SBT Ngữ văn 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 2: Hành trang vào tương lai

294

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải SBT Ngữ văn 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 2: Hành trang vào tương lai hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SBT Ngữ văn 11 Bài 1từ đó học tốt môn Ngữ văn 11.

SBT Ngữ văn 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 2: Hành trang vào tương lai

I. Đọc trang 22, 23, 24, 25

A. Câu hỏi củng cố kiến thức, kĩ năng theo sách giáo khoa

Câu 1 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Tính thuyết phục của lí lẽ trong văn bản nghị luận nằm ở yếu tố:

a. Soi chiếu vấn đề trên nhiều khía cạnh.

b. Có cơ sở vững chắc từ lí thuyết và thực tiễn.

c. Lập luận một cách chặt chẽ, đảm bảo đủ cơ sở và kết luận.

d. Cả ba phương án trên.

Trả lời:

Đáp án D

Câu 2 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Tính thuyết phục của bằng chứng trong văn bản nghị luận không nằm ở yếu tố:

a. Lựa chọn bằng chứng phù hợp, cụ thể, có tính thời sự.

b. Bằng chứng tiêu biểu, xác thực, liên quan đến vấn đề nghị luận.

c. Bằng chứng được kể lại một cách tỉ mỉ, chi tiết.

d. Lựa chọn những chi tiết, sự việc gây ấn tượng, khơi gợi sự đồng cảm.

Trả lời:

Đáp án C

Câu 3 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trình bày vai trò của các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận.

Trả lời:

Các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự được đưa vào văn bản nghị luận giúp người đọc hình dung về luận đề, bằng chứng trong văn bản. Yếu tố thuyết minh cung cấp tri thức về nguồn gốc, cấu tạo, vai trò, ý nghĩa,... của đối tượng cần bàn luận. Yếu tố miêu tả thể hiện các đặc điểm, tính chất nổi bật của con người, con vật, đồ vật, cảnh sinh hoạt,... có liên quan đến vấn đề nghị luận. Yếu tố tự sự thuật lại các sự việc liên quan đến luận đề, luận điểm, các bằng chứng trong văn bản. Các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận cần đáp ứng mục đích của văn bản là thuyết phục người đọc về ý kiến, quan điểm của người viết.

Câu 4 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Chọn một văn bản nghị luận mà bạn yêu thích và phân tích nét độc đáo của nhan đề văn bản ấy.

Trả lời:

- Văn bản nghị luận yêu thích: Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới trong Sách giáo khoa Ngữ văn 11 (tập 1) Chân trời sáng tạo.

- Phân tích nhan đề: Nhan đề giúp ta dễ dàng dự đoán được nội dung chính của văn bản, bởi lẽ, nhan đề của bài đã khái quát được nội dung chính của văn bản. Tiêu đề của văn bản như một lời kêu gọi hành động, thúc đẩy chúng ta nhận ra sức mạnh của giáo dục để thay đổi cuộc sống và tạo ra một thế giới công bằng hơn. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đều có trách nhiệm hỗ trợ giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo để tạo ra sự khác biệt tích cực trong thế giới.

Câu 5 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Chỉ ra ít nhất một nét tương đồng và một nét khác biệt về nội dung giữa văn bản Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới và Người trẻ và hành trang vào thế kỉ XXI.

Trả lời:

- Nét tương đồng: Hai văn bản đều nói đến những thay đổi và hành trang mà con người cần phải có để chuẩn bị cho tương lai.

- Nét khác biệt: Văn bản Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới đề cập đến vấn đề ở bình diện xã hội, cộng đồng, kêu gọi sự thay đổi ở các quốc gia để đảm bảo quyền bình đẳng, hòa bình và giáo dục cho mọi người, đặc biệt là trẻ em gái và những người yếu thế trong xã hội. Văn bản Người trẻ và hành trang vào thế kỉ XXI đề cập đến vấn đề ở bình diện cá nhân, nhấn mạnh những hành trang cần thiết mà người trẻ phải chuẩn bị để thích nghi với sự bất định trong tương lai.

