Toptailieu.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới Ngữ văn 11 Kết nối tri thức gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới
Đề bài: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ Bảo kính cảnh giới
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 1
Nguyễn Trãi là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc song ông cũng là một nhà chính trị tài ba, lỗi lạc. Dưới thời nhà Lê ông là một vị hiền thần, đã có nhiều kế sách đúng đắn, sáng suốt giúp cho nhà Lê phát triển triều đình, ổn định phát triển cuộc sống của dân chúng. Tuy nhiên, vì bản lĩnh cứng cỏi, lại liêm khiết, quyết không chịu bắt tay với bọn nịnh thần nên Nguyễn Trãi đã trở thành đối tượng và chúng công kích và tìm mọi cách để hãm hại. Ông đã nhiều lần bị bắt vào ngục vì những trò tiểu nhân của chúng. Sau những thăng trầm chốn quan trường, ông đã quyết định từ chốn quan trường để trở về quê sống cuộc sống ẩn dật, giản dị của một Nho sĩ. Và ở quê nhà Côn Sơn, Chí Linh, Nguyễn Trãi đã cho ra đời rất nhiều những sáng tác hay, viết về cuộc sống dân dã nhưng đầy niềm vui và ý nghĩa. Bài thơ bảo kính cảnh giới số 43 cũng được sáng tác trong thời gian Nguyễn Trãi lui về ở ẩn đấy.
Bài thơ bảo kính cảnh giới số 43 viết về cuộc sống bình dị nơi thôn dã của Nguyễn Trãi, cũng thể hiện được tác phong ung dung, bình tĩnh, tự tại của nhà thơ trước những nhịp sống, nhịp vận động của thiên nhiên, đất trời. Bài thơ vừa thể hiện được những nét đẹp trong tâm hồn của nhà thơ, đó là một thi nhân đầy nhạy cảm với tình yêu thiên nhiên da diết. Song đó cũng là một con người nhập thế, bởi dù đã trở về ở ẩn nơi núi rừng Côn Sơn thì Nguyễn Trãi vẫn một lòng hướng về thế sự, một lòng mong mỏi người dân có cuộc sống bình yên, êm ấm, no đủ. Ở câu thơ đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Trãi đã vẽ ra khung cảnh bình yên, tươi đẹp của cuộc sống dân dã, đồng thời cũng cho thấy được tâm trạng cũng như tư thế tự tại của nhà thơ trong khung cảnh tươi đẹp đó:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”
Ở trong hai câu thơ này phần nào đã hé mở bức tranh ngày hè đầy rực rỡ và tâm hồn đầy thư thái của thi nhân. Từ “rồi” mà Nguyễn Trãi sử dụng ở đây không phải từ chỉ thời gian sau này, không phải sự dự báo cuộc sống an nhàn, thảnh thơi của mình sau đó. Bởi lúc này thì Nguyễn Trãi đã từ quan, bỏ lại nơi bát nháo, thị phi của chốn quan trường mà trở về ở ẩn, sống dung dị với thiên nhiên, cuộc sống giản dị nơi thôn dã. Bởi vậy mà từ “rồi” ở đây ta có thể hiểu theo nghĩa là sự rảnh rỗi, thời gian đầy tự do mà không vướng phải những công chuyện trần thế, chỉ an tâm thưởng ngoạn khung cảnh của thiên nhiên.
“Rồi bóng mát thuở ngày trường” câu thơ đã thể hiện được tư thế đầy tự do, tự tại của nhà thơ Nguyễn Trãi khi đang an nhàn mà đón nhận “bóng mát” của những ngày thường, đó chính là sự tươi mát, dịu nhẹ nơi tâm hồn, khác hẳn với cái nóng nực, bức bối đầy khó chịu nơi thị thi như chốn quan trường. Câu thơ vừa thể hiện được những đặc điểm về thời tiết, đó là sự mát mẻ nơi núi rừng, song đó cũng chính là sự thanh mát nơi tâm hồn, khi nhà thơ không còn vướng bận chuyện chính sự. Trong cái không gian thoáng và mát mẻ ấy, nhà thơ có điều kiện quan sát những cảnh vật, sự sống xung quanh mình “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”.
“Hòe lục” là sắc xanh của những chiếc lá hòe. “Đùn đùn” vừa diễn tả được cái um tùm, xum xuê của tán lá, nhưng đồng thời cũng thể hiện được chiều vận động của những chiếc lá này. Trong sự quan sát và cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Trãi thì những chiếc lá hòe này dường như đang bảo nhau mà đùn lên xanh tốt, bóng của cây hòe cũng phủ bóng râm cho cả một vùng không gian “Tán rợp giương”. Và màu sắc tươi mới, rực rỡ của ngày hè không chỉ dừng lại ở cái sắc xanh của lá, nó còn được điểm xuyết bởi sắc đỏ của những bông hoa thạch lựu, sự điểm xuyết này càng làm cho bức tranh ngày hè thêm tươi đẹp, tràn trề sức sống và thêm thu hút đối với cảm nhận về thị giác của độc giả:
“ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Ta có thể thấy, đây là những câu thơ đẹp nhất trong bài khi miêu tả về khung cảnh ngày hè đầy rực rỡ, tươi đẹp. “Thạch lựu” là một loại hoa thường nở vào những ngày hè, vì vậy mà nhắc đến hoa thạch lựu thì người ta hay liên tưởng đến những ngày hè đầy tươi đẹp. “Hiên” ở đây là từ chỉ địa điểm, hiên cũng tức là hiên nhà, xét ý nghĩa toàn câu thơ ta sẽ thấy được những bông hoa thạch lựu đỏ rực ngay trước hiên nhà. Cũng như câu thơ trên, nhà thơ Nguyễn Trãi đã sử dụng những động từ đầy sức biểu cảm, “phun” thể hiện sự lan tỏa, khuếch trương của sắc đỏ ấy trong không gian.
Trong cách mô tả này ta có thể cảm nhận được dường như sắc đỏ rực của những bông hoa thạch lựu không hề tồn tại cố hữu ở một địa điểm mà nó nở, mà có xu hướng làm lan tỏa màu sắc rực rỡ ấy vào không gian, vào tâm hồn người thi nhân, tạo ra những cảm giác vấn vương, rạo rực. “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Như vậy không chỉ có màu sắc xanh lục của lá hòa, sắc đỏ thắm của những bông hoa thạch lựu mà bức tranh ngày hè càng trở nên sống động và chân thực hơn nữa khi nhà thơ miêu tả hương thơm thoang thoảng của ao sẽ. Vẫn là những động từ dùng để chỉ sự vận động “tiễn” và đối tượng đó chính là hương sen. Chính việc sử dụng các động từ để chỉ sự vận động của cảnh sắc, mùi hương này đã đem đến cho người đọc những cảm nhận chân thực và sống động nhất khung cảnh ngày hè tươi đẹp mà nhà văn đã thể hiện qua bài thơ.
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm vè lầu tịch dương”
Nhà thơ Nguyễn Trãi không chỉ đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên đầy tươi đẹp mà ông còn vui với những niềm vui thuộc về cuộc sống lao động. Nếu ở những câu thơ trên nói về vẻ đẹp của cảnh sắc ngày hè thì đến câu thơ này, Nguyễn Trãi lại hướng đến vẻ đẹp của cuộc sống lao động của người dân. “Lao xao” diễn tả hành động khẩn trương, tấp nập, và cái đối tượng của sự tấp nập, huyên náo đó chính là “chợ cá làng ngư phủ, đây cũng là âm thanh đặc trưng của cuộc cuộc sống vui tươi, thanh bình. Ở hai câu thơ này nhà văn không chỉ gợi tả đến hình ảnh mà còn rất chú trọng đến âm thanh, đó chính là “Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”, đó chính là tiếng đàn được phát ra từ tự nhiên, “cầm ve” tiếng động, âm thanh của những tiếng ve. Đây cũng là âm thanh đặc trưng của ngày hè, làm cho bức tranh ngày hè thêm sinh động.
“Rẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Nếu như những câu thơ trên thể hiện được cảnh sắc của ngày hè thì hai câu thơ cuối cùng của bài thơ lại thể hiện được mong muốn, khát khao của nhà thơ về một cuộc sống đầy tươi đẹp của nhân dân. “Ngu cầm” là đàn của vua Nghiêu Thuấn, vị vua tài giỏi, nhân đức của Trung Hoa, dưới sự trị vì của ông thì dân chúng có cuộc sống no ấm, đủ đầy. Ở đây nhà thơ Nguyễn Trãi đã mượn điển tích ngu cầm để thể hiện mong ước về một cuộc sống, về một phép nghiệm màu làm cho nhân dân được yên ấm, hạnh phúc “Dân giàu đủ khắp đòi phương”, đó chính là mong ước đầy nhân văn của nhà thơ. Nhà thơ mong cho người dân khắp nơi đều có cuộc sống sung túc, đủ đầy, không còn cảnh lầm than, đói khổ.
Như vậy, qua bài thơ “Bảo kính cảnh giới” ta có thể cảm nhận được tâm hồn thanh bạch, tâm thế tự do tự tại của nhà thơ Nguyễn Trãi trước cảnh sắc ngày hè tươi đẹp nơi dân dã. Nhưng ta cũng thấy được nét đẹp trong tâm hồn của nhà thơ này, đó là dù có lui về ở ẩn thì tấm lòng nhân nghĩa của ông vẫn luôn hướng về nhân dân, đó là ước mơ đầy nhân văn, đầy con người khi mong mỏi cho người dân có một cuộc sống tốt đẹp.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 2
Nguyễn Trãi (1380- 1442) là đại thi hào dân tộc, người anh hùng cứu quốc thuở “bình Ngô", danh nhân văn hóa Đại Việt. Thơ chữ Hán cũng như thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi đẹp đẽ, sâu sắc, biểu tượng cao quý của nền văn hiến Việt Nam.
“Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi hiện còn 254 bài thơ, được chia nhiều loại, nhiều thể tài khác nhau: Ngôn chí (21 bài), Thuật hứng (25 bài), Bảo kính cảnh giới (61 bài)… Phần lớn các bài thơ trong "Quốc âm thi tập ” không có nhan đề. Đây là bài thơ 43 trong “Bảo kính cảnh giới”. Các bài thơ trong "Bảo kính cảnh giới ” hàm chứa nội dung giáo huấn trực tiếp, những bài thơ này rất đậm đà chất trữ tình, cho ta nhiều thú vị.
Đề tài mùa hè, cảnh hè được nói nhiều trong thơ văn cổ dân tộc. "Quốc âm thi tập”, “Hồng Đức quốc âm thi tập”, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến… đều có một số bài thơ viết về mùa hè rất hay. Bài thơ này là một thi phẩm khá tiêu biểu cho ngôn ngữ thi ca Ức Trai, đậm đà dấu ấn thời đại, thời Lê, thế kỷ XV nói lên cảnh sắc mùa hè làng quê và nỗi ước mong của nhà thơ.
Câu 1 (lục ngôn) nói lên một cách sống của thi nhân. Câu thơ bình dị như một lời nói vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên:
"Rồi bóng mát thuở ngày trường”
Đằng sau vần thơ là hình ảnh một cụ già, tay cầm quạt giấy “Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh – Áo bô đen cật vận xềnh xoàng" đang đi dạo mát. Lúc bấy giờ, Ức Trai không bị ràng buộc bởi “áng mận đào ”, vòng "danh lợi ” nữa, mà đã được vui thú nơi vườn ruộng, làm bạn với cây cỏ, hoa lá nơi quê nhà. “Ngày trường" là ngày dài. "Rồi" là tiếng cổ, nghĩa là rỗi rãi, nhàn hạ, cả trong công việc lẫn tâm hồn. Câu thơ phản ánh một nếp sống sinh hoạt nhàn nhã: trong buổi ngày rỗi rãi, lấy việc hóng mát làm niềm vui di dưỡng tinh thần. Ta có thể phán đoán Ức Trai viết về bài thơ này khi ông đã lui về Côn Sơn ở ẩn.
Năm câu thơ tiếp theo tả cảnh làng quê Việt Nam xa xưa. Các câu 2, 3, 4 nói về cảnh sắc, hai câu 5, 6 tả âm thanh chiều hè.
Cảnh sắc hè trước hết là bóng hoè, màu hoè. Lá hoè xanh thẫm, xanh lục. Cành hoè sum sê, um tùm, lá "đùn đùn " lên thành chùm, thành đám xanh tươi, tràn đầy sức sống:
"Hoè lục đùn đùn tán rợp trương”
Tán hoè toả bóng mát, che rợp sân, ngõ, vườn nhà, “trương” lên như chiếc ô, chiếc lọng căng tròn. Mỗi từ ngữ là một nét vẽ màu sắc tạo hình, gợi tả sức sống của cảnh vật đồng quê trong những ngày hè: lục, đùn đùn, tán, rợp trương. Ngôn ngữ thơ bình dị, hàm súc và ấn tượng.
Cây hoè vốn được trồng nhiều ở làng quê; vừa làm cảnh, vừa cho bóng mát. Hoè nở hoa vào mùa hè, màu vàng, làm dược liệu, làm chè giải nhiệt. Trong văn học, cây hoè thường gắn liền với điển tích “giấc hòe” (giấc mộng đẹp), “sân hoè” (chỉ nơi cha mẹ ở). Truyện Kiều có câu: “Sân hòe đôi chút thơ ngây – Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình Trong thơ Ức Trai, Lê Thánh Tông… hình ảnh cây hoè xuất hiện nhiều lần được miêu tả bằng một thứ ngôn ngữ trau chuốt, đậm đà:
“Lại có hoa hoè chen bóng lục”
("Cảnh hè" – Ức Trai)
“Có thuở ngày hè trương tán lục,
Đùn đùn bóng rợp cửa tam công”
("Hoè" – Ức Trai)
"Đằng đẵng ngày chầy rương rán nắng,
Đùn đùn bóng rợp phủ màn hoè ”
("Vịnh cảnh mùa hè" – "Hồng Đức quốc âm thi tập").
“Rợp rợp màn hoè bóng mới xây,
Choi chói hoa vàng đưa gió
Đùn đùn tán lục gương mây’’.
("Màn hoè" – Lê Thánh Tông)
Câu 3 nói về khóm thạch lựu ở hiên nhà trổ hoa rực rỡ: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”. “Thức” là tiếng cổ chỉ màu vẻ, dáng vẻ. Trong cành lá xanh biếc, những đoá hoa lựu như chiếc đèn lồng bé tí phóng ra, chiếu ra, "phun ” ra những tia lửa đỏ chói, đỏ rực. Chữ “phim ” được dùng rất hình tượng và thần tình. Lê Thánh Tông viết về hoa lựu:
“Ngoài hiên lửa lựu luống thè be ”
("Mùa hè")
“Truyện Kiều ” cũng có câu: “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” – Từ hoa lựu “phun thức đỏ”, "lửa lựu luống thè be" đến hình ảnh “đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông ” là cả một quá trình sáng tạo ngôn ngữ thi ca của các thế hệ thi sĩ dân tộc qua 5 thế kỷ từ "Quốc âm thi tập ” đến “Truyện Kiều vẻ đẹp ngôn ngữ thi ca được trau chuốt như ngọc quý sẽ ánh lên màu sắc huyền diệu là như thế đó!.
