SBT Ngữ văn 11 Bài tập đọc hiểu (Cánh diều)

242

Với giải Bài tập đọc hiểu SBT Ngữ văn 11 Cánh diều chi tiết trong Bài 6: Thơ giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải, từ đó biết cách làm bài tập Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

SBT Ngữ văn 11 Bài tập đọc hiểu (Cánh diều)

Đây mùa xuân tới (Xuân Diệu)

Câu 1 trang 12 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 1, SGK) Hãy nêu một yếu tố tượng trưng trong bài thơ và đưa ra lí do cho sự lựa chọn của em.

Trả lời:

- Yếu tố tượng trưng xuất hiện rõ nhất trong thơ qua biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Trong Đây mùa thu tới, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được thể hiện qua dòng thơ: “Đã nghe rét mướt luồn trong gió”. Trong câu thơ này “rét mướt” (xúc giác) vốn vô hình đã được thính giác hoá (nghe) và thị giác hoá (luồn). Trong nhận thức thông thường: gió và rét gắn liền với nhau. Câu thơ của Xuân Diệu tách gió và rét làm hai thực thể riêng biệt. Cái rét vì thế được miêu tả trong trạng thái ẩn tàng, giấu mặt.

Câu 2 trang 12 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Em hiểu như thế nào về tâm trạng “buồn không nói”, “Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi” của “Ít nhiều thiếu nữ” trong hai câu kết của bài thơ? Qua đó, chỉ ra mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

Trả lời:

- Tâm trạng “buồn không nói” “Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi” của những người thiếu nữ trong câu thơ có thể trước tiên là sự âu lo trước bước đi của thời gian. hối hả, không chờ đợi, sẽ làm tàn phai, rụng rơi và héo úa tất cả. Bức tranh thu nhắc nhở người thiếu nữ về sự biến dịch: sẽ không có gì là bất biến, kể cả tuổi trẻ. Nhưng cùng với sự âu lo còn là khao khát được sống, được yêu, khao khát kết đôi. Hai cách hiểu này không đối lập nhau mà gắn bó và là hệ quả của nhau. Sự âu lo đánh thức niềm khao khát sống và kết đôi. Theo chiều ngược lại, chính niềm khao khát sống và kết đôi là nguyên nhân đem lại nỗi khắc khoải trước thời gian.

- Mạch cảm xúc chủ đạo: Bài thơ đi từ những giá lạnh và rụng rơi của ngoại cảnh đến sự nồng nàn được khơi lên, thắp lên trong tâm hồn của người thiếu nữ. Và đây cũng chính là mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Nêu và lí giải một số điểm khác nhau về nội dung và nghệ thuật giữa Đây mùa thu tới của Xuân Diệu với Thu hứng của Đỗ Phủ hoặc Thu điếu của Nguyễn Khuyến.

Trả lời:

 

Thu hứng và Thu điếu

Đây mùa thu tới

 

Cảnh

Bức tranh thu được tạo dựng từ những chi tiết tiêu biểu, điển hình nhất của mùa thu.

- Trong Thu điếu: vẻ đẹp làng cảnh với màu xanh của bầu trời, tre trúc, mặt nước.

- Trong Thu hứng: vẻ đẹp hùng vĩ, hắt hiu của nơi biên ải.

Vẻ đẹp gợi cảm của mùa thu. Đặc biệt, cảnh thu được miêu tả trong bước đi của thời gian. Với Xuân Diệu, mùa thu đang đến cũng là mùa thu đang qua đi. Cái rét mướt trong Đây mùa thu tới là ở trong cách thụ cảm thế giới theo bước đi thời gian của Xuân Diệu.

Tình

 

Trầm buồn gắn với những xúc cảm đau thương khi nghĩ về thời cuộc.

Âu lo trước sự biến dịch của thời gian và nồng nàn với khao khát sống, kết đôi.

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ hàm súc – điêu luyện; thể thơ cổ điển tạo sự trang trọng, uy nghi.

- Với Thu điếu là cách dùng vần hóc hiểm, cách sử dụng các từ láy, sự lựa chọn từ ngữ rất tinh tế mà tự nhiên như lời nói thường.

- Với Thu hứng là biện pháp rút gọn để làm nên sự hàm súc, đa nghĩa của lời thơ.