B. Câu hỏi thực hành đọc hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

LÒNG TỐT - MÓN QUÀ VÔ GIÁ

Pi-e-rô Phe-ru-chi (Piero Ferrucci)

Bà lão chẳng màng ăn uống gì. Đơn độc trong thế giới này, bà cảm thấy mình như đang bị lãng quên bởi hết thảy mọi người. Phiền muộn chất chứa trong lòng bà tới mức bà không sao nuốt được gì. Mi-li-na (Milina) nhận thấy điều này, dì nói chuyện với bà và bà cũng đáp lời chút ít. Bằng giọng nói yếu ớt, bà lão kể Mi-li-na nghe về những đứa con trai và con gái của bà - những người bận bịu tới mức không săn sóc bà được, cũng chẳng đứa nào màng tới thăm bà. Bà không có bệnh, bà chỉ kiệt sức vì không ăn được gì.

“Cô có muốn ăn một chút kem không?” - Mi-li-na hỏi. Thật là một ý tưởng kì lạ, mời một người sắp lìa đời ăn kem. Vậy nó có tác dụng. Một cách chậm rãi, từng thìa kem một, bà lão trông tươi tắn đôi phần.

Thật đơn giản mà hết sức tài tình: mời ai đó - người không muốn ăn gì - một thứ ngon lành và dễ tiêu hóa, và rồi họ sẽ lấy lại tinh thần. Với cây kem, bà lão đã cảm nhận được sự nồng ấm của tình thân, thứ đã mang sắc hồng hào về lại trên gương mặt bà. Đó không chỉ là đồ ăn, mà quan trọng hơn, là một hành động đơn giản của lòng tốt.

Thế giới ta đang sống tràn đầy bạo lực, chiến tranh, khủng bố và diệt vong. Nhưng rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn vì chúng ta đối xử tử tế với nhau. Không tờ báo nào đăng tin về một người mẹ đọc truyện cho con nghe trước khi ngủ, về một người cha chuẩn bị điểm tâm cho con, về một người lắng nghe người khác bằng cả trái tim, về một người bạn làm ta vui. Nhiều người giàu lòng nhân ái nhưng lại không được ai biết đến, bởi lẽ làm những việc ấy chỉ đơn giản đó là việc nên làm.

Nhận được lòng tốt từ người khác là một trải nghiệm tuyệt vời. Hãy thử nghĩ tới lần mà ai đó đối xử tốt với bạn, chẳng hạn một người qua đường chỉ bạn đường tới bến tàu, hay một người lạ lao mình xuống sông để cứu bạn khỏi chết đuối. Những việc ấy tác động thế nào tới bạn? Chắc hẳn là một tác động tích cực, bởi khi ai đó chìa tay giúp đỡ khi ta cần, ta sẽ thấy nhẹ nhõm. Bất cứ ai cũng muốn được lắng nghe, được đối xử bằng tình bằng hữu và một tấm lòng ấm áp, được thấu hiểu, được nâng niu.

Điều tương tự cũng xảy đến với vế còn lại của phương trình này: cho đi lòng tốt cũng tác động tích cực với ta hệt như khi nhận được lòng tốt vậy. Những người giàu lòng nhân ái thường khỏe mạnh và sống lâu hơn; được nhiều người biết tới, làm việc hiệu quả hơn, thành công và hạnh phúc hơn những người khác (đây là điều đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh. Nói cách khác, họ hướng tới cuộc sống thú vị và sung túc hơn những người không có phẩm chất này. Họ được trang bị tốt hơn, sẵn sàng đối mặt với tất cả sự bất định đến đáng sợ của cuộc sống.

Những nghiên cứu về lòng tốt giúp ta hiểu được bản thân mình. Nếu như ta sống khỏe hơn khi ta biết quan tâm, cảm thông và cởi mở vì mọi người, thì hẳn ta phải được sinh ra để đối tốt với người khác. Nếu như ta cứ cố chấp tiến lên trong cuộc sống, tích tụ những suy nghĩ thù địch, hay mang sự hằn học trong mình tới hết đời, ta sẽ không ở trong phong độ tốt nhất. Và nếu ta bỏ lơ hay kìm nén những phẩm chất tích cực, ta có thể làm hại chính bản thân và những người xung quanh. Như lời của nhà tâm thần học An-bớt-tô An-bơ-ti (Alberto Alberti), tình yêu không được biểu lộ sẽ trở thành thù ghét, niềm vui không được biểu lộ sẽ trở thành phiền muộn. Vâng, chúng ta được định sẵn để trở thành người có lòng tốt.