Câu 4 nói về sen: "Hồng liên trì đã rịn mùi hương". “Tin ” là hết (tiếng cổ). Sen hồng vẫn nở thắm ao làng, nhưng hương đã nhạt, đã dần phai. Sen là biểu tượng cho cảnh sắc mùa hè làng quê ta. Khi sen trong ao làng đã “tịch mùi hương” tức là đã cuối hè.
Nguyễn Trãi đã chọn hoè, thạch lựu, sen hồng (hồng liên) để tả và đưa vào thơ. Cảnh sắc ấy vô cùng xinh đẹp và bình dị. Nhà thơ đã gắn tâm hồn mình với cảnh vật mùa hè bằng một tình quê đẹp. Thiên nhiên trong thơ Ức Trai rất hữu tình và thân thuộc, cỏ cây gần gũi, mến yêu:
“Tá lòng thanh vị núc nác,
Vun đất ải lãnh mồng tơi”
(Ngôn chí – số 9)
“Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen”
("Thuật hứng" – số 24)
Hè rất đẹp, rộn ràng trong khúc nhạc làng quê. Ngoài tiếng cuốc, tiếng chim tu hú, tiếng sáo diều còn có tiếng ve, tiếng cười nói "lao xao " của đời thường:
“Lao xao chợ cá làng ngư phù,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương".
Sau khi tả hoè màu "lục”, lựu "phun thức đỏ”, sen hồng đã “tịch mùi hương”, nhà thơ nói đến âm thanh mùa hè, khúc nhạc đồng quê. Tiếng “lao xao” từ một chợ cá làng chài xa vọng đến, đó là tín hiệu cuộc đời dân dã đầy muối mặn và mồ hôi. Nhà thơ lắng nghe nhịp sống đời thường ấy với bao niềm vui. “Lao xao” là từ láy tượng thanh gợi tả sự ồn ào, nhộn nhịp. Hòa nhịp với tiếng lao xao chợ cá là tiếng ve-vang lên rộn rã, nhịp nhàng. "Cầm ve”, hình ảnh ẩn dụ, tả âm thanh tiếng ve kêu như tiếng đàn cầm. "Dắng Dỏi ” nghĩa là inh ỏi, âm sắc tiếng ve trầm bổng, ngân dài vang xa. Ngôi lầu buổi xế chiều trở nên náo động, rộn ràng. Nhà thơ lấy tiếng ve để đặc tả khung cảnh một chiều hè làng quê lúc hoàng hôn buông dần xuống mái lầu (lầu tịch dương) là một nét vẽ tinh tế đầy chất thơ làm nổi bật cái không khí êm ả một chiều hè nơi thôn dã:
“Dắng dỏi cầm ve //lầu tịch dương”
Và đây, là tiếng chim cuốc, tiếng ve ngày hè nơi đồng quê được nói đến trong thơ “Hội Tao Đàn” dưới triều vua Lê Thánh Tông:
“Tường nọ nhặt khoan vang tiếng cuốc,
Cành kia dắng dỏi gảy cầm ve
(Vịnh cảnh mùa hè).
Trở về “Côn Sơn quê cũ”, Ức Trai đã từng bồi hồi “trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn ”, giờ đây ông lại thả hồn mình trong khúc ca dân dã “cầm ve ” buổi chiều tà cuối hè. Tiếng ve lúc hoàng hôn thường gợi nhiều bâng khuâng, vì ngày tàn, màn đêm đang dần dần buông xuống. Nhưng với Ức Trai, nó đã trở thành "cầm ve” nhặt khoan trầm bổng, dắng dỏi vang xa, làm cho khung cảnh làng quê một buổi chiều tà bỗng rộn lên bao niềm vui cuộc đời.
Hai câu kết diễn tả ước mong nhà thơ:
"Dễ có Nạn cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương’’.
"Dễ có ” nghĩa là hãy để (cho ta) có; học giả Đào Duy Anh ghi chú là “Lẽ có” và giải thích “Đáng lẽ có… Ngu cầm là cây đàn thần của vua Thuấn (Nghiêu Thuấn là hai ông vua thời cổ đại Trung Quốc – triều đại lí tưởng: nhân dân được sống trong hạnh phúc, thanh bình). Câu kết, cảm xúc trữ tình được diễn tả bằng một điển tích phản ánh khát vọng cao đẹp của nhà thơ. Ức Trai chân thành bày tỏ: Hãy để cho ta cây đàn thần của vua Thuấn, ta sẽ gảy lên khúc '‘Nam phong”, cầu mong cho mọi nhà, mọi chốn, khắp các phương trời (đòi phương) được ấm no, giàu có.
Hai câu kết toát lên một tình yêu lớn. Con người Ức Trai lúc nào cũng hướng về nhân dân, mong ước cho nhân dân được ấm no và nguyện hi sinh phấn đấu cho hòa bình, hạnh phúc của dân tộc.
Trong thơ Ức Trai, hai câu kết luôn luôn là sự hội tụ bừng sáng của những tư tưởng tình cảm cao cả, đẹp đẽ. Vì thế mà câu kết đã để lại trong tâm hồn người đọc những ấn tượng vô cùng mạnh mẽ:
"Cảnh thanh dường ấy chẳng về nghỉ,
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào "
(Mạn thuật – số 13)
"Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”.
("Thuật hứng" – số 5)
Bài thơ Nôm ra đời gần 600 năm về trước miêu tả cảnh tình mùa hè nơi đồng quê, đã đem đến cho chúng ta nhiều thú vị văn chương. Một giọng thơ thâm trầm, hồn hậu đáng yêu. Nhiều tiếng cổ, cấu trúc câu thơ thất ngôn xen lục ngôn. Phép đối ở phần thực và phần luận khá chặt chẽ về ngôn từ, thanh điệu, hình ảnh và ý tưởng. Cảnh sắc và âm thanh mùa hè quê ta xa xưa như sống dậy qua những vần thơ nhuần nhị đầy cá tính sáng tạo. Ức Trai đã gửi gắm một tình yêu thiên nhiên nồng hậu, một tấm lòng thiết tha với cuộc sống, một niềm ước mong tốt đẹp cho hạnh phúc của nhân dân. Vĩ đại thay Ức Trai. Bài học thương yêu nhân dân mà ông nói đến lúc nào cũng mới mẻ và đậm đà.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 3
Nguyễn Trãi không chỉ biết đến với tác phẩm nổi tiếng, một áng thiên cổ hùng văn bình ngô đại cáo mà còn được biết đến vơi những bài thơ thiên nhiên và con người như Côn Sơn Ca, Cây Chuối… một trong những tác phẩm thiên nhiên và con người ấy còn phải kể đến bài thơ bảo kính cảnh giới 43 của ông. Đó là bài thơ cảnh ngày hè với những thiên nhiên con người và tâm trạng của Nguyễn Trãi.
Trong những bài thơ về tình yêu thiên nhiên CÔn Sơn chính là nơi dừng chân của Nguyễn Trải trong những ngày tháng buồn bã mệt mỏi nơi quan trường.
Sự ung dung nhàn hạ ấy được thể hiện trong câu thơ đầu tiên:
Rồi hóng mát thuở ngày trường
Câu thơ như mở ra những ngày tháng thảnh thơi, hóng mát những ngày dài, những hình ảnh dài của những ngày tháng ấy dần được mở ra ở những câu sau. Những ngày tháng ấy là những ngày tháng an nhàn khi gác lại chuyện chính sự sang một bên, khiến cho không chỉ tâm hồn mà thể xác cũng rất nhàn hạ. cuộc sống với ông chỉ cần thế mùa hè đến ông không cảm nhận thấy cái nóng của đát trời mà ông chỉ cảm nhận được gió mát. Thiên nhiên nơi chốn quê hương chính là nguồn cảm hứng vô tân cho tác giả. àm cho ông cảm thây vui vẻ phần nào trong cuộc sống ở quê.
