SBT Ngữ Văn 8 (Cánh diều) Bài 9: Nghị luận văn học

173

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải Giải SBT Ngữ Văn 8 Bài 9: Nghị luận văn học (Cánh diều) hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SBT Ngữ văn 8 từ đó học tốt môn Ngữ văn 8.

SBT Ngữ Văn 8 (Cánh diều) Bài 9: Nghị luận văn học

I. Bài tập đọc hiểu

Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

Câu 1 trang 29 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Nhận xét nào sau đây chính xác nhất về nhan đề văn bản Vẻ đẹp của bài thơ “Cảnh khuya”

A. Hình ảnh đẹp mang ý nghĩa ẩn dụ

B. Ý cô đọng thể hiện sự lập luận chặt chẽ

C. Khái quát được nội dung bàn luận

D. Bộc lộ rõ quan điểm, thái độ của người viết

Trả lời:

Đáp án C

Câu 2 trang 29 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Những phương án sau nêu đặc điểm bố cục văn bản Vẻ đẹp của bài thơ “Cảnh khuya” là đúng hay sai?

 

Đúng

Sai

A. Phần (1) giới thiệu vấn đề nghị luận (nêu xuất xứ và ấn tượng chung về bài thơ).

 

 

 

B. Phần (1), (2) giới thiệu vấn đề nghị luận (nêu xuất xứ bài thơ và dẫn dắt vào tác phẩm).

 

 

C. Phần (3), (4) giải quyết vấn đề nghị luận (phân tích các giá trị của bài thơ); phần (5) kết thúc vấn đề.

 

 

D. Phần (2), (3), (4) giải quyết vấn đề nghị luận (phân tích các giá trị của bài thơ); phần (5) kết thúc vấn đề.

 

 

Trả lời:

 

Đúng

Sai

A. Phần (1) giới thiệu vấn đề nghị luận (nêu xuất xứ và ấn tượng chung về bài thơ).

x

 

B. Phần (1), (2) giới thiệu vấn đề nghị luận (nêu xuất xứ bài thơ và dẫn dắt vào tác phẩm).

 

x

C. Phần (3), (4) giải quyết vấn đề nghị luận (phân tích các giá trị của bài thơ); phần (5) kết thúc vấn đề.

 

x

D. Phần (2), (3), (4) giải quyết vấn đề nghị luận (phân tích các giá trị của bài thơ); phần (5) kết thúc vấn đề.

x

 

 

Câu 3 trang 30 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Đọc kỹ các phần của văn bản và thực hiện những yêu cầu sau:

a) Xác định nội dung chính của mỗi phần. Tính lô gich giữa các phần được thể hiện như thế nào?

b) Chỉ ra một ví dụ thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung chính của một phần với lí lẽ, bằng chứng được sử dụng trong đó.

c) Nêu một điểm chung về thái độ, quan điểm của tác giả thể hiện ở các phần trong văn bản.

Trả lời:

a) - Nội dung chính của mỗi phần:

+ Phần 1: Giới thiệu bài thơ Cảnh khuya.

+ Phần 2: Phân tích câu thơ thứ nhất trong bài thơ Cảnh khuya.

+ Phần 3: Phân tích câu thơ thứ hai trong bài thơ Cảnh khuya.

+ Phần 4: Phân tích hai câu thơ cuối trong bài thơ Cảnh khuya.

+ Phần 5: Sự cân bằng trong bài thơ Cảnh khuya.

- Tính lô gích giữa các phần được thể hiện:

+ Các luận điểm có sự gắn bó chặt chẽ với luận đề và được sắp xếp theo hệ thống hợp lí (phân tích bài thơ theo trình tự các câu thơ) giúp người đọc dễ theo dõi, cảm nhận. Luận đề của văn bản được làm sáng tỏ, thuyết phục.

+ Các lí lẽ, bằng chứng rõ ràng, mạch lạc, giải thích và làm rõ luận điểm, tăng sức thuyết phục cho bài viết.

b) Ví dụ: Trong phần (2)

- Nội dung chính (luận điểm); vẻ đẹp của tiếng suối trong câu thơ thứ nhất

- Bằng chứng sử dụng: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.

- Bằng chứng được phân tích: “Câu thơ vang lên những hai thứ tiếng; tiếng suối và tiếng hát. Tưởng chừng cái im lặng của cảnh khuya bị phá vỡ. Hoá ra lại không”.

- Lí lẽ được đưa ra: “Cũng như tiếng gõ cửa ban đêm trong thơ Giả Đảo, tiếng ngỗng đêm thu trong thơ Nguyễn Khuyến, tiếng suối trong đêm càng tăng thêm cái tĩnh mịch, sâu lắng của cảnh khuya.”.

c) Điểm chung thống nhất về thái độ, quan điểm của tác giả thể hiện ở các phần trong văn bản đó là sự khâm phục, ngưỡng mộ của tác giả Lê Trí Viễn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh qua việc khẳng định giá trị nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật của bài thơ Cảnh khuya.

Câu 4 trang 30 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Hãy dẫn ra một đoạn văn cho thấy tác giả đã phân tích các yếu tố nghệ thuật để làm nổi bật nội dung của bài thơ.

Trả lời:

- Đoạn văn “Câu thơ cắt ngang ở giữa [...] hoàn toàn thoải mái.”: Yếu tố nghệ thuật được phân tích là cách ngắt nhịp, hình ảnh nhằm thể hiện tư thể chủ động, ung dung của nhà thơ – chiến sĩ.

Câu 5 trang 30 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Một trong những cách bình luận thơ là so sánh sự thể hiện của tác giả này với tác giả khác về cùng một vấn đề. Em hãy nêu nhận xét về tác dụng của cách bình luận đó trong phần (2) văn bản Vẻ đẹp của bài thơ “Cảnh khuya”.

Trả lời:

- Tác giả so sánh, đối chiếu cách thể hiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà thơ khác để nói về nghệ thuật lấy động tả tĩnh (Giả Đảo, Nguyễn Khuyến); hay nói về nghệ thuật so sánh tiếng suối trong đêm (Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Thế Lữ).

