Toptailieu.vn xin giới thiệu TOP 15 mẫu Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (2024) sách Cánh diều hay nhất gồm dàn ý, các bài văn mẫu và video hướng dẫn chi tiết giúp học sinh lớp 11 viết các bài tập làm văn hay hơn. Mời các bạn đón xem:
TOP 15 mẫu Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (2024) HAY NHẤT
Đề bài: Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí
Dàn ý Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí
I. Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu vấn đề nghị luận về tư tưởng đạo lý:
II. Thân bài
a. Giải thích (là gì)
b. Phân tích (tại sao)
c. Bác bỏ (nếu không như vậy thì thế nào)
d. Bình luận, đánh giá (có giá trị gì, tác động ra sao)
e. Bài học nhận thức và hành động (tích cực)
III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 1)
Người xưa thường hay nói "nhân vô thập toàn" bởi là con người thì chẳng có ai là hoàn hảo, chưa từng phạm phải sai lầm trong cuộc sống. Pierre Benoit đã từng nói: "Khoan dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác". Quả thực, sự khoan dung chính là một đức tính quan trọng giúp cuộc sống trở nên đáng sống và nhiều ý nghĩa hơn.
Khoan dung là sự rộng lòng tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rộng ra đó là sự bao dung, sự vị tha, biết đùm bọc, che chở, hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích của tập thể. Sự khoan dung không phải là một điều gì đó quá cao siêu mà nó gần gũi ngay trong cuộc sống thường nhật. Khoan dung với người thân, bạn bè và với chính bản thân mình là điều cần thiết để có thể tạo nên sự gắn bó, thấu nhau hơn. Sự khoan dung còn là cưu mang, giúp đỡ những người đi lầm đường, đưa họ về với cuộc sống tốt đẹp.
Khoan dung là một trong những phẩm chất tốt đẹp để có thể tạo dựng lên một mối quan hệ thân thiết cũng như tình cảm giữa người với người. Một người biết khoan dung sẽ chẳng bao giờ chấp nhặt với những lỗi lầm nhỏ mà người khác gây ra cho mình. Bởi vậy mà cuộc sống của họ sẽ trở nên thoải mái, dễ chịu hơn bởi họ chẳng phải giải quyết những mâu thuẫn, xung đột xảy ra với những người xung quanh. Cũng bởi thế mà họ nhận được tình cảm yêu quý, cảm mến của nhiều người. Hơn nữa, sự khoan dung còn tiếp thêm nghị lực sống, giúp những người mắc lỗi biết hướng thiện, sửa sai. Ví dụ, với những người được ra tù trở lại với xã hội, nếu như họ nhận được sự cảm thông của những người xung quanh thì sẽ có thêm động lực để làm lại cuộc đời, để có một cuộc sống tốt đẹp và trở thành một công dân có ích cho xã hội. Thế nhưng có những người bị xã hội kì thị, chính điều đó đã đẩy họ lại với con đường tội lỗi, tạo thành một vòng lặp luẩn quẩn mà họ chẳng thể nào thoát ra được.
Tuy nhiên, sự khoan dung không đồng nghĩa với việc trao đi vô điều kiện mà cần phải đúng người, đúng sự việc. Sự khoan dung không thể dành cho những kẻ cố ý giết người, những người cố tình vi phạm pháp luật nhiều lần mà không biết ăn năn, hối lỗi. Với những trường hợp ấy cần có những sự trừng phạt thích đáng, mang tính răn đe. Cần phải nhớ rằng khoan dung là tha thứ cho những người biết nhận ra lỗi lầm và thay đổi chứ không đồng nghĩa với việc bao che, nhân nhượng với những hành vi xấu, cái ác trong cuộc sống. Lúc đó, sự khoan dung vô tình lại tiếp tay cho cái xấu, cái ác trong cuộc sống.
Sự khoan dung chính là thái độ, là lẽ sống cao đẹp với mỗi người. Chúng ta hãy biết khoan dung bởi đó chính là cách hữu hiệu nhất giúp cuộc sống của chúng ta bình yên, hạnh phúc hơn.
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 2)
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Ông cha ta đâu chỉ đang nhắc chuyện bầu, chuyện bí. Câu ca dao còn mang thông điệp nhân văn về lòng thương người, nhân ái, bao dung. Vậy thế hệ tiếp nhận bài học đó có còn hiểu và thực thi lòng bao dung trong cuộc sống đúng cách? Ba chữ “lòng bao dung” rất dễ hiểu. bao dung là sự rộng lòng tha thứ cho người có lỗi lầm. Tuy nhiên, nếu nói “lòng bao dung” thì bạn nên hiểu rộng hơn đó là bao dung, vị tha, biết đùm bọc, che chở, thậm chí hi sinh lợi ích cá nhân cho một điều gì đó xứng đáng. Đây là một đức tính tốt đẹp của con người.
