GDCD 8 (Chân trời sáng tạo) Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân | Giáo dục công dân 8

403

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải GDCD 8 (Chân trời sáng tạo) Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân | Giáo dục công dân 8 hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 8 Bài 10 từ đó học tốt môn Giáo dục công dân lớp 8.

GDCD 8 (Chân trời sáng tạo) Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân | Giáo dục công dân 8

Mở đầu

Mở đầu trang 64 Bài 10 GDCD 8: Em hãy đọc và rút ra ý nghĩa của câu ca dao về lao động.

“Muốn no thì phải chăm làm,

Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”.

Trả lời:

- Câu ca dao “Muốn no thì phải chăm làm/ Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”, muốn khuyên con người nên chăm chỉ lao động; chỉ khi lao động, chúng ta mới tạo ra được sản phẩm vật chất để nuôi sống bản thân và gia đình.
1. Em hãy quan sát các hình ảnh sau và trả lời câu hỏi

Khám phá trang 65 GDCD 8: Theo em, lao động có vai trò như thế nào đối với đời sống con người?

Theo em, lao động có vai trò như thế nào đối với đời sống con người (ảnh 1)

Trả lời:

- Vai trò của lao động:

+ Lao động là hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của con người,

+ Lao động là nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội.

2. Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và thực hiện yêu cầu

Khám phá trang 68 GDCD 8: Em hãy nêu những quyền và nghĩa vụ khác về lao động của công dân.

Trả lời:

Những quyền và nghĩa vụ khác về lao động của công dân

- Quyền:

+ Mọi công dân có quyền tự do sử dụng sức lao động của mình để lựa chọn việc làm, nơi làm việc; lựa chọn nghề nghiệp có ích cho xã hội nhằm đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình.

+ Mọi công dân có quyền nâng cao trình độ, được hưởng các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi, chế độ bảo hiểm, có quyền từ chối các công việc có nguy cơ đe đoạ đến sức khoẻ, tỉnh mạng.

- Nghĩa vụ: Mỗi công dân có nghĩa vụ lao động để tự nuôi sống bản thân mình, gia đình và góp phần duy trì, phát triển xã hội.

Khám phá trang 68 GDCD 8: Em hãy cho biết, anh M có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật không.

Trả lời:

- Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định:

+ Người lao động có quyền: không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động tại nơi làm việc và có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Người sử dụng lao động có nghĩa vụ: tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động.

- Trong trường hợp 1. Anh M thường xuyên bị người sử dụng lao động ngược đãi, nhục mạ, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Nên anh M có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Khám phá trang 68 GDCD 8: Em hãy cho biết chú T quyết định từ chối anh Q vào làm việc có phù hợp theo quy định của pháp luật không.

Trả lời:

- Điểm c) khoản 2 điều 147 của Bộ luật lao động năm 2019 quy định: cấm sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm việc trong cơ sở giết mổ gia súc.

- Trong trường hợp 2, do anh Q mới 17 tuổi, nên việc chú T từ chối anh Q vào làm việc là phù hợp theo quy định của pháp luật.

3. Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và thực hiện yêu cầu

Khám phá trang 69 GDCD 8: Em hãy nêu những quyền và nghĩa vụ cơ bản khác của người lao động khi hợp đồng lao động.

Trả lời:

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động

- Quyền của người lao động:

+ Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

+ Hưởng lương phù hợp với trình độ, kĩ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể.

+ Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ trong quá trình thực hiện công việc.

+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. e) Đình công.

- Nghĩa vụ lao động của người lao động:

+ Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận hợp pháp khác.

+ Chấp hành kỉ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lí, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

+ Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Khám phá trang 69 GDCD 8: Em hãy cho biết chị B có quyền được giao kết nhiều hợp đồng lao động với người sử dụng lao động không.

Trả lời:

- Khoản 1, Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

- Trong trường hợp trên, chị B có thể kí hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng chị cần đảm bảo thực hiện tốt những điều khoản đá kí kết trong hợp đồng.

4. Em hãy đọc các tình huống sau và trả lời câu hỏi

Khám phá trang 70 GDCD 8: Em hãy cho biết hành vi của ông A có vi phạm pháp luật lao động về việc sử dụng lao động chưa thành niên không. Vì sao?