- Tác dụng của cách bình luận thơ so sánh sự thể hiện của tác giả này với tác giả khác về cùng một vấn đề trong phần (2) văn bản Vẻ đẹp của bài thơ “Cảnh khuya”: Giúp mở rộng, xoáy sâu vào những điểm giống (nghệ thuật lấy động tả tĩnh) và khác biệt (tâm trạng của nhân vật trữ tình), giúp người đọc cảm nhận được sức khơi gợi của các hình ảnh mà tác giả Hồ Chí Minh đã sử dụng trong bài thơ Cảnh khuya.

Câu 6 trang 30 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Câu cuối văn bản viết: “Ở bài thơ này cũng như ở bao bài thơ khác của Người đã in đậm phong cách thơ Hồ Chí Minh.”. Em hiểu “phong cách thơ Hồ Chí Minh” được nói đến ở đây là gì? Hãy chọn một bài thơ khác và lí giải để làm rõ nhận xét trên của tác giả Lê Trí Viễn.

Trả lời:

- Phong cách thơ Hồ Chí Minh là sự hoà quyện giữa chất nghệ sĩ và chiến sĩ, truyền thống và hiện đại, lãng mạn và hiện thực, bình thường và siêu việt, giản dị và vĩ đại,....

- Ví dụ: Bài thơ Ngắm trăng

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Bài thơ khắc hoạ sắc nét phong thái nho nhã, lịch lãm của người nghệ sĩ ngay giữa chốn lao tù; đồng thời, thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng qua tư thế lạc quan, ung dung, tự tại trước mọi hoàn cảnh.

Câu 7 trang 30 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Trong không khí thanh vắng, trên cái nền âm thanh là tiếng suối xa xa trong trẻo, hiện lên trước mắt một bức tranh thuỷ mặc với những mảng trắng đen rất rõ:

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Một cảnh lớn, nét bút đậm, như vút lên cao: ánh trăng khuya chiếu sáng rõ cây cổ thụ giữa rừng khuya. Trăng tượng trưng cho sự hiền hoà, thanh cao. Cổ thụ tượng trưng cho sự vững bền, từng trải.

Một cảnh nhỏ, ở tầng thấp, vẽ bằng nét bút mảnh mai, tỉ mỉ hơn: bóng cây lá ngả vào hoa thành những mảng đen tương phản với những bông hoa khác, ánh trăng chiếu vào càng sáng hơn. “Bóng lồng hoa” – chỉ ba chữ nhưng là cả một bức tranh với những mảng đen trắng rung rinh. Trăng chiếu vào hoa làm ta nhớ lại những câu thơ trong Chinh phụ ngâm:

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông

Bức tranh có cái đẹp kì vĩ lẫn cái đẹp tinh tế. Hai cậu mà có đủ: nào rừng, nào suối, Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông. nào cổ thụ, nào hoa. Và trên hết là một ánh trăng rất sáng, sáng lắm: trăng về khuya.

Nếu nhớ rằng Bác làm những câu thơ này năm 57 tuổi, ta mới thấy hết vẻ trẻ trung tươi mát của tâm hồn Bác. Và ta nhớ Bác từng làm thơ Đường luật bằng chữ Hán, từng vẽ những bức hoạ phỏng tranh cổ Trung Quốc hồi ở Pháp, ta mới thấy hết cái cốt cách phương Đông cổ điển trong những câu thơ tiếng Việt này.”.

(Nguyễn Xuân Nam, in trong Đến với tác phẩm văn chương, NXB Giáo dục, 2009)

a) Tác giả đã phân tích câu thơ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” bằng những cách nào?

b) Chỉ ra một điểm giống nhau trong cách phân tích thơ của hai tác giả Lê Trí Viễn (qua văn bản nghị luận đã học) và Nguyễn Xuân Nam (qua đoạn trích này).

c) Quan điểm, thái độ của người viết về đối tượng nghị luận được thể hiện như thế nào? Qua đó, em có thể học hỏi được điều gì?

Trả lời:

a) Tác giả đã phân tích câu thơ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” bằng cách tưởng tượng, tái hiện hình ảnh được gợi ra từ câu thơ (Một cảnh lớn, nét bút đậm, như vút lên cao: ánh trăng khuya chiếu sáng rõ cây cổ thụ giữa rừng khuya.); suy luận, phân tích từ hình ảnh thơ (Trăng tương trưng cho sự hiền hoà, thanh cao. Cổ thụ tượng trưng cho sự vững bền, từng trải ), liên hệ tương đồng với các tác giả khác (Trăng chiếu vào hoa làm ta nhớ lại những câu thơ trong “Chinh phụ ngâm”).

b) Điểm giống nhau trong cách phân tích thơ của hai tác giả Lê Trí Viễn (qua văn bản nghị luận đã học) và Nguyễn Xuân Nam (qua đoạn trích này):

- Tưởng tượng, tái hiện hình ảnh được gợi ra từ câu thơ.

- So sánh với các tác giả khác (về những điểm tương đồng hoặc khác biệt).

- Chọn những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu để phân tích, bình luận (Nguyễn Xuân Nam chọn hình ảnh bóng lồng hoa, Lê Trí Viễn chọn hình ảnh so sánh tiếng suối với tiếng hát xa);...

c) - Tác giả đã kết nối với thực tiễn (Bác làm những câu thơ này năm 57 tuổi) để khẳng định cái hay của câu thơ và vẻ đẹp của tâm hồn Bác (cốt cách phương Đông cổ điển trong những câu thơ tiếng Việt). Như vậy, cách thể hiện quan điểm, thái độ rất rõ ràng, khách quan: ngưỡng mộ nhưng chừng mực (không gợi cảm giác thiên vị, tôn sùng lãnh tụ).

- Qua đó, em học hỏi được cách thể hiện quan điểm, thái độ trước vấn đề nghị luận cần có sự nhìn nhận đúng đắn, khách quan và thuyết phục.

Chiều sâu của truyện Lão Hạc

Câu 1 trang 31 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Nhận xét nào đúng về phần (1) của văn bản?

A. Khẳng định vấn đề nghị luận bằng những câu hỏi tu từ

B. Dẫn dắt vấn đề nghị luận bằng cách đặt và trả lời câu hỏi

C. Nêu lên những chiêm nghiệm của người viết về tác phẩm

D. Khái quát về tài năng nghệ thuật của nhà văn Nam Cao

Trả lời:

Đáp án B

Câu 2 trang 31 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Câu hỏi 2, SGK) Đọc kĩ phần (2) của văn bản và trả lời các câu hỏi sau (có thể dùng lời văn, bảng biểu hoặc sơ đồ tư duy):

a) Luận điểm của phần này có mối quan hệ như thế nào với luận đề?

b) Xác định lí lẽ và bằng chứng được sử dụng để làm sáng tỏ luận điểm.

c) Nhận xét về cách trích dẫn và phân tích bằng chứng của người viết.

