SBT Ngữ văn 8 (Chân trời sáng tạo) Bài 1: Những gương mặt thân yêu

527

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải Giải SBT Ngữ Văn 8 Bài 1: Những gương mặt thân yêu (Chân trời sáng tạo) hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SBT Ngữ văn 8 từ đó học tốt môn Ngữ văn 8.

Giải SBT Ngữ Văn 8 Bài 1: Những gương mặt thân yêu (Chân trời sáng tạo)

I. Đọc (trang 5, 6, 8 SBT Ngữ Văn 8)

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Thơ sáu chữ, bảy chữ là thể thơ như thế nào?

Trả lời:

- Thơ sáu chữ là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ.

- Thơ bảy chữ là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ.

- Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần, ngắt nhịp đa dạng.

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Dựa vào bảng sau em hãy nêu điểm giống và khác nhau giữa thơ sau chữ và thơ bảy chữ:

 

Thơ sáu chữ

Thơ bảy chữ

Giống

Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần, ngắt nhịp đa dạng.

Khác

 

 

 

Trả lời:

 

Thơ sáu chữ

Thơ bảy chữ

Giống

Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần, ngắt nhịp đa dạng.

Khác

Thơ sáu chữ là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ.

Thơ bảy chữ là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ.

 

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Nối khái niệm ở cột A với đặc điểm tương ứng ở cột B:

Nối khái niệm ở cột A với đặc điểm tương ứng ở cột B

Trả lời:

1-b

2-d

3-đ

4-a

5-c

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Vần liền, vần cách nằm trong nhóm vần chân hay vần lưng?

Trả lời:

Vần liền, vần cách nằm trong nhóm vần chân.

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Hãy xác định bố cục của bài thơ Mây và sóng (Ta-go). Từ đó, xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ này.

Trả lời:

- Bố cục: 2 phần

+ Phần 1 (từ đầu đến Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là một bầu trời xanh thẳm): Viết về cuộc trò chuyện của em bé với mây và mẹ.

+ Phần 2 (còn lại): cuộc trò chuyện của em bé với sóng và mẹ.

- Cảm hứng chủ đạo: cảm hứng về mẹ - mẹ đối với con là vô giá là không gì thay thế được.

Câu 6 trang 6 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Trong khổ thơ sau, nhà thơ đã sử dụng loại vần nào? Đầu những hồn thân tự thuở xưa Những hồn quen dài gió dầm mưa Những hỗn chất phác hiện như đất Khoai sẵn tinh quê rất thiệt thà

(Tố Hữu, Nhớ đồng)

Trả lời:

Nhà thơ sử dụng vần chân và vần liền: xưa – mưa

Câu 7 trang 6 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Đọc VB sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

CHÍN CON RỒNG NHỎ BAY LÊN

Trần Quốc Toàn

Ghe ngon vừa nghe trống lệnh

Vẫy gió một trăm khăn hồng

Một trăm mái chèo khuấy nước

Bay lên chín con sông rồng.

Bay lên sông mẹ nghìn giọt

Đi tìm Sóc Trăng đồng chua

Đi tìm Trà Vinh đất khát

Chúng em thay trời làm mưa.

 

Giọt giọt mồ hôi mặn chát.

Đã ngọt trong cơn mưa vui

Mái dầm thiếu nhi thọc lét

Sông cười sóng reo thành lời.

Sáng nay ghe ngo vào hội

Mặt sông Cửu Long sáng ngời

Nhịp xuân tay đua gắng gỏi

Ghe ngo nối đất với trời...

(In trong Bữa tiệc của loài vật, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008)

a. Chọn một trong hai phương án trả lời dưới đây:

Ở khổ 1 và khổ 4, tác giả đã sử dụng vần liền

A. Đúng

B. Sai

b. Cuộc đua ghe ngo được tác giả thể hiện bằng những hình ảnh, màu sắc, âm thanh nào? Chúng góp phần gợi tả không khí của cuộc đua như thế nào?

c. Chỉ ra những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các câu “Bay lên chín con sông rồng / Bay lên sông mẹ nghìn giọt / Nhịp xuân tay đua gắng gọi” và tác dụng của chúng.

d. Xác định bố cục của bài thơ. Bố cục đó có gì đặc biệt?

