TOP 20 mẫu Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng HAY NHẤT

Toptailieu.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng Ngữ văn 11 Kết nối tri thức gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng

Đề bài: Em hãy viết bài giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng.

Dàn ý Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng

1. Mở đầu:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Triển khai:
a. Nội dung:
* Chủ đề: kỉ niệm về thầy cô, mái trường.
* Cảm xúc chủ đạo: nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình về thời học sinh tươi đẹp.
* Tóm tắt nội dung các khổ:
- Hai khổ thơ đầu: cảm xúc tiếc nuối về thuở ấu thơ:
+ Sự tiếc nuối của nhân vật trữ tình khi tuổi ấu thơ đã trôi xa: "Em thấy không, tất cả đã xa rồi", "Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế".
+ Cảm xúc của nhân vật trữ tình về mùa hè năm ấy, về lần đầu mình biết yêu "Con ve tiên tri vô tâm báo trước/ Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu".
- Bốn khổ thơ tiếp: nỗi nhớ về thầy cô, mái trường năm xưa:

+ Nỗi bâng khuâng, xao xuyến về mái trường "Bài hát đầu xin hát về trường cũ".
+ Nỗi nhớ về trường, lớp dâng trào trong tâm tưởng của nhân vật tôi "Bạn có nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi".
+ Cuộc trò chuyện tươi vui giữa học sinh và cảm xúc về không khí lớp học.
+ Niềm mong ước của nhân vật trữ tình khi đứng trước sự trôi chảy của thời gian "Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy/ Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm".
- Hai khổ thơ cuối: cảm xúc tiếc nuối về một thuở đã qua:
+ Luyến tiếc những tháng ngày nô đùa, nghịch ngợm khi đi học.
+ Niềm thương nhớ, nuối tiếc về những kỉ niệm lần đầu, về thuở ban đầu mới yêu "Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên".
b. Nghệ thuật:
- Hình ảnh trong sáng, quen thuộc.
- Từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm.
- Biện pháp tu từ: nhân hóa, điệp ngữ đặc sắc.
3. Kết thúc:
- Khẳng định giá trị tác phẩm.

TOP 20 mẫu Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng HAY NHẤT (ảnh 2)

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng - mẫu 1

Xin chào cô và các bạn, em tên là Hà Nhi. Trong tiết thực hành Nói và nghe ngày hôm nay, em xin được giới thiệu, đánh giá tác phẩm "Chiếc lá đầu tiên". Em mong cô và các bạn sẽ chú ý theo dõi bài trình bày của em.

Các bạn thân mến, không phải ngẫu nhiên nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được mệnh danh là "nhà thơ của học sinh". Các tác phẩm của ông thường viết về kỉ niệm tuổi trẻ, tình yêu với giọng điệu tươi vui, sôi nổi. Ông được biết đến nhiều nhất với bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" in trong tập "Xúc xắc mùa thu" năm 1992. Bài thơ ra đời năm 1971 nhưng phải đến mười năm sau mới được hoàn thiện.

Tác phẩm là kỉ niệm da diết của nhân vật trữ tình về một thời học sinh tươi đẹp. Bài thơ này gồm tám khổ. Hai khổ thơ đầu là cảm xúc tiếc nuối về thuở ấu thơ của nhân vật trữ tình. Chủ thể trữ tình hỏi nhưng không cần người trả lời "Em thấy không, tất cả đã xa rồi". Hỏi "em" nhưng có thể là hỏi chính mình. Câu thơ khẳng định tất cả đã qua đi, thời gian vẫn cứ chảy trôi không ngừng "Trong tiếng thời gian rất khẽ". Thời ấu thơ qua đi, không một lần ngoảnh lại "Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế" khiến nhân vật trữ tình ngỡ ngàng, luyến tiếc.

Ở khổ thơ thứ hai, cảm xúc nhân vật trữ tình như trôi về mùa hạ năm ấy, về lần đầu biết yêu. Tác giả sử dụng các hình ảnh quen thuộc, gắn liền với tuổi học trò như "hoa súng", "chùm phượng", "tiếng ve" để làm sống lại những kỉ niệm thuở cắp sách tới trường. Tuy nhiên, kỉ niệm ấy không hề tươi vui, rộn rã khi hè về mà chất chứa sự chia li, xa cách. Bởi khi phượng đỏ, ve kêu cũng là lúc học sinh phải rời xa mái trường. Chính vì thế, nhân vật trữ tình mới thấy tiếng ve thật "vô tâm". Khoảnh khắc chia xa cũng là lúc tình yêu chớm nở, là lúc con người ta biết yêu thương, trân trọng những tháng ngày ngồi trên giảng đường "Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu".