Em hãy cho biết hành vi của ông A có vi phạm pháp luật lao động về việc sử dụng lao động (ảnh 1)

Trả lời:

Hành vi của ông A đã vi phạm quy định pháp luật về việc sử dụng lao động chưa thành niên. Vì: Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019:

+ Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động (trong tình huống trên, ông A đã không kí kết hợp đồng với các nhân viên).

+ Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần (khoản 2 điều 146). Trong khí đó, ông A lại yêu cầu các lao động phải làm việc từ 10 - 14 tiếng/ ngày.

+ Nghiêm cấm sử dụng người lao động đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm công việc: mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên.

Khám phá trang 70 GDCD 8: Em sẽ tư vấn cho Trần Văn T như thế nào để có thể tham gia lao động đúng luật?

Em hãy cho biết hành vi của ông A có vi phạm pháp luật lao động về việc sử dụng lao động (ảnh 1)

Trả lời:

Em sẽ tư vấn cho Trần Văn T:

+ Giải thích cho ông A hiểu rõ các quy định của bộ luật Lao động năm 2019 về sử dụng lao động chưa thành niên. Từ đó, yêu cầu ông A thực hiện đúng các quy định của pháp luật, như: giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; không bắt ép người lao động làm quá số giờ quy định và mang vác nặng.

+ Nếu ông A không thực hiện đúng quy định của pháp luật, bạn T nên: từ chối làm việc; bí mật thu thập chứng cứ vi phạm của ông A và gửi khiếu nại đến cơ quan chức năng.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 71 GDCD 8: Em đồng tình hay không đồng tình với các ý kiến dưới đây? Vì sao?

a) Lao động có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của cá nhân.

b) Người lao động bị hạn chế chọn việc làm và nơi làm việc.

c) Người sử dụng lao động phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động.

d) Người lao động chưa thành niên được làm các công việc khác nhau và nơi làm việc khác nhau.

e) Học sinh nên tích cực tham gia lao động ở gia đình, trường, lớp và cộng đồng.

Trả lời:

- Ý kiến a) Đồng ý. Lao động là hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của con người; là nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội.

- Ý kiến b) Không đồng ý. Vì: pháp luật Việt Nam quy định, người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp,…

- Ý kiến c) Đồng ý. Điểm a) khoản 2 điều 6 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: người sử dụng lao động có nghĩa vụ: tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động.

- Ý kiến d) Không đồng ý. Vì: lao động chưa thành niên chỉ được làm một số công việc trong danh mục cho phép của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Đồng thời, điều 147 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nghiêm cấm sử dụng lao động chưa thành niên làm một số công việc và cơ sở làm việc.

- Ý kiến e) Đồng ý. Vì: lao động là quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, trong đó có học sinh.

Luyện tập 2 trang 71 GDCD 8: Em hãy đọc nội dung sau để xây dựng và thực hiện bài thuyết trình trước lớp về vị trí, tầm quan trọng của lao động trong cuộc sống

Em hãy đọc nội dung sau để xây dựng và thực hiện bài thuyết trình trước lớp về vị trí (ảnh 1)

Trả lời:

(*) Bài thuyết trình tham khảo

  Con người chúng ta trải qua quá trình tiến hóa hàng nghìn năm lịch sử với sự lao động cần cù, miệt mài, chăm chỉ của bao thế hệ. Có thể thấy, lao động đã, đang và sẽ luôn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống con người.

  Lao động là việc con người làm việc, hoạt động tạo ra của cải, vật chất để nuôi sống bản thân và tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng bàn tay, khối óc của mình thông qua nghề nghiệp. Lao động có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với mỗi con người. Lao động chính là thước đo khẳng định giá trị của mỗi con người. Lao động là cơ sở đầu tiên để loài người tồn tại, phát triển, tiến bộ. Khi con người lao động trong sáng tạo, có nghĩa là họ được khẳng định giá trị tồn tại của bản thân, đóng góp cho xã hội.

