Bài tập 1 trang 3 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

157

Với giải Bài tập 1 trang 3 SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức chi tiết trong Bài 6: Nguyễn Du – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải, từ đó biết cách làm bài tập Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Bài tập 1 trang 3 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 1 trang 3 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Tác gia Nguyễn Du trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 11, tập hai (tr. 6 – 13) để trả lời câu hỏi hoặc thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu các yếu tố làm nên đặc điểm con người và hình thành cảm hứng sáng tác của Nguyễn Du.

Trả lời:

Các yếu tố làm nên đặc điểm con người và hình thành cảm hứng sáng tác của Nguyễn Du:

- Truyền thống gia đình, dòng họ:

+ Gia đình đại quý tộc có nhiều người đỗ đạt và làm quan; có truyền thống văn chương.

- Bối cảnh thời đại:

+ Cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, các tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn tranh giành quyền lực.

+ Chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, xã hội rối ren, đời sống nhân dân loạn lạc, lầm than.

+ Phong trào khởi nghĩa diễn ra khắp nơi, tiêu biểu lả khởi nghĩa Tây Sơn.

=> Bối cảnh lịch sử đầy biến động dữ dội, đất nước loạn lạc; Nguyễn Du trải qua nhiều thăng trầm.

- Cuộc đời thăng trầm của Nguyễn Du

+ Thời thơ ấu, Nguyễn Du được sống trong êm đềm trong gia đình quý tộc, nhưng sớm mồ côi cha mẹ, gia đình li tán, phải sống tha phương, bế tắc.

+ Năm 1802, ông ra làm quan phục vụ triều đình nhà Nguyễn, được triều đình trọng dụng.

+ Năm 1813, ông đảm nhận sứ mệnh dẫn đầu sứ bộ đi Trung Quốc.

+ Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du lâm bệnh và qua đời khi chưa kịp nhận chức Chánh sứ.

=> Hoàn cảnh gia đình tác động đến sáng tác của Nguyễn Du.

Nhận xét: Cuộc đời Nguyễn Du trải qua rất nhiều thăng trầm, sống trong thời đại đất nước hỗn loạn, đảo điên. Chính những trải nghiệm, sóng gió giúp ông có được vốn sống phong phú, có cơ hội được gặp gỡ và thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ của đời sống nhân dân. Ông hiểu họ, trân trọng họ và đồng cảm với những nỗi đau, những khát khao chính đáng của họ giữa bối cảnh phức tạp của thời thế.

=> Làm nên cảm hứng sáng tác và tư tưởng nhân đạo lớn lao, sâu sắc của Nguyễn Du.

Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Kẻ bảng vào vở theo gợi ý dưới đây và điền thông tin phù hợp:

SÁNG TÁC CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU

Tên tập thơ

Hoàn cảnh sáng tác

Nội dung cơ bản

 

 

 

 

SÁNG TÁC CHỮ NÔM CỦA NGUYỄN DU

Tên tác phẩm

Thể loại, thể thơ

Nội dung cơ bản

 

 

 

Trả lời:

SÁNG TÁC CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU

Tên tập thơ

Hoàn cảnh sáng tác

Nội dung cơ bản

Thanh Hiên thi tập

Những năm tháng bi thương nhất trong cuộc đời: triều Lê sụp đổ, gia tộc Nguyễn Du tan tác chia li; bản thân ông lưu lạc tha hương.

- Tâm trạng cô đơn, thất vọng, bế tắc và nỗi thương thân.

- Sự thấu hiểu, đồng cảm với nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, quê hương trong thời loạn lạc.

Nam trung tạp ngâm

Giai đoạn năm 1805 – 1812, thời kì Nguyễn Du làm quan cho nhà Nguyễn.

- Bày tỏ nỗi chán nản, thất vọng về chốn quan trường và niềm khao khát được từ quan, về sống ẩn dật nơi quê nhà.

- Bày tỏ nỗi xót xa cho phận người trong cảnh loạn li.

Bắc hành tạp lục

Sáng tác trong thời gian đi sứ Trung Quốc.

Niềm cảm thương, trăn trở trước số phận con người, đặc biệt là những kiếp tài hoa. Nguyễn Du từ cõi lòng đầy thất vọng của bản thân để trăn trở về hiện thực của cõi đời của nhân dân trong tình cảm nghèo khổ, tha phương.