Bốn khổ thơ tiếp theo, nhân vật trữ tình bộc lộ nỗi nhớ thương da diết đối với mái trường, thầy cô năm xưa. Phép điệp từ "nhớ" ở khổ 4, từ "cứ" ở khổ 6; điệp ngữ "nỗi nhớ" ở khổ 4; điệp cấu trúc "muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu" ở khổ 3; "những chuyện năm nao, những chuyện năm nào" ở khổ 6 đã diễn tả ấn tượng sâu đậm về tuổi học trò. Đồng thời, nhấn mạnh vào nỗi xúc động, trào dâng của nhân vật trữ tình khi nghĩ về mái trường xưa. Nỗi nhớ về trường, lớp dâng trào trong tâm tưởng của nhân vật tôi "Bạn có nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi". Cuộc trò chuyện tươi vui giữa học sinh và cảm xúc về không khí lớp học được thể hiện rõ nhất ở khổ thứ năm. Đến với khổ sáu, nhân vật trữ tình bày tỏ niềm mong ước "Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm" khi chứng kiến sự trôi chảy của thời gian.

Đến hai khổ thơ cuối, nhân vật bộc lộ sự tiếc nuối về một thuở đã qua. Chủ thể trữ tình khẳng định "Thôi đã hết thời bím tóc trắng ngủ quên/ Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ". Câu thơ mang vẻ luyến tiếc của nhân vật về những tháng ngày nô đùa, nghịch ngợm khi đi học. Để rồi khi chia xa, "chỉ lo ngoảnh lại', "không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên".

Có thể nói, các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa "Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế", "Con ve tiên tri vô tâm báo trước,..., phép điệp "cứ", "Nỗi nhớ"...., cùng hình ảnh trong sáng, quen thuộc, từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm đã góp phần thể hiện nội dung của tác phẩm. Bài thơ đã đưa người đọc trở về với thời "áo trắng tung bay" trên sân trường với những cảm xúc về lần đầu biết yêu.

Bài trình bày của em đến đây là kết thúc, em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

TOP 20 mẫu Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng HAY NHẤT (ảnh 1)

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng - mẫu 2

Em xin chào cô và các bạn. Sau đây, em sẽ trình bày về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Tây Tiến".

Có thể nói, "Tây Tiến" là bài thơ đặc sắc nhất của nhà thơ Quang Dũng. Thi phẩm được sáng tác vào năm 1948, khi Quang Dũng đang nhận nhiệm vụ ở Phù Lưu Chanh. Suốt một thời gian dài, bài thơ ít được nhắc đến vì bị coi là còn rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản. Chỉ đến khi đổi mới, bài thơ mới được khôi phục vị trí xứng đáng trong nền thơ hiện đại. Bài thơ gồm 4 đoạn và được liên kết bởi nỗi nhớ da diết của nhà thơ Quang Dũng về đồng đội, về những năm tháng chiến đấu, gắn bó cùng đoàn quân Tây Tiến.

Khổ đầu tiên là nỗi nhớ về những chặng đường hành quân giữa khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ. Hai dòng thơ đầu, nhà thơ trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi". Từ láy "chơi vơi" đã diễn tả nỗi nhớ khó nắm bắt, khó diễn tả bằng lời. Cũng trong khổ thơ này, bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên thật dữ dội, hùng vĩ thông qua các hình ảnh, từ ngữ như "sương lấp đoàn quân mỏi", "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", "Heo hút cồn mây súng ngửi trời", "ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống", "thác gầm thét", "cọp trêu người". Không phải lúc nào thiên nhiên cũng đáng sợ, dữ dội như thế. Có lúc, Tây Bắc hiện lên thật đẹp và trữ tình với hình ảnh "hoa về trong đêm hơi" và "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".

Những kỉ niệm của đêm liên hoan và hình ảnh huyền ảo, thơ mộng của thiên nhiên được tác giả thổ lộ trong khổ thơ thứ hai. Sau những giờ chiến đấu căng thẳng, những người lính cùng nhau vui liên hoan. Tiếng khèn vang lên đầy say sưa, "e ấp" khiến lòng người cũng say đắm, si mê. Đặc biệt, khung cảnh sông nước, con người vùng Tây Bắc hiện lên thật thơ mộng trữ tình với "dáng người trên độc mộc" và "dòng nước lũ hoa đong đưa".