  Lao động làm nên cơ sở vật chất, tinh thần, là điều kiện quyết định để thực hiện ước mơ của con người. Lao động đem lại niềm vui, khơi dậy những sáng tạo. Nếu con người biết phát huy năng lực, sự sáng tạo, sẽ có được niềm vui thực sự. Bên cạnh đó, lao động còn giúp cho con người óc tư duy, khả năng phán đoán, hoàn thiện và phát triển, thúc đẩy cuộc sống, xã hội phát triển.

  Lao động giúp con người làm chủ bản thân, thực hiện trách nhiệm, bổn phận với gia đình, xã hội. Nếu xã hội không có lao động, con người sẽ mãi dậm chân tại chỗ, không có của cải để cống hiến cho xã hội, thậm chí là không có của cải để nuôi sống bản thân dẫn đến sự suy vong của giống loài.

  Một thực trạng đáng buồn là trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có thái độ lười biếng lao động, ỷ lại, không sáng tạo, không phát huy hết năng lực cần có của bản thân, quen dựa dẫm vào người khác, không có ý chí vươn lên. Những người này sẽ khó có được cuộc sống tốt đẹp và tiến bộ.

  Cuộc sống rất ngắn ngủi, hãy biết ơn những ngày ta được sống, được khỏe mạnh, từ đó cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa, lao động nhiều hơn nữa để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Luyện tập 3 trang 72 GDCD 8: Em hãy đọc trường hợp sau và trả lời câu hỏi

Trường hợp. Chị H kí hợp đồng làm công nhân khai thác đá ở một tỉnh miền núi, dù biết đây là công việc nặng nhọc với phụ nữ. Khi đến công trường khai thác đá, nhận thấy công việc không đúng như khi giao kết hợp đồng, địa điểm làm việc không đảm bảo điều kiện làm việc, thậm chí còn có thể nguy hiểm đến tính mạng và sức khoẻ nên chị H đã từ chối làm việc. Chủ doanh nghiệp khai thác đá nói chị đã tự nguyện kí hợp đồng do vậy, chị phải làm, không được từ chối công việc.

Câu hỏi:

- Theo em, chủ doanh nghiệp trong trường hợp này có đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sử dụng lao động không?

- Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, chị H có quyền từ chối làm việc không? Vì sao?

Trả lời:

- Chủ doanh nghiệp đã vi phạm quy định của pháp luật vì: có hành vi đe dọa, cưỡng ép chị H phải lao động trong môi trường nguy hiểm (đe dọa đến sức khỏe và tính mạng).

- Chị H có quyền từ chối làm việc, vì: Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

+ Người lao động có quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc (điểm d) khoản 1 điều 5)

+ Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (điểm đ), khoản 1 điều 5)

Luyện tập 4 trang 72 GDCD 8: Theo em, trong các trường hợp dưới đây, đâu là nghĩa vụ của người lao động? Vì sao?

a. Anh A thực hiện hợp đồng lao động và thoả ước lao động với Công ti M.

b. Chị B là nhân viên văn phòng tại Công ti D, chị luôn chấp hành kỉ luật lao động tại cơ quan.

c. Chị K tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

d. Chú T tham gia thành lập tổ chức đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

e. Giám đốc Công ti X kí quyết định khen thưởng đối với chị H vì có nhiều thành tích trong lao động.

Trả lời:

- Các trường hợp là nghĩa vụ của người lao động:

+ Trường hợp a)

+ Trường hợp b)

+ Trường hợp c)

- Vì: căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 5 của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có các nghĩa vụ sau:

+ Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận hợp pháp khác.

+ Chấp hành kỉ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lí, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

+ Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Luyện tập 5 trang 72 GDCD 8: Em hãy cho biết hành vi nào vi phạm pháp luật lao động trong các trường hợp sau. Vì sao?

a) Thuê trẻ em 14 tuổi làm thợ may công nghiệp.

b) Không sử dụng, trang bị bảo hộ lao động khi làm việc.

c) Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động.

d) Nghỉ việc dài ngày không có lí do.

e) Không trả đủ tiền công theo thoả thuận.

g) Tự ý đuổi việc người lao động khi chưa hết hạn hợp đồng.

Trả lời:

- Các hành vi vi phạm pháp luật lao động:

+ Trường hợp a) Thuê trẻ em 14 tuổi làm thợ may công nghiệp => Vì: chỉ được sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi trong các công việc nhẹ (khoản 2 điều 143 bộ luật lao động).