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ này là gì?

e. Chủ đề của bài thơ là gì? Chủ đề đó được thể hiện thông qua những biện pháp nghệ thuật nào?

Trả lời:

a. Đáp án đúng là B.

b. Hình ảnh: ghe ngo nghe trống lệnh, mái chèo khuấy nước, những giọt nước bay tung; màu hồng của khăn; âm thanh mái chèo khuấy nước... Những hình ảnh, màu sắc, âm thanh này góp phần gợi tả không khi cuộc đua sôi động, đầy màu sắc, âm thanh.

c.

– Những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các câu “Bay lên chín con sông rồng / Bay lên sông mẹ nghìn giọt / Nhịp xuân tay đua gắng gỏi” là:

+ Điệp từ đồng thời nhân hoá Bay lên: hình ảnh kì vĩ của sông nước Cửu Long.

+ Sông cười sóng reo thành lời: nhân hoá;

+ Nhịp xuân: ẩn dụ, so sánh ngầm nhịp chèo như nhịp chèo mạnh mẽ, trẻ trung, cũng có thể hiểu như nhịp điệu đất

trời vào xuân.

=> Tác dụng: mở rộng không gian cuộc thi sang chiều cao, làm cho cuộc đua không là cuộc đua hơn thua mà tăng vẻ thơ mộng, kì vĩ của cuộc đua.

d.

– Bố cục:

+ Khổ 1: tả cảnh đua ghe

+ Khổ 2: mở ra không gian rộng lớn của đất trời, những mái chèo khuấy lên làm bắn tung những giọt nước được ví như con người thay trời làm mưa.

+ Khổ 3: trở lại hình ảnh cảnh chèo ghe; khổ 4: khổ thơ tiếp tục mở ra không gian rộng lớn, nhịp chèo nối đất với trời.

– Nét đặc biệt của bố cục này là sự đan xen giữa những khổ thơ miêu tả cận cảnh hình ảnh chèo ghe và bối cảnh không gian rộng lớn của cuộc đua.

đ. Cảm hứng vui tươi, phấn khởi về sự hoà nhập giữa con người với thiên nhiên.

e.

– Chủ đề bài thơ: Qua hình ảnh không khí vui tươi, nhộn nhịp của cuộc đua ghe ngo, tác giả thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên để có cuộc sống ấm no của người dân.

– Chủ đề này được thể hiện qua các biện pháp nghệ thuật như điệp từ, nhân hóa, ẩn dụ.

Câu 8 trang 8 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Đọc VB sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

VỚI CON

Vũ Quần Phương

 

1. Bồng bồng!

   Bố bồng con trên tay

   Buổi chiều nay, buổi chiều nay

   Khói hàng xóm bay là trên bếp

   Sau trận mưa trời mát hơi may.

 

2. Bố bế con ra ngoài mái hiên

    Sông xa, trời rộng, mắt con nhìn

    Cánh buồm trôi đấy, mây bay đấy!

    Cây giữa vườn cây, cỏ trước thềm.

 

3. Bố bế con ra với phố phường

   Xe chạy người đi như nước tuôn

   Cây xanh, ngói đỏ, con đừng lạ

   Muối mặn, gừng cay, hoa trái thơm.

 

4. Bố bế con ra với cuộc đời

    Con ơi yêu lấy mặt con người

    Tươi như quả chín, hồng như thắp

    Sau nét âu lo, vẫn nét cười.

 

5. Bố nhấc con lên, bố nhấc lên

    Dâng qua vai bố để con nhìn

    Mai sau thành bạn đi cùng bố

    Đường rộng trời ta xa mãi thêm.

(In trong Tác phẩm văn học được giải thưởng nhà nước, Hoa trong cây, Những điều cùng đến, Vết thời gian, NXB Hội Nhà văn, 2014)

a. Theo bước chân người bố bế con, hình ảnh cuộc sống hiện lên như thế nào qua từng khổ thơ, từ khổ 1 đến khổ 4. Điều đó thể hiện nét độc đáo gì của bài thơ?

b. Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì trong khổ 3 và 4?

Nêu ý nghĩa của việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật này.

c. Hình ảnh người bố hiện lên trong bài thơ này như thế nào?

d. Xác định nội dung các khổ thơ. Từ đó chỉ ra nét đặc sắc trong bố cục bài

thơ.