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Đây là những câu thơ đặc tả những cảnh đẹp mùa hè nơi chốn quê hương ông, là hương sắc mùa hè rất sinh động và hấp dẫn. hình ảnh của mùa hè hiển ra với những gam màu nóng:màu đỏ của hoa hòe, màu lựu đỏ, màu hồng của cánh sen và chúng được kết hợp với những động từ mạnh như “ đùn đùn”, “ phun”, “ tiễn” cho thấy một bức tranh quê hương với màu sắc và hương vị đặc trưng và sự sinh sôi nảy nở manh mẽ trong mùa hè.
Bức họa đồn quê hiện ra với biết bao nhiêu màu sắc bao nhiêu thay đổi đẹp đẽ, và đó còn là sự sinh trưởng mạnh mẽ của hoa cỏ cây cối. nó mang tới cho chúng ta những cảm giác thật yên bình, không những thế ta còn cảm nhận được cái hương vị của mùa hè qua động từ “tiễn”.
Không những thế mùa hè còn mang đến cho tác giả những những phiên chợ những làng ngư phủ. Cuộc sống thôn dã hiện ra với vẻ tấp nập hiếm có của con người nơi đây. Chính chợ phản ánh cuộc sống của con người có no đủ, giàu có hay không
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Cuộc sống thật sự náo nhiệt, những phiên chợ của những ngư dân vùng biển, hình ảnh ảnh những con người lao động hiện lên thật đẹp với phiên chợ vui vẻ của những lưới cá bội thu.
Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
Cất lên một khúc đàn của cây đàn vua Ngu Thuấn mang lại cho nhân dân cuộc sống âm no hạnh phúc. MƯợn được hình ảnh vua Ngu Thuấn cây cầm ấy để làm cho nhân dân ta giàu mạnh khắp phương. Dù đã trở về với cuộc sống nơi thôn dã nhưng ông luôn luô giữ tình yêu thương và lòng mong mỏi một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân tram họ.
Bài thơ là những dòng chảy cảm xúc về thiên nhiên cũng như nối khát khao mong mỏi và tấm lòng yêu nước nồng nhiệt của Nguyễn Trãi. Bìa thơ tuy ngắn nhưng để lại cho người đọc nhiều ấn tượng mạnh. Kết thúc bài thơ là tinh thần nhân nghĩa cao cả và tình yêu nhân dân vô bờ bến của ông.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 4
Nguyễn Trãi là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa của Đại Việt, đồng thời ông còn là tác giả áng thiên cổ hùng văn "Bình ngô đại cáo". Ngoài ngòi bút sắc bén, lập luận đanh thép với dẫn chứng thuyết phục trong những áng văn chính luận, ta còn bắt gặp một Nguyễn Trãi với phong thái nhàn tản, giao cảm hòa hợp cùng thiên nhiên trong "Bảo kính cảnh giới 43". Không chỉ mang chất trữ tình sâu sắc, bài thơ chứa đựng cả nội dung mang tính giáo huấn người đời, ngời sáng tâm hồn lí tưởng của bậc thi sĩ lớn Ức Trai.
Trước hết, bài thơ thể hiện tình yêu cũng như tâm hồn tinh tế và sự giao cảm mạnh mẽ đối với thiên nhiên của tác giả Nguyễn Trãi. Nhân vật trữ tình xuất hiện trong phong thái ung dung tự tại: "Rồi hóng mát thuở ngày trường". Như chúng ta đã biết, Nguyễn Trãi là nhà thơ nặng lòng với thiên nhiên và luôn mở lòng với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh, nhưng khoảnh khắc rảnh rỗi vào một ngày khí trời mát mẻ, trong lành thì quả là hiếm hoi. Nếu người xưa thường thiên về vịnh cảnh thì Nguyễn Trãi lại vận dụng bút pháp tả. Và rồi bằng sự quan sát tinh tế của nhân vật trữ tình, bức tranh thiên nhiên đầy sức sống đã hiện lên:
"Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"
Những sắc màu của cảnh vật hiện lên trong sự giao hòa: Màu lục của lá hòe cùng màu đỏ của hoa thạch lựu đan cài vào nhau trong ánh mặt trời buổi chiều. Đặc biệt hơn, cảnh vật được miêu tả trong sự chuyển động tạo nên một bức tranh căng tràn sức sống. Tác giả đã sử dụng những động từ mạnh: "đùn đùn", "trương", "phun" gợi nên sự tràn đầy và sức sống từ nội tại đang ứa căng và không kìm lại được và phải bộc phát ra bên ngoài. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng miêu tả cảnh sắc mùa hè bằng sắc hoa lựu: "Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông" (trích "Truyện Kiều"). Với từ "lập lòe", tác giả Nguyễn Du đã tạo nên sự độc đáo trong việc tạo hình sắc, còn Nguyễn Trãi lại nhấn mạnh sức sống của cảnh vật, thể hiện rõ cái nhìn tinh tế đối với cảnh vật của hai thi sĩ tài ba. Thi nhân đã vận dụng nhiều giác quan: thị giác, thính giác và khứu giác kết hợp cùng trí tưởng tượng phong phú để đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, cho thấy sự giao cảm mạnh mẽ nhưng vô cùng tinh tế của Ức Trai đối với cảnh vật.
Không chỉ dừng lại ở đó, bên cạnh màu sắc tác giả còn tô điểm cho bức tranh thiên nhiên âm thanh, đường nét hệt như một người họa sĩ tài ba tạo nên một kiệt tác có hồn của tạo vật. "Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ" với sự kết hợp của động từ "phun" và "thức"- màu vẻ, dáng vẻ, câu thơ đã diễn tả thành công cái hồn và thần thái của cảnh vật. Cảnh vật mùa hè còn được miêu tả qua hình ảnh rất đặc trưng: Đóa sen trong ao đã tỏa hương thơm ngát, tạo nên một bức tranh hài hòa về màu sắc và hương vị.
Bài thơ còn khắc họa bức chân dung của một con người luôn hết lòng vì dân, vì nước. Mặc dù đang hòa mình đắm say trong vẻ đẹp sinh động, đáng yêu và tràn trề sức sống của thiên nhiên nhưng tác giả vẫn hướng đôi mắt quan sát của mình đến cuộc sống của con người:
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"
Bức tranh mùa hè được bổ sung thêm những nét vẽ về cuộc sống của con người với thanh âm của "lao xao" của chợ cá tại một làng chài ven sông cùng tiếng dắng dỏi của cầm ve. Cuộc sống yên vui, no đủ của người dân đã gợi lên trong lòng tác giả một mong ước hết sức cao đẹp:
"Dẽ có Ngu Cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương"
Tác giả mong ước có được chiếc đàn của vua Thuấn để gảy nên khúc Nam Phong ca ngợi đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân. Câu thơ kết thúc bài được kiến tạo theo cách ngắt nhịp 3/3, thể hiện rõ sự rồn nén cảm xúc của bài thơ. Mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên giàu hình ảnh, màu sắc, hình khối, đường nét nhưng kết thúc bằng câu thơ nói về con người cho thấy điểm kết mà tác giả muốn hướng đến không phải ở thiên nhiên tạo vật mà chính ở con người. Điều này đã thể hiện rõ tâm hồn hết sức cao cả và vĩ đại của Nguyễn Trãi- vị anh hùng dân tộc luôn mong muốn cho dân được ấm no, hạnh phúc.