+ Trường hợp b) Không sử dụng, trang bị bảo hộ lao động khi làm việc => Vì: người lao động có nghĩa vụ: chấp hành kỉ luật lao động, nội quy lao động (khoản 2 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019)

+ Trường hợp d) Nghỉ việc dài ngày không có lí do => Vì: người lao động có nghĩa vụ: chấp hành kỉ luật lao động, nội quy lao động (khoản 2 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019)

+ Trường hợp e) Không trả đủ tiền công theo thoả thuận => Vì: người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể đã kí kết (khoản 2 điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019).

+ Trường hợp g) Tự ý đuổi việc người lao động khi chưa hết hạn hợp đồng => Vì: người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể đã kí kết (khoản 2 điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019).

Luyện tập 6 trang 73 GDCD 8: Em hãy đọc trường hợp sau và trả lời câu hỏi

Trường hợp. Hướng tới kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, Trường Trung học cơ sở M tổ chức hoạt động dọn dẹp, vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ xã K. Đây là một trong những hoạt động thường niên của nhà trường tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm lao động ở trường, lớp và cộng đồng nhằm thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với các liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Hoạt động này đã thu hút được nhiều học sinh tham gia với thái độ tích cực, chủ động.

Câu hỏi:

- Nếu là học sinh Trường Trung học cơ sở M, em sẽ chủ động tham gia hoạt động này như thế nào? Vì sao?

- Vì sao học sinh Trường Trung học cơ sở M lại tích cực, tham gia hoạt động lao động cộng đồng của nhà trường?

Trả lời:

- Nếu là học sinh Trường Trung học cơ sở M, em sẽ:

+ Tích cực, hăng hái tham gia hoạt động dọn dẹp, vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ

+ Vận động người thân, bạn bè cùng tham gia dọn dẹp, vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ.

+ Nhắc nhở, góp ý với những bạn có thái độ trốn tránh, thiếu tích cực khi tham gia hoạt động do nhà trường tổ chức.

- Học sinh Trường Trung học cơ sở M lại tích cực, tham gia hoạt động lao động cộng đồng của nhà trường, vì:

+ Hoạt động dọn dẹp, vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ do nhà trường phát động đã tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm lao động ở trường, lớp và cộng đồng.

+ Mặt khác, hoạt động này cũng thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với các liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Luyện tập 7 trang 73 GDCD 8: Em hãy lập một hợp đồng lao động có nội dung đơn giản theo quy định của pháp luật.

Trả lời:

(*) Tham khảo:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

… ,ngày … tháng … năm ...

HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Số: … /HĐLĐ

Hôm nay, ngày … tháng … năm … Tại …

BÊN A:

Đại diện Ông/Bà: Chức vụ:

Địa chỉ: Điện thoại:

Mã số thuế: Số tài khoản:

BÊN B:

Ông/Bà: Sinh năm:

Quốc tịch: Nghề nghiệp:

Địa chỉ thường trú: Số CMTND:

Số sổ lao động (nếu có):

Cùng thỏa thuận ký kết Hợp đồng lao động(HĐLĐ) và cam kết làm đúng những điều khoản sau đây:

Điều 1:Điều khoản chung

1. Loại HĐLĐ: ……………………

2. Thời hạn HĐLĐ … tháng

3. Thời điểm từ: ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm …

4. Địa điểm làm việc: ……………

5. Bộ phận công tác: Phòng … Chức danh chuyên môn (vị trí công tác): …

6. Nhiệm vụ công việc như sau:

- Thực hiện công việc theo đúng chức danh chuyên môn của mình dưới sự quản lý, điều hành của Ban Giám đốc (và các cá nhân được bổ nhiệm hoặc ủy quyền phụ trách).

- Phối hợp cùng với các bộ phận, phòng ban khác trong Công ty để phát huy tối đa hiệu quả công việc.

- Hoàn thành những công việc khác tùy thuộc theo yêu cầu kinh doanh của Công ty và theo quyết định của Ban Giám đốc (và các cá nhân được bổ nhiệm hoặc ủy quyền phụ trách).

