TOP 20 mẫu Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi

243

Toptailieu.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi

Đề bài: Câu lạc bộ Văn học trường em tổ chức cuộc thi viết với chủ đề “Tác phẩm tôi yêu”. Em hãy viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi này.

Dàn ý Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi

1. Mở bài

– Giới thiệu ngắn gọn về những nét chính về tác giả, tác phẩm.

– Giới thiệu những vấn đề nghị luận và trích dẫn.

2. Thân bài

– Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác, vị trí đoạn thơ, bài thơ,…

– Phân tích cụ thể khổ thơ, đoạn thơ

+ Phân tích theo bố cục của bài hoặc từng câu (bổ ngang)

+ Phân tích theo hình tượng hoặc nội dung xuyên suốt bài thơ (bổ dọc).

– Nêu đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ: những hình ảnh giàu ý nghĩa, biểu tượng, cấu tứ, nhịp điệu.

3. Kết bài

Đánh giá khái quát và khẳng định giá trị riêng, đặc sắc của bài thơ, đoạn thơ nghị luận.

TOP 20 mẫu Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (ảnh 2)

Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi - mẫu 1


Nếu thơ Xuân Diệu có giọng điệu say đắm, rạo rực, thơ Hàn Mặc Tử có chút điên loạn, thơ Huy Cận có nỗi buồn ảo não thì thơ Vũ Đình Liên lại mang một giọng điệu hoài cổ. Mỗi người nghệ sĩ có phong cách thơ khác nhau, đây là nét riêng biệt để họ được phân biệt với các tác giả khác và cũng là ấn tượng riêng để bạn đọc nhớ đến họ. Tuy sáng tác không nhiều nhưng Vũ Đình Liên đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm giá trị, tiêu biểu là bài thơ “Ông đồ”.


Bài thơ được sáng tác năm 1936 và được đăng trên tạp chí “Tinh hoa”. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nền Hán học đang mất dần vị thế của mình do sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây. Đây cũng là lúc các ông đồ không còn được trọng vọng do thời thế đã thay đổi. Nhan đề bài thơ gợi nhớ một nét đẹp đã lùi sâu vào dĩ vãng cùng sự tiếc thương vô cùng.

Nhắc đến ông đồ là nhắc đến những thầy dạy chữ Nho ngày xưa, mỗi dịp Tết đến xuân về ông thường xuất hiện bên đường phố để viết những câu đối đỏ:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”.

Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc bởi Tết nào ông đồ già cũng xuất hiện cùng với mực tàu và giấy đỏ. Đó là thời đắc ý, thời vàng son của ông. Như một sự tuần hoàn của chu kì thời gian, mỗi dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi những cánh đào hồng tươi khoe sắc thắm thì đó cũng là lúc ông đồ xuất hiện. Không gian làm việc của ông là bên phố. Ta hãy hình dung dưới những bông hoa đào cùng tiết trời se lạnh có một ông đồ già đang vẽ những nét chữ điêu luyện và sự nhộn nhịp của bước chân người qua lại tạo nên một bức tranh thật tươi vui. Từ “mỗi”, “lại” đã phần nào thể hiện nhịp điệu đều đặn ấy.

Hoa đào và ông đồ đã song hành, sóng đôi cùng nhau để tôn thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Màu hồng của hoa đào, màu đen của thỏi mực, màu đỏ của giấy đã làm bức tranh thật sinh động. Tài năng viết chữ của ông đồ được mọi người ngợi khen, thán phục:

“Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài


Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”.

Rất nhiều người thuê ông viết chữ, họ không chỉ quý trọng những nét chữ của ông mà họ còn dành cho ông một lòng kính trọng. Ông đã phô diễn tài năng của mình qua các câu đối đỏ, qua những nét chữ rồng bay phượng múa. Phải là một người am hiểu về Hán học, chữ Nho thì ông đồ mới có thể viết những nét chữ tài hoa đến như vậy. Phép tu từ so sánh “như phượng múa rồng bay” đã thể hiện được lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng của Vũ Đình Liên cũng như của nhân dân ta dành cho ông đồ. Đây cũng là sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chơi chữ là một thú vui thể hiện cốt cách thanh cao của người thưởng thức nó. Đồng thời, người viết chữ cũng được xem như một nghệ sĩ tài ba bởi nét chữ thể hiện được cái tâm, cái chí của người sáng tạo. Không những viết đẹp mà ông còn viết nhanh, điều này thật đáng khâm phục. Những nét chữ uốn lượn một cách tài tình dưới đôi tay của một người có học thức khiến ai cũng muốn thuê ông viết cho câu đối đỏ. Có thể nói, thời đắc ý ông đồ vô cùng đông khách, người ta đến với ông vì sự thán phục những nét chữ phóng khoáng. Cả người viết chữ và người chơi chữ như có mối đồng cảm sâu sắc vì họ đều là người biết yêu và thưởng thức cái đẹp.