 

SÁNG TÁC CHỮ NÔM CỦA NGUYỄN DU

Tên tác phẩm

Thể loại, thể thơ

Nội dung cơ bản

Văn tế thập loại chúng sinh

 

Văn tế, thể thơ song thất lục bát.

 

- Xót thương, đồng cảm với những kiếp người khổ đau, bất hạnh.

- Phủ định, phê phán thực trạng xã hội đương thời.

- Đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống.

Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu

Văn tế

- Lời từ biệt của nhân vật trữ tình với hai cô gái trong đội hát ví ở làng Trường Lưu để cô đi lấy chồng.

- Thể hiện cảm xúc tình tứ, lãng mạn, giọng điệu trẻ trung, hài hước.

Thác lời trai phường nón

Thể thơ lục bát

- Thay lời người con trai phường nón làm thơ tỏ tình cô gái phường vải.

- Giọng điệu trẻ trong, hài hước, ngôn ngữ đậm dấu ấn ca dao, tục ngữ.

Truyện Kiều

Truyện thơ Nôm, thể thơ lục bát

- Kể về cuộc đời 15 năm chìm nổi của Thúy Kiều.

- Thể hiện tư tưởng nhân đạo lớn, cảm hứng tôn vinh vẻ đẹp của con người, đặc biệt là phụ nữ.

- Tiếng nói xót thương số phận nhân dân trong thời bạo loạn, đồng tình với khát vọng sống tự do, hạnh phúc.

Câu 3 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu những nội dung cơ bản của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều. Chọn thuyết minh về một nội dung bạn cho là đặc sắc.

Trả lời:

* Những nội dung cơ bản của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều:

- Cảm hứng tôn vinh vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ.

- Phê phán xã hội bất công, tàn ác, chèn ép con người:

+ Vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn quan lại “buôn thịt bán người”.

+ Lên án xã hội đồng tiền chà đạp phẩm giá, hạnh phúc của con người.

- Ca ngợi và trân trọng vẻ đẹp của con người:

+ Khắc họa nhân vật sống động, lấy thiên nhiên là thước đó cho vẻ đẹp.

+ Ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn và tài năng (đặc biệt là Thúy Kiều).

- Đồng cảm, xót thương những số phận bất hạnh.

- Đồng tình với khát vọng được sống và yêu tự do.

* Thuyết minh về nội dung: Ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn, tài năng của người phụ nữ.

Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện sự tỉ mỉ, chân thành của mình trên con đường đào sâu vào những giá trị tư tưởng nhân đạo phá cách hơn, tiêu biểu phải kể đến cảm hứng tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ với vẻ đẹp toàn diện cả tâm hồn và thể xác đã được ông thể hiện xuất sắc qua hình ảnh chị em Thúy Vân – Thúy Kiều. Đó là 2 người thiếu nữ với vẻ đẹp thanh cao, đoan trang, được ví với những thứ cao đẹp trên đời (trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc). Đối với vẻ đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du đã sử dụng hình ảnh thiên nhiên trong trắng, tinh khôi, rực rỡ mà hiền hòa để miêu tả. Thiên nhiên, tạo hóa cũng phải khiêm nhường trước sắc đẹp của nàng. Đó là một vẻ đẹp nhân hậu, thùy mị, thành thực, quý phái của người thiếu nữ. Bức chân dung đã dự báo cho số phận yên bình, suôn sẻ của nàng. Ngược lại, khác với vẻ đẹp phúc hậu, êm đềm của Thúy Vân, Thúy Kiều lại càng “sắc sảo mặn mà” hơn. Vẻ đẹp của nàng “nghiêng nước nghiêng thành”, lại hội tụ cả trí tuệ, tài năng, đức hạnh theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến lúc bấy giờ. Nguyễn Du đã tập trung gợi tả đôi mắt tuyệt đẹp của nàng bởi đó là nơi thể hiện mọi tinh anh về tâm hồn và trí tuệ. Nàng không chỉ có vẻ đẹp lí tưởng mà tài năng của nàng còn gần như tuyệt đối. Nàng có tài trên mọi lĩnh vực chuẩn mực lúc bấy giờ của người phụ nữ, đó là các lĩnh vực: cầm, kì, thi, họa. Nàng còn có trái tim đa sầu đa cảm, tiếng lòng luôn rung cảm trước mọi cái đẹp. Một tuyệt sắc giai nhân với vẻ đẹp hoàn mĩ khiến bất kì ai cũng đắm say ấy vậy lại là điềm báo cho một cuộc đời, một số phận “hồng nhan bạc mệnh”. Bằng bút pháp tu từ ước lệ và biện pháp so sánh, ẩn dụ, tả cảnh gợi tình, Nguyễn Du đã vẽ nên trước mắt người đọc không chỉ là bức tranh tuyệt đẹp của hai người thiếu nữ, mà còn cho thấy trước những dự báo mang tính số phận. Tình cảm xót thương, sự trân trọng về sắc đẹp và tài năng Thúy Kiều giúp ta hiểu được giá trị nhân đạo thể hiện qua các đoạn trích này nói riêng, trong tác phẩm Truyện Kiều nói chung.