Không chỉ nhớ về đêm liên hoan, nhà thơ còn nhớ về người lính Tây Tiến. Họ mang vẻ đẹp vô cùng bi tráng. Những cơn sốt rét rừng khiến đầu họ trọc lốc. Mặc dù sống và chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn nhưng người lính vẫn mạnh mẽ, kiên trung "Quân xanh màu lá dữ oai hùm". Kết thúc bài thơ, Quang Dũng thể hiện nỗi nhớ sâu lắng với lời thề gắn bó cùng đoàn quân Tây Tiến. Cả đoàn quân Tây Tiến cùng chung một lí tưởng, tự nguyện chiến đấu, xả thân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Câu thơ "Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi" vừa diễn tả sự hi sinh của những người lính vừa khẳng định tình cảm dành cho đồng đội, dành cho Tây Tiến của tác giả.

Với biện pháp tu từ độc đáo như nhân hóa, ẩn dụ cùng từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm, lời thơ giàu nhịp điệu, nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện tình cảm yêu thương, mong nhớ đối với đồng đội. Đọc bài thơ, chúng ta càng thêm cảm phục tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của người lính cụ Hồ phải không nào?

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng - mẫu 3

Chào cô và các bạn, em xin tự giới thiệu em là Minh Hoa. Hôm nay, em xin được giới thiệu đến cô và các bạn truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan" của nhà văn Thạch Lam. Đây là tác phẩm độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Kính mong cô và các bạn cùng lắng nghe.

Khi đọc về tác phẩm, nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét rằng: "Cái bóng cây đã có hoa thơm ở đây, dưới ngòi bút Thạch Lam cũng đóng một vai nhân vật. Nhân vật cây - cỏ - hoa ấy đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành". Quả đúng là như vậy, thưởng thức truyện ngắn của ông, độc giả được trở về với quê hương thanh bình, với tình cảm gia đình thân thương, gắn bó. Những điều ấy được khúc xạ, soi chiếu qua cảm nhận của nhân vật Thanh.

Khi vừa trở về nhà, bước chân vào khu vườn của bà, Thanh xúc động không thể nói thành lời. Anh cảm thấy "mát hẳn người", cảm thấy "Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa". Có lẽ, không gian khu vườn chính là hiện thân của bà, của tình yêu thương. Ở nơi ấy, anh được che chở, yêu thương. Đó là điều mà thế giới ngoài kia không có được.

Chắc chắn khi chúng ta gặp lại người thân yêu sau thời gian dài xa cách, chúng ta sẽ rất vui sướng phải không nào? Anh Thanh trong câu chuyện cũng như vậy. Thanh cảm động, mừng rỡ khi gặp lại bà. Chi tiết Thanh đi bên bà, "người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng" thật đặc biệt. Dường như có sự đối lập ở đây. Tuy nhiên, khoảng cách ấy không khiến anh trở nên xa cách mà thấy thật nhỏ bé khi bên cạnh bà. Cảm nhận được tình yêu thương của bà, Thanh vô cùng xúc động, "gần ứa nước mắt". Nhìn về cây hoàng lan trong vườn, những kí ức thuở thơ ấu hiện về trong tâm trí anh. Thanh cảm thấy lòng mình tươi mát, hạnh phúc biết bao.

Về lần này, tâm hồn anh cũng được tưới tắm bởi tình yêu chớm nở với Nga. Nghe thấy điệu cười quen thuộc, anh chưa thể nhớ ra. Chỉ đến khi nhìn thấy bóng hoàng lan, anh mới nhận ra cô bé Nga ngày trước. Đi bên cạnh Nga trong vườn, Thanh cũng ngại ngùng, e ấp, anh cảm nhận được mùi hoàng lan thoang thoảng trong làn tóc Nga. Đứng trước câu hỏi của Nga, anh bối rối không nói, chỉ vít cành lan cho Nga hái hoa. Vào buổi tối cuối cùng ở lại quê, cảm xúc thương yêu dâng trào trong tâm trí anh. Thanh cầm tay Nga, để yên trong tay mình và cảm thấy "có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây".

Trong buổi sáng lên tỉnh, Thanh cảm thấy bâng khuâng, lưu luyến. Anh nghĩ đến căn nhà nơi có hình bóng bà thân quen. Anh biết Nga vẫn sẽ chờ, sẽ mong anh như trước.

