Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI: tác giả, tác phẩm, tóm tắt, bố cục, dàn ý - Chân trời sáng tạo Ngữ văn 11

541

Toptailieu.vn xin giới thiệu Tóm tắt kiến thức trọng tâm về Tác giả tác phẩm Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI – Ngữ văn 11 (Chân trời sáng tạo) với đầy đủ các phần quan trọng như: tác giả tác phẩm, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... Sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức Ngữ văn, từ đó học tốt môn Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Tác giả tác phẩm Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI – Ngữ văn 11 (Chân trời sáng tạo)

I. Tác giả văn bản Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI

- Đỗ Thị Ngọc Quyên

- Nguyễn Đức Dũng

II. Tìm hiểu tác phẩm Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI

1. Thể loại: Văn bản thông tin

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI trích từ trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 9/9/2021, https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20614/cong-nghe-ai-cua-hien-tai-và-tuong-lai.aspx)

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản có phương thức biểu đạt là nghị luận

4. Tóm tắt văn bản Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI

      Thế kỉ XXI – thế kỉ toàn cầu hóa sâu rộng, thế giới đã trở nên “phẳng” và “ảo” với mạng Internet và các ứng dụng công nghệ truyền thông. Chúng ta cần nắm vững kiến thức cốt lõi của ngành, kiến thức của các ngành gần, ngành liên quan vì thế giới hiện đại không thể chia tách các ngành, các lĩnh vực, mà chúng tồn tại ràng buộc, lệ thuộc, tương tác với nhau. Thêm nữa, các vấn đề xã hội hiện đại đòi hỏi các giải pháp liên ngành, do vậy kiến thức liên ngành ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, chúng ta không chỉ nắm vững kiến thức cốt lõi của ngành mà còn hiểu biết về kiến thức của các ngành gần, ngành liên quan.

5. Bố cục bài Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI

-  Bố cục: 3 phần

+ Phần 1: Từ đầu đến “kỉ nguyên bất định ở thế kỉ XXI” – Giới thiệu về bối cảnh và hành trang tri thức mà người trẻ cần chuẩn bị. 

+ Phần 2: Tiếp đến “để ứng phó với bất định” - Chuẩn bị hành trang về kĩ năng.

+ Phần 3: Tiếp đến hết - Chuẩn bị hành trang về thái độ.

6. Giá trị nội dung

- Văn bản đề cập đến những hành trang cần thiết mà người trẻ cần chuẩn bị cho thế kỉ XXI.

7. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng vốn từ ngữ, sự hiểu biết sâu rộng đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của văn bản nghị luận.

- Hệ thống lí lẽ, dẫn chứng chặt chẽ, có sức thuyết phục cao.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI

1. Hệ thống luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng

Tác giả tác phẩm Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI – Ngữ văn 11 (Chân trời sáng tạo) (ảnh 1)

* Luận đề: Người trẻ cần mang theo những hành trang gì để bước vào thế kỉ XXI

* Luận điểm: 

- Luận điểm 1: Chuẩn bị hành trang tri thức

+ “Đối với bất cứ ngành nào, kiến thức cốt lõi của ngành là đương nhiên… tương tác với nhau”.

+ “Ngoài kiến thức chuyên ngành, người trẻ còn cần trang bị khối kiến thức chung mà bất cứ…. cũng cần phải có”. 

+ “Khối các môn học cốt lõi mà sinh viên trong thế kỉ XXI cần có là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ toàn cầu (tiếng Anh), Nhân văn, Toán, Kinh tế… Trách nhiệm dân sự”.

+ “Khối kiến thức chung liên ngành… phá rừng…)” 

- Luận điểm 2: Chuẩn bị hành trang về kĩ năng.

+ “Thiếu kĩ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường…. nhiều quốc gia”. 

+ “P21 đưa ra ba khối kĩ năng trọng yếu tố… bất định”. 

- Luận điểm 3: Hành trang thái độ

+ “Chúng ta có thể lường trước sự bất định đến từ đâu… trước sự bất định”. 

= > Luận điểm và các lí lẽ dẫn chứng có vai trò lớn trong việc chứng minh và làm rõ luận đề chính. 

2. Mục đích và thái độ của tác giả

- Mục đích của người viết được thể hiện trong văn bản là: Khẳng định sự bất định của thế giới trong tương lai và nhắc nhở người trẻ về việc chuẩn bị những hành trang (tri thức, kĩ năng, thái độ) cho thế kỉ mới. 

- Thái độ của người viết được thể hiện trong văn bản là: kiên quyết, mạnh mẽ và dứt khoát. 

IV. Đọc tác phẩm Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI

Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI

Đỗ Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Đức Dũng

Không phải chờ đến thế kỉ XXI mới có sự bất định, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hoá sâu rộng, thế giới đã trở nên “phẳng” và “ảo” với mạng Internet và các ứng dụng công nghệ truyền thông, các sự bất định lan truyền với tốc độ chóng mặt và xảy ra trên quy mô lớn. Chưa kể thế giới đương đại càng ngày càng ẩn chứa đa liên kết phức tạp, sự bất định cũng trở nên phức tạp bội phần. (Lược một đoạn: Tác giả lí giải “Nguyên lí bất định” của Hây-xơn-bớt (Heisenberg) trong vật lí lượng tử hiện đại để phân tích những bất định trong thế giới đương đại.) Người trẻ cần mang theo những hành trang gì để chuẩn bị cho thế kỉ XXI đầy những bất định?