Ngôn ngữ vừa có sự hàm súc điêu luyện vừa có sự tân kì do những ảnh hưởng từ thơ ca phương Tây: cách dùng từ, sử dụng các ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Chính điều này đã khiến Đây mùa thu tới có khả năng tạo ra một vẻ đẹp mới cho đề tài mùa thu trong thơ ca Việt Nam.

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích vẻ đẹp độc đáo của câu thơ: Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Trả lời:

Câu thơ có 7 chữ thì đã có 5 chữ miêu tả sự gầy guộc thiếu sức sống của cảnh vật. Đây là lối viết công bút của thơ cổ điển. Nếu như nghệ thuật chấm phá là nghệ thuật tối giản (chỉ bằng một vài nét nhưng gợi lên thần thái chung của sự vật) thì nghệ thuật công bút lại sử dụng một loạt những chi tiết có tính bổ trợ, tương hỗ cho nhau nhằm đặc tả một trạng thái, tính chất nào đó của sự vật. Trong câu thơ của Nguyễn Khuyến “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí” cũng chính là viết theo nghệ thuật công bút này.

Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Cảm nhận về bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, nhà thơ – nhà phê bình Vũ Quần Phương viết:

“Còn một lí do tạo sức gợi cảm của mùa thu nữa: đó là ảnh hưởng của thơ Đường, của mùa thu phương Bắc trong văn chương cổ nước Trung Hoa đối với thi nhân ta. Thu phương Bắc lạnh lắm, có tuyết, cây khô, lá rụng, thê lương tiêu điều. Mùa thu ở ta cây lá còn xanh, trời se lạnh chứ chưa phải đã rét mướt, mây mùa thu cao xanh chứ chưa phải đã u ám. Cho nên mùa thu trong thơ nước ta nếu có tuyết, có lá vàng, cành khô rét mướt là do cảm hứng từ sách vở gợi nên. [..] Bài thơ của Xuân Diệu có khung cảnh Việt Nam, nhưng nếu đổi là Đây mùa đông tới chắc hợp hơn.”.

(In trong sách Xuân Diệu – Về tác gia và tác phẩm, Lưu Khánh Thơ tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo dục, 1999)

Quan điểm của em về lời bình luận trên của nhà thơ Vũ Quần Phương là gì? Vì sao?

Trả lời:

Em đồng ý với lời bình luận của nhà thơ vì:

Một mặt, nhận xét của Vũ Quần Phương đã chính xác khi nhận ra ảnh hưởng của Đường thi trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu. Quả thực, Đường thi để lại dấu ấn rất rõ nét trong việc lựa chọn thi liệu (liễu, trăng, thiếu nữ,...), trong việc sử dụng nghệ thuật công bút (xem câu 4), trong việc khắc hoạ cái lạnh.

Mặt khác, nếu cho rằng cái lạnh trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu chỉ đến từ ảnh hưởng của Đường thi thì có lẽ chưa thật toàn diện. Cái lạnh trong Đây mùa thu tới còn đến từ cách cảm thụ thế giới trong bước đi thời gian – điều mà Xuân Diệu đã học được từ thơ ca phương Tây. Với Xuân Diệu, mùa thu tới cũng là mùa thu đang qua đi. Bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu có một câu thơ rất tiêu biểu cho cách cảm nhận này:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Hiểu được cách cảm nhận thời gian này sẽ giải thích được vì sao những tín hiệu của mùa đông đã chất đầy trong bài thơ. Chính cái nhìn sự vật trong bước đi thời gian này đã làm nên cái lạnh rất đặc biệt trong Đây mùa thu tới.

Câu 6 trang 13 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Hãy nhận xét về cách chấm câu trong bài thơ Đây mùa thu tới. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của cách chấm câu trong một khổ thơ mà em thấy đặc sắc nhất trong bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ có cách chấm câu linh hoạt và gắn với đó là những sắc thái biểu cảm rất đa dạng:

- Câu 3 - 4 là câu thơ vắt dòng: đọc phải liền mạch, không ngắt hơi ở cuối dòng. Câu thơ vắt dòng trong trường hợp này giúp khắc hoạ sự đồng hiện của “mùa thu tới” và “áo mơ phai”, qua đó cho thấy bước chuyển mau lẹ của thời gian, mùa thu đột ngột hiện ra với sắc màu đầy gợi cảm.

