

Môi trường là toàn bộ không gian mà con người sinh sống, bao gồm đất, nước, không khí, rừng. Nó là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Tuy nhiên hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đi dọc bất cứ con đường nào, chúng ta cũng bắt gặp những đống rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi gây ra mất mĩ quan và không khí xung quanh. Hay trở về những vùng nông thôn thì hiện trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi càng xảy ra nghiêm trọng. Bên cạnh đó trong nông nghiệp, việc sử dụng các chất hóa học một cách quá mức đã gây ra sự ô nhiễm môi trường đất trầm trọng. Không chỉ môi trường đất, nguồn nước hiện nay cũng đang xuất hiện những ô nhiễm nghiêm trọng do việc các nhà máy, xí nghiệp thải các chất thải công nghiệp chưa được xử lí trực tiếp ra nguồn nước hay vào các mùa vụ, dọc các mương rãnh những vỏ chai thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ bị người nông dân tiện tay vứt xuống, xác động vật chết. Ngoài ra hiện nay môi trường không khí cũng không còn trong lành như trước nữa bởi khí thải công nghiệp, khói từ các phương tiện giao thông, đốt rác. Đặc biệt việc khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, quá mức hay hiện tượng đốt rừng làm nương rẫy đã làm mất đi hệ cân bằng sinh thái.

Những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đều bắt nguồn từ ý thức của con người. Đó có thể là do sự vô tình, không nhận thức rõ được hậu quả của vấn đề gây ra. Thế nhưng cũng có một bộ phận những con người vì lợi ích trước mắt, cho dù biết những việc mình làm sẽ gây hại cho môi trường nhưng vẫn cố tình làm. Từ sự vô tình hay cố ý đó đã gây nên hậu quả khôn lường. Việc môi trường bị ô nhiễm trước hết ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Ví dụ như các bệnh về đường hô hấp, hệ tiêu hóa, nghiêm trọng hơn nó còn ảnh hưởng tới sự tồn tại của con người (ô nhiễm không khí gây ra hiệu ứng nhà kính, Trái Đất nóng lên, thủng tầng ozon). Ô nhiễm môi trường còn gây ra mất đi mĩ quan chung. Bạn hãy thử tưởng tượng trước cổng bệnh viện hay trường học có những đống rác bốc mùi hôi khó chịu, bạn sẽ không cảm thấy điều gì sao? Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng tới khí hậu, gây ra các thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sạt lở, xói mòn đất, tạo ra những thiệt hại nghiêm trọng về con người và của cải.

Chính vì hậu quả đó, chúng ta cần có những biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường. Trước hết, mỗi chúng ta cần tự có ý thức, những nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, còn cần những hành động thiết thực như tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường cho mọi người, dọn rác trên đường phố, sông hồ, đổ rác đúng nơi quy định, tham gia trồng cây, phủ xanh đồi trọc. Các công ty, xí nghiệp cần có biện pháp xử lí rác thải, nước thải, khí thải đúng với quy định trước khi xả ra môi trường. Nhà nước cũng cần có những xử lí nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm. Đối với học sinh, cần giữ vệ sinh chung các lớp học, trường học, bảo vệ cây xanh, vứt rác đúng nơi đúng chỗ. Những hành động nhỏ ấy cũng đã góp phần bảo vệ môi trường.

Môi trường có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống của chúng ta. Bởi vậy hãy bảo vệ môi trường vì tương lai, vì một Trái Đất xanh-sạch-đẹp.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe phần trình bày ý kiến của tôi về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân. Tôi hi vọng được lắng nghe sự góp ý của bác bạn.

Bài tập 2 trang 20 SBT Ngữ Văn 7: Trao đổi về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ mà em thích.

Trả lời:

1. Chuẩn bị nội dung nói

Đọc, ghi nhớ nội dung và nghệ thuật của một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ (có thể dựa trên đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ ở phần Viết). Đánh dấu những ý quan trọng cần trình bày:

- Giới thiệu bài thơ, tác giả và nêu ý kiến chung của em về bài thơ.

- Nêu nhận xét, đánh giá về những giá trị nội dung (tình yêu thiên nhiên, loài vật như trong bài Tiếng ve, Sao không về Vàng ơi!; sự hoà quyện giữa tình yêu quê hương, đất nước với tình cảm gia đình trong bài Tiếng gà trưa, Mùa cam trên đất Nghệ; tình cảm gia đình trong bài Bố đứng nhìn biển cả;...) và đặc điểm nghệ thuật nổi bật của bài thơ (thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp; cách sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ, hình ảnh, yếu tố tự sự, miêu tả,...).

- Khái quát lại suy nghĩ của em về bài thơ: nêu bài học, thông điệp mà em cảm nhận được sau khi đọc bài thơ như ý thức trân trọng, bảo vệ thiên nhiên, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước,...

2. Tập luyện: Em có thể tập luyện một mình hoặc cùng bạn bè, người thân và nhờ họ nhận xét, góp ý.

3. Trình bày bài nói theo các nội dung đã chuẩn bị.

* Bài nói mẫu tham khảo:

Xin chào thầy cô và các bạn!