Như vậy, thông qua bài thơ, chúng ta có thể thấy được tình yêu cùng sự giao hòa đối với thiên nhiên của tác giả, giống như ông đã từng bộc bạch: "Non nước cùng ta đã có duyên" ("Tự thán"- bài 4). Là một thi sĩ, ông đến với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh nhưng cuối cùng, tâm hồn của ông vẫn hướng đến nhân dân, đến đất nước. Qua lời tâm sự và mong ước về cuộc sống của nhân dân, độc giả có thể thấy được tâm hồn và lí tưởng cao đẹp của tác giả Nguyễn Trãi. Tình yêu thiên nhiên, tạo vật đã quyện hòa và làm ngời sáng hơn nữa tình yêu đối với đất nước, nhân dân
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 5
Nguyễn Trãi không chỉ là một người anh hùng của dân tộc, ông còn là một thi nhân, là tác giả của rất nhiều áng văn thiên cổ bất hủ. Với lập luận sắc bén, ngồi bút tài hoa nổi danh trong triều chính, ông còn thể hiện phong cách thoải mái trong những tựa thơ thường ngày. Sự nhàn nhã ấy được thể hiện rõ trong Bảo kính cảnh giới, tác phẩm trữ tình tâm đặc hiếm có của ông.
Nội dung chính của bài thơ là tình yêu của con người đối với thiên nhiên hùng vĩ. Nhân vật trữ tình xuất hiện tại khoảng không gian tráng lệ ấy, như một nét mực điểm xuyết trên trang tuyên thành. Nguyễn Trãi là một người yêu thích thiên nhiên, đằm chìm vào sự rộng lớn và mở lòng với vẻ đẹp ấy trong mọi hoàn cảnh. Trái ngược với đặc điểm thơ lúc đó nghiêng về vịnh, thì Nguyễn Trãi lại dùng bút pháp tả thực vô cùng chân thật. Bức tranh thiên nhiên hiện lên với đầy đủ những nét đẹp chỉ qua vài câu thơ:
"Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"
Hai câu thơ đầu tiên, cảnh vật đã có sự giao hoà của cả màu sắc và cảnh vật. Màu lục của tán cây hoè, màu đỏ của hoa hoa thạch lựu đan vào nhau tạo nên những dải màu sắc sặc sỡ nhất. Những từ mang đậm tính chất gợi tả như rợp, phun, rợp rợp đã gợi lên sự trần trề cả về sức sống và vẻ đẹp. Khôgn tập trung vào khắc hoạ những cảnh vật ấy, tác giả nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của muôn loài trong một ngày mát mẻ. Góc nhìn tinh tế ấy đã khiến cho những câu thơ thêm sức sống phù hợp với ngữ cảnh, cũng làm rõ được sự tài hoa của Nguyễn Trãi. Không những vậy, chỉ trong 4 câu thơ, tác giả đã vận dụng nhiều giác quan khác nhau để cảm nhận thiên nhiên. Đó là xúc giác trong câu thơ đầu, thị giác trong câu 2 và 3, khứu giác trong câu thơ cuối. Chỉ vỏn vẹn 4 câu thơ, người đọc đã thấy được bức tranh toàn cảnh thông qua đôi mắt của thi sĩ đa tài.
Trong khung cảnh đất trời, thiên nhiên tưởng chừng tĩnh lặng ấy bất chợt xuất hiện hình bóng của con người. Đó là người anh hùng vĩ đại hết lòng vì dân, vì nước. Hiếm hoi có được thời gian nghỉ ngơi, nhưng không chìm đắm hoàn toàn vào thiên nhiên, tác giả vẫn luôn quan sát cuộc sống của muôn dân.
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"
Hình ảnh mà người thấy được là một bức tranh sinh hoạt tuy bình dị nhưng lại đầy ắp âm thanh vui tươi. Chợ cá của làng chài đang độ “lao xao” nhất, tiếng dắng dỏi của cầm ve vang lên khắp chốn. Đây là bức tranh người dân no đủ, cuộc sống sung túc dưới sự bảo hộ của những người đứng đầu như Nguyễn Trãi. Qua hình ảnh này, người đọc có thể thấy vị tướng quân từng chinh chiến không những biết tận hưởng vẻ đẹp đất trời, mà còn tinh tế đến mức theo dõi cả những hoạt động bình thường của con dân.
"Dẽ có Ngu Cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương"
Hình ảnh khúc Nam Phong ca của vua Thuấn khi dùng đàn Ngu Cầm được lồng vào 2 câu thơ cuối. Đây là điển tích về những ngày thịnh vượng, giàu sang vua Thuấn mang đàn ra gảy. Hình ảnh này làm rõ ước mơ của tác giả, một lòng lo nghĩ cho đất nước. Ông mong muốn cuộc sống của người dân sẽ được hoà bình và sung túc như vậy. 3 câu kết có nhịp điệu dồn nén hơn, cũng là nỗi lòng khó nói. Thiên nhiên và cảnh vật làm nền, nỗi lo nước nhà càng thêm đặc biệt.
Tình yêu đất nước, muôn dân giao hoà với vẻ đẹp của thiên nhiên tạo nên một bức tranh đẹp và ý nghĩa. Là một thi sĩ, Nguyễn Trãi cũng là một người của nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, lý tưởng và sự quan tâm với người dân của ông cũng được làm nổi bật. Vậy nên, thiên nhiên đã làm nền cho tình yêu đất nước của Nguyễn Trãi càng thêm sâu sắc.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 6
"Quốc Âm thi tập" - Nguyễn Trãi được coi là đỉnh cao của thơ Nôm Đường luật, mang đến nhiều đóng góp nổi bật cho nền thơ ca trung đại. Hầu hết, những sáng tác thuộc tập thơ này đều hướng tới chủ đề quen thuộc như: tình cảm đời thường, tình yêu thiên nhiên hay tấm lòng yêu nước, thương dân. Nổi bật trong số 254 bài của tập thơ, chúng ta không thể bỏ qua thi phẩm "Bảo kính cảnh giới" (bài 43). Với những đặc sắc về nội dung và độc đáo về hình thức nghệ thuật, bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Nguyễn Trãi vốn là một nhà quân sự, chính trị, ngoại giao. Ông dành cả một đời canh cánh nỗi lo việc nước, vì thế, thời khắc tìm về thiên nhiên chính là giây phút thư nhàn hiếm hoi. Câu thơ mở đầu đã gợi ra hoàn cảnh của thi nhân:
"Rồi hóng mát thuở ngày trường."
Câu thơ là sự phá cách táo bạo ít thấy trong thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Phần đề hai câu nhưng chỉ có một câu là lục ngôn. Nhịp điệu thong thả với cách ngắt nhịp 1/2/3 đã gợi lên phong thái thư thái, an nhàn của con người. Từ "rồi" được đặt ở đầu câu nhấn mạnh vào hoàn cảnh sống rỗi rãi, thảnh thơi. Như vậy, trong thời khắc nhàn rỗi ấy, thi sĩ tìm về với thú vui tao nhã của các Nho sĩ khi xưa: "hóng mát thuở ngày trường".