Nghệ thuật viết truyện của Thanh Lam đằm thắm mà tinh tế, tất cả như lắng sâu vào bên trong. Thạch Lam luôn đi sâu vào nội tâm, tìm vào cảm giác của nhân vật. Chính bởi vậy, trang văn của ông nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc. Tác giả đã khiến người đọc gác lại những bộn bề, lo toan để tìm về gia đình thân thuộc. Từ đó, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng, yêu quý gia đình hơn.

Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng - mẫu 4

Xin chào cô và các bạn. Khi nhắc đến tình mẫu tử trong thơ, em liền nghĩ ngay đến bài thơ "Nắng mới". Tác giả Lưu Trọng Lư khiến em vô cùng xúc động trước tình cảm yêu thương mà ông dành cho mẹ. Cảm xúc chủ đạo của văn bản là nỗi nhớ mẹ tha thiết.

Mỗi lần nhìn thấy nắng mới hắt qua song cửa, những kí ức ngày thơ lại hiện về trong tâm trí của nhân vật trữ tình. "Tôi" mang một nỗi u hoài, nhớ lại những ngày xưa. Từ láy "chập chờn" thể hiện những hình ảnh quá khứ cứ hiện dần lên trong tâm trí, lúc ẩn, lúc hiện.

Đến khổ thứ hai, nhân vật trữ tình bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ mẹ. Thật khác với hình ảnh nắng mới hiu hắt, ảm đạm hắt qua song cửa. Nắng mới ở khổ hai lại hân hoan, "reo" vui ở ngoài nội. Hình ảnh người mẹ hiện lên đầy nhẹ nhàng, gắn liền với "màu áo đỏ" và lưng giậu. Vì còn mẹ nên trong tâm trí của đứa trẻ lên mười, không khí đồng nội mới tươi vui, ngập tràn sức sống đến như thế.

Đến khổ thơ thứ ba, hình ảnh người mẹ đã hiện rõ nét hơn qua cảm nhận của nhân vật trữ tình. Câu thơ "Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ" như một lời khẳng định chắc nịch về việc hình dáng mẹ vẫn in sâu trong trí nhớ của nhân vật tôi. Mẹ hiện lên với nét cười duyên dáng. Nắng trưa hè khiến hàm răng đen tỏa sáng lấp lánh. Mẹ mang vẻ đẹp dịu dàng, tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Với ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu sức gợi hình, gợi cảm cùng giọng điệu tha thiết, dạt dào, chan chứa tình yêu thương, nhà thơ Lưu Trọng Lư muốn bày tỏ tình yêu thương vô bờ đối với mẹ. Qua bài thơ, ông còn muốn gửi đến người đọc thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc.

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng - mẫu 5

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........

Nhắc tới Huy Cận, người ta nhớ ngay đến một “hồn thơ ảo não” (Hoài Thanh). Trước cách mạng tháng Tám 1945, ông đã góp mặt vào thơ ca đương thời một nỗi sầu nhân thế, một cái tôi cô đơn, buồn bã trước dòng đời. Với sự pha trộn giữa chất cổ điển và hiện đại, ông đã gửi gắm nỗi niềm ấy trong nhiều bài thơ, trong đó phải kể đến Tràng giang. Bài thơ in trong tập “Lửa thiêng” (1940) rất tiêu biểu cho phong cách thơ Huy Cận.

 

Vào một buổi chiều thu năm 1939, khi nhà thơ đứng trước bãi Chèm – phía Nam dòng sông, trước cảnh sóng nước mênh mông, đã không kìm nén nổi cảm xúc buồn bã, cô đơn và nhớ nhà da diết nên sáng tác bài thơ Tràng giang. “Tràng giang” là một từ Hán Việt đầy trang trọng, cổ kính, chỉ một con sông dài. Nhưng nhà thơ không dùng “trường giang” (có cùng nghĩa) để thay thế, bởi cách điệp vần “ang” giúp nhan đề vừa gợi âm hưởng ngân vang, vừa gợi nên cảm giác một dòng sông không những dài mà còn rộng. Thêm lời đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài càng làm rõ hơn sắc thái cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Đó là nỗi buồn của con người trước một không gian mênh mông, rộng lớn có thể bao trùm cả vũ trụ.