Trả lời:

a) Luận điểm của phần này có mối quan hệ chặt chẽ, giúp làm sáng tỏ với luận đề:

- Luận đề của văn bản là giá trị tiềm ẩn (không dễ nhận ra/ ở tầng chiều sâu/ không phải tầng bề mặt câu chữ văn bản) về tư tưởng và nghệ thuật của truyện.

- Luận đề này được triển khai, phân tích làm rõ bởi hai luận điểm. Trong đó, phần (2) nêu luận điểm thứ nhất: Nhà văn thông qua hoạt động giao tiếp (cuộc trò chuyện) giữa các nhân vật để khắc hoạ tính cách nhân vật chính, khiến chân dung nhân vật chính hiện lên phong phú, sắc nét, thể hiện rõ bề sâu tâm tưởng.

b)

Lí lẽ

Bằng chứng

Cách thức trò chuyện đã ẩn tàng nhiều ý nghĩa sâu xa hơn là bản thân những lời trò chuyện.

Nêu ra số lần ông giáo và lão Hạc trò chuyện. Ông giáo là người kể chuyện.

Giấu đến tận cùng số phận nhân vật, thỉnh thoảng hé mở vài cảnh huống gây sự hiểu lầm, rồi cuối cùng giải tỏa sự hiểu lầm ấy là một thành công đặc sắc của nghệ thuật tự sự Nam Cao ở truyện này.

Phân tích cuộc trò chuyện giữa các nhân vật

Cái nhìn từ tấm lòng tác giả là mạch chủ đạo, chi phối và liên kết các điểm nhìn khác.

Phân tích sự thay đổi mạch kể chuyện.

c) Cách trích dẫn bằng chứng theo kiểu gián tiếp (từng cuộc trò chuyện); được phân tích, bình luận sâu sắc để khẳng định thành công đặc sắc của nghệ thuật tự sự mà Nam Cao đã sử dụng.

Câu 3 trang 31 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Tìm một số câu văn thể hiện quan điểm, thái độ của người viết đối với nhà văn Nam Cao trong phần (2). Nhận xét về cách thể hiện đó.

Trả lời:

- Một số câu văn thể hiện quan điểm, thái độ của người viết đối với nhà văn Nam Cao trong phần (2):

“Chân dung nhân vật như móc vào tâm trí người đọc. Đây cũng là một ưu thế của cây bút Nam Cao.”.

“Ở chỗ này, Nam Cao thật cao tay – ông đưa ra một sự hiểu lầm bất ngờ, để rồi cũng bằng cách bất ngờ nhất, ông “lật tẩy” sự việc, làm cho người đọc thoả mãn trong sự hiểu biết trọn vẹn: lão Hạc vẫn vẹn nguyên trong sạch đến lúc chết! Giấu đến tận cùng số phận nhân vật, thỉnh thoảng hé mở vài cảnh huống gây sự hiểu lầm, rồi cuối cùng giải toả sự hiểu lầm ấy là một thành công đặc sắc của nghệ thuật tự sự Nam Cao ở truyện này. Đây là một thủ pháp tự sự đã áp dụng một cách tinh tế, xử lí thật điệu nghệ và cũng thật hiện đại so với truyền thống.”.

- Nhận xét: Cách thể hiện quan điểm, thái độ của tác giả Văn Giá khi đánh giá về nhà văn Nam Cao đó là luôn bám sát đã được phân tích, những kết luận đã được rút ra; vì vậy, những câu văn ca ngợi tài năng của Nam Cao (có thể là trực tiếp hay gián tiếp) rất giàu sức thuyết phục.

Câu 4 trang 31 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Luận điểm được trình bày trong phần (3) góp phần làm sáng tỏ luận đề như thế nào? Nhận xét về cách lập luận được sử dụng trong phần này.

Trả lời:

- Luận điểm được trình bày trong phần 3 đã đi sâu phân tích hoạt động giao tiếp của các nhân vật, về tình thế lựa chọn của lão Hạc trong truyện (giữa cái sống và cái chết cùng những hệ luỵ của chúng). Vấn đề này giúp làm rõ hơn giá trị tư tưởng trong tác phẩm lão Hạc (nỗ lực bảo toàn nhân cách của con người trong hoàn cảnh bi thảm).

- Nhận xét cách lập luận: Tác giả sử dụng cách lập luận phối hợp, đi từ tình thế lựa chọn của lão Hạc (việc giải quyết cái sống và cái chết); sau đó phân tích, bình luận các bằng chứng tiêu biểu để làm rõ sự lựa chọn đau đớn nhưng không thể khác của nhân vật Lão Hạc, cuối cùng nêu lên nhận xét, đánh giá về ý nghĩa của vấn đề đối với giá trị của truyện.

Câu 5 trang 31 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Chọn một câu văn hoặc hình ảnh em thích ở phần (3) và nêu rõ lí do.

Trả lời:

- Câu văn “Để bảo toàn nhân cách của mình, không có con đường nào khác là phải chủ động tìm đến cái chết.” có sức nặng khái quát toàn bộ ý nghĩa sâu xa của truyện, nhấn mạnh vào nỗi đau đớn tột cùng của nhân vật – cũng là giá trị nhân văn đẫm nước mắt và thăm thẳm ý vị triết lí mà tác giả Nam Cao đã thể hiện.

Câu 6 trang 31 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Phần (4) khái quát điều gì? Vấn đề nghị luận được khẳng định như thế nào?

Trả lời:

- Phần (4) khái quát đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nam Cao (sự thống nhất trong khác biệt: nhiều tầng nghĩa nổi chìm khuất lấp sau vẻ ngoài giản dị) và khẳng định lại nét đặc sắc của truyện Lão Hạc (tự nhiên, dung dị, hấp dẫn và mênh mông buồn).

=> Đây là cách khái quát những giá trị nghệ thuật mà bài viết đã trình bày từ lời văn, cách xây dựng chân dung và khắc hoạ tính cách nhân vật, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm: đẹp mà buồn (con người phải tìm đến cái chết để có thể giải quyết trọn vẹn hơn vấn đề giữ gìn phẩm giá và gieo hi vọng cho tương lai con cái).