Thứ nhất, người trẻ cần trang bị hành trang tri thức. Đối với bất cứ ngành nào, kiến thức cốt lõi của ngành là đương nhiên. Tuy nhiên, thế giới hiện đại cho thấy không thể chia tách các ngành, các lĩnh vực, mà chúng tồn tại ràng buộc, lệ thuộc, tương tác với nhau. Do vậy, bên cạnh kiến thức cốt lõi của ngành, còn cần phải nắm bắt được kiến thức của các ngành gần, các ngành liên quan. Các vấn đề xã hội hiện đại đòi hỏi các giải pháp liên ngành, do vậy kiến thức liên ngành ngày càng trở nên quan trọng.

Câu chuyện của giải pháp liên ngành đã được nhắc từ nhiều năm nay trở nên hiển hiện nhất trong đại dịch Covid-19. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, chống dịch cấp quốc gia và trên toàn cầu là bài toán không thể giải chỉ bằng các mô hình dịch tễ hay các giải pháp y tế, mà còn đòi hỏi các tính toán về công bằng, an sinh xã hội, về tâm lí xã hội và cách tiếp cận cộng đồng.

Ngoài kiến thức chuyên ngành, người trẻ còn cần trang bị khối kiến thức chung mà bất cứ công dân nào của thế kỉ XXI cũng cần phải có. Tổ chức “Partnership for 21st Century skills” gọi tắt là P21 đã khảo sát, xây dựng và ban hành “Khung kĩ năng thế kỉ XXI”. (Lược một đoạn: Tác giả nêu thông tin về mục đích, vai trò của “Khung kĩ năng thế kỉ XXI".)

Khối các môn học cốt lõi mà sinh viên trong thế kỉ XXI cần có là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ toàn cầu (tiếng Anh), Nhân văn, Toán, Kinh tế, Khoa học, Địa lí, Lịch sử và Quản lí nhà nước – Trách nhiệm dân sự. Khối kiến thức chung liên ngành bao gồm: (1) Hiểu biết về các vấn đề toàn cầu (đa dạng văn hoá, tôn giáo, biến đổi khí hậu,..), (2) Hiểu biết về tài chính, kinh tế, kinh doanh (vai trò của nền kinh tế, tài chính cá nhân,...), (3) Hiểu biết về vai trò và trách nhiệm dân sự (quyền công dân, nhân quyền, quan hệ nhà nước – công dân,...), (4) Hiểu biết về y tế và sức khoẻ (các biện pháp bảo vệ sức khoẻ tâm thần và thể chất như giảm căng thẳng tránh rủi ro y tế, dinh dưỡng theo dõi, giám sát sức khoẻ cá nhân, các vấn đề an toàn và y tế cộng đồng,...), (5) Hiểu biết về môi trường (môi trường thiên nhiên – hệ sinh thái, nguồn nước, năng lượng, khí hậu, tác động của con người tới môi trường tự nhiên – tăng trưởng dân số, tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng,...). Có thể thấy khung kĩ năng đã đặt ra các khối nội dung kiến thức xã hội khá rộng, đòi hỏi sinh viên phải hiểu biết về môi trường đang sống, và phải có liên kết, gắn bó với môi trường xung quanh. Đây là những hành trang vô cùng quan trọng cho những người trẻ trong kỉ nguyên bất định ở thế kỉ XXI. 

Thứ hai, người trẻ còn cần chuẩn bị hành trang về kĩ năng. Thiếu kĩ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường lao động sau tốt nghiệp đại học là vấn đề của nhiều quốc gia. “Khung kĩ năng thế kỉ XXI” là chỉ dẫn giúp thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo ở đại học với nhu cầu của doanh nghiệp. P21 đưa ra ba khối kĩ năng trọng yếu cho sinh viên ở thế kỉ XXI: (1) Kĩ năng học tập và sáng tạo, (2)Kĩ năng công nghệ, truyền thông và thông tin, và (3) Kĩ năng sống và nghề nghiệp. Trong số các kĩ năng này, nhóm (2) và (3) là những kĩ năng quan trọng nhất mang đặc trưng thời đại để ứng phó với bất định.

Thứ ba, hành trang không thể thiếu đó là thái độ. Nếu xem xét kĩ các kĩ năng trong khung kĩ năng của công dân thế kỉ XXI, có thể thấy trong đó đã ẩn chứa một phần thái độ mà những người trẻ cần có. (Lược một đoạn: Tác giả liên hệ với sự bất định đã phân tích ở trên để lí giải về những thái độ người trẻ cần có.) Chúng ta có thể lường trước sự bất định đến từ đâu, chứ không phải chúng ta mù mò về tương lai và cho rằng tương lai là không thể xác định. Nhận thức như vậy giúp chúng ta có thái độ phù hợp với sự bất định. Đó là sẵn sàng, chủ động, có sự chuẩn bị, thay vì hoang mang, sợ hãi, nghi hoặc để rồi phó mặc hoặc ra các quyết định sai lầm.

(Lược đoạn cuối: Tác giả nêu vai trò của nhà trường, hệ thống giáo dục chính thống, gia đình và xã hội trong việc giúp người trẻ chuẩn bị hành trang.)

 (Trích trong Giáo dục trong kỉ nguyên của sự bất định, tạp chí Tia sáng, số Tết 2 + 3, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, ngày 20/2/2022)

Xem thêm các bài Tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 11 hay, ngắn gọn khác:

Tác giả - tác phẩm: Trăng sáng trên đầm sen

Tác giả - tác phẩm: Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới

Tác giả - tác phẩm: Công nghệ AI của hiện tại và tương lai

Tác giả - tác phẩm: Hình tượng con người chinh phục thế giới trong “Ông già và biển cả”

Tác giả - tác phẩm: Lời tiễn dặn

Đánh giá

0

0 đánh giá