Điều 2: Chế độ làm việc

1. Thời gian làm việc: ……………………

2. Từ ngày thứ 2 đến sáng ngày thứ 7:

- Buổi sáng : 8h00 - 12h00

- Buổi chiều: 13h30 - 17h30

- Sáng ngày thứ 7: Làm việc từ 08h00 đến 12h00

3. Do tính chất công việc, nhu cầu kinh doanh hay nhu cầu của tổ chức/bộ phận, Công ty có thể cho áp dụng thời gian làm việc linh hoạt. Những nhân viên được áp dụng thời gian làm việc linh hoạt có thể không tuân thủ lịch làm việc cố định bình thường mà làm theo ca kíp, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ số giờ làm việc theo quy định.

4. Thiết bị và công cụ làm việc sẽ được Công ty cấp phát tùy theo nhu cầu của công việc.

Điều kiện an toàn và vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3:Nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động

3.1 Nghĩa vụ

a) Thực hiện công việc với sự tận tâm, tận lực và mẫn cán, đảm bảo hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất theo sự phân công, điều hành (bằng văn bản hoặc bằng miệng) của Ban Giám đốc trong Công ty (và các cá nhân được Ban Giám đốc bổ nhiệm hoặc ủy quyền phụ trách).

b) Hoàn thành công việc được giao và sẵn sàng chấp nhận mọi sự điều động khi có yêu cầu.

c) Nắm rõ và chấp hành nghiêm túc kỷ luật lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, PCCC, văn hóa công ty, nội quy lao động và các chủ trương, chính sách của Công ty.

d) Bồi thường vi phạm và vật chất theo quy chế, nội quy của Công ty và pháp luật Nhà nước quy định.

e) Tham dự đầy đủ, nhiệt tình các buổi huấn luyện, đào tạo, hội thảo do Bộ phận hoặc Công ty tổ chức.

f) Thực hiện đúng cam kết trong HĐLĐ và các thỏa thuận bằng văn bản khác với Công ty.

g) Đóng các loại bảo hiểm, các khoản thuế.... đầy đủ theo quy định của pháp luật.

h) Chế độ đào tạo: Theo quy định của Công ty và yêu cầu công việc. Trong trường hợp CBNV được cử đi đào tạo thì nhân viên phải hoàn thành khoá học đúng thời hạn, phải cam kết sẽ phục vụ lâu dài cho Công ty sau khi kết thúc khoá học và được hưởng nguyên lương, các quyền lợi khác được hưởng như người đi làm.

i) Nếu sau khi kết thúc khóa đào tạo mà nhân viên không tiếp tục hợp tác với Công ty thì nhân viên phải hoàn trả lại 100% phí đào tạo và các khoản chế độ đã được nhận trong thời gian đào tạo.

3.2 Quyền lợi

a) Tiền lương và phụ cấp:

- Mức lương chính: …. VNĐ/tháng.

- Phụ cấp trách nhiệm: ..... VNĐ/tháng

- Phụ cấp hiệu suất công việc: Theo đánh giá của quản lý.

- Lương hiệu quả: Theo quy định của phòng ban, công ty.

- Công tác phí: Tùy từng vị trí, người lao động được hưởng theo quy định của công ty.

- Hình thức trả lương: Lương thời gian.

b) Các quyền lợi khác:

- Khen thưởng: Người lao động được khuyến khích bằng vật chất và tinh thần khi có thành tích trong công tác hoặc theo quy định của công ty.

- Chế độ nâng lương: Theo quy định của Nhà nước và quy chế tiền lương của Công ty. Người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không vi phạm kỷ luật và/hoặc không trong thời gian xử lý kỷ luật lao động và đủ điều kiện về thời gian theo quy chế lương thì được xét nâng lương.

- Chế độ nghỉ: Theo quy định chung của Nhà nước

+ Nghỉ hàng tuần: 1,5 ngày (Chiều Thứ 7 và ngày Chủ nhật).

+ Nghỉ hàng năm: Những nhân viên được ký Hợp đồng chính thức và có thâm niên công tác 12 tháng thì sẽ được nghỉ phép năm có hưởng lương (01 ngày phép/01 tháng, 12 ngày phép/01 năm). Nhân viên có thâm niên làm việc dưới 12 tháng thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc.