đ. Chủ đề của bài thơ là gì? Những biện pháp nghệ thuật nào đã góp phần thể hiện chủ đề?

e. Hãy viết hoặc vẽ 2 câu thể hiện tưởng tượng của em về người bố hoặc hai bố con trong bài thơ. Sự tưởng tượng này đã giúp gì cho em khi đọc và hiểu nội dung của bài thơ?

Trả lời:

a.

- Theo bước chân người bố bế con, hình ảnh cuộc sống hiện lên qua từng khổ thơ là:

+ Khổ 1, 2: hình ảnh cuộc sống bên ngoài căn nhà: khói bếp nhà hàng xóm, sông xa, trời rộng, cánh buồm, mây bay, cỏ cây;

+ Khổ 3: hình ảnh phố phường: xe chạy, người đi, cây xanh, ngói đỏ, những “hương vị” khác nhau của cuộc sống: muối mặn, gừng cay, hoa trái thơm;

+ Khổ 4: hình ảnh cuộc đời rộng lớn với những gương mặt tươi tắn xen lẫn lo âu.

– Nét độc đáo: người bố từng bước đưa con ra với cuộc đời rộng lớn để từ đó, con trưởng thành.

b.

– Khổ 3: Nghệ thuật ẩn dụng trong cặp câu thơ thứ nhất: “cây xanh, ngôi đỏ”, “muối mặn gừng cay, hoa trái thơm”.

= > Ý nghĩa: cuộc sống muôn màu, muôn vẻ có cay đắng, có ngọt bùi”.

– Khổ 4: Nghệ thuật so sánh trong cặp câu thơ thứ hai: “Tươi như quả chín, hồng như thắp". = > Ý nghĩa: vẻ đẹp, nét hạnh phúc trên gương mặt con người.

c. Hình ảnh người bố trong bài thơ này là hình ảnh một người bố yêu thương, tỉ mỉ hướng dẫn, dạy dỗ con từng chút về cách quan sát (quan sát thiên nhiên, con người), nhận thức cuộc sống (có đắng cay, có ngọt bùi), từng bước đưa con ra cuộc đời rộng lớn, muốn làm bạn của con, đồng hành với con trong suốt cuộc đời, tiếp tục đi đến những vùng đất mới.

d.

- Nội dung các khổ thơ:

+ Khổ 1 – Khổ 4: thể hiện hình ảnh bố bế con, từng bước dạy con về cuộc sống.

+ Khổ 5: Nâng con lên cao, mở rộng tầm mắt cho con, mong muốn cùng con đến những vùng đất mới.

- Nét đặc sắc: hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống mở rộng mãi ra trước mắt con, giúp con trưởng thành, tình yêu của bố dành cho con là vô hạn, mong muốn con mở rộng tầm nhìn, đi đến những chân trời tri thức mới.

đ.

- Chủ đề bài thơ: Niềm yêu thương, mong muốn con biết cách quan sát, nhận thức cuộc sống, trưởng thành qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nghệ thuật.

- Chủ đề đó được thể hiện ẩn dụ, so sánh, cách bố cục bài thơ.

e.

Câu e là câu hỏi mở, HS có thể chọn cách viết hoặc vẽ để thể hiện tưởng tượng của mình về người bố hoặc hai bố con trong bài thơ. Sau khi viết hoặc vẽ xong, HS hãy lí giải về tác dụng của tưởng tượng đối với người đọc khi đọc sách bằng cách trả lời câu hỏi gợi ý sau: Nếu không tưởng tượng, em có thể hình dung được những gì người viết gợi tả trong VB hay không? Vì sao?

II. Tiếng Việt (trang 9, 11 SBT Ngữ Văn 8)

Câu 1 trang 9 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Hoàn thành những thông tin về từ tượng hình và từ tượng thanh bằng cách điền vào bảng sau (làm vào vở):

Nội dung tóm tắt

Đặc điểm

Tác dụng

Ví dụ

Từ tượng hình

 

 

 

Từ tượng thanh

 

 

 

Trả lời:

Nội dung tóm tắt

Đặc điểm

Tác dụng

Ví dụ

Từ tượng hình

Là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của sự vật.