- Vấn đề nghị luận được khẳng định: truyện Nam Cao không phải là loại truyện giản đơn trong cấu tứ, dựng truyện và triển hai mạch truyện.

Câu 7 trang 32 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Những nhận xét sau về cách thức thể hiện của văn bản Chiều sâu của truyện “Lão Hạc” (Văn Giá) là đúng hay sai? Hãy giải thích rõ.

a) Bố cục lô gích, mạch lạc

b) Có nhiều sáng tạo độc đáo trong dùng từ, diễn đạt

c) Thể hiện khả năng cảm nhận vừa sâu sắc vừa tinh tế của người viết

d) Ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu; biểu lộ cảm xúc nồng nhiệt.

Trả lời:

- Ý a) là đúng vì văn bản có một bố cục rõ ràng và mạch lạc, tổ chức theo các đoạn văn ngắn, sắp xếp câu chuyện theo một trình tự logic và dễ theo dõi.

- Ý b) là đúng vì văn bản có nội dung thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong dùng từ và diễn đạt. Ví dụ:

+ Về phần cuối truyện, tác giả đặt nhân vật vào hai toạ độ nhìn khác: vợ ông giáo và Binh Tư (dùng từ toạ độ, rất mới, rất chính xác).

+ Đây là một “pha” tác giả soi quét cái nhìn trần thuật của mình vào đời sống hoạt động và tâm tưởng của lão Hạc (dùng hình ảnh một “pha” tác giả soi quét cái nhìn trần thuật, nhà phê bình Văn Giá khẳng định sự tìm tòi của Nam Cao trong việc sử dụng những hình ảnh cùng trường nghĩa, tạo cách diễn đạt độc đáo, ấn tượng).

+ Chỉ có bằng cách này, lão mới khỏi phạm vào mảnh đất thiêng dành cho con lão và mới có thể chấm dứt kiếp sống héo úa, lay lắt của mình (dùng hình ảnh mảnh đất thiêng, các tính từ gợi tả lay lắt, héo úa giàu sức khơi gợi).

- Ý c) là đúng vì bằng những luận điểm được giải quyết thấu đáo trong bài viết, ta cảm nhận được sự sâu sắc và tinh tế của nhà phê bình Văn Giá: phát hiện về các cuộc trò chuyện của lão Hạc với những nhân vật khác - thông qua đó khắc hoạ chân dung tính cách của nhân vật chính và ý nghĩa của truyện.

- Ý d) chưa chính xác vì văn phong của tác giả thể hiện sự uyên thâm, sâu sắc.

Nắng mới, áo đỏ và nét cười đen nhánh

Câu 1 trang 32 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Nhan đề của văn bản cho biết điều gì? Lựa chọn những phương án đúng.

A. Nội dung chính của bài thơ Nắng mới

B. Những giá trị tiêu biểu của bài thơ Nắng mới

C. Một số hình ảnh nghệ thuật đặc sắc của bài thơ Nắng mới

D. Vấn đề nghị luận về bài thơ Nắng mới

Trả lời:

Đáp án C, D

Câu 2 trang 32 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Trong phần (1), tác giả đã giới thiệu bài thơ Nắng mới bằng cách nào?

A. Từ mạch cảm xúc đến thời gian nghệ thuật

B. Từ chủ đề đến cấu tứ, giọng điệu của bài thơ

C. Từ đặc điểm của nhà thơ đến hình ảnh điển hình trong bài thơ

D. Từ thực tiễn chung của mọi người kết nối đến cái riêng của một người

Trả lời:

Đáp án B

Câu 3 trang 32 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Câu hỏi 2, SGK) Hệ thống luận điểm của bài viết được triển khai như thế nào (chú ý tới nhan đề, bố cục bài viết, lí lẽ, bằng chứng được sử dụng cho từng luận điểm)?

Trả lời:

- Nhan đề “Nắng mới, áo đỏ và nét cười đen nhánh” đã khái quát được nội dung các chi tiết tác giả sẽ hướng tới phân tích trong văn bản nghị luận.

- Bố cục bài viết triển khai ba luận điểm:

- Luận điểm 1 (phần 2): Vẻ đẹp và sức gợi của các hình ảnh “nắng mới”, “áo đỏ” trong mạch chảy của nỗi niềm nhớ mẹ.

- Luận điểm 2 (phần 3): Vẻ đẹp và sức gợi của hình ảnh “nét cười đen nhánh” làm sắc nét thêm hình ảnh mẹ – tâm điểm của nỗi nhớ.

- Luận điểm 3 (phần 4): Liên hệ, kết nối với chủ đề của bài thơ (nỗi niềm thương nhớ mẹ).

Luận điểm

Lí lẽ

Bằng chứng

Nắng mới đã hội tụ được những vẻ đẹp nơi tâm hồn thơ Lưu Trọng Lư: thành thực phiêu lưu trong cõi mộng, cứ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy.

Nắng mới đã rọi vào cái tình cảm muôn thuở mà bao giờ cũng mới mẻ.

- Mô típ bài thơ.

- Chủ thể trong bài thơ.

Hai chữ "nắng mới" vừa ghi nhận một thời điểm đặc biệt trên dòng chảy thời gian vừa diễn tả không gian.

Thời điểm ấy.....mung lung đến thế.

Phân tích khổ thơ hai khổ thơ: "Mỗi lần nắng mới hắt bên song... những ngày không."; "Tôi nhớ mẹ tôi...trước giậu phơi."

Mẹ là tâm điểm của nỗi nhớ về tuổi thơ trong nắng mới, là nét son trong "những ngày không" đi suốt cuộc đời với nhà thơ.

Dáng vào ra của mẹ...đa cảm.

- Phân tích khổ thơ "Hình dáng mẹ...giậu thưa.

- So sánh với bài thơ của Hoàng Cầm.

 

Câu 4 trang 32 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Phần (3) được tác giả lập luận theo cách nào?