Từ nhan đề và câu thơ đề từ của bài thơ, khổ thơ thứ nhất đã mở ra một không gian sông nước sông nước rộng lớn. Câu thơ mở đầu khổ thơ thứ nhất đã mở ra một hình ảnh sông nước mênh mang.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Dường như, dòng sông “tràng giang” đã dài nay lại như trải dài ra hơn với từng đợt sóng “điệp điệp” cứ nối đuôi nhau vỗ vào bờ không ngừng nghỉ, không dứt. Những đợt sóng ấy như trải dài đến vô tận càng tô đậm thêm không gian rộng lớn, bao la của sông nước. Và để rồi, trên cái nền sông nước mênh mông ấy, hình ảnh con thuyền hiện lên thật nhỏ nhoi, cứ thế “xuôi mái nước song song”. Hình ảnh đối lập giữa không gian sông nước mênh mông với hình ảnh con thuyền nhỏ bé càng gợi lên trong chúng ta sự cô đơn, le loi. Đặc biệt, khổ thơ thứ nhất còn để lại ám ảnh sâu sắc trong lòng người đọc bởi hai câu thơ cuối của khổ thơ.

 

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Từ xưa cho đến nay, thuyền và nước là hai hình ảnh luôn đi liền với nhau, ấy vậy mà ở đây dường như thuyền và nước như có một nỗi buồn chia lìa đang đón đợi. Có lẽ bởi thế mà cảnh vật ấy càng khiến cho lòng “sầu trăm ngả”. Đặc biệt, giữa cảnh sông nước mênh mông ấy, hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng” gợi lên trong lòng người đọc ám ảnh khôn nguôi về cõi nhân sinh, lạc lõng, bơ vơ, không biết rồi sẽ trôi dạt về đâu bởi trăm dòng mênh mông vô định. Như vậy, trong khổ thơ thứ nhất, nếu ví dòng tràng giang là dòng đời vô tận thì hình ảnh con thuyền, cành củi khô chính là hình ảnh tượng trưng cho kiếp người nhỏ nhoi, vô định. Đồng thời, khổ thơ cũng gợi lên nỗi buồn không nguôi, không dứt của tác giả.

Nếu trong khổ thơ mở đầu của bài thơ, tác giả vẽ nên không gian sông nước mênh mông thì trong khổ thơ thứ hai, tác giả lại mở ra không gian nơi cồn nhỏ. Hai câu thơ mở đầu khổ thơ thứ hai đã vẽ nên một không gian hoang vắng, hiu quạnh.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Với việc sử dụng nghệ thuật đảo ngữ cùng từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” đặc biệt gợi cảm tác giả đã vẽ nên một bức tranh nơi cồn nhỏ vừa thưa thớt, hoang vắng, lạnh lẽo vừa gợi nên một nỗi buồn mênh mang. Thêm vào đó, sự hoang vắng, tĩnh mịch của không gian như càng được tô đậm thêm qua câu thơ “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Có thể nói, đây là một câu thơ có nhiều cách hiểu, “đâu” là đâu có, là phủ nhận âm thanh của tiếng chợ chiều hay là đâu đó, gợi lên âm thanh yếu ớt của tiếng chợ.

 

Nhưng có lẽ dẫu hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì câu thơ vẫn gợi lên trong lòng người đọc nỗi buồn, sự hoang vắng, tàn tạ, thiếu vắng đi sự sống của con người. Nếu hai câu thơ đầu khổ hai gợi lên không gian cồn nhỏ vắng vẻ, hiu quạnh thì dường như trong câu ba và câu bốn, không gian ấy như được mở rộng cả về bốn phía làm cho cảnh vật vốn đã vắng vẻ lại càng thêm cô liêu và tĩnh mịch hơn.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Trong hai câu thơ, tác giả dùng “sâu chót vót” thay vì “cao chót vót” bởi lẽ chữ “sâu” không chỉ tả cảnh mà còn tả tình, nó không chỉ gợi lên một khoảng không gian rộng lớn, thẳm thẳm mà còn gợi lên cả nỗi buồn, sự cô đơn đến tột cùng của lòng người trước cái mênh mông, hoang vắng của cảnh vật. Như vậy, trong hai khổ thơ đầu của bài thơ, nỗi buồn của nhà thơ như bao phủ lên mọi cảnh vật, lên không gian rộng lớn và mênh mông. Và để rồi, trong khổ thơ thứ ba của bài thơ, tác giả lên trở về với không gian sông nước với khung cảnh mênh mang, đìu hiu, thiếu vắng đi sự sống của con người.

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bài vàng

Hình ảnh “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” một lần nữa gợi lên trong người đọc hình ảnh về kiếp người, cõi nhân sinh trôi nổi, không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu. Thêm vào đó, khổ thơ với việc sử dụng nghệ thuật phủ định lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh sự hiu quạnh, thiếu sự sống của cảnh vật. Lẽ thường, chúng ta vẫn thường thấy rằng, thuyền và cầu là những phương tiện, những hình ảnh thể hiện sự giao lưu, kết nối giữa con người với con người, giữa miền đất này với miền đất khác nhưng ở đây “không một chuyến đò”, “không một cây cầu”.