Quê hương là đề tài muôn thủa trong thi ca, Hữu Thỉnh cũng góp thêm vào đề tài ấy bài thơ "Chiều sông Thương". Bài thơ được làm theo thể 5 chữ, giàu vần điệu nhạc điệu, lời thơ thanh nhẹ, hình tượng đẹp, trong sáng, cảm xúc dào dạt, bâng khuâng, mênh mang. Dòng sông Thương quê mẹ êm đềm yên ả "nước vẫn nước đôi dòng", một buổi chiều mùa gặt, trăng non lấp ló chân trời, rất thơ mộng hữu tình, "chiều uốn cong lưỡi hái". Một câu thơ, một hình ảnh rất thơ, rất tài hoa. Cánh buồm, dòng sông, đám mây, đều được nhân hóa, mang tình người và hồn người, như đưa đón, như mừng vui gặp gỡ người đi xa trở về. Cảnh vật đồng quê, từ đường nét đến sắc màu đều tiềm tàng một sức sống ấm no, chứa chan hi vọng. Là những nương "mạ đã thò lá mới - trên lớp bùn sếnh sang", là những ruộng lúa "vàng hoe" trải dài, trải rộng ra bốn bên bốn phía chân trời mênh mông, bát ngát. Là dòng sông thơ ấu chở nặng phù sa, mang theo bao kỉ niệm, bao hoài niệm "Hạt phù sa rất quen – Sao mà như cổ tích. Chàng trai về thăm quê xúc động, khẽ cất lên lời hát. Tình yêu quê hương dào dạt dâng lên trong tâm hồn. Câu cảm thán song hành với những điệp từ điệp ngữ làm cho giọng thơ trở nên bồi hồi, say đắm. Bức tranh quê nhà với bao sắc màu đáng yêu: Ôi con sông màu nâu/ ôi con sông màu biếc”. Cảnh sắc quê hương càng hữu tình, nên thơ càng thấy được tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe phần trình bày của tôi về nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Chiều sông Thương”. Tôi hi vọng được lắng nghe sự góp ý chân thành từ thầy cô và các bạn để bài trình bày của tôi được hoàn thiện hơn.

Bài tập 3 trang 20 SBT Ngữ Văn 7: Trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người.

Trả lời:

1. Chuẩn bị nội dung nói

- Lập dàn ý cho bài nói: ghi ra giấy những ý chính, sắp xếp theo trình tự hợp lí:

+ Giới thiệu khái quát suy nghĩ của em về ý nghĩa của quê hương: quê hương có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người.

+ Nêu ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người: quê hương là nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh sống; quê hương là động lực giúp mỗi người sống tốt hơn, có ý thức hoàn thiện bản thân, không quên nguồn cội cũng như phấn đấu góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

+ Nêu tình cảm của mỗi người đối với quê hương: tình cảm với người thân, với phong cảnh, những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương,... (lễ hội, di tích lịch sử, món ăn, nghề truyền thống,...).

- Em có thể tìm thêm thông tin trên các phương tiện nghe nhìn để bổ sung những nội dung cần thiết cho bài nói.

- Chuẩn bị tranh, ảnh, đoạn phim ngắn, bài thơ, bài hát,... liên quan đến đề tài em chọn để bài nói thêm sinh động, thuyết phục.

2. Tập luyện: Em có thể tập luyện một mình hoặc cùng bạn bè, người thân và nhờ họ nhận xét, góp ý.

3. Trình bày bài nói theo các ý đã chuẩn bị, chú ý sử dụng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt suy nghĩ, tình cảm,... đối với quê hương.

* Bài nói mẫu tham khảo:

Xin chào thầy cô và các bạn!

Bên cạnh việc cố gắng học tập, rèn luyện bản thân; một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên một con người chính là quê hương. Chính vì thế, chúng ta có thể khẳng định: Quê hương có vai trò to lớn đối với mỗi người”. Quê hương là nơi mỗi con người được sinh ra, lớn lên, là mảnh đất chúng ta chôn rau cắt rốn, gắn bó suốt một khoảng thời gian dài với những kỉ niệm đẹp đẽ khó quên. Mỗi người có một quê hương, mỗi quê hương có một bản sắc khác nhau nuôi dưỡng nên những tâm hồn con người khác nhau vô cùng phong phú. Quê hương dạy ta biết lớn khôn và trưởng thành dần từ những ngây thơ, vụng dại của ngày bé. Quê hương cho ta những năm tháng tuổi thơ tuyệt vời mà suốt hành hình trình trưởng thành ta không bao giờ tìm lại được. Tình yêu quê hương bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, những tình cảm đôi lứa, tình yêu sự gắn bó với gia đình, làng quê, đó là tình cảm trong sáng nhất, cao cả và góp phần làm thanh lọc tâm hồn con người. Tình yêu quê hương sẽ giúp con người làm nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, thành ý chí bất khuất, sức mạnh chiến đấu, quyết tâm bảo vệ đất nước, đánh đuổi ngoại xâm, ý thức xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Quê hương không chỉ là nơi chúng ta lớn lên mà còn là nơi con người ta quay trở về sau những bão tố, những khó khăn ngoài kia. Bất cứ người con nào khi xa quê trở về đều cảm thấy thanh thản, yên bình bởi cái không khí quen thuộc, bởi con người mộc mạc nơi xứ mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng to lớn của quê hương, chưa có ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp, vững mạnh,… Những người này cần thay đổi tư duy và sống cống hiến hơn, yêu quý hơn quê hương của mình. Mỗi người chỉ được sống một lần cũng như chỉ có một quê hương. Chúng ta hãy trân trọng cuộc sống cũng như trân trọng quê hương để từ đó nỗ lực phát triển bản thân, cống hiến được những điều tốt đẹp cho xã hội.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe phần trình bày suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người. Tôi hi vọng được lắng nghe thêm nhiều hơn nữa phần trình bày của các bạn.

Xem thêm lời giải vở bài tập Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:

SBT Ngữ Văn 7 trang 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt Tập 1...

SBT Ngữ Văn 7 trang 20 Viết Tập 1...

Đánh giá

0

0 đánh giá