Đúng như nghĩa chính nhất của nó, bao dung biểu hiện ở cách bạn biết tha thứ lỗi lầm. Không ai sinh ra mà hoàn hảo cả. Trong cuộc sống, ít nhiều sẽ mắc lỗi, bản thân mỗi chúng ta đều hiểu điều đó. Khi bản thân bạn mắc lỗi, bạn cũng cần được tha thứ. Do vậy, hãy tha thứ cho một ai đó khi họ mắc phải lỗi lầm. Lấy ví dụ trong lớp học, môi trường gần gũi với chúng ta nhất. Giả sử trong lớp có bạn bị phát hiện trộm cắp một món đồ của một học sinh khác. Bạn đó biết lỗi và đã trả lại món đồ. Cô giáo và các bạn khác đã tha thứ, bỏ qua và lại quan hệ hòa đồng với nhau trở lại. Biết tha thứ và từ bỏ ý niệm xấu xa trong mình, điều đó không gì khác ngoài lòng bao dung.
Bao dung biểu hiện cao cả hơn trong những vấn đề tế nhị hơn. Hãy nghĩ tới những ngày kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bão lửa. Khi giặc thua, đầu hàng, quân dân ta đã tha tội, thậm chí lo toan đủ miếng ăn, áo mặc và trả lính về với quê hương họ. Việc làm ấy khiến không ít bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Bản thân quân lính thua trận cũng tôn trọng quân và dân ta hơn.
Tôi khá tâm đắc một câu nói của Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”. Có thể coi đây là một định nghĩa khác cụ thể hơn về bao dung. bao dung biểu hiện trong cách bạn đối xử với người khác, đặc biệt là người yếu thế. Bạn sinh ra có một hình hài hoàn thiện, bạn đã là “kẻ mạnh” so với những người khiếm khuyết cơ thể. Hãy thương yêu, bao bọc lấy họ giống như cách mà Thị Nở đã đến và yêu thương mảnh hồn tàn tạ, méo mó Chí Phèo. Đôi khi, một vài yêu thương nhỏ bé lại có khả năng cứu rỗi một đời người.
Như vậy, lòng bao dung đem lại cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nó giúp ta sống hòa đồng, thiện chí với mọi người hơn. bao dung sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người khác, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy vậy, bao dung không đồng nghĩa với sự tha thứ mù quáng. Hãy đặt lòng bao dung đúng lúc, đúng chỗ. Bạn chỉ nên tha thứ cho những người thực sự muốn được tha thứ. Đối với những kẻ cố tình mắc sai lầm và không có ý định sửa chữa, bạn không nên đặt sự tha thứ nơi họ. Làm như vậy trái lại chỉ để cho lòng tốt của chúng ta bị lợi dụng mà thôi.
Có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, hãy bao dung nếu có thể. Điều đó tốt cho bạn và tốt cho mọi người. Khi bạn sống bao dung, bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn so với những gì bạn nghĩ. Với tôi, sống bao dung giúp tôi thanh thản hơn.
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 3)
Mỗi con người khi sinh ra không tự nhiên mà trở nên thành công hay tài giỏi. Tất cả đều là do quá trình rèn luyện, tu dưỡng mà nên. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự trưởng thành của con người chính là việc đọc sách. Chính vì thế, ý kiến: “Đọc sách giúp con người trưởng thành cả về trí tuệ và nhân cách” là hoàn toàn đúng đắn.
Đọc sách giúp con người tiếp thu nguồn tri thức khổng lồ mà con người đã đúc kết được để tự rút ra bài học hoàn thiện bản thân về trí tuệ và vốn sống, giúp chúng ta suy nghĩ đúng đắn hơn, quan trọng nhất là đủ kiến thức để tìm kiếm công việc nuôi sống bản thân.
Mỗi con người không thể trưởng thành, mở rộng tầm hiểu biết nếu không tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, mà hiện nay, kiến thức được ghi lại, tập trung chủ yếu dưới dạng sách vở. Nếu xã hội không có sách vở, kiến thức sẽ chìm trong u tối với sự lạc hậu, những thông điệp tốt đẹp, truyền thống văn hóa không được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia tạo nên bản sắc văn hóa riêng. Nếu các thế hệ đi trước không lưu lại kiến thức, bài học vào sách vở thì hiện nay chúng ta sẽ không có những bài học bổ ích và xã hội sẽ không phát triển như bây giờ. Bên cạnh đó, ngày nay và mai sau, mỗi người chúng ta cũng có thể chia sẻ bài học, lan tỏa thông điệp tốt đẹp thông qua sách vở. Sách vở còn giúp con người giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi bằng những câu chuyện cười hài hước.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều cuốn sách hay, bổ ích không chỉ giúp con người mở mang hiểu biết mà còn dạy cho ta cách sống, cách làm người, đối nhân xử thế. Hồi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, làm bạn với hầu hết chúng ta là những cuốn sách giáo khoa của các lớp, tổng hợp kiến thức của các lĩnh vực khác nhau giúp ta phát triển cả về tư duy và tâm hồn. Lớn thêm một chút, chúng ta lựa chọn được nghề nghiệp để theo đuổi nó, ta sẽ được học những kiến thức chuyên ngành. Ngoài ra con người có thể tìm đến những cuốn sách nổi tiếng như Đắc Nhân Tâm, Tony Buổi sáng,… để tìm hiểu thêm kiến thức. Mỗi cuốn sách sẽ mang đến cho con người những giá trị và lợi ích bổ ích khác nhau.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của sách vở, chưa có ý thức đọc sách, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mà chỉ lười biếng, dựa dẫm vào người khác hoặc mải chạy theo những thú vui tiêu khiển mà làm lãng phí thời gian của chính mình. Những người này mãi sẽ không tiến bộ và đáng bị chỉ trích.