Dường như, ở nơi đây chẳng có bất cứ thứ gì gắn kết đôi bờ với nhau, nó thiếu đi dấu vết của sự sống, của bóng hình con người và hơn hết là tình người, mối giao hòa, thân mật giữa con người với nhau. Có lẽ bởi thế mà hai bờ của dòng sông cứ thể chạy dài, chạy dài mãi mà chẳng bao giờ gặp nhau, chỉ còn lại ở nơi đây những bờ xanh, những bãi vàng nối tiếp nhau – một bức tranh đẹp nhưng tĩnh lặng và thật buồn.

Trên đây là bài trình bày của tôi về bài giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng - mẫu 6

Em chào cô và các bạn. Em xin tự giới thiệu, em tên là …. Sau đây, em xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật "Mùa xuân chín".

Các bạn ơi, chắc hẳn mỗi người chúng ta đã từng đọc hoặc học về một bài thơ viết về mùa xuân đúng không nào? Mình nhớ chúng ta đã từng học đoạn trích "Cảnh ngày xuân" (trích "Truyện Kiều" - Nguyễn Du) và bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu tới các bạn một bài thơ cũng viết về mùa xuân, nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống. Đó là bài thơ "Mùa xuân chín" của tác giả Hàn Mặc Tử.

Đọc nhan đề bài thơ, mình thấy sự kết hợp tinh tế giữa danh từ "mùa xuân" với động từ chỉ trạng thái "chín". Nhan đề ấy đã khiến mình hình dung về khung cảnh mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Mạch cảm xúc ấy được khắc họa rõ nét qua các hình ảnh thơ và ngôn ngữ tinh tế.

Đầu tiên, ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh thơ "làn nắng ửng", "khói mờ tan", "bóng xuân sang" đã gợi ra khung cảnh mùa xuân ấm áp. Biện pháp nhân hóa "gió trêu tà áo biếc" kết hợp với từ láy "sột soạt" và phép đảo ngữ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc" cho thấy những tinh tế trong quan sát của nhà thơ khi xuân đến. Ngọn gió không còn là vật vô tri vô giác mà trở nên sống động với âm thanh tình tứ, đang trêu đùa tà áo biếc. Ngoài ra, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "bóng xuân sang" còn góp phần miêu tả dáng điệu nhẹ nhàng của mùa xuân.

Trên nền thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống còn xuất hiện hình ảnh con người "Bao cô thôn nữ hát trên đồi". Lắng nghe tiếng hát ấy, nhân vật trữ tình càng thêm tiếc nuối trước độ xuân thì của người con gái "- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc cuộc chơi". Biện pháp ẩn dụ "xuân xanh" kết hợp cùng các từ láy "hổn hển", "vắt vẻo" và biện pháp nhân hóa "tiếng ca vắt vẻo", so sánh "hổn hển như lời nước mây" đã mang đến cho người đọc vẻ duyên dáng của người con gái. Vẻ đẹp ấy hòa trong tiếng hát trầm bổng, thiết tha như tô đậm khung cảnh thiên nhiên căng tràn sức sống.

Đặc biệt, trong khổ thơ cuối, mình cảm nhận được tâm trạng chùng xuống của nhân vật trữ tình - "khách xa". Từ láy "bâng khuâng" gợi ra cảm xúc lâng lâng, xen chút buồn tiếc nuối trong lòng. Nhưng rồi, nhân vật trữ tình lại có sự chuyển biến đột ngột trong cảm xúc khi "sực" nhớ làng và "- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc theo bờ sông trắng nắng chang chang?". Câu hỏi cuối bài thơ cùng đại từ nhân xưng không cụ thể "chị ấy" đã phác họa nỗi niềm cô đơn, hụt hẫng cùng tấm lòng nhớ quê hương của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Qua bài thơ "Mùa xuân chín", mình thấy được nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật như cách tổ chức ngôn ngữ và hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp với nhiều biện pháp nhân hóa, cách gieo vần chân ("vàng-sang, "trời-chơi",...). Bên cạnh đó, bài thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân từ những chất liệu như âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động của thiên nhiên và con người. Đọc bài thơ, chúng ta không khỏi rung động trước tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng khát khao giao cảm với đời, với người của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Trên đây là bài trình bày của em về bài giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng - mẫu 7

Có thể nói, “Chiếc lược ngà” chính là tác phẩm đã làm nên tên tuổi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Tác phẩm được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên. Nói về hoàn cảnh viết “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng tâm sự: “Năm 1966, tôi từ miền Bắc trở về miền Nam. Vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước trắng. Tôi đi ghe vào sâu trong rừng và sống ở một nhà sàn treo trên ngọn cây.Lúc đó, đoàn giao liên dẫn đường toàn là nữ. Tôi rất có ấn tượng với câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà trắng. Sau khi nghe cô kể chuyện, tôi ngồi viết một ngày, một đêm là hoàn thành tác phẩm này”.