(Trích trong Giá trị của sự tử tế, Phạm Quốc Anh dịch, NXB. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr.25 - 29)

Câu hỏi trong khi đọc:

Câu 1 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Câu chuyện được kể trong đoạn này có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Câu chuyện được kể trong đoạn này có ý nghĩa như một cách dẫn dắt vào vấn đề muốn lập luận.

Câu 2 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đã bao giờ bạn nhận được một hành động, cử chỉ tốt đẹp khiến bản thân nhớ mãi chưa?

Trả lời:

Một cử chỉ tốt đẹp khiến bản thân em nhớ mãi là: Một lần đi xe buýt khi còn nhỏ, trên xe rất đông người, một chị gái tầm 19 - 20 tuổi đã đứng dậy nhường ghế cho em.

Câu hỏi sau khi đọc:

Câu 1 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vẽ sơ đồ tóm tắt luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản.

Trả lời:

Vẽ sơ đồ tóm tắt luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản

Câu 2 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Bạn ấn tượng nhất với lí lẽ, bằng chứng nào trong văn bản? Nhận xét về sự độc đáo của lí lẽ, bằng chứng đó.

Trả lời:

- Lí lẽ ấn tượng nhất trong văn bản là sự kết nối giữa lòng tốt và lợi ích cá nhân. Bằng chứng cho điều này là việc những người giàu lòng nhân ái thường có cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài hơn và họ cũng thành công và hạnh phúc hơn những người khác.

=> Sự độc đáo của lí lẽ này là việc nó khẳng định rằng lòng tốt không chỉ có tác động tích cực trong việc giúp đỡ người khác, mà còn mang lại lợi ích cho chính bản thân ta. Điều này phản ánh một quan niệm rằng ý nghĩa của cuộc sống không chỉ nằm trong việc tích lũy tài sản hay thành công cá nhân, mà còn trong việc trở thành một con người biết chia sẻ yêu thương với mọi người xung quanh.

Câu 3 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Nhận xét về nhan đề của văn bản.

Trả lời:

Nhan đề văn bản là một nhan đề độc đáo, khơi gợi được tình cảm, cảm xúc của người đọc vì:

- Nhan đề đã bao quát được nội dung chính của văn bản (ý nghĩa, giá trị của lòng tốt).

- Nhan đề giàu hình ảnh (ví lòng tốt với món quà vô giá), tạo sự sinh động, hấp dẫn, tăng sức gợi hình, gợi tả, khơi gợi được sự đồng cảm nơi người đọc.

Câu 4 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Văn bản được viết ra nhằm mục đích gì? Xác định thái độ, tình cảm của người viết đối với vấn đề được bàn luận trong văn bản.

Trả lời:

Văn bản được viết ra nhằm thuyết phục người đọc về tầm quan trọng của lòng tốt, từ đó khuyến khích lan toả lòng tốt trong cuộc sống. Tác giả thể hiện thái độ trân trọng những hành động đẹp thể hiện tình người trong cuộc sống, để cao ý nghĩa, vai trò của lòng tốt trong cuộc sống.

Câu 5 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Chỉ ra tác dụng của yếu tố tự sự được sử dụng trong văn bản.

Trả lời:

- Yếu tố tự sự trong văn bản Câu chuyện về bà lão và dì Mi-li-na ở phần đầu văn bản.

- Tác dụng: Tái hiện bằng chứng nhằm làm sáng tỏ luận điểm (lòng tốt giúp mọi người vượt qua đau buồn để có hạnh phúc, do đó, lòng tốt giúp cho thế giới tiếp tục vận hành).

Câu 6 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Bạn có đồng ý với quan điểm Chúng ta được định sẵn để trở thành người có lòng tốt không?