A. Diễn dịch

B. Quy nạp

C. Song song

D. Phối hợp

Trả lời:

Đáp án D

Câu 5 trang 32 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Những nhận xét sau đây nói về cách thức thể hiện của văn bản Nắng mới, áo đỏ và nét cười đen nhánh (Về bài thơ “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư) là đúng hay sai? Vì sao?

a) Bố cục văn bản mạch lạc, lô gích, giúp người đọc tiện theo dõi

b) Bằng chứng được trích dẫn đầy đủ, phân tích toàn diện cả về nội dung (ngữ nghĩa, thông điệp) và cách thức thể hiện (hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu)

c) Có so sánh, liên hệ, mở rộng với tác giả khác viết về cùng đề tài để nhấn mạnh giá trị của tác phẩm.

d) Sử dụng đa dạng các phép tu từ tạo nên cách diễn đạt độc đáo, giàu tính biểu cảm cho văn bản.

Trả lời:

- Ý a) đúng vì văn bản đã thể hiện các luận điểm cụ thể với lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, rõ ràng, giúp người đọc dễ dàng theo dõi và đồng tình.

- Ý b) đúng vì ở mỗi luận điểm, tác giả đều trích dẫn các câu thơ cụ thể và phân tích nhằm làm sáng tỏ luận điểm. Trong mỗi phần luận điểm đều để ý phân tích các chi tiết, hình ảnh, giọng điệu của bài thơ.

- Ý c) đúng vì trong phần phân tích, tác giả đã so sánh, liên hệ, mở rộng với tác giả Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Tế Hanh để làm nổi bật các chi tiết “ngày không”, “nét cười đen nhánh” và nỗi nhớ mẹ, từ đó nhấn mạnh giá trị tác phẩm.

- Ý d) chưa đúng vì văn bản sử dụng không nhiều phép tu từ (chỉ có phép so sánh). Tính biểu cảm của văn bản được tạo nên chủ yếu bởi lời văn uyển chuyển, giàu nhịp điệu, cách sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh.

Câu 6 trang 33 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Phần cuối của văn bản có câu: “Chính vì thế, Nắng mới gợi niềm đồng vọng sâu xa ở nhiều tâm hồn bạn đọc.”. Theo em hiểu, “niềm đồng vọng sâu xa” mà tác giả nói đến ở đây là gì?

Trả lời:

Cụm từ “niềm đồng vọng sâu xa” chính là khả năng khơi gợi sự đồng cảm trong tâm hồn bạn đọc, ở đây là nỗi niềm thương nhớ mẹ. Bài thơ Nắng mới gợi sự đồng cảm trong tâm hồn bạn đọc vì tình mẫu tử là tình cảm sâu sắc, đẹp đẽ, lắng đọng; hình ảnh mẹ luôn là hình ảnh gợi nhiều thương nhớ nhất trong kí ức của những người con.

Câu 7 trang 33 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Hãy nêu đoạn văn mà em thích nhất trong bài và trình bày lí do yêu thích.

Trả lời:

- Đoạn văn em thích nhất trong bài: “Đối với mỗi con người [...] trên mặt giấy.”.

- Lí do yêu thích: Chủ đề của bài thơ luôn là điều được bạn đọc quan tâm, bởi chủ đề chỉ phối đến mạch cảm xúc của tác giả, làm lan toả mạch cảm xúc đó đến người đọc. Tác giả đã giới thiệu bài thơ bằng cách đi từ chủ đề để khơi gợi những giá trị đặc sắc tiếp theo như cấu tứ, giọng điệu bài thơ. Đoạn văn thể hiện cách cảm nhận gần gũi mà sâu sắc của người viết về tác giả Lưu Trọng Lư và bài thơ Nắng mới.

II. Bài tập tiếng Việt

Bài tập tiếng Việt trang 33, 34

Câu 1 trang 33 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Bài tập 1, SGK) Tìm thành phần gọi – đáp, thành phần cảm thán trong các câu dưới đây. Nêu ý nghĩa của mỗi thành phần đó.

a) Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? (Nguyễn Thành Long)

b) Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. (Ngô Tất Tố)

c) Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ. (Kim Lân)

d) Trời ơi, chỉ còn có năm phút! (Nguyễn Thành Long)

Trả lời:

a) - Thành phần cảm thán: Ơ

- Ý nghĩa Bộc lộ sự bất ngờ, cảm xúc ngạc nhiên của người nói.

b) - Thành phần gọi - đáp: Này

- Ý nghĩa: Duy trì quan hệ giao tiếp; là tiếng gọi người đối thoại ngang hàng hoặc người dưới.

c) - Thành phần gọi - đáp: Thưa ông

- Ý nghĩa: Duy trì quan hệ giao tiếp; là tiếng gọi người đối thoại bề trên.

d) - Thành phần cảm thán: Trời ơi

- Ý nghĩa: Bộc lộ sự ngạc nhiên, xúc động trong cảm xúc của người nói.

Câu 2 trang 33 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (Bài tập 3, SGK) Tìm thành phần chuyển tiếp, thành phần tình thái trong những câu dưới đây. Chỉ ra ý nghĩa, tác dụng của mỗi thành phần đó.

a) May ra có lẽ mợ không mắng đâu. (Thạch Lam)

b) Vậy biến đổi khí hậu liên quan thế nào đến nước biển dâng? Trước hết, do nhiệt độ tăng cao, các khối băng, tuyết từ Bắc Cực, Nam Cực và các đỉnh núi cao tan ra, chảy ra biển. [...] Thứ đến, nước dâng do hiện tượng dãn nở nhiệt của nước biển. (Lưu Quang Hưng)

c) Người nhà lí trưởng hình như không dám hành hạ một người ốm nặng, sợ hoặc xảy ra sự gì, hắn cứ lóng ngóng ngơ ngác, muốn nói mà không dám nói. (Ngô Tất Tố)

d) Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo. (Thạch Lam)

e) Trong tầm quan sát của Trần Tế Xương, tất cả mọi vấn đề liên quan đến thi cử đều bị “biến dạng” trong mối quan hệ giữa danh và thực, tài và lực, giữa cái cũ lạc hậu nhưng chưa tiêu tan và cái mới vẫn chưa thắng thế. Nói cách khác, thơ Trần Tế Xương đã hoán cải ngay cả những bi kịch thi cử và thất vọng cá nhân thành một chuỗi cười dài. (Nguyễn Hữu Sơn)

Trả lời:

a. Thành phần tình thái: may ra, có lẽ.

- Ý nghĩa:

+ “May ra” biểu thị ý hi vọng về một kết qua tốt đẹp có thể xảy ra.

+ “Có lẽ” biểu thị ý không khẳng định chắc chắn về điều nếu sau đó.

b. Thành phần chuyển tiếp: Trước hết, thứ đến.

