SBT Ngữ Văn 8 Bài tập viết trang 34, 35 (Cánh diều)

278

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải Giải SBT Ngữ Văn 8 Bài tập viết trang 34, 35 (Cánh diều) hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SBT Ngữ văn 8 từ đó học tốt môn Ngữ văn 8.

SBT Ngữ Văn 8 Bài tập viết trang 34, 35 (Cánh diều)

Bài tập viết trang 34, 35

Câu 1 trang 34 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (SGK) Chỉ ra luận điểm, lí lẽ, bằng chứng và cách phân tích bằng chứng được sử dụng trong đoạn văn sau:

“Nhân vật để lại ấn tượng nổi bật trong đoạn trích kịch Đổi tên cho xã là ông Nha – chủ tịch xã, một điển hình cho kiểu người háo danh, sĩ diện. Là con người, ai cũng có những mong muốn, kì vọng nhưng nếu những mong muốn không xuất phát từ thực tế sẽ chỉ là ảo tưởng, cố theo đuổi bằng được ảo tưởng đó và tìm cách huyễn hoặc mình thì chẳng khác nào lừa người, lừa mình. Chỉ vì thay đổi cái tên của xã (theo ý chủ quan, cá nhân) mà ông chủ tịch xã tuyên bố rằng “lịch sử xã ta mở sang một trang mới”, “chấm dứt cái tên ... nôm na của một quá khứ tối tăm, nghèo khổ”. Chính những lời nói đại ngôn, sáo rỗng đã cho thấy ông chủ tịch xã là người nóng vội, thiếu hiểu biết, kiểu “ếch ngồi đáy giếng”. Ông khao khát thay đổi hoàn cảnh nhưng lại không có phương pháp đúng. Làm gì có chuyện chỉ cần đặt lại cho xã cái tên mới thật kêu là mọi việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp như một giấc mơ”.

Trả lời:

Luận điểm

Lí lẽ

Cách phân tích bằng chứng

Nhân vật để lại ấn tượng nổi bật trong đoạn trích kịch Đổi tên cho xã là ông Nha – chủ tịch xã, một điển hình cho kiểu người háo danh, sĩ diện.

- Là con người, ai cũng có những mong muốn, kì vọng nhưng nếu những mong muốn không xuất phát từ thực tế sẽ chỉ là ảo tưởng, cố theo đuổi bằng được ảo tưởng đó và tìm cách huyễn hoặc mình thì chẳng khác nào lừa người, lừa mình.

- Ông khao khát thay đổi hoàn cảnh nhưng lại không có phương pháp đúng. Làm gì có chuyện chỉ cần đặt lại cho xã cái tên mới thật kêu là mọi việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp như một giấc mơ!

Đưa ra việc ông chủ tịch xã dù thiếu hiểu biết nhưng nóng vội tuyên bố rằng “lịch sử xã ta mở sang một trang mới”, “chấm dứt cái tên ... nôm na của một quá khứ tối tăm, nghèo khổ”

 

Câu 2 trang 34 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc đề bài và thực hiện các yêu cầu bên dưới.

Đề bài: Phân tích đoạn trích sau để làm rõ nghệ thuật trào phúng mà tác giả đã sử dụng.

“Bốn chú thợ phụ ra, hai chú cởi tuột quần cộc của ông Giuốc-đanh mặc lúc tập kiếm vừa rồi, hai chú thì lột áo ngắn rồi họ mặc bộ lễ phục mới vào cho ông. Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục xong, đi đi lại lại giữa đám thợ, phô áo mới cho họ xem có được không. Cởi áo, mặc áo, chân bước, miệng nói, tất cả đều theo nhịp của dàn nhạc.

THỢ PHỤ – Bẩm ông lớn, xin ông lớn ban cho anh em ít tiền uống rượu.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – Anh gọi ta là gì?

THỢ PHỤ – Bẩm, ông lớn ạ.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – Ông lớn ư? Ấy đấy, ăn mặc theo lối quý phái thì thế đấy! Còn cứ bo bo giữ kiểu áo quần trưởng giả thì đời nào được gọi là “ông lớn”. Đây, ta thưởng về tiếng “ông lớn” đây này!

THỢ PHỤ – Bẩm cụ lớn, anh em chúng tôi đội ơn cụ lớn lắm lắm.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – “Cụ lớn”, ồ, ồ, cụ lớn! Chú mày thong thả tí đã. Cái tiếng “cụ lớn” đáng thưởng lắm. “Cụ lớn” không phải là một tiếng tầm thường đâu nhé. Này, cụ lớn thưởng cho các chú đây.

THỢ PHỤ – Dám bẩm đức ông, anh em chúng tôi sẽ đi uống rượu chúc sức khoẻ đức ông.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – Lại “đức ông” nữa! Hà hà! Hà hà! Các chú hãy đợi tí, đừng đi vội. Ta là đức ông kia mà! (nói riêng) Của đáng tội, nếu nó tôn ta lên bậc tướng công, thì nó sẽ được cả túi tiền mất. Đây nữa này, thưởng cho chú về tiếng “đức ông” đấy nhé!

THỢ PHỤ – Dạ, bẩm đức ông, anh em chúng tôi xin bái tạ ơn người.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – nói riêng – Nó như thế là phải chăng, nếu không ta đến mất tong cả tiền cho nó thôi.

Bốn người thợ phụ vui mừng nhảy múa.”.

(Trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục, Ngữ văn 8, tập một, NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2023)

a) Nêu những nhiệm vụ cụ thể em cần chuẩn bị trước khi viết bài văn này.

b) Em sẽ tìm ý cho bài viết bằng cách nào? Trình bày cụ thể.

c) Từ các ý đã tìm được, hãy sắp xếp theo một trình tự phù hợp để tạo dàn ý cho bài viết.

d) Tham khảo dàn ý đã lập, hãy viết một đoạn văn cho phần thân bài.

Trả lời:

a) Những nhiệm vụ cụ thể em cần chuẩn bị trước khi viết bài văn này: Đọc kĩ đề để biết kiểu bài viết (nghị luận văn học); yêu cầu về nội dung bài viết (phân tích đoạn trích để làm rõ nghệ thuật trào phúng); phương thức biểu đạt chính (nghị luận), phạm vi sử dụng dẫn chứng (đoạn trích được chỉ định).

b) Em sẽ tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời các câu hỏi:

- Nghệ thuật trào phúng chủ yếu của đoạn trích là gì (phóng đại, khoa trương được sử dụng để chế nhạo cái xấu xa, tiêu cực trong xã hội)?

- Nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích biểu hiện qua những yếu tố nào (xung đột kịch: mâu thuẫn giữa ông Giuốc-đanh và đám thợ phụ; mâu thuẫn trong chính con người Giuốc-đanh; qua lời thoại hài hước, gây cười,...)?

- Nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích có tác dụng gì (như một thứ vũ khí sắc bén chế nhạo những thói xấu của con người trong xã hội dốt nát nhưng học đòi làm sang, sĩ rởm, thực dụng, nịnh hót, lừa bịp,...; tạo ấn tượng khó quên về các nhân vật trong vở kịch,...)?

- Có thể rút ra bài học nào từ đoạn trích (tu dưỡng lối sống giản dị, chân thực, hướng tới lối sống có văn hoá, có đạo đức,...)?

c) - Mở bài

Giới thiệu đoạn trích (xuất xứ vị trí, nội dung chính, thể loại, tác giả); nêu ấn tượng, cảm nhận chung về nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích.

- Thân bài:

+ Khái quát về nghệ thuật trào phúng trong hài kịch.

+ Phân tích một số biểu hiện của nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích: tình huống kịch (Giuốc-đanh vốn háo danh, bọn thợ phụ biết vậy nên tranh thủ bày trò nịnh hót, bịp bợm lão để kiếm tiền); đặc điểm của các nhân vật (tương đồng và khác biệt); lời thoại, hành động,…

+ Lí giải về tác dụng của nghệ thuật trào phúng trong việc thể hiện ý nghĩa của đoạn trích (phê phán, khuyên răn).

- Kết bài:

+ Nhận xét về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích; rút ra những bài học về nhận thức và hành động cho bản thân.

d) Có thể nhận thấy ngay đoạn trích đã sử dụng thành công nghệ thuật trào phúng trong hài kịch. Vậy trước hết, chúng ta cần phải hiểu nghệ thuật trào phúng trong hài kịch là gì. Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật gây cười nhằm đả kích, mỉa mai, châm biếm những hiện tượng xấu xa trong xã hội. Thông thường, trào phúng sẽ được thể hiện qua các tình huống, chân dung và biếm họa, nghệ thuật phóng đại, ngôn ngữ, giọng điệu mỉa mai. Trong hài kịch sân khấu, sự trào phúng không còn nằm im trên trang viết mà đã được hiện thực hóa thông qua những hành động, cử chỉ, lời nói trực tiếp của nhân vật. Điều đó càng làm tăng thêm sức châm biếm, chân thực cho người xem. Trong đoạn trích, nghệ thuật trào phúng đã được thể hiện vô cùng đậm nét, rõ ràng. Đó là tình huống kịch (Giuốc-đanh vốn háo danh, bọn thợ phụ biết vậy nên tranh thủ bày trò nịnh hót, bịp bợm lão để kiếm tiền) và đặc điểm của các nhân vật (tương đồng và khác biệt) được mô tả thông qua lời thoại, hành động,… Từ đó làm nổi bật hành vi kiêu căng, khoe khoang của ông Giuốc-đanh.

Câu 3 trang 35 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc lại đoạn văn đã viết (yêu cầu d, bài tập 2) và chỉ ra luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, cách phân tích bằng chứng được sử dụng trong đoạn văn.

Trả lời:

- Luận điểm: Chúng ta cần phải hiểu nghệ thuật trào phúng trong hài kịch là gì.

- Lí lẽ:

+ Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật gây cười nhằm đả kích, mỉa mai, châm biếm những hiện tượng xấu xa trong xã hội; được thể hiện qua các tình huống, chân dung và biếm họa, nghệ thuật phóng đại, ngôn ngữ, giọng điệu mỉa mai.

+ Trong hài kịch, nghệ thuật trào phúng được hiện thực hóa thông qua những hành động, cử chỉ, lời nói trực tiếp của nhân vật.

- Bằng chứng:

+ Trong đoạn trích, nghệ thuật trào phúng đã được thể hiện qua tình huống kịch, đặc điểm của các nhân vật (tương đồng và khác biệt) được mô tả thông qua lời thoại, hành động,…

- Cách phân tích bằng chứng: lấy dẫn chứng trong đoạn trích.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ Văn lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

I. Bài tập đọc hiểu trang 29

II. Bài tập tiếng Việt trang 33, 34

IV. Bài tập nói và nghe trang 36, 37

Bài 10: Văn bản thông tin

I. Bài tập đọc hiểu trang 37

Đánh giá

0

0 đánh giá