- Khổ thơ cuối cũng có cách chấm câu rất độc đáo. Câu 13 và câu 14: dòng thơ và câu thơ đồng nhất với nhau (được kết thúc bằng dấu chấm), vì thế đọc chậm. Nhưng câu 15 và 16 thì hai dòng thơ mới hợp thành câu thơ, vì thế đọc phải nhanh hơn, liền mạch để thể hiện giữa tư thế và tâm trạng của người thiếu nữ dường như nhập thành một khối, trộn lẫn vào nhau.

- Khổ thơ thứ 3 thì ở cuối mỗi câu đều là những dấu (...) vì thế phải đọc chậm để gợi hình tượng về cái rét lan rộng vào trong không gian rộng lớn của đất trời.

Sông đáy (Nguyễn Quang Thiều)

Câu 1 trang 13 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 2, SGK) Hình ảnh sông Đáy hiện lên qua những mốc thời gian nào trong cuộc đời của nhân vật trữ tình? Các mốc thời gian được sắp xếp theo trình tự nào? Ý nghĩa của trình tự này là gì?

Trả lời:

- Bài thơ không dài nhưng mạch cảm xúc trải dài theo những mốc thời gian của đời người: từ tuổi thơ ấu – trưởng thành – xa quê – trở về.

- Có thể thấy, với cách triển khai này, sông Đáy gắn bó trọn vẹn với cuộc đời, với hành trình sống của nhân vật trữ tình. Sông Đáy trở thành một thực thể gắn bó sâu nặng với cuộc đời, với hành trình sống của nhân vật trữ tình (không phải lúc nào cũng gần gũi với sống về địa lí nhưng sông luôn gắn bó, luôn sống trong tâm hồn). Sự gắn bó mỗi lúc càng thêm sâu nặng, tha thiết. Cách triển khai này cũng chính là cấu tứ của bài thơ.

Câu 2 trang 13 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Hình tượng “mẹ” xuất hiện bao nhiêu lần trong bài thơ? Ý nghĩa của hình tượng đó là gì?

Trả lời:

Thời gian

Hình tượng “mẹ”

Đặc điểm

Tuổi thơ

– gánh nặng, vất vả

– lưng đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm

– Lam lũ, khó nhọc.

– Đồng nhất với sông.

Năm tháng xa quê

– tóc mẹ (toả mát xuống cơn đau)

– bến mòn đứng đợi

– “Một cây ngô cuối vụ khô gầy / Suốt đời buồn trong tiếng lá reo”

– Ngóng đợi, buồn.

– Chở che, chữa lành.

Hiện tại

mùi cát khô – mùi tóc mẹ

Đồng nhất với quê, luôn chờ đợi bước chân trở về của đứa con xa.

- Ý nghĩa của hình tượng “mẹ”: giúp cho những kí ức về mẹ của nhân vật trữ tình được lưu giữ không chỉ trong tim mà còn qua những trang giấy lưu lại muôn đời.

Câu 3 trang 13 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Nhận diện một yếu tố tượng trưng trong bài thơ và chỉ ra vai trò của yếu tố đó đối với việc thể hiện nội dung.

Trả lời:

- Yếu tố tượng trưng: Hình tượng nghệ thuật cả bài thơ là sông Đáy, nó xuyên suốt khắp chiều dài của tác phẩm.

- Vai trò: Sông Đáy gợi cho ta nhiều ý nghĩa, nó là quê hương, là tình mẫu tử, là tình yêu, và đôi lúc nó lại là một người bạn vô hình ở bên tác giả. Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên một thế giới nghệ thuật trong “Sông Đáy”, và trong thế giới nghệ thuật ấy thì nhân vật “tôi” là nhân vật trữ tình.

Câu 4 trang 13 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lời gọi “sông Đáy ơi” được điệp lại hai lần ở khổ 4 cho thấy quan hệ như thế nào giữa chủ thể trữ tình và sông Đáy?