+ Nghỉ ngày Lễ: Các ngày nghỉ Lễ pháp định. Các ngày nghỉ lễ nếu trùng với ngày Chủ nhật thì sẽ được nghỉ bù vào ngày trước hoặc ngày kế tiếp tùy theo tình hình cụ thể mà Ban lãnh đạo Công ty sẽ chỉ đạo trực tiếp.

- Chế độ Bảo hiểm xã hội theo quy định của nhà nước. (5)

- Các chế độ được hưởng: Người lao động được hưởng các chế độ ngừng việc, trợ cấp thôi việc hoặc bồi thường theo quy định của Pháp luật hiện hành.

- Thỏa thuận khác: Công ty được quyền chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn đối với Người lao động có kết quả đánh giá hiệu suất công việc dưới mức quy định trong 03 tháng liên tục.

Điều 4: Nghĩa vụ và quyền hạn của người sử dụng lao động

4.1 Nghĩa vụ

a) Thực hiện đầy đủ những điều kiện cần thiết đã cam kết trong Hợp đồng lao động để người lao động đạt hiệu quả công việc cao. Bảo đảm việc làm cho người lao động theo Hợp đồng đã ký.

b) Thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chế độ và quyền lợi cho người lao động theo Hợp đồng lao động.

4.2 Quyền hạn

a) Điều hành người lao động hoàn thành công việc theo Hợp đồng (bố trí, điều chuyển công việc cho người lao động theo đúng chức năng chuyên môn).

b) Có quyền chuyển tạm thời lao động, ngừng việc, thay đổi, tạm thời chấm dứt Hợp đồng lao động và áp dụng các biện pháp kỷ luật theo quy định của Pháp luật hiện hành và theo nội quy của Công ty trong thời gian hợp đồng còn giá trị.

c) Tạm hoãn, chấm dứt Hợp đồng, kỷ luật người lao động theo đúng quy định của Pháp luật, và nội quy lao động của Công ty.

d) Có quyền đòi bồi thường, khiếu nại với cơ quan liên đới để bảo vệ quyền lợi của mình nếu người lao động vi phạm Pháp luật hay các điều khoản của hợp đồng này.

Điều 5: Đơn phương chấm dứt hợp đồng:

5.1 Người sử dụng lao động

a) Theo quy định tại điều 38 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

b) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.

c) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại điều 85 của Bộ luật Lao động.

d) Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 06 tháng liền và người lao động làm theo hợp đồng lao động dưới 01 năm ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động.

e) Do thiên tai, hỏa hoạn, hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.

f) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.

g) Người lao động vi phạm kỷ luật mức sa thải.

i) Người lao động có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và lợi ích của Công ty.

k) Người lao động đang thi hành kỷ luật mức chuyển công tác mà tái phạm.

l) Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày/1 tháng và 20 ngày/1 năm.

m) Người lao động vi phạm Pháp luật Nhà nước.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày chấm dứt Hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì các khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động được thanh toán theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp.

5.2 Người lao động

a) Khi người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn phải tuân thủ theo điều 37 Bộ luật Lao động và phải dựa trên các căn cứ sau:

b) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng.

c) Không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.

d) Bị ngược đãi, bị cưỡng bức lao động.

e) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

f) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy Nhà nước.

g) Người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của thầy thuốc.

h) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 03 tháng liền mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

i) Ngoài những căn cứ trên, người lao động còn phải đảm bảo thời hạn báo trước như sau:

- Đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g: ít nhất 03 ngày;

- Đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ: ít nhất 30 ngày;

- Đối với trường hợp quy định tại điểm e: theo thời hạn quy định tại Điều 112 của BLLĐ

- Đối với các lý do khác, người lao động phải đảm bảo thông báo trước

+ Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

+ Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 - 03 năm.

+ Ít nhất 03 ngày đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 01 năm.

k) Ngoài những căn cứ trên, người lao động còn phải đảm bảo thời hạn báo trước theo quy định. Người lao động có ý định thôi việc vì các lý do khác thì phải thông báo bằng văn bản cho đại diện của Công ty là Phòng Hành chính Nhân sự biết trước ít nhất là 15 ngày.