Mỗi con người chỉ có quỹ thời gian một ngày như nhau, việc ta sống và làm việc thế nào là do chính ta lựa chọn, hãy sống và học tập thật chăm chỉ để trở thành một con người có ích, cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội để sau này không có gì phải hối tiếc.
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 4)
Con người ta luôn có những phẩm chất nhất định để hoàn thiện nhân cách của mình. Trong xã hội của chúng ta, có người tốt, có người xấu nhưng ở họ luôn ẩn chứa những bí mật tiềm ẩn, giấu kín trong tâm hồn để đến một lúc nào đó có thể vỡ vụn ra, giúp họ vượt qua được khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả nhưng lòng dũng cảm thì nhất định phải có, là chìa khóa để giúp chúng ta thành công.
Có nhiều người định nghĩa khác nhau về lòng dũng cảm nhưng thôi tôi, lòng dũng cảm là gan dạ, quả quyết, vững tâm, dám đối đầu với những thách thức, nguy hiểm. Đôi lúc, nó tự bộc phát trong chính bản thân chúng ta khi gặp một chuyện gì đó mà ta không nghĩ là mình có được nó. Nhưng đôi khi, lòng dũng cảm cần được phải rèn luyện và kiên trì qua từng sóng gió để trưởng thành, hoàn thiện mình hơn.
Trong cuộc sống hiện nay, lòng dũng cảm rất cần thiết và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đóng góp một phần không nhỏ vào phẩm chất đạo đức của bạn, giúp bạn có sức mạnh để vượt qua chông gai, sóng gió lớn trong cuộc đời. Lòng dũng cảm là một đức tính tốt, thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin của con người trong cuộc sống. Bạn có thể dũng cảm vì bản thân mình nhưng bạn có thể dũng cảm về người khác, xả thân mình vì người khác, không mang đến lợi ích cá nhân.
Đối với bản thân, chúng ta dũng cảm khi chúng ta dám đối mặt với sự thật trớ trêu, chúng ta dũng cảm khi chúng ta dám làm những gì trước trước đây mình chưa dám thử, chúng ta dũng cảm khi dám nhận trách nhiệm về bản thân mình và không bao giờ đổ lỗi cho người khác, chúng ta dũng cảm khi chúng ta quên đi sự hèn nhát của chính bản thân mình. Điều đó thật tuyệt vời biết mấy. Một cậu bé rất hèn nhát, cậu ta không dám làm những gì mà cậu ta cho là khó khăn bởi vậy kỹ năng sống của cậu ta không hề có. Trong một lần suýt bị chết đuối khi đi qua con sông trên đường đi học về, cậu ta đã hoảng sợ và lo lắng. Rồi từ đó, cậu ta quyết tâm học bơi để bảo vệ chính mình. Sự nhút nhát và lo sợ của cậu ta đã biến mất khi lòng dũng cảm lên ngôi, dũng cảm vì chính bản thân mình, dám làm những gì trước đây mà mình nghĩ bản thân sẽ không bao giờ làm được. Và rồi cậu ta biết bơi và sau đó tự tin hơn, trưởng thành hơn rất nhiều. Vậy là, lòng dũng cảm của cậu bé đã được tôi luyện thành công.
Khi con người ta dũng cảm vì người khác, con người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn về chính phẩm chất của mình. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nhấn mạnh: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Cho đi là được nhận lại nhiều hơn. Có thể đó không phải là vật chất quý giá, ngay cả ở tinh thần cũng đã quý giá biết bao. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết đến những chú công an, sẵn sàng hi sinh bản thân mình để mang lại sự bình yên cho Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng ấm no hạnh phúc. Thử hỏi nếu không có lòng dũng cảm, sự kiên trì và lòng yêu nghề thì họ có làm được như vậy hay không. Những chú cảnh sát hình sự phải đối diện với những bọn tội phạm nguy hiểm, lập những chuyên án để tìm ra người phạm tội. Ở họ, lòng dũng cảm được tôi luyện qua từng vụ án, qua từng người mà họ tiếp xúc. Lòng dũng cảm ở đây là sự hi sinh, sự cho đi và một phần nào cũng là vì nhiệm vụ mà họ đã lựa chọn. Con đường họ đang đi dẫu có nhiều khó khăn vất vả nhưng nhờ có lòng dũng cảm, họ có thể vượt qua được những điều đó.