Trả lời:

Em có đồng ý với quan điểm Chúng ta được định sẵn để trở thành người có lòng tốt vì:

- Mỗi con người sinh ra đều vô cùng thuần khiết. Tính cách và thế giới quan hình thành đề do quá trình xã hội tác động. Vì vậy, bản chất mỗi người đều bắt đầu với sự thiện lương, trong sạch. Đó là phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác. Lòng tốt có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống: Việc chúng ta có lòng tốt yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Tuy nhiên, cách chúng ta phát triển và thể hiện lòng tốt có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm môi trường, giáo dục và kinh nghiệm cá nhân. Chính vì vậy, chúng ta cần cố gắng xây dựng ý thức để lòng tốt của bản thân không bị mất đi.

Câu 7 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong cuộc sống, lòng tốt có thể được thể hiện bằng những cách thức nào? Hãy tìm một vài ví dụ trong thực tế cuộc sống để chứng minh cho ý kiến của bạn.

Trả lời:

- Lòng tốt là những hành động, việc làm cao đẹp xuất phát từ tấm lòng nhằm giúp đỡ người khác. Người có lòng tốt sẵn sàng cảm thông, chia sẻ; luôn nhường nhịn, hy sinh; không bao giờ tranh giành quyền lợi hay ghen ghét, đố kị, cũng không nghĩ xấu, nói xấu cho ai.

- Biểu hiện của lòng tốt:

+ Dắt người già qua đường, nhặt được của rơi trả người đánh mất; cứu người bị nạn, mở lòng từ bi và làm việc thiện.

+ Lòng tốt không mua được bằng tiền; lòng tốt cho đi mà không vơi, không mất. Vì thế, lòng tốt là tài sản tinh thần vô giá. Tuy nhiên, cái ác vẫn còn tồn tại trong cuộc sống do tham lam, đố kị, vì bổng lộc, quyền hành, thậm chí vì những thứ hão huyền, vô nghĩa đôi khi người ta vẫn ứng xử với nhau thật tàn nhẫn: vu oan, trù dập, gạt lừa,...

II. Tiếng Việt trang 25, 26

Câu 1 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Giải thích nghĩa của những từ in đậm trong các trường hợp sau. Chỉ ra cách giải thích từ ngữ bạn đã sử dụng:

a. Điều tương tự cũng xảy đến với vế còn lại của phương trình này: cho đi lòng tốt cũng tác động tích cực với ta hệt như khi nhận được lòng tốt vậy.

(Pi-e-rô Phê-ru-chi, Lòng tốt - món quà vô giá)

b. Nếu như ta sống khoẻ hơn khi ta biết quan tâm, cảm thông và cởi mở vì mọi người, thì hẳn ta phải được sinh ra để đối tốt với người khác.

(Pi-e-rô Phê-ru-chi, Lòng tốt – món quà vô giá)

c. Nhận được lòng tốt từ người khác là một trải nghiệm tuyệt vời.

(Pi-e-rô Phê-ru-chi, Lòng tốt – món quà vô giá)

Trả lời:

a. tương tự : Có một số mặt hoặc nhiều mặt giống nhau.

- Cách sử dụng: Phân tích nội dung nghĩa của từ

b. tích cực : Có tác dụng khẳng định, thúc đẩy sự phát triển

- Cách sử dụng: Phân tích nội dung nghĩa của từ

c. trải nghiệm : trải qua, kinh qua

- Cách sử dụng: Dùng một (hoặc một số) từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.

Câu 2 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã giải thích nghĩa của từ “hoa” (danh từ) như sau:

1. Cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm. Hoa bưởi. Ra hoa kết trái. Đẹp như hoa. Đồng nghĩa: huê. 2. Cây trồng để lấy làm hoa cảnh. Trồng mấy luống hoa. Chậu hoa. Bồn hoa. 3. Vật có hình đẹp, tựa như bông hoa. Hoa lửa. Hoa điểm mười. Hoa tuyết. Pháo hoa. 4. (khẩu ngữ) Đơn vị đo khối lượng, bằng một phần mười lạng (ngày trước được đánh dấu hoa thị trên cán cân). Ba lạng hai hoa. 5. Hình trang trí trên các vật. Áo hoa. Chiếu hoa. 6. Dạng chữ đặc biệt, to hơn chữ thường, thường ở chữ cái đầu cầu và đầu danh từ riêng. Đầu câu phải viết hoa. Chữ A hoa.