Điều 6: Những thỏa thuận khác

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu một bên có nhu cầu thay đổi nội dung trong hợp đồng phải báo cho bên kia trước ít nhất 03 ngày và ký kết bản Phụ lục hợp đồng theo quy định của Pháp luật. Trong thời gian tiến hành thỏa thuận hai bên vẫn tuân theo hợp đồng lao động đã ký kết.

Người lao động đọc kỹ, hiểu rõ và cam kết thực hiện các điều khoản và quy định ghi tại Hợp đồng lao động.

Điều 7:Điều khoản thi hành

Những vấn đề về lao động không ghi trong Hợp đồng lao động này thì áp dụng theo quy định của Thỏa ước tập thể, nội quy lao động và Pháp luật lao động.

Khi hai bên ký kết Phụ lục hợp đồng lao động thì nội dung của Phụ lục hợp đồng lao động cũng có giá trị như các nội dung của bản hợp đồng này.

Hợp đồng này được lập thành 02 (hai) bản có giá trị như nhau, Hành chính nhân sự giữ 01 (một) bản, Người lao động giữ 01 (một) bản và có hiệu lực kể từ ngày … tháng … năm 20...

Hợp đồng được lập tại: ………………………

NGƯỜI LAO ĐỘNG

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

(Ký, ghi rõ họ tên)

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 73 GDCD 8: Hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 100 chữ) thể hiện suy nghĩ của em về vai trò của lao động đối với đời sống con người.

Trả lời:

(*) Đoạn văn tham khảo

  Cuộc sống phát triển tốt đẹp, hiện đại như ngày nay chính là đã trải qua một quá trình dài con người không ngừng nỗ lực làm việc, lao động của các thế hệ trước từ khi dựng nước và giữ nước đến nay. Chính vì thế, ta có thể khẳng định: lao động có vai trò và giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc sống con người.

  Lao động là việc con người làm việc, hoạt động tạo ra của cải, vật chất để nuôi sống bản thân và tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng bàn tay, khối óc của mình thông qua nghề nghiệp. Lao động có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với mỗi con người. Lao động chính là thước đo khẳng định giá trị của mỗi con người. Lao động giúp cho con người rèn luyện và gia tăng tư duy, khả năng phán đoán, hoàn thiện và phát triển, thúc đẩy bản thân mỗi người cũng như cuộc sống và xã hội phát triển. Nếu xã hội không có lao động, con người sẽ mãi dậm chân tại chỗ, không có của cải để nuôi sống bản thân, cống hiến cho xã hội, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Có lao động, con người mới phát huy và hoàn thiện được bản thân, mới tìm được ý nghĩa đích thực và chân chính của cuộc sống.

  Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn có những người lười biếng, chưa nhận thức được tầm quan trọng của lao động cũng như không cố gắng lao động, tạo dựng những giá trị tốt đẹp cho bản thân, cho xã hội... Những người này thật đáng chê trách và cần thay đổi bản thân, tích cực lao động hơn để tạo những giá trị tốt đẹp.

  Là người học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần biết lao động ngay từ hôm nay. Lao động trong khả năng của mình, tuổi nhỏ làm việc nhỏ phụ giúp gia đình, tích cực học tập, trau dồi bản thân để sau trở thành một người công dân lao động trí óc có trình độ cao. Hiểu được vai trò, giá trị to lớn của lao động, mỗi người hãy nỗ lực lao động nhiều hơn, làm việc tận tâm và có trách nhiệm nhiều hơn để không chỉ bản thân mình tiến bộ, có cuộc sống tốt hơn mà đất nước từ đó cũng được phát triển văn minh, thịnh vượng hơn.

Vận dụng 2 trang 73 GDCD 8: Em hãy xây dựng kế hoạch để thực hiện lao động ở gia đình, trường, lớp, cộng đồng nhằm góp phần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ lao động của công dân.

Trả lời:

(*) Học sinh tự thực hiện

Xem thêm các bài giải sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 9: Phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy, nổ và các chất độc hại

Bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam

Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

Bài 3: Lao động cần cù, sáng tạo

Bài 4: Bảo vệ lẽ phải

Đánh giá

0

0 đánh giá