Câu 4 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dựa vào văn bản Tác gia Nguyễn Du, hãy chỉ ra những sáng tạo của tác giả Truyện Kiều trong cách tổ chức cốt truyện.

Trả lời:

- Sáng tạo của Nguyễn Du khi sử dụng nguồn cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện: lược bỏ hoặc thay đổi trình tự của nhiều chi tiết, sự kiện tiêu biểu; sáng tạo nhiều đoạn miêu tả thiên nhiên và độc thoại nội tâm.

Ví dụ:

Ở Kim Vân Kiều truyện, sự kiện trao duyên được miêu tả rải rác suốt ba hồi (hồi 4, 5, 6) và một phần của hồi 7 với gần 900 dòng văn, xen lẫn nhiều nhân vật và sự việc khác; trong khi ở Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ tập trung vào việc Thuý Kiều trao duyên cho Thuý Vân (từ câu 569 đến câu 758, gồm 189 dòng thơ) và chủ yếu miêu tả cảm xúc, tâm trạng của Thuý Kiều. Nhờ vậy, ý nghĩa của sự kiện trao duyên được nhấn mạnh và chủ đề tình yêu cũng được thể hiện một cách đậm nét hơn.

- Sáng tạo của Nguyễn Du khi sử dụng mô hình cốt truyện Gặp gỡ – Chia li - Đoàn tụ của thể loại truyện thơ Nôm: trong mỗi phần, tác giả Truyện Kiều đều có những đóng góp riêng.

Ví dụ:

Phần Đoàn tụ của tất cả các truyện Nôm đều kết thúc có hậu, các cặp đôi được sum họp, hạnh phúc đủ đầy; trong khi ở Truyện Kiều, cả ba nhân vật Thuý Kiều, Kim Trọng, Thuý Vân đều không có được hạnh phúc trọn vẹn. Thuý Kiều sống cuộc đời “Chẳng tu thì cũng như tu mới là”; Kim Trọng chỉ có thể làm bạn với người mình yêu tha thiết, mãnh liệt; Thuý Vân tiếp tục làm vợ một người mà nàng biết rõ trái tim đã dành trọn cho một người phụ nữ khác

Câu 5 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đạt được những thành tựu gì ở phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật?

Trả lời:

Những thành tựu ở phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là:

- Biến đổi tính cách nhân vật

+ Tính cách của hai nhân vật có nét tương đồng ở lòng vị tha, đức hi sinh nhưng Thuý Kiều trong Kim Vân Kiều truyện cứng cỏi, quyết liệt, nhiều lúc “lên giọng” giáo điều; còn Thuý Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du mềm mỏng, nhu thuận, khiêm nhường, hiếu thảo, bình dị, nói chuyện nhẹ nhàng, lễ độ.

- Thao đổi phương thức khắc hoạ nhân vật.

+ Trong Kim Vân Kiều truyện, nhân vật Thuý Kiều trong Kim Vân Kiều truyện chủ yếu được khắc hoạ qua lời kể và các chi tiết miêu tả lời nói, cử chỉ, hành động. Ở Truyện Kiều, nhân vật Thuý Kiều chủ yếu được khắc hoạ qua lời độc thoại nội tâm, qua “ngôn ngữ thiên nhiên; ngoại hình và lời nói của nhân vật cũng được Nguyễn Du cá thể hoá cao độ.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 bộ sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài tập 2 trang 4 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 3 trang 4 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 4 trang 5 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 5 trang 5, 6 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 6 trang 6 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 7 trang 6, 7 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Bài tập 8 trang 7 SBT Ngữ văn 11 Tập 2 (Kết nối tri thức)

Đánh giá

0

0 đánh giá