“Chiếc lược ngà” kể về tình cha con của ông Sáu và bé Thu trong hoàn cảnh chiến tranh miền Nam đang sục sôi máu lửa. Truyện đã khắc sâu trong tâm chí đọc giả về những tàn phá kinh khủng của chiến tranh. Chiến tranh biến những người mẹ già có nguy cơ mất con, người vợ góa chồng và những đứa con mồ côi cha. Thế nhưng trong không khí đau thương mà hào hùng ấy, tình cảm cha con vẫn tỏa sáng bất diệt.
Ông Sáu trở về không được bé Thu nhận cha cho đến tận những giây phút cuối cùng trước khi phải lên đường chiến đấu. Vào chiến trường ông làm cho bé một chiếc lược ngà, ông hi sinh ngoài chiến trận và chiếc lược được người đồng đội chuyển đến tận tay cô bé Thu.

Truyện xoay quanh diễn biến tâm trạng của bé thu trước và sau khi nhận ra cha. Nó được xây dựng qua hai tình huống cơ bản. Đầu tiên là cuộc gặp gỡ của hai cha con ông Sáu sau tám năm xa cách, nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải lên đường. Tình huống hai, ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và lòng mong nhớ đứa con vào việc làm cây lược ngà nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao món quà ấy cho con gái. Như vậy câu chuyện đã đi từ tình yêu mãnh liệt của bé Thu dành cho cha đến tình cảm sâu sắc, thắm thiết mà ông Sáu dành cho đứa con của mình. Có thể thấy, đây là tình huống đầy éo le mà chúng ta thường gặp trong chiến tranh.

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, từ góc nhìn của bác Ba, người bạn chiến đấu của ông Sáu và cũng là người chứng kiến, tham gia vào câu chuyện. Với ngôi kể này, người kể chuyện xen vào những lời bình luận, suy nghĩ, bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với nhân vật mà không làm mất đi tính khách quan của nó. Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc, nhất là đối với nhân vật bé Thu. Ngôn ngữ truyện mang đậm chất địa phương Nam Bộ. Tất cả những điều đó đã góp phần thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện còn khiến người đọc thấm thía những mất mát, đau thương mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình.

Bằng tình cảm chân thành mà sâu sắc qua “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện được một chân lí: Bom đạn của kẻ thù chỉ có thể hủy diệt được sự sống của con người, còn tình cảm của con người – tình phụ tử thiêng liêng thì không bom đạn nào có thể giết chết được.

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật mà em ấn tượng - mẫu 8

Chắc hẳn những bộ phim về chiến tranh Việt Nam không còn quá xa lạ với thầy cô và các bạn. Nhưng có một bộ phim luôn khiến em tâm đắc và day dứt khi xem mà hôm nay em muốn giới thiệu đến mọi người.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những nỗi đau để lại dường như còn mãi, đặc biệt đối với những người có người con, người anh, người chị của mình đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. “Mùi cỏ cháy” là một bộ phim ấn tượng nói về Việt Nam năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị - nơi biết bao người thanh niên trẻ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Bộ phim như nhắc nhở chúng ta về cái giá phải trả cho độc lập tự do là quá lớn.

Mùi cỏ cháy là bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội và chiến tranh được công chiếu vào năm 2012. Bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chấp bút, dựa trên quyển Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đạo diễn phim là Nguyễn Hữu Mười – một đạo diễn tài năng và được nhiều người biết đến. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị.