Nhàn nhã ngồi ngắm cảnh, Nguyễn Trãi không khỏi rung động, xao xuyến trước bức tranh ngày hè đẹp đẽ, tươi tắn:
"Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
Hồng liên trì đã tịn mùi hương"
Không còn là hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng "tùng, cúc, trúc, mai" như trong thơ cổ, Nguyễn Trãi miêu tả khung cảnh thiên nhiên bằng các hình ảnh hết sức bình dị, gần gũi. Trước hết, đó là cây hòe có hoa vàng, lá xanh đang ở độ tràn đầy sức sống. Nhà thơ cảm nhận thấy sự vận động âm thầm, mãnh liệt của cây và thể hiện điều đó qua động từ "đùn đùn". Những tán hòe không ngừng vươn mình, tạo nên tầng tầng lớp lớp, che rợp mặt đất. Cụm từ "tán rợp trương" đã gợi ra một không gian rộng lớn được bao phủ bởi sắc xanh thẫm, tươi mát của tán hòe. Tiếp đến, nhà thơ khéo léo khắc họa hình ảnh cây lựu trước hiên nhà. Bằng quan sát tinh tế, Nguyễn Trãi đã bắt trúng được thần thái riêng có của hoa lựu mùa hè. Động từ "phun" diễn tả sự sống căng tràn, không thể kìm lại của hoa. Những bông hoa đỏ rực liên tục bung nở. Bức tranh càng thêm đằm thắm, tươi đẹp nhờ sự điểm tô của sen hồng. Ngoài ao, sen đã nở rộ và tỏa ngát hương thơm. Vạn vật như đắm mình trong mùi hương dịu nhẹ, thuần khiết của loài hoa thanh cao.
Như vậy, thiên nhiên không chỉ được gợi nên từ những hình ảnh, màu sắc rực rỡ mà còn được khắc họa qua sức sống cuộn trào bên trong mỗi cảnh vật. Bức tranh ngày hè càng thêm rộn ràng nhờ bản hòa tấu âm thanh:
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ;
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."
Phía xa, tiếng "lao xao" của phiên chợ ở làng nghề chài lưới như vọng tới tâm hồn thi nhân. Từ láy tượng thanh "lao xao" gợi tả âm thanh rộn rã và bầu không khí tấp nập, đông vui của người dân. Trong buổi chiều tà, đàn ve cũng dạo lên bản nhạc "cầm ve". Nhà thơ tiếp tục sử dụng nghệ thuật đảo trật tự ngữ pháp cùng từ láy "dắng dỏi" để làm nổi bật thanh âm inh ỏi, trong, cao của tiếng ve. Từ đây, bức tranh thiên nhiên đã có sự hòa hợp giữa sắc màu, hình ảnh và âm thanh.
Đến với hai câu thơ cuối, ta lại thấy được tấm lòng cao cả của thi sĩ:
"Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương."
"Lẽ có" nghĩa là lẽ nên có, mong được có. Đặt từ này ở đầu câu thơ kết hợp với điển tích "Ngu cầm", Ức Trai kín đáo thể hiện ước mơ về cuộc sống thái bình, ấm no. Ông ao ước có cây đàn của vua Ngu Thuấn, từ đó gẩy lên khúc Nam Phong để "dân ta bớt ưu phiền", "dân ta ngày thêm nhiều của cải". Câu thơ cuối với 6 tiếng ngắn gọn chính là bao tâm tư, cảm xúc dồn nén của nhà thơ. Ông tha thiết hi vọng quần chúng nhân dân ở khắp nơi đều sống êm ấm, hạnh phúc. Tưởng như tâm hồn thi sĩ chỉ lắng đọng trong cảnh sắc thiên nhiên mà không phải vậy. Sau tất cả, tấm lòng cao đẹp ấy vẫn hướng về dân tộc, đất nước. Từ đây, ta càng thêm kính phục, ngưỡng mộ người anh hùng "trung quân ái quốc", thấu hiểu thế sự, có tư tưởng tiến bộ "thân dân", "lấy dân làm gốc".
Bên cạnh chủ đề đặc sắc, bài thơ còn gây ấn tượng với độc giả bởi hình thức nghệ thuật độc đáo. Trước hết, bằng ngôn ngữ mộc mạc, dân dã, hình ảnh đời thường quen thuộc cùng hình thức thơ lục ngôn xen lẫn thất ngôn, nhà thơ đã sáng tạo nên một tác phẩm mang đặc trưng của "lối thơ Việt Nam" (Đặng Thai Mai). Biện pháp đảo ngữ cùng hệ thống từ láy "lao xao", "dắng dỏi" và các động từ mạnh "đùn đùn", "phun" cũng góp phần tô đậm vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống.
"Bảo kính cảnh giới" (bài 43) đã vẽ nên một bức tranh ngày hè tươi tắn, rạng ngời, đậm đà hồn quê Việt. Qua bài thơ, Nguyễn Trãi cũng khéo léo bộc lộ tấm lòng, tình yêu thiên nhiên cuộc sống và đất nước tha thiết. Theo thời gian, những giá trị, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm sẽ luôn tỏa sáng và khắc sâu trong tâm trí bạn đọc.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 7
Nguyễn Trãi là bậc vĩ nhân của đất nước ta. Trong con người ông vừa có sự chí khí, hào sảng của một bậc đại anh hùng vì dân vì nước vừa có tâm hồn lãng mạn của một thi nhân. Hai điều ấy kết hợp lại góp phần tạo nên một giọng thơ rất riêng ở Nguyễn Trãi: vừa thấm đượm chất trữ tình và cũng đau đáu nỗi lo việc nước. Ở "Bảo kính cảnh giới", bài 43 ta sẽ thấy rõ điều đó.
"Bảo kính cảnh giới" có nghĩa là "gương báu răn mình". Đây là một chùm thơ được rút ra từ tập thơ chữ Nôm nổi tiếng mang tên "Quốc âm thi tập". Ở bài thơ số 43 này, tác giả đã miêu tả khung cảnh ngày hè tươi đẹp, rực rỡ và lòng yêu nước thương dân của mình.
Ở ngay câu thơ đầu tiên, Nguyễn Trãi đã cho người đọc thấy được tâm thế của mình "Rồi hóng mát thuở ngày trường". Trạng thái "hóng mát" ung dung, tự tại cho thấy người thi sĩ đang có cuộc sống nhàn nhã, hạnh phúc. Nguyễn Trãi đã dành cả cuộc đời để lo cho đất nước, giờ đây, ông đang tận hưởng những giây phút hiếm hoi cho riêng bản thân mình, ngắm cảnh thiên nhiên mùa hè rực rỡ:
"Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
Hồng liên trì đã tịn mùi hương."
Tác giả bắt gặp không khí mùa hè ở cây hòe trước nhất. Cây hòe to lớn, xòe những tán lá rộng, xanh biếc. Động từ "đùn đùn" thường dùng để chỉ sự vận động to ra, cao hơn đã được nhà thơ gán cho cây hòe khiến ta cảm giác như những tán cây đang vươn lên, ngày một to ra che kín ánh mặt trời. Màu xanh của cây hòe ở câu trước được tác giả đặt cạnh màu đỏ của cây lựu khiến cho hai câu thơ tràn đầy sắc màu. Hoa lựu không những trổ bông xinh đẹp mà còn "phun" thức đỏ. Từ "phun" ấy khiến ta cảm giác sắc đỏ trên cây càng lúc càng nên đậm đà, rõ nét hơn. Những bông hoa lựu rực rỡ, căng tràn sức sống khiến cho mùa hè càng thêm kiều diễm, chói mắt. Ở một góc khác của bức tranh, tuy không rực rỡ bằng xanh, đỏ nhưng có sắc hồng của "hồng liên trì" lại rất đỗi dịu mắt, nhẹ nhàng. Bông hoa sen trong ao tỏa hương thơm ngát tràn khắp không gian. Vậy là bức tranh mùa hè của Nguyễn Trãi đã có đầy đủ màu sắc và hương thơm. Trong hai câu thơ tiếp theo, Nguyễn Trãi viết:
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ;
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."