Cho biết:

a. Trong các nghĩa của từ “hoa”, nghĩa nào là nghĩa gốc, nghĩa nào là nghĩa chuyển?

b. Các nghĩa của từ “hoa” được giải thích theo cách nào?

Trả lời:

a. Nghĩa thứ nhất là nghĩa gốc. Các nghĩa còn lại là nghĩa chuyển.

b. Các nghĩa của từ “hoa” được giải thích chủ yếu bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ, có nếu thêm phạm vi sử dụng của từ (nghĩa thứ tư).

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phần giải thích nghĩa của từ dưới đây đã chính xác chưa? Vì sao?

a. Cứu cánh (danh từ): sự hỗ trợ kịp thời.

b. Yếu điểm (danh từ): chỗ kém, chỗ yếu.

c. Trí thức (danh từ): những hiểu biết có hệ thống về sự vật, tự nhiên và xã hội.

d. Lảnh lót (tính từ): âm thanh cao, trong và âm vang, thường nghe vui tai.

Trả lời:

a. Giải thích nghĩa chưa đúng. Cứu cánh (từ cũ) có nghĩa là “mục đích cuối cùng” không phải là “sự hỗ trợ kịp thời”.

b. Giải thích nghĩa chưa đúng do nhầm lẫn giữa yếu điểm và điểm yếuYếu điểm là “điểm quan trọng”.

c. Giải thích nghĩa chưa đúng do nhầm lẫn giữa tri thức và trí thứcTrí thức là “người chuyển làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”.

d. Giải thích nghĩa chưa đúng do dùng cách giải nghĩa danh từ để giải nghĩa một tính từ. Có thể giải thích lại như sau: Lảnh lót (tính từ): (âm thanh) cao, trong và âm vang, thường nghe vui tai.

III. Viết trang 26

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Điền từ ngữ thích hợp vào các chỗ trống trong đoạn sau:

Nghị luận về một vấn đề xã hội là kiểu bài dùng ............. để ............ về một vấn đề xã hội (một ý kiến, một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng xã hội), giúp người đọc ......... về vấn đề và có ........... đối với vấn đề đó.

Trả lời:

Các từ ngữ cần điền: lí lẽ, bằng chứng – bàn luận – nhận thức đúng – thái độ, giải pháp phù hợp.

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Chỉ ra những yêu cầu đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội.

Trả lời:

Yêu cầu đối với kiểu bài:

- Có luận điểm rõ ràng, chặt chẽ, thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề.

- Đưa ra hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ để làm sáng tỏ luận điểm.

- Nêu và phân tích, trao đổi về các ý kiến trái chiều.

- Bố cục bài viết gồm ba phần:

+ Mở bài: Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận, thể hiện rõ quan điểm của người viết về vấn đề.

+ Thân bài: Giải thích được vấn đề cần bàn luận; trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cho quan điểm của người viết; phản biện các ý kiến trái chiều.

+ Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề; đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp.

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vẽ sơ đồ tóm tắt bố cục của kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội.

Trả lời:

- Sơ đồ tư duy:

Vẽ sơ đồ tóm tắt bố cục của kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội

Câu 4 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Sử dụng bảng kiểm kĩ năng viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội để đọc lại và đánh giá bài viết Tầm quan trọng của việc học phương pháp học trong sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập một, tr. 49 – 50.

Trả lời:

Nội dung kiểm tra

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận

x

 

Nêu khái quát quan điểm của người viết về vấn đề cần bàn luận

x

 

Thân bài

Giải thích được vấn đề cần bàn luận

x

 

Trình bày được hệ thống luận điểm thể hiện quan điểm của người viết

x

 

Nêu được lí lẽ thuyết phục, đa dạng để làm sáng tỏ luận điểm

x

 

Nêu được bằng chứng đầy đủ, phù hợp, xác đáng để làm sáng tỏ lí lẽ

x

 

Trao đổi với các ý kiến trái chiều một cách hợp lí

x

 

Kết bài

Khẳng định lại quan điểm của bản thân

x

 

Đề xuất giải pháp, bài học phù hợp

x

 

Kĩ năng trình bày, diễn đạt

Có mở bài, kết bài gây ấn tượng

x

 

Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng hợp lí

x

 

Diễn đạt rõ ràng, rành mạch, không mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp

x

 

Câu 5 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Thực hiện đề bài sau:

Đề bài: Tình huống: Hưởng ứng Tháng Thanh niên, Đoàn trường phát động cuộc thi viết với chủ đề “Tuổi trẻ cần...”.