Mang giá trị biểu cảm cao, có tác dụng gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, về một cách sinh động và cụ thể.

Lêu nghêu

Nho nhỏ

Từ tượng thanh

Là từ mô phỏng âm thanh trong thực tế

Mang giá trị biểu cảm cao, có tác dụng gợi tả âm thanh một cách sinh động và cụ thể.

Róc rách

Lao xao

 

Câu 2 trang 9 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Xác định từ tượng hình, tượng thanh trong các trường hợp sau và cho biết tác dụng của chúng:

a. Cho tôi về chái bếp nhà tôi

Ngọn khói cong ngủ rồi chưa dậy

Nồi cám bao năm mẹ đun dở

Chái bếp nằm nghe nằng nặng đêm

(Lý Hữu Lương, Chái bếp)

b. Chái bếp vườn nhà cha gọi tên

Cho cánh nỏ cong hình lưỡi hái

Cho tuổi mình là hoa là trái

Chái bếp thõng mình xình xịch mưa

(Lý Hữu Lương, Chái bếp)

c. Nhưng đêm nay trời nhiều mây. Lá cây xào xạc. Côn trùng trong lòng đất rỉ rả mãi một điệu buồn. Ai như Tắc Kè khuya khoắt đang gọi cửa. Đêm ở Bờ Giậu thanh vắng đến nỗi nghe rõ cả tiếng Ốc Sên đi làm về, nhẹ nhàng vén tà áo dài trườn qua chiếc lá rụng. Nửa đêm, xíu chút nữa Bọ Dừa thiếp đi thì sương bắt đầu rơi. Lẫn trong tiếng thở dài của gió là tiếng rơi lộp độp của sương. Thật bất ngờ, một giọt sương nhằm trúng cổ ông khách rớt xuống. Bọ Dừa rùng mình, tỉnh hẳn.

(Trần Đức Tiến, Giọt sương đêm)

d. Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi bảo: “Tưởng con voi nó thế nào, hoá ra nó sun sun như con địa.”

Thầy sờ ngà bảo: “Không phải! Nó chần chẫn như cái đòn càn.”

Thầy sờ tại bảo: “Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.”

Thầy sờ chân cãi: “Ai bảo! Nó sừng sững như cái cột đình.”

Thầy sờ đuôi lại nói: “Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi sể cùn.”

Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toác đầu, chảy máu.

(Thầy bói xem voi)

đ. Lợi khóc rưng rức khi đón cái hộp diêm méo mó từ tay thầy. Tôi nhớ gương mặt thầy Phu lúc đó trông áy náy ghê lắm, thầy có xin lỗi đứa học trò nhưng Lợi không nghe thấy. Nó mải khóc, cặp mắt đỏ hoe, nước mắt nước mũi chảy thành dòng.

(Nguyễn Nhật Ảnh, Tuổi thơ tôi)

 

e. Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

(Tố Hữu, Lượm)

Trả lời:

a. Từ tượng hình: nằng nặng.

= > Tác dụng: gợi tả hình ảnh bóng đêm đang dần bao phủ toàn bộ chái bếp, đem đến cho người đọc cảm nhận bóng đêm trong sự hình dung của tác giả dường như có hình, có khối.

b. Từ tượng thanh: xình xịch.

= > Tác dụng: mô phỏng âm thanh trầm, đều liên tục của tiếng mưa.

c. Từ tượng thanh: xào xạc, rỉ rả, lộp độp.

= > Tác dụng: mô phỏng những thanh âm nhỏ trong đêm khuya thanh vắng ở xóm Bờ Giậu như tiếng lá cây lay động khẽ chạm vào nhau, tiếng côn trùng ít ỏi, vang lên cách quãng đều đặn và kéo dài không dứt, tiếng rơi trầm, gọn, nhỏ và thưa thớt của mưa đêm; tất cả những âm thanh ấy chỉ càng tô đậm không gian im ắng, tĩnh lặng của xóm Bờ Giậu về khuya.

d. Từ tượng hình: sun sun, chần chẫn, bè bè, sừng sững, tua tủa.

= > Tác dụng: gợi tả hình ảnh từng bộ phận của con voi như vò, ngà, tai, chân, đuôi.

đ. Từ tượng thanh: rưng rức, từ tượng hình: méo mó.