Đặc biệt những nhân vật trong thời kỳ cách mạng, cái thời kỳ mà dân tộc ta đã khó khăn vất và đừng nhường nào để giành lại độc lập, sự bình yên. Và ắt hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua câu chuyện về chị Võ Thị Sáu – người anh hùng dân tộc. Tuổi còn nhỏ nhưng chị đã làm được những công việc nguy hiểm, đầy hiểm trở. Khi bị bắt, đối diện với sự tấn công dã man của kẻ thù nhưng chị nhất quyết không hề khai ra những bí mật của quân ta. Sự dũng cảm ở một người phụ nữ được ông cha ta truyền lại để nhắc nhở con cháu chúng ta những bài học và sự biết ơn tới những con người hi sinh thầm lặng. Giờ đây, đất nước đã bình yên và lòng dũng cảm của chị luôn được các thế hệ tiếp bước ghi nhận và phát huy mãnh liệt.
Đối với mỗi học sinh chúng ta, lòng dũng cảm được thể hiện một cách bình dị và đặc biệt nhất. Có thể bạn dám đứng lên thừa nhận về việc bạn chưa làm bài tập về nhà với cô giáo, bạn dám đứng lên bảo về cái tốt và phê phán cái xấu. Như vậy thôi là bạn đã dũng cảm rồi đấy. Không phải ai trong chúng ta cũng dám dũng cảm vì mỗi người có một tính cách và phẩm chất khác nhau. Có những người rất hèn nhát, không dám thừa nhận những lỗi lầm mà mình đã gây ra, không dám đương đầu với những khó khăn gian khổ, không dám và chẳng bao giờ biết hi sinh vì người khác. Những người như vậy sẽ không gây được thiện cảm với người khác, thành công sẽ không bao giờ đến với bản thân và thậm chí bị người khác coi thường.
Đôi lúc chúng ta hiểu sai về lòng dũng cảm. Nhiều người cho rằng dũng cảm để thể hiện mình. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Nếu chỉ là để thể hiện bản thân thì giá trị của dũng cảm đã mất đi ngay lập tức. Lòng dũng cảm chỉ xuất phát từ chính bản thân mình, muốn thể hiện điều tốt chứ không phải thể hiện mình một cách thái quá, không có điểm dừng.
Là một học sinh, sinh viên chúng ta cần rèn luyện cho mình một lòng dũng cảm thật vững chắc. Tương lai đang ở phía trước và đồng nghĩa với những khó khăn, thử thách sẽ đến với chúng ta bất cứ lúc nào vì vậy hãy chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc để bước vào cuộc sống. Dũng cảm là đức tính vô cùng tốt, chúng ta cần phải nhìn nhận lại bản thân, rèn luyện và phát huy lòng dũng cảm của mình ngày còn khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Hãy dũng cảm lên bạn nhé!
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 5)
Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới. Lí tưởng rất quan trọng đối với tất cả mọi người.
Sống phải có mục đích. Sống phải có lí tưởng. Nói về tầm quan trọng của lí tưởng, nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi chỉ rõ: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.
Lí tưởng là gì? Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới. Lí tưởng rất quan trọng đối với bất cứ ai, đối với tất cả mọi người. Đúng vậy, “lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường”. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng dẫn đường mà ta có thể đi tới tương lai, tránh được sự mò mẫm, vấp váp. Nhờ có ánh sáng ngọn đèn lí tưởng mà chúng ta có nghị lực và niềm tin trong cuộc đời, biết sống thế nào cho có ý nghĩa, sống thế nào cho đáng sống. Không sống vô vị nhàm chán, không sống quẩn quanh, tăm tối, mà chỉ muốn sống có ý nghĩa, sống có ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Ngọn đèn được tác giả so sánh với lí tưởng thật là sâu sắc và có nhiều ý nghĩa.
Nếu không có mục đích, sống không có lí tưởng thì sẽ như thế nào? Lép Tôn-xtôi cho biết: “Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống”.
Phương hướng là hướng được xác định. Kiên định là một phẩm chất tốt đẹp, là tinh thần giữ vững ý định, ý chí, không dao động trước mọi khó khăn, trở lực. Khi đã không có lí tưởng, không có mục đích tốt đẹp sẽ không có phương hướng kiên định, khác nào ké đi đêm hoặc chui vào sừng trâu, đâm đầu vào lối cụt. Không có lí tưởng thì khác nào thuyền không lái, thuyền sẽ trôi về đâu, về bến bờ nào. Những kẻ sống quẩn quanh, sống bị động, hay dao động vì sống không có mục đích, không có lí tưởng, không có phương hướng. Mà khi đã không có phương hướng, hoặc không có phương hướng kiên định thì sẽ không có cuộc sống ý nghĩa. Anh sẽ không có hành động thiết thực. Nếu không có mơ ước, không có khát vọng sống, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Anh sẽ trở thành kẻ sống thừa, sống mòn.