Nhiệm vụ: Chọn từ ngữ thích hợp điền vào cụm từ “Tuổi trẻ cần...” để tạo thành một phương châm sống phù hợp với người trẻ. Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của bạn về phương châm đó.

Yêu cầu:

- Hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng rõ ràng, thuyết phục.

- Bài viết có trao đổi với ý kiến trái chiều.

- Mở bài và kết thúc ấn tượng.

Trả lời:

Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Thanh xuân là quãng thời gian đẹp đẽ nhưng lại ngắn ngủ vô cùng của đời người. Để chặng đường ấy trở nên thực sự ý nghĩa, ta phải sống hết mình. Chính vì vậy, nhằm hưởng ứng Tháng Thanh niên, Đoàn trường phát động cuộc thi viết với chủ đề: “Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách”.

"Bản lĩnh" là có ý chí, quyết tâm, dám làm, dám suy nghĩ. Sống bản lĩnh chính là dám thể hiện khả năng, sở thích của mình, luôn tự tin trong cuộc sống. Bản lĩnh còn được định nghĩa theo nhiều quan điểm của nhiều người. Trong cuộc sống, bản lĩnh tạo nên những nét riêng của mỗi người và người sống có bản lĩnh luôn dám đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống. Điều này rất quan trọng đối với giới trẻ hiện nay khi sống trong thời buổi này.

Sống có bản lĩnh giúp ta đi đúng đường, đúng hướng đi. Nó như một hành trang tốt khi chúng ta bước ra cuộc đời. Một hướng đi tốt để ta chọn đúng đường tránh được những nguy hiểm, hành trang tốt để ta có đầy đủ những dụng cụ cần thiết để chuẩn bị bước tiếp mà không gặp phải khó khăn, thiếu hụt. Sống bản lĩnh đem lại cho ta nhiều trải nghiệm hay và hiểu biết rõ trong cuộc đời. Khi sống có bản lĩnh ta không chỉ nhận ra những điều quý giá đó mà còn được nhiều người xung quanh yêu mến, quan tâm. Xung quanh ta có rất nhiều những tấm gương tốt, những con người sống có bản lĩnh như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Luyện, là một trong những nòng cốt của đội bóng đá nữ Việt Nam đã giúp đội tuyển giành được huy chương vàng Seagame 29. Bố mất sớm, đang tham gia thi đấu thì được tin mẹ mất, thế nhưng chị vẫn vững vàng tinh thần, cống hiến hết mình vì sự nghiệp thể thao của cả nước. Thật là một tấm gương trẻ đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt thì vẫn còn tồn tại những điểm xấu, những khuyết điểm. Có những người sống thiếu bản lĩnh. Cuộc sống của họ không được kiên định, sống không có định hướng trong tương lại, thiếu đi mục đích cá nhân, cuộc sống khiến họ cảm thấy cuộc đời nhàm chán và buồn tẻ. Thiếu đi bản lĩnh thì thật sự là một sai lầm. Khi gặp khó khăn thì bỏ cuộc, gặp ngại vật thì bỏ qua bởi vậy họ mới không nhận ra được sau những tảng đá cao nhất lại là một đồi hoa. Dễ dàng sa vào những điều tồi tệ, cuộc sống dễ dàng thay đổi, biến chất. Tuổi trẻ mà không có bản lĩnh hay bồng bột, suy nghĩ không chu đáo, kĩ càng không bao giờ có thể thành công được.

Khi là một học sinh, chúng ta phải biết loại bỏ những điểm sai, những tấm gương xấu. Biết sống có bản lĩnh để dễ dàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách, vượt qua được những rào cản để bước tới một tương lai tươi sáng. Khi gặp những tấm gương xấu, biết rút ra cho mình những bài học và nên tránh xa những hành vi thói hư, tật xấu để trở thành những tấm gương, con người tốt, có ích cho xã hội, đất nước phát triển sau này.