- Ý nghĩa:

+ “Trước hết” là trước tất cả những cái khác.

+ “Thứ đến” là (điều) thứ hai.

c. Thành phần tình thái: hình như.

- Ý nghĩa: thể hiện sự hoài nghi, chưa chắc chắn với điều người nói nói.

d. Thành phần chuyển tiếp: chắc.

- Ý nghĩa: thể hiện sự chưa chắc chắn; dùng để chuyển tiếp hai ý trong một câu.

e. Thành phần chuyển tiếp: Nói cách khác.

- Ý nghĩa: Cụm từ được xếp sau một câu cùng đề cập đến nội dung “sự châm biếm trong thơ Trần Tế Xương” để tạo sự liên kết giữa các ý chuyển tiếp.

Câu 3 trang 33 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Tìm thành phần tình thái trong những câu sau. Xác định nghĩa của mỗi thành phần tình thái tìm được.

a) May sao, nhờ bà con xung quanh xúm đến cứu giúp, anh Dậu đã tỉnh lại. (Nguyễn Hoành Khung)

b) Song ở điểm này, Nam Cao dường như cho phơi bày ra hết, không giấu giếm, không nửa vời. (Văn Giá)

c) Nhưng không chỉ có thế, có lẽ cái quan trọng hơn đối với tác giả là “cách thức trò chuyện” giữa hai người ... (Văn Giá)

d) Và quả thật là món Địa lí lúc bấy giờ đã phát huy tác dụng. (Ê-xu-pe-ri).

Trả lời:

a) Thành phần tình thái: may sao

- Ý nghĩa: thể hiện sự may mắn trong sự việc.

b) Thành phần tình thái: dường như

- Ý nghĩa: thể hiện sự nhìn nhận, suy diễn, không chắc chắn

c) Thành phần tình thái: không chỉ có thế, có lẽ

- Ý nghĩa:

+ “Không chỉ có thế” biểu hiện sự không chỉ một khả năng duy nhất, còn có khả năng tiếp nối.

+ “Có lẽ” biểu hiện sự chắc chắn, đoán chừng.

d) thành phần tình thái: quả thật

- Ý nghĩa: biểu hiện sự chắc chắn, xác định

Câu 4 trang 34 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Tìm thành phần phụ chú trong những câu dưới đây. Chỉ ra dấu hiệu hình thức (thể hiện bằng các dấu câu) và tác dụng của mỗi thành phần phụ chú tìm được.

a) Tôi có ngay cái ý nghĩ vừa non nớt vừa ngày thơ nàychắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước. (Thanh Tịnh)

b) Vậy là chao đảo đi qua bốn điểm nhìn tự sự – tác giả, ông giáo, vợ ông giáo và Binh Tư – nhân vật lão Hạc từ xa lạ trở nên gần gũi, thân mật, sau đó lại bị ghét bỏ, bị hiểu lầm rồi cuối cùng được hiểu đúng và thân thương hơn, đau xót hơn.

(Văn Giá)

c) Thống lí Pá Tra xuống ngựa, cho thị sống (một chức việc đi hầu quan thống lí như người làm mõ thời trước) dắt ngựa vào tàu. (Tô Hoài)

Trả lời:

a) Thành phần phụ chú: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

- Dấu hiệu hình thức: được đặt sau dấu hai chấm.

- Ý nghĩa: được dùng để giải thích làm rõ nghĩa cho cụm danh từ (cái ý nghĩ vừa non nớt vừa ngây thơ) đứng trước.

b) Thành phần phụ chủ: từ xa lạ trở nên gần gũi, thân mật; tác giả, ông giáo, vợ ông giáo và Binh Tư.

- Dấu hiệu hình thức: dấu gạch ngang.

- Tác dụng: Nêu rõ bốn điểm nhìn tự sự được nhắc đến.

c) Thành phần phụ chủ: một chức việc đi hầu quan thống li như người làm mõ thời trước.

- Dấu hiệu hình thức: được đặt trong dấu ngoặc đơn (...)

- Tác dụng: biểu hiện sự bổ sung, giải thích, miêu tả chi tiết.

III. Bài tập viết

Bài tập viết trang 34, 35

Câu 1 trang 34 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: (SGK) Chỉ ra luận điểm, lí lẽ, bằng chứng và cách phân tích bằng chứng được sử dụng trong đoạn văn sau:

“Nhân vật để lại ấn tượng nổi bật trong đoạn trích kịch Đổi tên cho xã là ông Nha – chủ tịch xã, một điển hình cho kiểu người háo danh, sĩ diện. Là con người, ai cũng có những mong muốn, kì vọng nhưng nếu những mong muốn không xuất phát từ thực tế sẽ chỉ là ảo tưởng, cố theo đuổi bằng được ảo tưởng đó và tìm cách huyễn hoặc mình thì chẳng khác nào lừa người, lừa mình. Chỉ vì thay đổi cái tên của xã (theo ý chủ quan, cá nhân) mà ông chủ tịch xã tuyên bố rằng “lịch sử xã ta mở sang một trang mới”, “chấm dứt cái tên ... nôm na của một quá khứ tối tăm, nghèo khổ”. Chính những lời nói đại ngôn, sáo rỗng đã cho thấy ông chủ tịch xã là người nóng vội, thiếu hiểu biết, kiểu “ếch ngồi đáy giếng”. Ông khao khát thay đổi hoàn cảnh nhưng lại không có phương pháp đúng. Làm gì có chuyện chỉ cần đặt lại cho xã cái tên mới thật kêu là mọi việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp như một giấc mơ”.

Trả lời:

Luận điểm

Lí lẽ

Cách phân tích bằng chứng

Nhân vật để lại ấn tượng nổi bật trong đoạn trích kịch Đổi tên cho xã là ông Nha – chủ tịch xã, một điển hình cho kiểu người háo danh, sĩ diện.

- Là con người, ai cũng có những mong muốn, kì vọng nhưng nếu những mong muốn không xuất phát từ thực tế sẽ chỉ là ảo tưởng, cố theo đuổi bằng được ảo tưởng đó và tìm cách huyễn hoặc mình thì chẳng khác nào lừa người, lừa mình.

- Ông khao khát thay đổi hoàn cảnh nhưng lại không có phương pháp đúng. Làm gì có chuyện chỉ cần đặt lại cho xã cái tên mới thật kêu là mọi việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp như một giấc mơ!