Hai câu thơ này đã cho ta thấy bức tranh ngày hè sống động, rộn ràng. Nhà thơ đã sử dụng từ "lao xao" - một từ láy tượng thanh để diễn tả âm thanh từ chợ cá vọng lại. Đây là tiếng nói cười xôn xao, vui tươi của con người đang lao động. Tác giả lắng nghe những thanh âm của cuộc sống thường nhật như nghe thấy tiếng nói hạnh phúc của người dân. Ngoài tiếng nói của con người, thi nhân còn cảm nhận được tiếng ve đặc trưng của mùa hè. Tiếng "dắng dỏi" kêu liên tục không dứt như bản nhạc sôi nổi, vui vẻ của lũ ve khiến lòng người cũng tưng bừng, rộn rã.
Trong buổi hoàng hôn, con người thường chất chứa nhiều nỗi tâm sự. Thi sĩ cũng vậy, khi cảnh ngày hè dần tàn, ánh tịch dương buông xuống, ông đã nói ra tâm trạng của mình:
"Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương."
Ở đây, tác giả đã mong ước có được "Ngu cầm" - cây đàn của vua Thuấn để gảy nên khúc nhạc Nam phong, khúc nhạc giúp cho nhân dân bớt ưu phiền và có thêm nhiều của cải. Tiếng lòng của Nguyễn Trãi có thể hiểu là khát vọng tất cả mọi người dân đều được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, đủ đầy. Điều này cũng được thể hiện rõ trong câu thơ cuối "Dân giàu đủ khắp đòi phương". Đây là ước muốn phi thường, chứng tỏ tấm lòng yêu nước, thương dân của người anh hùng Nguyễn Trãi.
Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ thứ 43 trong chùm thơ "Bảo kính cảnh giới" này cũng là điều không thể không nhắc đến. Tác giả đã sử dụng các câu thơ thất ngôn xen lẫn lục ngôn để làm nên sự khác biệt ở bài thơ này. Ngoài ra, những từ láy tượng hình, tượng thanh, các động từ cũng được đặt rất đúng chỗ nhằm vẽ lên bức tranh ngày hè sống động, rực rỡ sắc màu.
"Bảo kính cảnh giới", bài số 43 là một sáng tác rất độc đáo thể hiện lối viết đặc trưng của Nguyễn Trãi. Đây không chỉ là bài thơ tả cảnh mùa hè tràn đầy sức sống mà còn nói lên niềm ao ước của con người trung quân ái quốc về cuộc sống hạnh phúc của muôn dân.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 8
Nguyễn Trãi - một nhà thơ, nhà văn tài năng kiệt xuất của dân tộc. Ông đã có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà và được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Ông đã viết tập thơ chữ Nôm nổi tiếng mang tên "Quốc âm thi tập". Trong đó có chùm thơ "Bảo kính cảnh giới" được ghi lại khi tác giả đã xa rời chốn quan trường, viết về những khoảnh khắc thư thái hiếm hoi và một vài suy tư về thế sự. Bài thơ số 43 trong chùm thơ này diễn tả bức tranh ngày hè sống động, rực rỡ. Đồng thời, giúp người đọc thấy được tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi.
Sau những tháng ngày lăn lộn chốn quan trường, Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn. Trong thời gian này, ông có một cuộc sống ung dung, tự tại.
Ta có thể thấy tâm trạng thảnh thơi của ông trong câu thơ đầu "Rồi hóng mát thuở ngày trường". "Rồi" là từ cổ của từ "rỗi", nghĩa là rảnh rỗi, "ngày trường" chỉ thời gian một ngày trôi qua thật dài. Nhà thơ mang tâm thế "hóng mát" an nhàn, thư thái, tận hưởng sự tươi đẹp của thiên nhiên:
"Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
Hồng liên trì đã tịn mùi hương."
Đầu tiên, nhà thơ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tự nhiên qua thị giác. Cây hòe màu xanh lục có thân to khỏe, tán lá giương cao. "Đùn đùn" chính là cảm giác lớn lên, sinh sôi và phát triển mạnh mẽ khó kiểm soát. Ý tác giả ở đây muốn miêu tả cây hòe to, cao, tỏa tán lá rộng tạo thành bóng râm xanh tươi, mát mẻ, che đi ánh nắng gắt. "Thạch lựu" chính là cây lựu ở hiên nhà ra hoa rực rỡ, tràn trề sắc đỏ, làm cho cảnh sắc trở nên rực rỡ, sống động hơn. Ngoài thị giác, Nguyễn Trãi còn cảm nhận mùa hè qua khứu giác "tịn mùi hương". Tác giả ngửi thấy hương thơm thanh khiết của hoa sen lan tỏa khắp không gian. Mùi hương ấy khiến con người trở nên thư thái, nhẹ nhàng hơn. Việc sử dụng các động từ "rợp", "phun", "tịn" cho ta thấy sự sinh sôi, nảy nở của thực vật ngày hè kết hợp với màu sắc "lục", "đỏ", "hồng" khiến cho khung cảnh thêm phần sinh động, rực rỡ.
Tiếp theo, tác giả sử dụng thính giác để cảm nhận không khí của mùa hè:
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ;
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."
Ở hai câu thơ này, Nguyễn Trãi đã sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ "lao xao chợ cá", "dắng dỏi cầm ve" để nhấn mạnh thanh âm sống động của mùa hè. Tiếng người ở chợ cá buôn bán, trao đổi hàng hóa "lao xao" chính là dấu hiệu của cuộc sống lao động vui vẻ, nhộn nhịp của người dân. Đây có lẽ là âm thanh mà tác giả Nguyễn Trãi rất muốn lắng nghe, tận hưởng. Ngoài ra, bản nhạc quê hương còn có sự góp mặt của tiếng ve - âm thanh đặc trưng mỗi khi hè tới. Tiếng ve râm ran, rộn rã như gọi ánh hoàng hôn đến với làng quê yên bình. Hai từ láy tượng thanh "lao xao" và "dắng dỏi" đã mô tả âm thanh ồn ào, sôi động, tràn đầy sức sống. Những câu thơ miêu tả cảnh sắc và âm thanh ngày hè cũng phần nào nói lên tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, tha thiết yêu thiên nhiên cuộc sống của Nguyễn Trãi.
Hoàng hôn buông xuống mang theo nhiều trăn trở của tác giả. Mùa hè không còn rực rỡ, sống động nữa mà mang nặng ưu tư:
"Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương."
Câu thơ thể hiện ước nguyện của Nguyễn Trãi: mong muốn có cây đàn của vua Ngu Thuấn, đàn khúc nhạc cho mọi người dân có cuộc sống no đủ, giàu có. Từ truyền thuyết trong sách cổ, Nguyễn Trãi đã thể hiện khát khao đầy tính nhân văn của mình. Từ đó ta thấy được tấm lòng yêu nước thương dân của một bậc đại anh hùng.
Bài thơ thứ 43 trong chùm thơ "Bảo kính cảnh giới" có thể thơ sáng tạo là có những câu thất ngôn xen với câu lục ngôn. Ngôn ngữ thơ phong phú với các từ láy tượng thanh, các động từ đặc sắc, sự kết hợp giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt tạo nên cho bài thơ một vẻ đẹp vừa trang trọng, cổ điển vừa bình dị, gần gũi.
Sự tinh tế, cảm quan nhạy bén của thi sĩ đã biến những sự vật bình thường trở nên có hồn, trở thành đặc trưng khi nhắc đến mùa hè rực rỡ đầy màu sắc. Không những thế, qua bài thơ này, ta còn nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn của Ức Trai. Dù ông không còn ở trong chốn quan trường nhưng vẫn một lòng lo cho nhân dân, đất nước.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 9
Nguyễn Trãi là một đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Ông không những là người cầm quân dành nhiều thắng lợi, mà còn là một nhà văn, nhà thơ có nhiều đóng góp trong nền văn học Việt Nam. Văn thơ của Nguyễn Trãi rất đa dạng, nhưng nội dung chủ yếu đều được viết về tình yêu nước, thương dân và hướng tới vẻ đẹp của thiên nhiên. Điển hình về một tác phẩm thể hiện tình yêu thiên nhiên của tác giả chính là Gương báu khuyên răn. Nó thể hiện được tư tưởng của tác giả, cũng cho người đọc thấy được vẻ đẹp thiên nhiên qua đôi mắt của kẻ đa tình.