Giá trị của phim không chỉ được kể đến bởi sự tỉ mỉ trong kịch bản, góc quay… mà nó đến từ nội dung đầy ý nghĩa, sâu sắc về thế hệ trẻ một thời hết lòng phụng sự cho Tổ quốc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về 4 chàng sinh viên Hà thành Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi đôi mươi, khi họ vừa mới bước chân và làm quen với môi trường đại học. Sống trong cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo và đứng trước lệnh tổng động viên của Chính phủ, 4 chàng thanh niên trẻ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, dấn thân vào chiến tranh và trở thành những chiến sĩ quả cảm. Tinh thần quả cảm, bất diệt đó của họ đã chiến thắng những ham muốn cuộc sống nhàn hạ, vui vẻ của tuổi đôi mươi, họ ra đi vì độc lập của Tổ quốc. Trong phim có một câu nói khiến em ấn tượng mãi đó là khi Thủ trưởng Phong hỏi bốn chàng thanh niên trẻ có thấy hối tiếc vì lựa chọn của mình không, Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”. Đó là câu trả lời chứa đựng đầy sự hồn nhiên, nhưng pha lẫn đầy khí phách của một chàng thanh niên tuổi đôi mươi nhưng thấu hiểu sự đời và hoàn cảnh của đất nước. Họ chính là đại biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, luôn mang trong mình nhiệt huyết dâng trào của tuổi trẻ, một lòng muốn phụng sự cho Tổ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng từ bỏ tất cả và đi vào chiến trường, chiến đấu để giành lấy độc lập cho Tổ quốc. Những người thanh niên trẻ ấy từ sự hồn nhiên của tuổi trẻ, được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; thú bắt ve sầu rồi áp tai nghe tiếng kêu ve ve của Thành và niềm đam mê chơi chọi dế của Thăng…” Và rồi, trải qua sự rèn luyện khắc nghiệt trong quân đội và trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, họ dần trưởng thành và trở thành những chiến sĩ dũng cảm, sống vì mục tiêu cao cả hơn.

Cùng với đó là những hình ảnh về sức tàn phá của chiến tranh, chân thực đến đau lòng. Bằng cách tạo dựng bối cảnh của cuộc chiến hết sức chân thật, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã khiến người xem không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom mìn khi vượt sông Thạch Hãn, máu nhuộm đỏ dòng sông; cảnh Long đứng giữa trời đạn bom kêu gào thảm thiết: “Đừng tấn công nữa!…” và bị bom giặc cướp mất tính mạng; hay hình ảnh một chiến sĩ mù vẫn cầm lựu đạn mò mẫm ra chiến trường chiến đấu với kẻ thù… Khung cảnh chiến tranh năm 1972 đó dường như đang được hiện hữu rõ ràng trước mắt người đọc, nó khiến chúng ta không khỏi xúc động, nghẹn ngào mà thậm chí là căm thù kẻ thù xâm lược, về những đau thương mà chúng gây ra cho chúng ta trong những năm tháng chiến tranh thảm khốc.

Bên cạnh đó, một chi tiết rất đắt giá vẫn được ekip làm phim thể hiện rất tài tình, đó là ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết đang cận kề ấy, đạo diễn vẫn dành cho những nhân vật của mình những giây phút bình yên suy ngẫm về gia đình, chiến tranh, tình cảm đồng chí, đồng đội… Đó là một dấu ấn mang đậm nét tình cảm của phim. Họ khẳng định dù trong hoàn cảnh sự sống luôn bị đe dọa như vậy, nhưng những tình cảm, cảm xúc chân thực của con người vẫn được thể hiện, họ vẫn tin yêu vào cuộc sống và đó chính là động lực để họ đứng đến đấu tranh và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đó đều là tình cảm chân thành, sự quý mến sâu sắc.

Như vậy, qua những trang nhật ký của Thăng, những vần thơ của Hoàng, những bức thư thấm đẫm nước mắt của Thành vĩnh biệt mẹ và lời hứa trở lại (không thực hiện được) của Long đối với một cô gái anh gặp trên đường hành quân… “Mùi cỏ cháy” đã tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đầy đủ nhất, chân thực và sinh động nhất. Không những thế, nó đã chạm đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc về tình người, về lẽ sống của cả một thế hệ trẻ thời chống Mỹ.

Trên đây là toàn bộ phần trình bày của em về bộ phim “Mùi cỏ cháy”, rất mong nhận được sự góp ý của cô và các bạn để bài trình bày của em được hoàn thiện hơn. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 11 hay, chi tiết khác:

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 dòng) phân tích và làm rõ một đặc điểm nổi bật của truyện thơ dân gian qua đoạn trích Lời tiễn dặn

Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật Tràng giang

Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật Con đường mùa đông

Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật Thời gian

Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật Nhớ đồng

Tài liệu có 7 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tài liệu cùng môn học

TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT Tuyết TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
1.2 K 1 1
20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng Tuyết 20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
655 1 0
TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia Tuyết TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
732 1 0
20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ Tuyết 20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
593 1 0
Tải xuống