Nhưng khi thời thế thay đổi cũng là lúc ông đồ không còn được trọng vọng, ngưỡng mộ:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…”

Trước đây, người thuê ông đồ viết chữ nhiều là thế nhưng nay họ đã đi đâu hết? Họ vẫn ở đó, vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật nhưng sự xâm nhập của văn hóa phương Tây đã làm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một. Tác giả đã miêu tả một khung cảnh quạnh hiu, vắng vẻ đến thê lương. Thời gian đã cuốn trôi đi những gì tươi đẹp của quá khứ khiến con người không khỏi xót xa, tiếc nuối.

Câu hỏi tu từ: “Người thuê viết nay đâu?” vang lên với bao đau đớn. Thực tại thú chơi chữ đã không còn được ưa chuộng, người chơi chữ, mua chữ cũng ít dần đi theo năm tháng. Nỗi buồn đã nhuốm sang cả cảnh vật, sang cả những gì vô tri vô giác. Giấy đỏ cũng biết buồn nên đã chẳng còn thắm, màu giấy đã phôi phai đi rồi nhạt dần, thỏi mực đã mài nhưng không được dùng đến nay cũng đọng lại trong nghiên. Biện pháp nhân hóa đã thể hiện tâm trạng u uất của ông đồ và cũng là sự xót xa, thương cảm của nhà thơ.

Nền Hán học đã suy tàn nhưng với mong muốn lưu giữ lại những giá trị văn hóa mà ông đồ già vẫn kiên trì ngồi bên hè phố như bao năm trước:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay”

Nhưng sự xuất hiện của ông không được mọi người chú ý, quan tâm như thời vàng son. Bóng dáng ông cứ lặng lẽ qua đường, lặng lẽ bên phố mà không một ai hay biết. Hình ảnh ông đồ đã rơi vào quên lãng. Hình ảnh ấy chỉ là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên). Sự tàn phai, úa rụng được thể hiện qua hình ảnh chiếc lá vàng cùng không khí lạnh lẽo của làn mưa bụi lất phất đã bao trùm lên toàn bộ khung cảnh khiến cảnh vật nhuốm màu sắc tâm trạng. Mọi người đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức, họ coi ông như người vô hình trong xã hội đương thời.

Vũ Đình Liên đã bộc lộ nỗi xót xa, niềm hoài cổ của mình qua khổ thơ cuối:

“Năm nay hoa đào nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”

Ông đồ đã thực sự vắng bóng, đào vẫn khoe sắc hương, cảnh vật vẫn tuần hoàn theo quy luật tự nhiên nhưng ta không còn thấy sự xuất hiện của ông đồ nữa. Sự vắng bóng của ông khiến chúng ta không khỏi thương tiếc cho một giá trị tinh thần đã không còn tồn tại. Những con người trước đây từng thuê ông đồ viết câu đối, những người từng tôn trọng ông đồ nay đã hoàn toàn thay đổi. Họ bận thích nghi với nền văn hóa mới từ Tây phương nên tâm hồn họ cũng không còn chỗ cho những tinh túy của văn hóa truyền thống. Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối bài đọng lại bao sự cảm thương, hối tiếc cho những gì đã mất.

Bằng việc sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh trái ngược của ông đồ ở thời kì vàng son và ông đồ khi thất thế. Thể thơ năm chữ đã giúp nhà thơ bày tỏ cảm xúc một cách dễ dàng. “Ông đồ” là sự hoài niệm về những giá trị xưa cũ, bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc của tác giả Vũ Đình Liên.

TOP 20 mẫu Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi (ảnh 1)
Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi - mẫu 2

Trong những ngày Tết đến xuân về náo nức trên mọi nẻo đường, người yêu thơ lại khẽ lắng mình trong một nhịp thơ giản dị đầy nhân văn của nhà thơ Vũ Đình Liên - bài thơ "Ông đồ". Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây.

Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ:

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.

Những lời khen thật hào phóng, nhưng nghĩ kĩ đó chỉ là lời khen của những người ngoài giới bút nghiên. Đi viết câu đối thuê, bản thân việc ấy đã là nỗi lận đận, là bước thất thế của người theo nghiệp khoa bảng. Đỗ cao thành quan nghè, quan thám, đỗ thấp thì cũng ông cử, ông tú, chứ ông đó là chưa đỗ đạt gì, công chưa thành, danh chưa toại, đành về quê dạy học, bốc thuốc, hay xem lí số ở nơi đô hội như có lần Tản Đà đã làm.

Ngày tết, mài mực bán chữ ngoài vỉa hè chắc cũng là việc bất đắc dĩ của nho gia. Chữ thì cho chứ ai lại bán. Bán chữ là cái cực của kẻ sĩ ở mọi thời. Bà con yêu quý và cũng thán phục cái thú chữ mà bà con không biết, hay chỉ võ vẽ, nên mới khen lao đến vậy. Lời khen này không mang lại vinh quang cho ông đồ, có thể ông còn tủi nữa, nhưng nó an ủi ông nhiều, nó là cái tình của người đời vào hồi vận mạt của ông. Tác giả giới thiệu: cùng với hoa đào, mỗi năm mới có một lần chứ nhiều nhặn gì đâu, giấy đỏ mực tàu, chữ nghĩa thánh hiền bày trên hè phố. Đừng nghĩ đến chuyện khoa bảng, hãy nghĩ trên cương vị người bán, thì đây là hai đoạn thơ vui vì nó nói được sự đắt hàng, ông đồ còn sống được, có thể tồn tại trong cái xã hội đang biến động này.

Nhưng cuộc đời đã không như thế mãi, cái ý thích của người ta cũng thay đổi theo thời cuộc. Lớp người mới lớn không có liên hệ gì để mà quyến luyến cái thứ chữ tượng hình kia. Cái tài viết chân, thảo, triện, lệ của ông đồ chữ tốt kia, họ không cần biết đến:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc: "Còn duyên kẻ đón người đưa, / Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi, hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Hiện thực trong thơ là hiện thực của nỗi lòng, nỗi lòng đang vui như những năm ông đồ "đắt khách" nào có thấy gió mưa.

Gió thổi lá bay, lá vàng cuối mùa rơi trên mặt giấy, nó rơi và nằm tại đấy vì mặt giấy chưa được dùng đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt cái lá ấy đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối bất động của ông đồ rồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay.


Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. Như vậy cũng chỉ với tám câu, bốn mươi chữ, đủ nói hết những bước chót của một thời tàn. Sự đối chiếu chi tiết ở đoạn này tới đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng cho ta cái ấn tượng thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.

Có một khoảng thời gian trôi qua, khoảng trống của đoạn thơ trước khi vào bốn câu kết:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Hãy trở lại câu thơ đầu bài "Mỗi năm hoa đào nở" để thấy quy luật cũ không còn đúng nữa. Ông đồ đã kiên nhẫn vẫn ngồi đấy, nhưng năm nay ông không còn kiên nhẫn được nữa: Không thấy ông đồ xưa. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, lũ người hiện đại chúng ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải bóng dáng của một người, của một nghề, mà là dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ chúng ta mới thấy luyến tiếc, nhưng quá muộn rồi.

Chúng ta hỏi nhau hay tự hỏi mình? Hỏi hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận sám hối. Hai câu thơ hàm súc nhất của bài, chúng ta đọc ở đấy số phận của ông đồ và nhất là đọc được thái độ, tình cảm của cả một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc, về ngữ pháp câu thơ này rất lạ, nhưng không ai thấy cộm: Những người muôn năm cũ. Muôn năm, thật ra chỉ là vài ba năm, nhưng nói muôn năm mới đúng, thời ông đồ đã xa lắc rồi, đã lẫn vào với những bút, những nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ của câu dưới càng gợi bâng khuâng luyến nhớ. Câu thơ không phải là nỗi đau nức nở, nó chỉ như một tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.

Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi - mẫu 3

Quê hương luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt đối với các thi sĩ. Mỗi người có một cách nhìn, cách cảm nhận riêng, đặc trưng về quê hương của mình. Chúng ta bắt gặp những bài thơ viết về quê hương của Đỗ Trung Quân, Giang Nam, Tế Hanh. Trong đó sự nhẹ nhàng, mộc mạc của bài “Quê hương” tác giả Tế Hanh khiến người đọc xốn xang khi nhớ về nơi đã chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mình.

“Quê hương” là hai tiếng thân thương, được tác giả dùng làm nhan đề của bài thơ. Mở đầu bài thơ bằng sự mộc mạc, chân thành mà sâu sắc:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông

Hai câu thơ như một lời kể tâm tình rất đỗi bình dị nhưng đã khiến người đọc hình dung được mảnh đất mà tác giả đáng sống là một vùng biển có truyền thống lâu đời làm nghề chài lưới. Một ngôi làng giản dị, chân chất. Hình ảnh “nước”, “biển” rất đặc trưng cho một vùng quê làng biển. Có lẽ những điều bình dị đó khiến cho tác giả vẫn luôn mong ngóng, nhớ nhung khi xa quê hương.

Những câu thơ tiếp theo gợi tả lên một khung cảnh tuyệt đẹp mỗi khi sáng mai thức dậy. Sự tinh tế của ngôn từ và cảm xúc khiến cho vần thơ trở nên trữ tình, tuyệt đẹp:

Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Một loạt từ ngữ mang tính chất liệt kê khung cảnh, không gian thanh bình, tươi đẹp của cảnh biển vào buổi sáng như: “gió nhẹ”, “sớm mai hồng” là những gì còn neo giữ trong lòng của tác giả khi nhớ về quê hương. Và một hoạt động vẫn diễn ra đầu ngày là “bơi thuyền đi đánh cá” được tác giả vẽ nên rất nhẹ nhàng nhưng khỏe khoắn.

Chiếc thuyền hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Nếu những câu thơ trên nhẹ nhàng, tinh tế bao nhiêu thì hai câu thơ này càng mạnh mẽ, quyết liệt và khỏe khoắn bao nhiêu. Với hai động từ “hăng”, “phăng” kết hợp với phép so sánh độc đáo khiến cho bức tranh đi đánh cá trở nên giàu chất tạo hình, giàu đường nét và giàu cá tính mạnh. Với động từ “phăng” đã phần nào gợi tả lên sự khéo léo kết hợp sự tinh tế và khỏe mạnh của những người dân vùng chài lưới.

Hai câu sau lại trở về với vẻ lãng mạn đến bất ngờ:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

Một hình ảnh bình dị, thân quen như cánh buồm nhưng trong thơ của Tế Hanh lại có hồn, đậm chất thơ. Phép so sánh cánh buồm “như mảnh hồn làng” có sức gợi rất sâu sắc, bởi rằng đối với những người làm nghề chài lưới thì cánh buồm chính là biểu tượng cho cuộc sống của họ. Một sự so sánh hữu hình và vô hình đã làm nên sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Con thuyền đã mang theo cả tin yêu, hạnh phúc và hi vọng của những người dân nơi đây. Câu thơ khỏe khoắn và tự nhiên đã phần nào làm toát lên được khí thế hào hùng trong công cuộc chinh phục biển khơi.

Tế Hanh đã miêu tả nên một bức tranh thiên nhiên và bức tranh lao động sáng tạo tuyệt vời nhất. Đó là niềm tự hào, sự ca ngợi quê hương, đất nước. Đặc biệt, khung cảnh dân chài lưới chào đón thành quả sau một ngày căng thẳng vất vả được miêu tả chân thực và đầy niềm vui:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn giời biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Hình ảnh dân làng “ồn ào”, “tấp nập” đã phần nào tái hiện được không khí vui tươi và phấn khởi của người dân chài sau một ngày hoạt động hết công suất. Những con cá “tươi ngon” nằm im lìm là những thành quả mà họ đạt được.

Và có lẽ hình ảnh con người mạnh mẽ, khỏe khoắn là hình ảnh trung tâm không thể thiếu trong bức tranh ấy:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Hình ảnh thơ mặn mòi, đậm chất biển, vừa khỏe khoắn, vừa chân chất vừa mộc mạc toát lên được vẻ đẹp của những con người vùng biển quanh năm vất vả. Tế Hanh đã phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn đó như một điều bình dị trong cuộc sống này.