Nếu tuổi trẻ sống không có lí tưởng sẽ lười học, nhác lao động, sẽ sớm nhiễm phải những tệ nạn xã hội như ăn chơi đua đòi, cờ bạc, rượu chè, nghiện ma túy, cướp bóc… Những học sinh “cá biệt’' trong nhà trường hiện nay chủ yếu là do cách sống buông thả, sống không có lí tưởng.
Sống mà như chết thì sao có thể gọi là sống? Sống mà tâm hồn bị khô héo, trái tim bị băng giá thì không thể gọi là sống. Sống mà không nghĩ đến tương lai, sống mà không nghĩ đến cống hiến, phục vụ cho gia đình, đất nước thì sau có thể gọi là sống? Cô giáo em nói thời còn là học sinh, câu khẩu hiệu: “Sống, học tập, lao động và chiến đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại” có một sức mạnh ghê gớm, lôi cuốn hàng triệu thanh niên thi đua và lập công trong phong trào “ba sẵn sàng”.
Câu nói của nhà văn Nga đã chỉ rõ tầm quan trọng của lí tưởng và sống có lí tưởng. Câu nói ấy cho đến nay vẫn mới mẻ và giàu ý nghĩa đối với học sinh thanh niên chúng ta.
Đất nước đang đổi mới. Công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước đang kêu gọi thanh niên lên đường. Có học tập tốt mới trang bị cho bản thân mỗi chúng ta kiến thức, kĩ năng khoa học, lao động. Hơn bao giờ hết chúng ta mới thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề lí tường và sống có lí tưởng.
Lí tưởng là ngọn đèn. Với Tố Hữu, lí tưởng còn là “mùi hương chân lí”. Tôi nhớ vần thơ của ông.
“Khi ta đã say mùi hương chân lí
...Tương lai đó, trước mặt ta biển rộng
Trên đầu ta, lồng lộng gió trời cao!”
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 6)
Thời gian trôi qua sẽ không lấy lại được. Mỗi con người cũng chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta hãy sống một cuộc đời thật trọn vẹn với tình yêu thương, sự sẻ chia với người khác. Có thể thấy, lòng nhân ái giữa con người với con người đã góp phần không nhỏ khiến cho thế giới này tốt đẹp hơn.
Vậy thế nào là lòng nhân ái? Lòng nhân ái chính là tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta sống tử tế, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn, điều này làm lan tỏa thông điệp “cho và nhận” trong xã hội ngày càng được lan tỏa hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Lại có những người giúp đỡ người khác hòng tư lợi cá nhân, trục lợi cho bản thân mình,… những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 7)
Mỗi con người chúng ta được sống trong nền hòa bình, yên ấm như hiện nay là một điều vô cùng may mắn phải cảm ơn sự hi sinh của thế hệ đi trước. Chính vì thế, chúng ta phải biết ơn họ và có trách nhiệm đối với quê hương, sống với tình yêu trọn vẹn dành cho đất nước.
Lòng yêu nước là sự biết ơn đối với những người đi trước đã cống hiến cho đất nước, yêu quý quê hương, có ý thức học tập, vươn lên để cống hiến cho nước nhà và sẵn sàng chiến đấu nếu có kẻ thù xâm lược. Mỗi người một hành động, dù nhỏ dù lớn nhưng cùng hướng về một mục tiêu xây dựng nước nhà giàu đẹp sẽ khiến cho cộng đồng tốt đẹp và vững mạnh hơn. Mỗi người khi học tập, lao động, tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp cũng chính là cống hiến cho tổ quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải yêu thương, giúp đỡ đồng bào, đoàn kết không chỉ giúp cho chúng ta được yêu thương, trân trọng trong mắt mọi người mà nó còn thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh, cố gắng trở thành một công dân tốt và cống hiến trọn vẹn cho nước nhà.
Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác,… những người này đáng bị lên án. Đất nước này là của chúng ta, bầu trời này là của chúng ta, do chúng ta làm chủ. Chính vì thế, chúng ta cần có ý thức bảo vệ và phát triển nước nhà ngày càng giàu đẹp hơn.
Sự tử tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ, bất hạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự tử tế được biểu hiện bằng hành động giúp đỡ, sẻ chia, cưu mang những người gặp khó khăn, thiếu thốn, đó có thể là người thân, bạn bè hay thậm chí là cả những người xa lạ. Những việc làm đó hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương, cảm thông, đùm bọc giữa người với người. Từ xưa đến nay, việc tử tế luôn được cả xã hội đề cao và nêu gương. Chương trình “Việc tử tế” được sản xuất và phát sóng trên kênh truyền hình VTV đã ghi lại hàng trăm, hàng nghìn việc làm tử tế trên khắp các mọi miền đất nước với mong muốn ca ngợi và lan tỏa sự tử tế đến toàn xã hội. Hành động tử tế, lối sống tử tế sẽ giúp ta cảm thấy thanh thản và hạnh phúc hơn bởi đó là hành động trao đi yêu thương. Thế nhưng, trong xã hội chạy theo những giá trị hão huyền như hiện nay, sự tử tế đã bị biến tướng đi khi một bộ phận người cố tình đi từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân, khoe mẽ tài sản và coi thường người khác. Chính vì vậy, khi làm việc tử tế, chúng ta cần xuất phát từ chính lòng yêu thương con người, từ sự chân thành, đồng cảm, có như vậy, việc tử tế mới thật sự có ý nghĩa với chính bản thân mình và những người xung quanh.