Đưa ra việc ông chủ tịch xã dù thiếu hiểu biết nhưng nóng vội tuyên bố rằng “lịch sử xã ta mở sang một trang mới”, “chấm dứt cái tên ... nôm na của một quá khứ tối tăm, nghèo khổ”

 

Câu 2 trang 34 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc đề bài và thực hiện các yêu cầu bên dưới.

Đề bài: Phân tích đoạn trích sau để làm rõ nghệ thuật trào phúng mà tác giả đã sử dụng.

“Bốn chú thợ phụ ra, hai chú cởi tuột quần cộc của ông Giuốc-đanh mặc lúc tập kiếm vừa rồi, hai chú thì lột áo ngắn rồi họ mặc bộ lễ phục mới vào cho ông. Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục xong, đi đi lại lại giữa đám thợ, phô áo mới cho họ xem có được không. Cởi áo, mặc áo, chân bước, miệng nói, tất cả đều theo nhịp của dàn nhạc.

THỢ PHỤ – Bẩm ông lớn, xin ông lớn ban cho anh em ít tiền uống rượu.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – Anh gọi ta là gì?

THỢ PHỤ – Bẩm, ông lớn ạ.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – Ông lớn ư? Ấy đấy, ăn mặc theo lối quý phái thì thế đấy! Còn cứ bo bo giữ kiểu áo quần trưởng giả thì đời nào được gọi là “ông lớn”. Đây, ta thưởng về tiếng “ông lớn” đây này!

THỢ PHỤ – Bẩm cụ lớn, anh em chúng tôi đội ơn cụ lớn lắm lắm.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – “Cụ lớn”, ồ, ồ, cụ lớn! Chú mày thong thả tí đã. Cái tiếng “cụ lớn” đáng thưởng lắm. “Cụ lớn” không phải là một tiếng tầm thường đâu nhé. Này, cụ lớn thưởng cho các chú đây.

THỢ PHỤ – Dám bẩm đức ông, anh em chúng tôi sẽ đi uống rượu chúc sức khoẻ đức ông.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – Lại “đức ông” nữa! Hà hà! Hà hà! Các chú hãy đợi tí, đừng đi vội. Ta là đức ông kia mà! (nói riêng) Của đáng tội, nếu nó tôn ta lên bậc tướng công, thì nó sẽ được cả túi tiền mất. Đây nữa này, thưởng cho chú về tiếng “đức ông” đấy nhé!

THỢ PHỤ – Dạ, bẩm đức ông, anh em chúng tôi xin bái tạ ơn người.

ÔNG GIUỐC-ĐANH – nói riêng – Nó như thế là phải chăng, nếu không ta đến mất tong cả tiền cho nó thôi.

Bốn người thợ phụ vui mừng nhảy múa.”.

(Trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục, Ngữ văn 8, tập một, NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2023)

a) Nêu những nhiệm vụ cụ thể em cần chuẩn bị trước khi viết bài văn này.

b) Em sẽ tìm ý cho bài viết bằng cách nào? Trình bày cụ thể.

c) Từ các ý đã tìm được, hãy sắp xếp theo một trình tự phù hợp để tạo dàn ý cho bài viết.

d) Tham khảo dàn ý đã lập, hãy viết một đoạn văn cho phần thân bài.

Trả lời:

a) Những nhiệm vụ cụ thể em cần chuẩn bị trước khi viết bài văn này: Đọc kĩ đề để biết kiểu bài viết (nghị luận văn học); yêu cầu về nội dung bài viết (phân tích đoạn trích để làm rõ nghệ thuật trào phúng); phương thức biểu đạt chính (nghị luận), phạm vi sử dụng dẫn chứng (đoạn trích được chỉ định).

b) Em sẽ tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời các câu hỏi:

- Nghệ thuật trào phúng chủ yếu của đoạn trích là gì (phóng đại, khoa trương được sử dụng để chế nhạo cái xấu xa, tiêu cực trong xã hội)?

- Nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích biểu hiện qua những yếu tố nào (xung đột kịch: mâu thuẫn giữa ông Giuốc-đanh và đám thợ phụ; mâu thuẫn trong chính con người Giuốc-đanh; qua lời thoại hài hước, gây cười,...)?

- Nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích có tác dụng gì (như một thứ vũ khí sắc bén chế nhạo những thói xấu của con người trong xã hội dốt nát nhưng học đòi làm sang, sĩ rởm, thực dụng, nịnh hót, lừa bịp,...; tạo ấn tượng khó quên về các nhân vật trong vở kịch,...)?

- Có thể rút ra bài học nào từ đoạn trích (tu dưỡng lối sống giản dị, chân thực, hướng tới lối sống có văn hoá, có đạo đức,...)?

c) - Mở bài

Giới thiệu đoạn trích (xuất xứ vị trí, nội dung chính, thể loại, tác giả); nêu ấn tượng, cảm nhận chung về nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích.

- Thân bài:

+ Khái quát về nghệ thuật trào phúng trong hài kịch.

+ Phân tích một số biểu hiện của nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích: tình huống kịch (Giuốc-đanh vốn háo danh, bọn thợ phụ biết vậy nên tranh thủ bày trò nịnh hót, bịp bợm lão để kiếm tiền); đặc điểm của các nhân vật (tương đồng và khác biệt); lời thoại, hành động,…

+ Lí giải về tác dụng của nghệ thuật trào phúng trong việc thể hiện ý nghĩa của đoạn trích (phê phán, khuyên răn).

- Kết bài:

+ Nhận xét về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích; rút ra những bài học về nhận thức và hành động cho bản thân.

d) Có thể nhận thấy ngay đoạn trích đã sử dụng thành công nghệ thuật trào phúng trong hài kịch. Vậy trước hết, chúng ta cần phải hiểu nghệ thuật trào phúng trong hài kịch là gì. Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật gây cười nhằm đả kích, mỉa mai, châm biếm những hiện tượng xấu xa trong xã hội. Thông thường, trào phúng sẽ được thể hiện qua các tình huống, chân dung và biếm họa, nghệ thuật phóng đại, ngôn ngữ, giọng điệu mỉa mai. Trong hài kịch sân khấu, sự trào phúng không còn nằm im trên trang viết mà đã được hiện thực hóa thông qua những hành động, cử chỉ, lời nói trực tiếp của nhân vật. Điều đó càng làm tăng thêm sức châm biếm, chân thực cho người xem. Trong đoạn trích, nghệ thuật trào phúng đã được thể hiện vô cùng đậm nét, rõ ràng. Đó là tình huống kịch (Giuốc-đanh vốn háo danh, bọn thợ phụ biết vậy nên tranh thủ bày trò nịnh hót, bịp bợm lão để kiếm tiền) và đặc điểm của các nhân vật (tương đồng và khác biệt) được mô tả thông qua lời thoại, hành động,… Từ đó làm nổi bật hành vi kiêu căng, khoe khoang của ông Giuốc-đanh.