Và có lẽ những hình ảnh thân quen nơi làng quê ấy đã khiến cho Tế Hanh dù đi xa nhưng vẫn không thể nào quên, vẫn nhớ về đau đáu:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh cá bạc chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.

Một khổ thơ dạt dào tình cảm, nghèn nghẹn ở trong trái tim tác giả khi nhớ về mảnh đất thân yêu một thời. Nỗi nhớ quê dạt dào không nguôi khi những hình ảnh thân quen ấy cứ ùa về.

Thật vậy bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh không chỉ là riêng tình cảm của tác giả dành cho quê hương; mà bài thơ này còn nói hộ rất nhiều tấm lòng khác đang ở xa quê hương. Chúng ta càng trân trọng hơn nữa mảnh đất chôn rau cắt rốn, yêu hơn nữa những điều bình dị nhưng thiêng liêng.


Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi - mẫu 4

Ai trong đời cũng có một mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Dù như con chim non sớm lạc bay hay cánh đại bàng đã vút bay lên, hỏi ai mà không một lần tưởng nhớ về nơi ấy? Đã có rất nhiều nhà thơ sáng tác về quê hương, nhưng bài thơ Quê hương của Tế Hanh thực sự là một bài thơ cảm động.

Bài thơ được tác giả viết năm 1938, khi ông mới 17 tuổi, phải xa quê vào Huế học tập. Bài thơ là nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết cùng những người dân thân thiết và bình dị! Bài thơ đau đáu, rưng rưng như một tiếng gọi mẹ âm thầm.

Mở đầu bài thơ là những hồi ức thật trong sáng hồn nhiên:

"Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"

Quê ông như một cù lao nổi giữa bốn bề sông nước. Dân làng ông gắn chặt đời mình với biển cả thiên nhiên đầy dữ dội. Đây là một làng nghèo giống như bao làng biển khác, nhưng khi xa rồi, nỗi nhớ đến quặn lòng:

"Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…"

Qua đoạn thơ này, tác giả đã sử dụng những sắc màu thật tươi thắm để phác họa một bức tranh quê vui tươi mộc mạc: bầu trời trong vắt, nắng hồng, gió nhẹ. Những chàng trai lực lưỡng trẻ trung giong thuyền ra khơi như chàng Gióng cưỡi ngựa ra trận mạc. Những từ thật đắt được sử dụng cùng âm điệu liên tiếp nhau: "hăng, phăng, giang, làng..." tạo thành một âm thanh ngân nga mênh mông giữa biển rộng trời cao. Một cảnh lao động vừa yên bình, lại vừa mạnh mẽ biết bao! Hình như ở đó ẩn chứa bao niềm kiêu hãnh và tự hào về quê hương thân yêu:

"Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"

Vâng, mảnh hồn làng nghe khiêm tốn bao nhiêu, thì cái khả năng "thâu góp gió" của làng chài ấy lại lớn lao kì vĩ bấy nhiêu. Hình ảnh cánh buồm là một hình ảnh hữu hình, được đem ví với một "mảnh hồn làng" vừa thiêng liêng, lại vừa trừu tượng. Ở đây, tác giả không nói đến một vị thần "hoàng làng" hay một cá nhân nào, chỉ duy nhất một danh từ độc đáo được nhắc đến là: "mảnh hồn làng" nghe thật lạ lùng, trữ tình, tha thiết và thiêng liêng biết bao! Cánh buồm từ một vật vô tri đã được biến thành một vật thể mới, có tâm hồn riêng, có sức sống riêng, và là sức sống của cả một làng quê hun đúc lại!

Cảnh ra khơi lãng mạn như một bức tranh thắm sắc, như một bài thơ đượm màu lãng mạn, thì cảnh đoàn thuyền trở về lại ồn ào một không khí ấm no:

"Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng."

Có lẽ hình ảnh này là niềm ước mong của toàn dân chài. Người ra biển và người đón thuyền đều chỉ có một ước mong: "nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe". Hỏi có niềm vui nào hơn là biển êm, sóng lặng không có phong ba bão tố, không có hiểm nguy giữa trùng dương. Với cánh buồm mong manh chẳng chút tối tân, dân chài đã phó mặc tất cả sinh mệnh mình cho đại dương suốt mấy ngày đi biển. Cái kết quả sau cùng thật bí ẩn, thật quyết định cho hạnh phúc của làng chài: cá đầy ắp khoang thuyền!