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 8)
“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”. Câu hỏi này hay chính là tựa đề của một cuốn sách đã khiến cho tôi suy nghĩ về tuổi trẻ của chính bản thân mình, rằng cần làm gì để tuổi trẻ có ý nghĩa? Với tôi, tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất của con người, là độ tuổi mà chúng ta có sức khỏe, có nhiệt huyết, có sự tự tin và tràn đầy sức sống, tràn đầy những hoài bão, đam mê. Khi đó, chúng ta có thể sống một cách tự do, không ràng buộc, thoải mái thể hiện và thử thách bản thân mình để không ngừng thay đổi và hoàn thiện. Ở ngưỡng cửa tuổi 18, tôi tự nhận thấy bản thân mình cần trải nghiệm thật nhiều để tích lũy kinh nghiệm, kĩ năng sống cho bản thân, đó chính là điều ý nghĩa nhất của tuổi trẻ. Trải nghiệm là cách chúng ta đưa bản thân vào những thử thách mới mẻ, làm những điều chúng ta chưa từng làm và nghĩ những điều ta chưa từng nghĩ. Trải nghiệm có ý nghĩa tương đương và với việc học tập kiến thức, và là giai đoạn cốt yếu để chúng ta biến những tri thức thành kĩ năng. Trải nghiệm cuộc sống tự lập, khám phá những miền đất mới, những kiến thức ngoài sách vở,… đó chính là cách để tuổi trẻ và cuộc sống của ta trở nên có ý nghĩa hơn.
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí (mẫu 9)
Sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất thì điều đáng buồn là những biểu hiện của truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái” lại mai một dần và chúng ta đang phải đối mặt với một căn bệnh tinh thần đáng sợ. Người ta gọi đó những triệu chứng của “bệnh vô cảm”. Người mắc “bênh vô cảm” không có cảm xúc với cuộc sống, với những gì đang diễn ra. Bệnh vô cảm đang diễn ra ngày càng phức tạp, trở thành một căn bệnh khó chữa. Thực trạng đang diễn ra ngay trong chính gia đình, như: con cái thờ ơ với những khó khăn, vất vả của cha mẹ; cha mẹ thì không quan tâm, thờ ơ với những suy nghĩ, những hành động, việc làm sai trái của con. Trong trường học: học trò thờ ơ với sự chỉ bảo tận tình của thầy cô. Ngoài xã hội: thờ ơ, bàng quan, chỉ đứng xem rồi bàn tán, thậm chí thừa cơ chuộc lợi khi ai đó bị tai nạn, bị bạo hành. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do: Lối sống cá nhân, vị kỉ, thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến những người xung quanh. Do giới trẻ lo đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống hiện thực. Do gia đình, nhà trường chưa quan tâm, giáo dục tình thương ở các em. Do nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, đề cao vật chất. Và để lại những hậu quả to lớn như: khiến con người xa nhau, không biết đặt mình vào vị trí của nhau để cảm nhận, dần dần vô tâm, hờ hững trước những bất hạnh của người khác. Đồng thời, làm mất đi truyền thống tương thân tương ai của dân tộc. Mỗi người cần nhận thức và sống có trách nhiệm với chính bản thân cũng như với gia đình, xã hội và cộng đồng. Mỗi gia đình, nhà trường cần quan tâm, giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ. Bản thân chúng ta cần phê phán thái độ sống thờ ơ, vô cảm và đề cao, nêu gương những người giàu lòng vị tha, nhân ái.
Tình cảm cao thượng không chỉ giúp con người sống thanh thản mà còn có tác dụng thúc đẩy xã hội và đồng loại tiến bộ. Thật vậy, tình cảm cao thượng là tấm lòng vị tha, bao dung. Tình cảm ấy luôn hướng đến những điều cao đẹp trong cuộc đời, tới những khát vọng và chân lý của sự toàn thiện. Trong thực tế nếu con người chỉ có lòng đố kỵ thì lúc nào bản thân cũng chỉ thấy mình đau khổ bởi thấy mình thua kém người khác. Vì thế kẻ đố kỵ không bao giờ được thanh thản trong tâm hồn. Ngược lại, người có tình cảm cao thượng thì luôn xem thành công của người khác là niềm vui cũng như hạnh phúc của mình. Luôn lấy sự thành công ấy làm mục tiêu để bản thân phấn đấu thì tâm lý lúc nào cũng nhẹ nhàng thanh thản. Người có tình cảm cao thượng bao giờ cũng mang tâm lý lạc quan, yêu đời. Họ luôn phấn đấu nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống. Nếu xã hội vắng bóng những kẻ đố kỵ mà chỉ toàn là những con người có lòng cao thượng thì xã hội ấy luôn có sự cạnh tranh lành mạnh, mọi người đều cố gắng nỗ lực không ngừng để vươn đến thành công. Điều này tạo nên động lực, tạo nên sức mạnh làm nền tảng cho xã hội phát triển. Nhận thức được tình cảm cao thượng là đức tính tốt đẹp, mỗi chúng ta cần đấu tranh lên án và loại bỏ những kẻ đố kỵ, ích kỷ làm xã hội chậm tiến bộ. Bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu rèn luyện nhân cách sống vị tha, bao dung và cao thượng.