= > Tác dụng: từ rưng rức mô phỏng âm thanh của tiếng khóc không to, nhưng kéo dài không dứt, giúp người đọc hình dung rõ hơn về nỗi buồn bã, đau đớn khôn nguôi của chú bé Lợi; từ méo mó gợi hình dạng không còn nguyên vẹn, cân đối như vốn có của cái hộp diêm.

e. Từ tượng hình: loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh.

= > Tác dụng: gợi tả chú bé Lượm có dáng vẻ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hoạt bát và dường như rất dũng cảm, không hề tỏ ra sợ hãi trước kẻ thù.

Câu 3 trang 11 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Phân tích tác dụng của các từ tượng thanh, tượng hình đối với việc miêu tả không gian khu rừng trong đoạn văn sau:

Rồi một hôm, giông bão gầm thét trên rừng, cây cối ào ào ghê rợn. Trong rừng bỗng tối mù tối mịt, tưởng chừng như bao nhiêu đêm tối trên đời kể từ khi có rừng đến nay đều tụ cả lại. Những con người nhỏ bé đi giữa những cây lớn, trong tiếng sấm đáng sợ. Họ đi, còn những cây khổng lồ lắc lư, nghiên ken két và gào lên những bài ca thịnh nộ. Ảnh chớp bay trên các ngọn cây, loé ảnh lửa xanh lạnh lẽo, rọi sáng trong khoảnh khắc và biến mất cũng nhanh như khi xuất hiện, làm mọi người kinh sợ. Cây cối được ảnh chớp lạnh lẽo rọi sáng, nom như những vật sống, đang dang rộng những cánh tay dài ngoằn ngoèo, đan thành một mạng lưới dày xung quanh đoàn người, cố ngăn chặn họ. Từ trong đám cành tối tăm, có cái gì đáng sợ, hắc ám, lạnh lẽo nhìn đám người đang đi.

(Mác-xim Go-rơ-ki, Trái tim Đan-k8)

Trả lời:

- Những từ tượng hình (tối mù tối mịt, lắc lư, ngoằn ngoèo)

- Những từ tượng thanh (ào ào, ken két)

= > Tác dụng: Góp phần miêu tả không gian tối tăm, lạnh lẽo cùng những thanh âm đáng sợ của khu rừng, làm tăng cảm giác sợ hãi của người đọc khi theo chân đoàn người đi sâu vào khu vườn bí hiểm.

Câu 4 trang 11 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) miêu tả cảnh bình minh hoặc hoàng hôn nơi em ở, trong đó có sử dụng ít nhất một từ tượng hình hoặc từ tượng thanh.

Trả lời:

Tham khảo:

     Nhân dịp nghỉ hè về thăm ngoại, em đã thưởng thức một buổi bình minh rực rỡ tràn đầy sức sống trên quê hương Đồng Tháp thân yêu.

Trời còn sớm nhưng em đã thức dậy ra sân. Khí trời se lạnh. Gió thoảng, khẽ lay động cành lá để lộ những giọt sương mai trắng trong. Cả làng xóm dường như bồng bềnh trong biển sương sớm. về phía đông, mặt trời tròn xoe, ửng hồng còn e ấp nấp sau hàng bạch đàn, tỏa ánh sáng lấp lánh như hình rẻ quạt nhiều màu rực rỡ. Trên không, từng đám mây trắng xanh với các hình thù kỳ lạ đang nhè nhẹ trôi. Bỗng ánh đèn từ trong ngôi nhà thức sớm đã vội vã tắt. Khói bếp lại bay lên quyện vào sương mai tạo nên những dải lụa mềm uốn lượn trên bầu trời rộng rồi lan tỏa nhanh cả cánh đồng. Ở đây lúa đang mơn mởn đương thì con gái, ngả đầu vào nhau thầm thì trò chuyện. Nhìn từ xa, đồng lúa trông giống như một tấm thảm xanh rờn, nhấp nhô theo làn gió sớm. Trong ánh sáng dịu dàng đầu buổi bình minh sương tan, ánh nắng chan hòa, cánh đồng lúa quê em như một bức tranh tuyệt đẹp. Em say sưa ngắm cảnh và hít thở không khí trong lành mà đã lâu em chưa được thưởng thức ở Thành phố Hồ Chí Minh - nơi em ở.