Chẳng còn sự sung sướng nào hơn, tác giả thốt lên một câu thơ, như thay mặt cả làng, cảm tạ ơn trời đất, như tiếng reo mừng của người em nhỏ, người vợ hiền:

"Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe".

Cũng trong niềm vui đoàn tụ ấy, nhà thơ đã thật sự xúc động trước vẻ đẹp của những chàng trai quanh năm vật lộn với phong ba bão tố:

"Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm"

Và chiếc thuyền thân yêu cũng như một chiến binh mệt mỏi sau một trận chiến hào hùng với nhiều công trạng:

"Chiếc thuyền im, bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ"

Tế Hanh tả tâm trạng của "chiếc thuyền" mà sao ta cứ ngỡ như tác giả tả một chú ngựa ngoan cường dũng mãnh? Câu thơ như một bàn tay vuốt ve chú ngựa, vuốt ve con thuyền với tấm lòng trìu mến, ánh mắt biết ơn. Cảm xúc chưa hết dạo dào yêu thương trong đoạn trên, tác giả lại cho chúng ta một cảm giác nhung nhớ xót xa vì xa xôi cách trở:

"Nay xa cách, lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá."

Nỗi nhớ trong lòng tác giả chẳng diễn đạt bằng những từ lớn lao, mà chỉ bằng một cảm xúc giản dị:

"Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá"

"Cái mùi nồng mặn" ấy nghe thật là chân quê, nhưng đó là những từ chân thành nhất, chính xác nhất nếu ai đã từng ngửi mùi cá tươi trên biển, mùi muối đang khô. Đó là tất cả cảm xúc yêu quê hương của một tâm hồn thơ lúc mười bảy tuổi. Một tài năng thơ đã sớm phát tiết và lưu lại cho chúng ta một bài thơ dạt dào cảm xúc về một vùng quê biển bình yên. Có lẽ khi tha hương, ai nhớ về quê hương, cũng nhớ những phút giây bình yên nơi đó, để mà thương yêu, để mà nuối tiếc. Có phải thế không?

Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi - mẫu 5

Ai đã từng một lần đi trên con đường xuyên Việt, hẳn đều biết đến đèo Ngang. Đây là một đèo khá dài và khá cao, nằm vắt ngang sườn núi cheo leo, hiểm trở của khúc cuối dãy Hoành Sơn, trước khi đâm ra biển. Hình ảnh đèo Ngang đã được đưa vào bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, nhằm gửi gắm nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Đèo Ngang là ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thuở xưa, bao người vào kinh đô Huế để thi cử hay làm việc cho triều đình phong kiến đã đi qua đèo này rồi lâng lâng xúc cảm trước vẻ đẹp của nó mà làm thơ ca ngợi. Bà Huyện Thanh Quan nhân dịp từ Thăng Long vào Huế nhậm chức Cung trung giáo tập (dạy dỗ các cung nữ trong cung) đã sáng tác bài Qua đèo Ngang.

Đằng sau bức tranh phong cảnh thiên nhiên là tâm trạng của nữ sĩ: cô đơn, nhớ nhà và hoài niệm về một thời đại huy hoàng đã qua. Có thể coi đây là bài thơ hay nhất trong những bài thơ sáng tác về thắng cảnh này. Câu phá đề đơn giản chỉ là lời giới thiệu về thời điểm tác giả đặt chân đến đèo Ngang:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà. Đó là lúc mặt trời đang lặn, phía tây chỉ còn chút nắng hắt những tia sáng yếu ớt lên nền trời đang sẫm dần. Thời điểm này rất dễ gợi buồn trong lòng người, nhất là đối với kẻ lữ thứ tha hương. Tuy vậy, trời vẫn còn đủ sáng để nhà thơ nhận ra thiên nhiên nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc: “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”.

Có cái gì đó như linh hồn của tạo vật thấp thoáng sau từng chữ. Điệp từ chen, các vế đối: cây chen đá, lá chen hoa miêu tả sức sống mãnh liệt của một vùng rừng núi hoang vu. Cảnh đẹp thì có đẹp nhưng nhuốm màu buồn bã, quạnh hiu, thiếu hơi ấm con người. Những bông hoa rừng đây đó không đủ làm sáng, làm vui bức tranh núi non lúc ngày tàn, đêm xuống.