Sự thấu cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Khi ta có sự thấu cảm, ta sẽ biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để cảm nhận, thấu hiểu, cảm thông với cảnh ngộ, nỗi niềm của họ một cách sâu sắc. Sự thấu cảm bồi đắp lòng nhân ái, giúp con người biết sống yêu thương, biết chia sẻ và có trách nhiệm với cộng đồng, với những người xung quanh mình. Sự thấu cảm cũng giúp ta tránh được những phán xét, suy nghĩ cực đoan và sống vị tha hơn đối với người khác. Những người ở trong hoàn cảnh đau buồn, bất hạnh khi nhận được sự thấu cảm, yêu thương, chia sẻ, họ sẽ vơi bớt nỗi buồn, có thêm động lực để vượt qua khó khăn, nỗi đau, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự thấu cảm còn tạo nên mối quan hệ thân thiện, gắn kết, yêu thương giữa người với người, giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta phải biết thấu cảm với người khác để sống có tấm lòng, biết yêu thương, sẻ chia với những người bất hạnh, làm cho xã hội tốt đẹp hơn như lời khẳng định của nhà thơ Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”.
“Hạnh phúc bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất”. Thật vậy! Hạnh phúc là khái niệm thuộc phạm trù tinh thần, là cảm xúc vui sướng, mãn nguyện khi đạt được hay làm được điều mình mong ước. Cũng giống như những trạng thái tình cảm của con người, hạnh phúc là cảm xúc xuất phát từ con tim, trong bất kỳ khoảnh khắc nào của cuộc sống. Khi con người biết hạnh phúc với những gì mình có, mình đạt được thì tâm hồn sẽ thanh thản, nhẹ nhõm và viên mãn. Ngược lại, nếu ta sống vô cảm hoặc đòi hỏi quá cao vào bản thân, không cho phép mình hạnh phúc hay thỏa mãn với bất cứ điều gì, thì chắc chắn, ta sẽ trở nên khô khan và mất dần niềm tin vào cuộc sống. Hạnh phúc có thể bắt nguồn từ những điều lớn lao, ví dụ như sự thành công, nhưng cũng có thể bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất. Đó là khi ta nhận được một món quà nhỏ, nhận được một lời cảm ơn chân thành, là khi ta làm được một việc tốt, mang đến hạnh phúc cho người khác… Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn có được trong cuộc sống, thế nhưng, chúng ta hãy tập hạnh phúc từ những điều đơn giản nhất, hạnh phúc với tất cả những gì mình đang có, và quan trọng hơn, đó là hãy trao đi hạnh phúc để nhận lại yêu thương.
Sống có đạo đức bao giờ cũng là lối sống đẹp, nhưng thật nguy hại nếu đó lại là đạo đức giả. Rất đơn giản như chính cái tên của lối sống ấy, đạo đức giả là lối sống giả tạo nhằm che đậy những điều xấu xa đớn hèn trong bản chất. Giống như “khẩu phật tâm xà”, “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”, đạo đức giả không dễ có thể nhận ra những độ nguy hại của nó thì không thể tưởng tượng được. Kẻ đạo đức giả sẽ luôn thể hiện mình là người tốt, với một lớp vỏ bọc hoàn hảo của đạo đức, nụ cười luôn thường trực và lời lẽ thì luôn ngọt như mía lùi. Những người ấy luôn chiều lòng tất cả mọi người, “gió chiều nào thì nghiêng chiều đó”, thế nên luôn nhận được sự yêu quý, thân thiện. Nhưng thực chất động cơ của những nụ cười, câu nói, hành động đẹp đẽ ấy là toan tính xấu xa, là mong muốn thấp hèn. Đó có thể là phiếu bầu trong một cuộc bầu cử, là điểm cộng trong một kì thi, là thăng tiến trong một vị trí nào đó, thậm chí như tiên Đế Thích trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, tìm đủ mọi cách để khuyên Trương Ba sống, hoá ra mục đích chính của hắn là “ông là lẽ tồn tại của tôi”. Chính lối sống dung tục, tầm thường sẽ khiến con người mất đi nhân cách, đổ vỡ niềm tin, bởi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”. Không ai có thể che đậy mãi cái vỏ bọc của mình, một khi ta gặp khó khăn, chính những kẻ ồn ào nhất lại là những kẻ đầu tiên bỏ ta đi. Lúc đó chúng ta không chỉ sụp đổ niềm tin, mà những giá trị đạo đức, văn hoá dường như cũng lẫn lộn xuy vong. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể một lần nào đó “đạo đức giả” như thế, muốn tránh được điều đó đòi hỏi bản lĩnh, lòng dũng cảm, và tinh thần trách nhiêm nữa. Lòng tốt thật luôn phải bắt đầu tự sự chân thành, từ tận sâu trong trái tim, là sự vô tư không vụ lợi.