Em khoan khoái nhẹ bước dọc bờ kênh nhỏ. Ánh sáng chiếu xuống dòng nước bạc trắng lấp lánh như bạn nào tinh nghịch chơi trò chiếu gương. Thỉnh thoảng, một vài chú cá lòng tong, cá trắm cỏ nhảy lên khỏi mặt nước đớp mồi rồi lặn xuống mất tăm để lại những vòng tròn lan xa.

Trong không khí yên ắng ấy, bỗng đột ngột vang lên tiếng rao hàng trên sông hòa cùng tiếng khua mái chèo của ai đó. Đàn chó ùa ra bờ sông, cất tiếng sủa ăng ẳng với theo. Em bước vội vào khu vườn này tràn ngập ánh nắng vàng rực rỡ. Bên luống rau xanh, mái đầu bạc thân yêu của bà em đang lúi húi nhổ cỏ, bắt sâu. Một ngày mới đang bắt đầu trên quê em.

Được thưởng thức buổi bình minh đẹp vào ngày hè trên quê ngoại thân yêu, em thêm vui khỏe lạc quan và yêu cuộc sống. Em tự hứa sẽ cố gắng học giỏi, rèn luyện tốt để mai này góp phần làm cho quê mình ngày càng tươi đẹp, ấm no hơn nữa.

- Từ tượng hình: nhấp nhô

III. Viết (trang 11, 12, 14 SBT Ngữ Văn 8)

Câu 1 trang 11 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống:

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do thuộc kiểu văn........., thể hiện .......... của người viết về một bài thơ tự do.

Trả lời:

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do thuộc kiểu văn biểu cảm, thể hiện cảm xúc của người viết về một bài thơ tự do.

Câu 2 trang 11 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Điền vào bảng sau những điểm giống và khác nhau giữa đoạn văn nghị luận ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ tự do.

 

Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do.

Giống

 

Khác

 

 

Trả lời:

 

Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do.

Giống

Yêu cầu về hình thức: đoạn văn

Khác

Nội dung: ghi lại cảm xúc.

Đối tượng: bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ.

Nội dung: ghi lại cảm nghĩ: chú trọng cảm xúc lẫn suy nghĩ.

Đối tượng: bài thơ tự do.

 

Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Thơ tự do là thể thơ mà người viết không bị ràng buộc vào…………. khi sáng tác.

Trả lời:

Thơ tự do là thể thơ mà người viết không bị ràng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, số dòng, cách gieo vần khi sáng tác.

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Xác định thể thơ của bài thơ sau và giải thích vì sao em cho là như vậy.

NGÀY XƯA CÓ MẸ

Thanh Nguyễn

Khi con biết đòi ăn

Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo

Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu

Mẹ là người thức hát ru con

Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn

Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc

Mẹ đã thành hiển nhiên như Trời – Đất

Như cuộc đời không thể thiếu trong con

Nếu có đi vòng quả đất tròn

Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ

Cái vòng tay mở ra từ tấm bé

Cứ rộng dẫn theo con trẻ lớn lên

Mẹ là người đã cho con cái tên riêng

Trước cả khi con bật nên tiếng “Mẹ”

Mẹ!

Cải tiếng gọi mà từ khi bập bẹ

Đến lúc trưởng thành

 

Mẹ!

Có nghĩa là bắt đầu

Cho sự sống, tỉnh yêu, hạnh phúc

Mẹ!

Có nghĩa là duy nhất

 

Một bầu trời

Một mặt đất

Một vầng trăng

Mẹ không sống đủ trăm năm

Nhưng đã cho con dư đã nụ cười và tiếng hát

Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc

Là khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con

Là khi mẹ không còn

Hoa hồng đỏ từ đây hoa trắng...

 

Rồi những đứa bé lại chào đời và lớn lên theo năm tháng

Biết bao người được làm mẹ trong ngày

Tiếng trẻ con gọi mẹ ngân nga trên trái đất này

Thành âm thanh không bao giờ vắng lặng

 

Me!

Có nghĩa là ánh sáng

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim

Cái đốm lửa thiêng liêng

Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối

 

Mẹ!