Trên bối cảnh thiên nhiên bao la ấy thấp thoáng bóng dáng con người và hơi hướng cuộc sống nhưng cũng chỉ ít ỏi, mờ nhạt, xa vời:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.”

Con mắt tinh tế của nhà thơ phát hiện ra nét đặc trưng của người và cảnh trước tiên nên bà đã dùng nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh đặc trưng ấy. Dáng vẻ lom khom của mấy chú tiều hái củi sườn non làm cho con người vốn đã nhỏ bé lại càng thêm nhỏ bé trước thiên nhiên cao rộng.

Cái chợ là nơi biểu hiện sức sống của một cộng đồng làng xã, lẽ ra tấp nập đông vui, nhưng ở đây nó chỉ là mấy túp lều xơ xác bên sông… Bao trùm lên cảnh vật là một nỗi buồn tê tái và nỗi buồn ấy thấm sâu vào lòng người:

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.”

Giữa không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối ấy bỗng vẳng lên tiếng chim quốc khắc khoải, tiếng chim đa đa não nuột. Đó là những âm thanh có thật mà cũng có thể là tiếng vọng từ tâm trạng chất chứa nỗi buồn thời cuộc của nhà thơ. Mượn bút pháp ước lệ và nghệ thuật chơi chữ (từ đồng âm khác nghĩa) để nói lên lòng mình trước cảnh, đó là tài hoa của nữ sĩ.

Tiếng chim kêu không làm cho cảnh vui lên thêm chút nào mà lại làm tăng phần quạnh quẽ, cô liêu. Phải chăng tiếng chim chính là tiếng lòng của kẻ đang mang nặng tâm trạng u buồn, hoài vọng, nhớ nước thương nhà?!

Hồn cảnh, hồn người như có nét tương đồng, cho dù về hình thức hoàn toàn tương phản. Cái bao la, vô tận của non nước tô đậm cái cô đơn, chơ vơ của con người và ngược lại. Vì vậy nên nỗi buồn càng lắng đọng:

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.”

Quả là một nỗi buồn lớn lao, thấm thía, khó san sẻ, giãi bày. Nó như kết thành hình, thành khối, thành mảnh tình riêng khiến nhà thơ phải thốt lên chua xót: ta với ta. Chỉ có ta hiểu lòng ta mà thôi! Vì thế nên sự cô đơn càng tăng lên gấp bội.

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” tuy ra đời cách đây đã hơn một thế kỉ nhưng giá trị của nó vẫn nguyên vẹn trước thử thách của thời gian. Bao người yêu thơ thuộc lòng bài thơ này và ca ngợi tài năng của tác giả. Thể thơ Đường luật kiểu cách, sang trọng vào tay nữ sĩ đã trở thành gần gũi, dễ hiểu với người đọc bởi ngôn ngữ giản dị, trong sáng và những hình ảnh dân dã quen thuộc.

Nghị luận phân tích bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi - mẫu 6

Nguyễn Khuyến viết về tình bạn, lời thơ có khi sâu lắng, có khi thiêng liêng nhưng trang nhã, chân thành và kín đáo. Trong đó, bài “Bạn đến chơi nhà ” có thể coi là một sáng tác tiêu biểu, ở đây, bằng cách đùa một cách thông minh, hóm hỉnh chuyện không có của ăn của để, nhà thơ đã lặng lẽ bộc lộ một ý nghĩ thật sâu sắc: Tình bạn quý hơn tất cả trên thế giới.

Nguyễn Khuyến cáo quan nên về quê vui thú ruộng vườn, tránh xa những chốn quan trường “bẩn thỉu”. Vì vậy, lúc này nếu có bạn bè đến thăm thì đó là người bạn tâm giao, đáng được trân trọng. Càng quý hơn khi người bạn ấy đã lâu không gặp. Tình yêu ấy nổi lên từ cách xưng hô thân mật: “bác” – “tôi” như những người nông dân mộc mạc xưa. Điều này còn thể hiện ở tài đùa hiếm có của nhà thơ.