Ai trong chúng ta cũng mong muốn đạt được thành công nhưng lại sợ áp lực và không hiểu được rằng “không có áp lực” thì “không có kim cương”. Để có được thành công ta phải trải qua quá trình khổ luyện. Thành công đòi hỏi con người phải có ý chí, nghị lực vươn lên trước mọi hoàn cảnh. Đằng sau viên kim cương long lanh là cả một chuỗi những áp lực tôi luyện đầy khắc nghiệt của áp suất lớn, nhiệt độ cao. Đó cũng chính là cái giá xứng đáng cho sự cao quý mà kim cương nhận được. Con người cũng vậy, trên con đường đi tới thành công ta không ít lần bị “áp lực” đè nén, những khó khăn, thách thức làm ta cảm thấy mỏi mệt, chán nản. Tuy nhiên, máy bay cất cánh được là nhờ ngược gió, trước những khó khăn ta không được nản chí, bỏ cuộc mà phải biết biến nó thành cơ hội để trải nghiệm, phấn đấu. Cho dù không thành công thì ít nhất bạn cũng đã tích lũy được cho mình vô số những bài học kinh nghiệm. Soi vào cuộc sống, ta sẽ thấy rất nhiều những người thành công đều phải trải qua vô vàn giông bão, thách thức. David Sander, người sáng lập thương hiệu gà rán nổi tiếng trên thế giới, đã từng bị hơn 1000 nhà hàng từ chối món gà của mình. Jack Ma, trước khi trở thành tỉ phú, điều hành một đế chế kinh doanh đã từng bị hơn 20 doanh nghiệp lắc đầu. Điểm chung ở họ không gì khác chính là ý chí sắt đá, kiên cường bất khuất trước mọi hoàn cảnh. Thành công không dành cho những kẻ hèn nhát, yếu đuối. Thử thách khó khăn có hề gì nếu trong ta là ngọn lửa kiên cường, nhiệt huyết. Vì vậy hãy mạnh mẽ đứng vững trước mọi hoàn cảnh và hãy luôn động viên, nhắc nhở mình rằng “Không có áp lực, không có kim cương”.
Tổng thống Barack Obama từng phát biểu: “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”. Vậy, đâu là ý nghĩa của việc đọc sách? Trước hết, đối với bản thân con người, đọc sách là quá trình tiếp thu kiến thức. Sách là quyển nhật kí từ thuở hồng hoang của nhân loại. Nào cần tới một tấm vé máy bay hay cỗ máy nào đó, chỉ cần chăm chú vào những trang sách bé nhỏ là cả quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ ngay lập tức hiện ra chờ ta khám phá. Hơn thế, đến với sách ta còn có thể giải khuây cho tâm hồn hay còn có thể tìm được chính mình. “Cuộc gặp gỡ tình cờ với một cuốn sách có thể thay đổi hẳn số phận một con người” – Vâng, một khi đã thả hồn vào những trang giấy, bạn như được nếm một viên kẹo ngọt trong ngày vui hoặc tựa hồ đã tự khâu lại những vết thương nhức nhối trong lòng. Một sự “cứu rỗi” diệu kì! Kế đến, đối với gia đình, nhà trường hay xã hội, đọc sách là cách gắn kết và giáo dục con người. Có lẽ vì thế mà thứ luôn hiện diện trong mỗi căn nhà người Do Thái chính là những tủ sách. Còn gì tuyệt vời hơn một người cha ân cần dạy con đọc sách? Còn gì đáng nhớ hơn những câu chuyện mẹ kể hằng đêm? Đòn roi hay đồ chơi đẹp ư? Không, hãy đặt vào tay con trẻ những quyển sách và dạy chúng khám phá, chúng sẽ trở thành những thiếu niên thông tuệ, đạo đức mà xã hội vẫn cần. Vậy nên, thật đáng buồn cho những ai không hiểu được giá trị của việc đọc sách. Họ sẽ lớn khôn về hình thể đấy nhưng trí tuệ, tâm hồn cứ mãi nhỏ bé, yếu ớt và bị đào thải mà thôi. Thật may mắn khi tôi vẫn tìm được niềm vui trong sách và vẫn tận hưởng những giờ đọc quý giá. Vậy bạn thì sao, liệu đã thấu suốt ý nghĩa của việc đọc sách chưa? Cầm sách lên và hãy tự vấn “Hôm nay,tôi đã đọc được những bài học gì?”
Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 11 hay, chi tiết khác:
Suy nghĩ về câu cách ngôn: "Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn" (hay nhất)
Viết bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí thế nào là một người bạn chân chính? (hay nhất)
Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một tư tưởng, đạo lí (hay nhất)
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.