Có nghĩa là mãi mãi

Là cho – đi – không – đỏi – lại – bao – giờ

Cổ tích thường bắt đầu từ: “Ngày xưa có một ông chúa...

hay “Ngày xưa có một vị vua...”

Cổ tích còn bắt đầu từ: “Ngày xưa có mẹ...”

1981

(In trong Khúc gọi tình, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1992)

Trả lời:

Thể thơ là thể thơ tự do vì các dòng thơ, khổ thơ dài ngắn khác nhau, cách gieo vần đa dạng.

Câu 5 trang 14 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Chọn một trong hai đề bài sau:

Để 1: Viết một đoạn văn chia sẻ cảm nghĩ về một bài thơ Ngày xưa có mẹ của Thanh Nguyên.

Đề 2: Viết một đoạn văn chia sẻ cảm nghĩ về một bài thơ tự do mà em yêu thích.

Trả lời:

Tham khảo:

Đề 1:

        Cuộc đời của mỗi con người không bao giờ lạicó ý nghĩa khi thiếu đi tình mẫu tử. Bởi đó là một tình cảm thiêng liêng, cao cả hơn bao giờ hết, nó đem đến cho chúng ta những cái ôm ấm áp và chở che mỗi ngày.  Bài thơ “Ngày xưa có mẹ” của tác giả Thanh Nguyên nhấn mạnh sự duy nhất và những điều tuyệt diệu mẹ đã đem đến cho chúng ta. Từ việc định nghĩa về mẹ, tác giả đã cho chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa thiêng liêng của tiếng gọi ấy, đồng thời khẳng định những trân quý mà mẹ đã đem đến cho chúng ta là vô giá. Những điều tốt đẹp nhất mẹ đều dành cho ta, đó cũng là một sự động viên, một sự khích lệ như để tiếp sức cho con thêm mạnh mẽ khi bước vào đường đời. Nó như một câu nói nhẹ nhàng của mẹ rằng mẹ sẽ luôn bên con.

 

Đề 2:

NHỮNG CÁNH BUỒM

“Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch

[…]

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.”

_Hoàng Trung Thông_

        Bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc. Trước hết, hình ảnh người cha “dắt con đi” được lặp lại nhiều lần cho thấy tình yêu thương, sự che chở dẫn dắt của người cha trên hành trình cùng con đi đến đến tương lai. Tiếp đến hình ảnh đứa con thể hiện sự tin tưởng, yêu thương dành cho cha. Con đề nghị “Cha mượn cho con buồm trắng nhé/Để con đi”. Những cánh buồm đã gửi gắm ước mơ của con. Cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát được đi xa để khám phá, hay cũng chính là cha thuở trước. Người cha cảm thấy tự hào khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Qua đây, tác giả cũng ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ, những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Bằng giọng thơ chân thành giản dị, “Những cánh buồm” đã lưu lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.

IV. Nói và nghe (trang 14 SBT Ngữ Văn 8)

Câu 1 trang 14 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Vẽ sơ đồ tóm tắt các bước cần thực hiện khi nghe và tôm tắt nội dung thuyết trình của người khác.

Trả lời:

- HS có thể chọn hình thức sơ đồ cây theo kiểu liệt kê ba bước (chuẩn bị trước khi nghe; nghe và ghi chép; đọc lại, chỉnh sửa và phản hồi) hoặc chọn hình thức sơ đồ mô tả rõ tiến trình thứ tự thực hiện các bước trong quá trình nghe và tóm tắt.

Câu 2 trang 14 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Theo em, vì sao khi nghe chúng ta nên ghi chép? Chúng ta cần ghi chép những gì và ghi chép như thế nào?

Trả lời:

– Những lí do cần ghi chú trong khi nghe:

+Lưu giữ những nội dung chính của bài thuyết trình đã nghe được. +Tạo động lực để người nghe chú ý theo dõi để nắm bắt những nội dung chính của bài thuyết trình.

+ Chủ động ghi chú lại những nội dung người nghe cảm thấy quan trọng hứng thú cần tìm hiểu hoặc trao đổi thêm về bài thuyết trình.

+Thể hiện được bằng chứng cho thấy người nghe hiểu và nắm bắt được nội dung của bài thuyết trình.