Bản lĩnh là không phải là một tố chất có sẵn mà nó còn phải có thời gian kiên trì, nỗ lực rèn luyện bản thân. Sống có bản lĩnh luôn đạt được nhiều điều hay trong cuộc sống, hãy trở thành người có bản lĩnh để có thể tận hưởng cuộc sống một cách tích cực nhất.

IV. Nói và nghe trang 27

Câu 1 trang 27 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vẽ sơ đồ tóm tắt quy trình thực hiện bài nói trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội

Trả lời:

- Sơ đồ tư duy:

Vẽ sơ đồ tóm tắt quy trình thực hiện bài nói trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội

Câu 2 trang 27 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Ghi lại một số kinh nghiệm trao đổi với các ý kiến trái chiều bằng cách hoàn thành sơ đồ sau:

Ghi lại một số kinh nghiệm trao đổi với các ý kiến trái chiều bằng cách hoàn thành sơ đồ sau

Trả lời:

- Khi trao đổi với các ý kiến trái chiều, ta nên:

+ Lắng nghe quan điểm của người khác để tham khảo ý kiến.

+ Nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, không chỉ nhìn theo một hướng để phán xét vấn đề.

+ Phân tích mặt lợi, hại của vấn đề.

- Khi trao đổi với các ý kiến trái chiều, ta cần tránh:

+ Bảo thủ, khăng khăng với quan điểm của bản thân, không quan tâm đúng sai.

+ Chỉ lắng nghe ý kiến người khác mà không suy nghĩ kĩ vấn đề.

Câu 3 trang 27 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Thực hiện đề bài sau:

Đề bài: Tình huống: Trong buổi sinh hoạt đầu tuần, giáo viên chủ nhiệm tổ chức buổi thảo luận về chủ đề: “Bình đẳng giới và sự phát triển bền vững”.

Nhiệm vụ: Bạn hãy chọn một vấn đề về bình đẳng giới mà bạn quan tâm và thực hiện bài trình bày trong buổi thảo luận.

Yêu cầu:

- Hệ thống luận điểm rõ ràng, thuyết phục.

Đưa ra được những lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, mạch lạc để làm rõ luận điểm.

Nêu và phân tích, đánh giá, trao đổi về các ý kiến trái chiều.

Trả lời:

Bình đẳng giới là một vấn đề không quá mới lạ thế nhưng đã tồn tại và gây nên nhiều tranh cãi trên phạm vi toàn thế giới đã từ rất lâu. Quan niệm về bình đẳng giới đã thấm sâu vào tư tưởng của từng dân tộc và mỗi nơi lại có một tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay bình đẳng giới đã từng ngày thể hiện được vai trò của mình và thay đổi cách nhìn của toàn thế giới.

Bình đẳng giới là sự công bằng trong cách đối xử giữa nam và nữ, họ đều có vai trò ngang nhau; được tạo điều kiện và cơ hội học tập rèn luyện và phát triển năng lực như nhau; có quyền như nhau trong hưởng thụ những thành quả kinh tế, văn hóa, xã hội; có trách nhiệm và quyền lợi như nhau…Đó là một sự tiến bộ về nhận thức của xã hội. Sự tiến bộ ấy là hoàn toàn tích cực khi mà bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là mang đến sự công bằng cho nữ giới mà còn thay đổi cả một hệ tư tưởng về quyền con người. Xưa kia khi bình đẳng giới vẫn còn là một điều hoàn toàn xa lạ, nữ giới luôn bị coi thường và bị coi là không bằng nam giới về mọi mặt. Những người phụ nữ thời xưa thường không được đi học, họ phải ở nhà làm việc nhà và thậm chí còn có những người bị đánh đập, hành hạ, mua bán rẻ mạt và mất hết quyền công dân. Mặc dù họ có giỏi đến cỡ nào cũng vẫn bị xem thường chứ không được trọng dụng. Trọng nam khinh nữ là câu nói thể hiện rõ nhất sự bất bình đẳng giới khi xưa. Từ đó tạo nên một hệ tư tưởng phong kiến rằng phụ nữ chỉ là những người quán xuyến những việc nhỏ, những việc không cần đến sức lực chứ không hề có tài và khả năng làm việc lớn. Thế nhưng hiện nay, bình đẳng giới đã xóa tan đi hủ tục đó. Thành quả và công sức của người phụ nữ được trọng dụng, thậm chí là hơn cả nam giới trong nhiều trường hợp. Có thể chúng ta đã biết nhưng thủ tướng tài ba, những vĩ nhân nổi tiếng thế giới là phụ nữ. Hay như chính trong những trang sử hào hùng của người Việt, có biết bao người phụ nữ từ Hai Bà Trưng đến Võ Thị Sáu, họ đều là nữ giới nhưng biết bao con người trên thế giới này phải nhìn lên ngưỡng mộ và khâm phục họ.