Câu thơ “Ai trách hiềm cây, lại trách mình” trong bài thơ này có nghĩa là người ta thường hay trách móc người khác mà không nhìn vào chính mình.
Câu thơ tiếp theo “Vốn xưa một cỗi thác cùng cành” nói về việc cây và thác đều thuộc về thiên nhiên và không ai có thể sở hữu chúng. Câu thơ “Cành khô xếp bấy, nay nên củi” nói về việc cây khô có thể được sử dụng để làm củi.
Câu thơ “Hột chín phơi chừ, rắp để bình” nói về việc thu hoạch quả chín và để chúng trong bình. Câu thơ “Than lửa hoài chưng, thương vật nấu” nói về việc sử dụng than để nấu ăn. Câu thơ “Củi thiêu tiếng khóc cảm thần linh” nói về việc khi đốt củi sẽ phát ra âm thanh giống như tiếng khóc của các linh hồn
Bảo kính cảnh giới bài 24 đã cho chúng ta thấy được vẻ đẹp trong tâm hồn của Nguyễn Trãi cùng những chiêm nghiệm về cuộc đời và quan niệm sống mặc đẹp của nhà thơ. Với ngôn từ mộc mạc cùng cách sử dụng những đặc sắc trong nghệ thuật bằng nhiều biện pháp tu từ, Bảo kính cảnh giới bài 24 xứng đáng trở thành một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Quốc âm thi tập.
Nghị luận về bài thơ Bảo kính cảnh giới - mẫu 10
Nghệ thuật và cuộc sống có mối qua hệ khăng khít, gắn bó. Nghệ thuật luôn xuất phát từ hiện thực cuộc sống, vì cuộc sống mà lên tiếng. Nhưng nếu tác phẩm tự sự xây dựng bức tranh về cuộc sống qua những mâu thuẫn, triết lý nhân sinh, qua hệ thống nhân vật.. thì thơ lại trình bày trực tiếp tâm trạng cảm xúc của con người. Những chi tiết chân thực, sống động được phát hiện từ cuộc đời đã khơi dậy trong lòng thi sĩ những tình cảm sâu sắc, mới mẻ.
Như Puskin khẳng định: “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi.” Nhà thơ đã hút “cái nhụy” của cuộc sống để khai sinh những vần thơ thấm tình đời, tình người. Và “Bảo kính cảnh giới” của Nguyễn Trãi là bài thơ như vậy.
Nhận xét về Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn đánh giá ông là: “Văn thư thảo hịch giỏi hơn hết một thời”. Nguyễn Trãi không chỉ là một người anh hùng của dân tộc, ông còn là một thi nhân, là tác giả của rất nhiều áng văn thiên cổ bất hủ. Với lập luận sắc bén, ngồi bút tài hoa nổi danh trong triều chính, ông còn thể hiện phong cách thoải mái trong những tựa thơ thường ngày.
Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có bộ “Quốc âm thi tập” hiện còn 254 bài thơ, được chia nhiều loại, nhiều thể tài khác nhau: Ngôn chí (21 bài), Thuật hứng (25 bài), Bảo kính cảnh giới (61 bài)…Phần lớn các bài thơ trong “Quốc âm thi tập” không có nhan đề. Đây là bài thơ 21 trong “Bảo kính cảnh giới”. Sự nhàn nhã ấy được thể hiện rõ trong Bảo kính cảnh giới, tác phẩm trữ tình tâm đặc hiếm có của ông:
Ở bầu thì dáng ắt nên tròn
Xấu tốt đều thì rắp khuôn
Lân cận nhà giàu no bữa cám
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn
Chơi cùng bầy dại nên bầy dại
Kết mấy người khôn học nết khôn
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp
Đen gần mực đỏ gần son.
Mở đầu bài thơ tác giả lồng ghép hình ảnh của câu tục ngữ: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Các câu tục ngữ trên được trích ra từ bài học của những người tiền bối trong cuộc sống, và sử dụng chúng trong thơ ca giúp tác phẩm trở nên sâu sắc, đầy ý nghĩa và tự nhiên hơn. Những bài học đó cũng rất dễ tiếp cận và hiểu được bởi mọi người thông qua các câu tục ngữ. Ngoài ra, việc sử dụng các câu tục ngữ trong thơ cũng tạo nên sắc thái đặc trưng của dân gian trong tác phẩm.
Chơi cùng bầy dại nên bầy dại;
Kết mấy người khôn học nết khôn.
Câu thơ cho chúng ta biết, môi trường xung quanh chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ đến chúng ta. Có những người rất kiên định và không bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Dù họ kết bạn với những người không tốt, họ vẫn giữ vững bản lĩnh và không bị tác động xấu. Tuy nhiên, cũng có những người không chịu thích nghi và học hỏi. Ngay cả khi kết bạn với những người khôn ngoan, họ vẫn không học được gì vì chính tính đóng kín và thiếu sáng tạo của họ. Vì thế, hai câu thơ khuyên mọi người cần biết sống hòa đồng và thích nghi với hoàn cảnh, để không bị kẹt lại trong địa vị của mình mà không thể tiến bộ được. Hai câu kết:
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp.
Đen gần mực đỏ gần son.
Sự phát triển tính cách và phẩm chất của con người chịu ảnh hưởng rất lớn từ hoàn cảnh xã hội mà họ đang sống. Đây là một nhận định được tác giả đưa ra dựa trên cấu trúc nguyên nhân – kết quả. Tác giả đã có những trải nghiệm và cảm nhận tinh tế về cuộc sống, giúp cho suy nghĩ của ông trở nên sâu sắc, mới mẻ và thẳng thắn hơn. Những suy nghĩ này đã được chắt lọc qua thời gian và được đúc kết thành một quan điểm chính trị xã hội rất sâu sắc, về tầm quan trọng của hoàn cảnh đối với sự phát triển của con người. Một vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình rất thư thái.
Bằng tài năng sử dụng ngôn từ tài tình, khéo léo của mình, ông để lại nhiều tác phẩm thơ chữ Hán với thế giới thẩm mĩ phong phú, vừa trữ tình, trí tuệ, vừa hào hùng, lãng mạn. Nguyễn Trãi là người tiên phong về phong trào thơ Nôm và để lại những bài thơ giàu trì tuệ, sâu sắc, thấm đẫm trải nghiệm về cuộc đời, được viết bằng ngôn ngữ tinh luyện trong sáng, đăng đối một cách cổ điển. Nguyễn Trãi là nhà thơ đã sớm đưa tục ngữ vào tác phẩm, ông cũng là người đã sáng tạo hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn, một hình thức khác với Đường Luật. Có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật tài đức có đủ, trí dũng song toàn trong lịch sự Việt Nam thời phong kiến.
Qua bài thơ ông muốn nhắn nhủ rằng thế giới xung quanh ta muôn màu muôn vẻ có đẹp, có xấu… Nhưng hãy luôn giữ vững lập trường, đừng để yếu tố ngoại cảnh nào chi phối. Và đồng thời khi đánh giá một ai đó, không được đánh giá một cách phiến diện, nhìn vẻ bên ngoài, mà phải đi sâu vào trong ngóc ngách của tâm hồn.
Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 11 hay, chi tiết khác:
Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ Mùa xuân chín
Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ Dục Thúy sơn
Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ Ngôn chí bài 3
Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ Bạch Đằng hải khẩu
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.