– Những nội dung cần ghi chép:

+ Nội dung chính của bài thuyết trinh, bố cục của bài thuyết trình. +Những bằng chứng quan trọng (ví dụ: số liệu, hình ảnh, sơ đồ...).

+ Nội dung mà người nghe cảm thấy quan trọng tâm đắc/ hứng thú muốn tìm hiểu thêm chưa hiểu rõ, chưa đồng ý và muốn trao đổi thêm với người trình bày.

+ Nội dung diễn giải cách hiểu của người nghe với những vấn đề mà người thuyết trình trình bày.

+ Nội dung thu hoạch thêm được từ bài thuyết trình so với những gì đã biết trước về chủ đề của bài thuyết trình.

+ Những câu hỏi đặt ra xoay quanh nội dung bài thuyết trình.

– Cách ghi chú hiệu quả:

+ Dùng ngôn ngữ của bản thân để ghi chép, tuy nhiên cần tránh thay đổi nội dung của bài thuyết trình.

+ Ghi tóm tắt nội dung chính bằng từ cụm từ đồng thời sử dụng các kí hiệu như: dấu sao (*), dấu gạch ngang (-), dấu cộng (+) hoặc bút màu để đánh dấu ý chính, ý phụ.

+ Có thể viết tắt, dùng hình ảnh có tinh biểu tượng để ghi chép tóm tắt thông tin sao cho bắt kịp tốc độ trình bày của người thuyết trình.

+ Nên chừa khoảng trống sau mỗi nội dung ghi chép để có thể bổ sung thông tin (nếu cần).

+ Dùng sơ đồ để biểu thị mối quan hệ ý nghĩa giữa các nội dung nghe và ghi chép được.

+ Cần ghi chép chính xác một số nội dung như: công thức, định nghĩa, sự kiện cụ thể (năm, tên người, tên địa danh, sự kiện chính,...).

+ Kết hợp nghe và quan sát những cử chỉ, điệu bộ, tốc độ nhanh/ chậm, cao độ của giọng người nói và những nội dung được lặp đi lặp lại, nhấn mạnh của người trình bày để kịp thời ghi chú những thông tin quan trọng sao cho hiệu quả.

+ Có thể ghi chép theo phương pháp cornell, phương pháp ghi chép theo dàn ý, phương pháp vẽ sơ đồ tóm tắt...

Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Liệt kê ít nhất một khó khăn em có thể gặp phải khi nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác. Đề xuất cách thức khắc phục (những) khó khăn ấy và trao đổi với các bạn trong nhóm/ lớp.

Trả lời:

HS tự đề xuất cách thức khắc phục trên cơ sở những khó khăn của chính các em khi nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác. Tuy nhiên nội dung đề xuất cần được dựa trên những hiểu biết của các em về kĩ năng nghe này.

Câu 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Thực hiện hoạt động nói và nghe sau:

Lớp hoặc nhóm em tổ chức buổi thuyết trình bàn về giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống con người. Hãy chọn nghe một bài thuyết trình cụ thể và ghi lại tóm tắt nội dung của bài thuyết trình ấy để làm tư liệu tham khảo và trao đổi với người trình bày.

Trả lời:

Để thực hiện bài tập này, HS nên:

Chuẩn bị nội dung thuyết trình theo bối cảnh và chủ đề mà bài tập đã giao. Việc chuẩn bị bài thuyết trình này có thể giao cho một số HS trong nhóm hoặc lớp đảm nhận.

– Khi một số bạn trong nhóm hoặc lớp trình bày bài thuyết trình thì các bạn còn lại thực hiện việc nghe và ghi chép tóm tắt nội dung của bài thuyết trình theo hướng dẫn trong SGK/ tr.27 – 28.

– Sau đó HS cần trao đổi nội dung ghi chép với nhau và với người thuyết trình (nếu cần). HS tiến hành việc tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau theo bảng kiểm trong SGK/ tr. 28.

Xem thêm lời giải bài tập SBT Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 2: Những bí ẩn của thế giới tự nhiên (Văn bản thông tin)

Bài 3: Sự sống thiêng liêng (Văn bản nghị luận)

Bài 4: Sắc thái của tiếng cười

Bài 5: Những tình huống khôi hài

Bài 6: Tình yêu Tổ Quốc

Đánh giá

0

0 đánh giá