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Đầu tiên, Nguyễn Khuyến nói về hoàn cảnh khó khăn của hai vợ chồng. Các con không có nhà, chợ lại xa, biết đối xử với các bạn như thế nào? Câu thơ lúc này vẫn còn như một lời giải thích cho bạn rằng: chú đến đột ngột quá, đáng quý quá, muốn đãi món ngon mà tiếc là không được. Nói ra thì ai mà không bằng lòng. Nguyễn Khuyến nói tiếp:

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Nếu không có người đi chợ thì tiếp khách quý bằng cá ao, gà nhà. Không lạ, không sang, nhưng cũng rất đầy! Ừ nhưng mà… “trẻ thời đi vắng” ao sâu vườn rộng hai ông già làm gì được. Bây giờ người đọc bắt đầu nghi ngờ rằng lý do ban đầu mà nhà thơ đưa ra là để dựng lên một cái cớ chắc chắn cho những “lý giải” hóm hỉnh sau đó. Nếu vậy thì lão tài quá, đánh không lại được bạn thân chắc sẽ cười cho. Tuy nhiên, trò đùa vẫn chưa dừng lại:

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Chà, thịt cá không được, chúng ta tiếp tục với cây cối từ vườn rau, cũng rất nên thơ! Nào bắp cải, cà tím, bí đao, bí đao, những thực phẩm này xào cũng ngon. Nhưng… nhưng “nhưng”, tất cả đều đang “ngấp nghé”, còn quá nhỏ để ăn. Tài dùng từ giúp Nguyễn Khuyến làm cho truyện cười trở nên táo bạo, uyển chuyển. Rau không ăn được nhưng ông dùng bốn hình ảnh, bốn cách nói khác nhau: cây cải đang chửa cây, quả cà mới nhú, quả bí vừa rụng rốn, quả mướp đang độ ra hoa. Đến đây không chỉ để cười, chắc nhà thơ - chắc - vì bạn Tam Nguyên - sẽ trầm trồ, gật gù thán phục trước những vần thơ hóm hỉnh như thế! Rồi bất ngờ anh nhận được:

Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

Không có đến miếng trầu đãi khách, thật khó tin. Nhưng nghĩ lại, ông đã nói ngay từ đầu: “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”, hết trầu cau thì sai người đi mua! Vậy là dùng miếng trầu còn thiếu để kết thúc chuỗi cười, tài thơ của ông đã làm cho chuỗi cười ấy thêm duyên dáng.

Nhưng Nguyễn Khuyến không chỉ nói đùa, ẩn sau những cụm từ hóm hỉnh ấy là nói lên một triết lý sâu sắc về tình bạn.

Bác đến chơi đây, ta với ta!

Có thể nói, với những lời lẽ hóm hỉnh trên, nhà thơ đã dần lột bỏ những nghi thức trang trọng của tình bạn, để rồi nổi lên là một tình bạn trong sáng, chân thành. Trong “tôi và ta”, cái “tôi” đầu tiên như một nhà thơ và một người bạn, một người theo chủ nghĩa cá nhân. Cái "ta" thứ hai giống như một tập thể. Tất cả tan thành một. Đó là những bậc đương thời, những bậc nho sĩ cao quý. Họ tự nguyện đến với nhau để giữ được sự trong trắng giữa cuộc đời nhơ nhớp; cũng bị ràng buộc bởi nỗi buồn của thế giới và thời đại.

Bài thơ là một tiếng nói về tình bạn rất thú vị, thú vị ở ý nghĩa sâu xa, được thể hiện bằng nét tài hoa hiếm có, tạo nên một nụ cười chỉ Nguyễn Khuyến mới có, một nụ cười hóm hỉnh mà chỉ Nguyễn Khuyến rất sâu sắc. Bài thơ còn giúp chúng ta có thêm niềm tin và tình yêu đối với những tình bạn chân chính trong cuộc sống.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 8 Chân trời sáng tạo hay khác:

TOP 30 mẫu Trình bày quan niệm của em về tình bạn chân chính (hay nhất)

TOP 30 mẫu Thảo luận về vấn đề ý nghĩa của sự tự nhận thức bản thân, từ đó, từng bước hoàn thiện chính mình (hay nhất)

TOP 30 mẫu Phân tích Mưa xuân 2 (hay nhất)

TOP 30 mẫu Câu chuyện về tình cảm của cháu đối với ông bà mà em biết hoặc em đã trải qua (hay nhất)

TOP 30 mẫu Kể lại một hoạt động xã hội Ngày Chủ nhật xanh dọn dẹp khu phố (hay nhất)

Đánh giá

0

0 đánh giá