Bình đẳng giới mang lại cho xã hội những ý nghĩa rất lớn. Đầu tiên phải kể đến là tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ xưa nay đã bị xóa bỏ. Ngày nay rất nhiều bậc cha mẹ tư tưởng hiện đại đã không còn mang tư tưởng bắt buộc phải có con trai nữa. Có nhiều gia đình vẫn rất hạnh phúc khi có con gái, mong có con gái hoặc thậm chí là không sinh con. Tư tưởng sinh con nối dõi đã dần bị đẩy lùi bởi nó mang tác động tiêu cực. Bình đẳng giới đã mang lại một cái nhìn mới, góp phần nâng cao vai trò cũng như sự đóng góp của nữ giới trong sự phát triển kinh tế xã hội đồng thời trong việc chăm sóc gia đình. Giỏi việc nước, đảm việc nhà chính là tiêu chí của một người phụ nữ hiện đại. Và từ đó, nhờ có bình đẳng giới mà đất nước phát triển và xã hội văn minh hơn. Ngày nay có bao nhiêu phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực kinh tế,chính trị… thậm chí là đảm đương những vai trò, trọng trách quan trọng hơn nam giới trong những vị trí mà trước kia chỉ có nam giới đảm nhiệm.

Tuy nhiên bình đẳng giới cũng có một số mặt trái cần phải sửa đổi. Có nhiều gia đình tan vỡ nguyên nhân vì người làm vợ, làm mẹ không hoàn thành trách nhiệm trong gia đình mà quá chú tâm vào công việc, hoặc lạm dụng đặc thù công việc để đẩy trách nhiệm sang cho người chồng, gây mất hạnh phúc gia đình. Bình đẳng giới góp một phần quan trọng cho sự xuất hiện một hiện tượng đó là mất cân bằng giới tính khi ngày càng nhiều số lượng bà mẹ đơn thân vì họ nghĩ rằng bản thân mình có thể đảm đương tất cả các công việc trong và ngoài gia đình. Và hiện tại, tuy bình đẳng giới đã được phổ biến rộng rãi thế nhưng vẫn tồn tại nhiều hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng như mua bán phụ nữ trái phép, nam giới lợi dụng bình đẳng giới để bóc lột sức lao động của nữ giới. Tất cả những mặt trái trên đều phải được giải quyết triệt để thì bình đẳng giới mới phát huy được hết vai trò của mình.

Bình đẳng giới là một quan điểm cực kì tiến bộ, là điều cần thiết trong xã hội hiện đại. Chúng ta cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mỗi cá nhân nói chung và toàn xã hội nói riêng trong việc xây dựng một xã hội bình đẳng giới. Để làm được việc đó trước hết ta phải có cách nhìn nhận đúng đắn về nó, sau đó lên tiếng ủng hộ và thực hiện những biện pháp tuyên truyền giáo dục để phổ biến hơn nữa bình đẳng giới trong nhân dân. Hãy là một công dân công bằng và đi theo những điều tích cực của bình đẳng giới để xã hội ngày càng phát triển lớn mạnh.

(Sưu tầm)

Xem thêm lời giải bài tập SBT Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 1: Thông điệp từ thiên nhiên

Bài 3: Khát khao đoàn tụ

Bài 4: Nét đẹp văn hóa và cảnh quan

Bài 5: Băn khoăn tìm lẽ sống

Bài 6: Sống với biển rừng bao la (Truyện ngắn)

Đánh giá

0

0 đánh giá