Câu 3 trang 35 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Đọc lại đoạn văn đã viết (yêu cầu d, bài tập 2) và chỉ ra luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, cách phân tích bằng chứng được sử dụng trong đoạn văn.

Trả lời:

- Luận điểm: Chúng ta cần phải hiểu nghệ thuật trào phúng trong hài kịch là gì.

- Lí lẽ:

+ Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật gây cười nhằm đả kích, mỉa mai, châm biếm những hiện tượng xấu xa trong xã hội; được thể hiện qua các tình huống, chân dung và biếm họa, nghệ thuật phóng đại, ngôn ngữ, giọng điệu mỉa mai.

+ Trong hài kịch, nghệ thuật trào phúng được hiện thực hóa thông qua những hành động, cử chỉ, lời nói trực tiếp của nhân vật.

- Bằng chứng:

+ Trong đoạn trích, nghệ thuật trào phúng đã được thể hiện qua tình huống kịch, đặc điểm của các nhân vật (tương đồng và khác biệt) được mô tả thông qua lời thoại, hành động,…

- Cách phân tích bằng chứng: lấy dẫn chứng trong đoạn trích.

IV. Bài tập nói và nghe

Bài tập nói và nghe trang 36, 37

Câu 1 trang 36 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Chuẩn bị cho việc trình bày bài phân tích đoạn trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (trích Trưởng giả học làm sang, Mô-li-e) để thấy được những đặc trưng của hài kịch, em cần thực hiện các yêu cầu nào sau đây? Lựa chọn những phương án đúng:

A. Xác định những từ ngữ quan trọng để biết yêu cầu về thể loại, nội dung phạm vi bài trình bày, mục đích trình bày, đối tượng người nghe.

B. Xem lại nội dung đọc hiểu đoạn trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (SGK Ngữ văn 8, tập một) và những tri thức về đặc trưng của hài kịch

C. Xác định nội dung chính của bài trình bày: đặc điểm của hài kịch thể hiện trong đoạn trích, thông điệp của đoạn trích (các thủ pháp trào phúng gây cười; phê phán thói sĩ diện, háo danh, dốt nát)

D. Viết sẵn những nội dung trình bày thành bài hoàn chỉnh để đọc khi cần thiết

E. Chuẩn bị những phương tiện hỗ trợ cho bài trình bày (hình ảnh, âm thanh, bài trình chiếu,...)

Trả lời:

Đáp án đúng: A, B, C, E

Câu 2 trang 36 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Theo em, dàn ý của bài trình bày phân tích đoạn trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (trích Trưởng giả học làm sang, Mô-li-e) để thấy nghệ thuật trào phúng của hài kịch được sắp xếp theo sơ đồ sau đây đã phù hợp chưa? Nếu chưa, em hãy nêu ý kiến chỉnh sửa.

Theo em, dàn ý của bài trình bày phân tích đoạn trích Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục

Trả lời:

Nhìn chung, dàn ý bài trình bày được sắp xếp khá phù hợp về nội dung trên khai. Người nói có thể sắp xếp, ghép ý 3, 4 vào phần kết thúc vấn đề, chọn một trong hai yêu cầu của ý 4 (liên hệ, kết nối với thực tiễn; rút ra bài học cho bàn thăm để trình bày nếu cần rút gọn về thời gian; ý 2 là phần chính nên phát triển chi tiết hơn để tạo trọng tâm cho bài trình bày.

Câu 3 trang 37 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Dựa vào dàn ý đã chỉnh sửa (nếu có) ở bài tập 2, thực hành nói trong khoảng 7 – 10 phút, ghi âm hoặc quay video bài nói.

Khuyến khích đưa sản phẩm (bài nói) lên nhóm chung của lớp để nhận phản hồi từ thầy cô và các bạn.

Trả lời:

Nội dung thực hành nói tham khảo

a. Giới thiệu

- Nêu tên bài nói: Phân tích đoạn trích "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" từ tác phẩm "Trưởng giả học làm sang, Mô-li-e".

- Trình bày mục tiêu của bài nói: Phân tích đoạn trích để hiểu về nghệ thuật trào phúng trong hài kịch.

b. Phân tích nghệ thuật trào phúng trong hài kịch

* Tóm tắt ngắn gọn nội dung đoạn trích

* Nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích

- Sử dụng các đặc điểm hài hước:

+ Châm biếm: Tác giả sử dụng nhân vật Ông Giuốc-đanh để châm biếm những người tự cao, coi thường người khác.

+ Hài hước từ tình huống: Nhân vật Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục và kiêu căng trong hoàn cảnh không xứng đáng đã tạo ra tình huống hài hước.

- Sử dụng ngôn ngữ sắc bén:

+ Tác giả sử dụng ngôn ngữ sắc bén, châm biếm, và mỉa mai để tái hiện tính cách và tình huống của nhân vật Ông Giuốc-đanh.

+ Sử dụng các từ ngữ trực tiếp để miêu tả nhân vật, ví dụ: "kiêu căng", "tự phụ".

c. Kết luận

- Tóm tắt lại nội dung phân tích: Đoạn trích "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" là một ví dụ về nghệ thuật trào phúng trong hài kịch, dùng để châm biếm và chế nhạo những người tự phụ.

- Từ đó, thấy được sự tinh vi và hài hước trong việc sử dụng nghệ thuật trào phúng để gợi cảm xúc và châm biếm các vấn đề xã hội, con người.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ Văn lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

III. Bài tập viết trang 28

IV. Bài tập nói và nghe trang 29

I. Bài tập đọc hiểu trang 29

II. Bài tập tiếng Việt trang 33, 34

III. Bài tập viết trang 34, 35

Đánh giá

0

0 đánh giá