Trả lời:

Lời gọi “sông Đáy ơi” được điệp lại hai lần ở khổ thơ 4 cho thấy sông Đáy hiện lên như một thực thể sống, như một đối tượng để tác giả (chủ thể trữ tình) có thể tâm sự, giãi bày. Sông Đáy không chỉ hiện lên như một đối tượng để tác giả suy ngẫm, cảm xúc mà còn như một cố nhân, một người bạn để tác giả trực tiếp bộc bạch, tâm sự.

Câu 5 trang 13 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu nhận xét của em về thiên nhiên và con người trong hai hình ảnh so sánh sau:

1. “Sông Đáy chảy vào đời tôi

Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả”

2. “[...] đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông”

Trả lời:

- Ở hình ảnh so sánh thứ nhất: thiên nhiên (sông Đáy) được so sánh với con người (mẹ).

- Ở hình ảnh so sánh thứ hai: con người (đôi mắt nhớ thương) được so sánh với thiên nhiên (hốc đất ven bờ).

=> Sự tổ chức các phép so sánh như thế cho thấy con người và thiên nhiên là hai thực thể phản chiếu lẫn nhau, giao kết với nhau. Sông Đáy và số phận mỗi con người dường như hoà nhập làm một. Đây là điều rất độc đáo trong bài thơ. Sự gắn bó máu thịt sâu xa của tác giả với sông Đáy cũng hàm ẩn trong cách tạo dựng những phép so sánh này.

Câu 6 trang 13 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích câu thơ kết của bài thơ Sông Đáy.

Trả lời:

Câu kết của bài thơ:

Cát từ mặt tôi chảy xuống ròng ròng.

Đây là một hình ảnh thơ rất độc đáo. Hai câu thơ phía trước:

Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt

Tôi khóc.

Trong tương quan này ta hiểu vì sao xuất hiện từ ròng ròng trong câu kết (gợi đến hình ảnh nước mắt). Nhưng sự độc đáo là ở chỗ: tác giả lại viết: “Cát từ mặt tôi chảy xuống ròng ròng”. Cách viết này khiến “cát” và nước mắt đồng nhất với nhau.

Hay nói cách khác, giữa cơ thể của tác giả (nước mắt) và sông quê (cát) đã hoà trộn làm một. Câu thơ là sự ngưng tụ cho sự gắn bó sâu nặng giữa chủ thể trữ tình và sông Đáy.

Đây thôn vĩ dạ (Hàn Mạc Tử)

Câu 1 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo em, câu hỏi: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” là lời của ai?

Trả lời:

- Lời thơ gợi nhiều liên tưởng mang nhiều sắc thái:

+ Lời trách móc, giận hờn nhẹ nhàng (đã lâu anh không về hay anh đã quên).

+ Lời mời gọi chân thành, tha thiết của người con gái thôn Vĩ (anh hãy về đi).

+ Lời tự vấn của HMT: phân thân để tự hỏi (sao ta không thể về), bộc lộ ước mơ thầm kín được quay về thôn Vĩ của nhà thơ.

Câu 2 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Em hiểu thế nào về hình ảnh “mặt chữ điền” trong câu thơ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”?

Trả lời:

“Mặt chữ điền” trong câu thơ: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là một hình ảnh thơ gợi nhiều cách hiểu khác nhau:

- Có người cho rằng “mặt chữ điền” ở đây là gương mặt của cô gái Huế (lấy từ một câu ca dao Huế: “Mặt em vuông tựa chữ điền”).

- Căn cứ vào hoàn cảnh ra đời của bài thơ, có người lại cho rằng đó là gương mặt của Kim Cúc (người mà Hàn Mặc Tử thầm yêu trước đó).

- Một cách hiểu khác: “mặt chữ điền” là những ngôi nhà xứ Huế ẩn mình sau những rặng trúc.

- Nhưng lại cũng có thể hiểu: đó là gương mặt đẹp đẽ tinh khôi của Hàn Mặc Tử trong quá khứ (Hàn đang từ hiện tại tự ngắm hình ảnh của mình trong quá khứ).

Cách hiểu nào cũng có lí, tuỳ thuộc vào cách tiếp cận và lí giải của người đọc. Không nhất thiết phải truy nguyên đến cùng “mặt chữ điền” ở đây là gì, của ai. Điều quan trọng là mối quan hệ giữa “lá trúc” và “mặt chữ điền”: làm nên chiều sâu cho bức tranh phong cảnh đồng thời gợi lên một vẻ đẹp thanh nhã, kín đáo, có đôi chút bí ẩn rất Huế. Thưởng thức câu thơ trong trường hợp này là thưởng thức cái đẹp trong tính chỉnh thể của nó chứ không sa vào những chi tiết cụ thể.

Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 2, SGK) Bức tranh thiên nhiên ở khổ 2 có điểm nào khác so với khổ 1? Sự khác biệt đó cho biết điều gì về tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình?

Trả lời:

- Sự khác biệt giữa bức tranh thiên nhiên ở hai khổ thơ:

Thiên nhiên ở trong khổ thơ 1

Thiên nhiên ở trong khổ thơ 2

Quá khứ.

Hiện tại.

Tràn ngập ánh sáng: ấm áp thanh tân.

Chuyển sang tối dần với khắc khoải về trăng (khắc khoải về ánh sáng).

Cảnh vật gắn quyện, hài hoà (nắng của câu thơ 2 rọi xuống câu 3 làm nên màu xanh như ngọc (trong, mát) của vườn tược; sự hài hoà giữa “lá trúc” và “mặt chữ điền”.

Cảnh vật chia lìa: gió mây vốn phải gắn kết với nhau bỗng thành thực thể chia lìa. Sông trăng đẹp đẽ nhưng xa cách trong sự ngóng trông, khắc khoải của chủ thể trữ tình (“Có chở trăng về kịp tối nay?”).

- Tâm trạng, tình cảm của chủ thể trữ tình vì thế cũng có sự biến đổi. Ở khổ thơ 1, đó là tâm trạng hạnh phúc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thôn Vĩ. Tuy nhiên, vì đây là vẻ đẹp của thôn Vĩ trong quá khứ, trong kí ức của chủ thể trữ tình nên ẩn sâu trong đó lại là nỗi buồn tiếc kín đáo về sự cách xa, về cái đẹp đã nằm ngoài tầm với. Sang khổ thơ 2, nét chủ đạo là cái nhìn u buồn, cái nhìn đó khiến cho bức tranh thiên nhiên trở thành chia lìa. Vẫn có thế giới của cái đẹp nhưng đầy cách xa (sông trăng đó) khiến chủ thể trữ tình chỉ có thể ngóng trông khắc khoải (“Có chở trăng về kịp tối nay?”).

Câu 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Qua ba câu hỏi trong ba khổ thơ, hãy nêu nhận xét của em về cách cấu tứ của bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ có ba khổ, mỗi khổ đều xuất hiện câu hỏi:

– Khổ thơ 1: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.

– Khổ thơ 2: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”.

– Khổ thơ 3: “Ai biết tình ai có đậm đà?”.

Từ “ai” trong tiếng Việt là từ hỏi về người, ngụ ý đó là một người xa lạ, không biết rõ. Chữ “ai” trong “vườn ai” khiến chủ thể trữ tình trở thành người xa lạ.

Cảnh đẹp mà thiếu đi sự gắn bó. Tương tự như thế, chữ “ai” trong “thuyền ai” khiến con thuyền chở trăng (con thuyền của sự cứu rỗi) càng trở nên xa cách, thiếu gắn bó và vì thế nỗi khắc khoải càng được tô đậm. Như vậy, hai từ “ai” trong hai khổ đầu gắn với sự khắc khoải về không gian, về khoảng cách.

Từ “ai” trong khổ thơ 3 lại gần với “tình ai”. Đây mới là nỗi khắc khoải ám ảnh lớn nhất của chủ thể trữ tình. Khoảng cách về không gian có thể khắc phục nhưng nếu “tình ai” không đậm đà thì sẽ mãi mãi là cách xa, đổ vỡ.

Ba câu hỏi vừa có sự lặp lại (sự khắc khoải) vừa có sự tăng cấp. Đó là cách cấu tứ độc đáo của bài thơ.

Câu 5 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Trong bài Nhớ thương, Hàn Mặc Tử khắc hoạ tâm trạng của người cung nữ thông qua hình ảnh đối lập giữa “ngoài kia” và “trong đây”:

Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa

Trời ở trong đây chẳng có mùa

Không có niềm trăng và ý nhạc

Có người cung nữ nhớ thương vua

Theo em, sự đối lập không gian được thể hiện thế nào trong Đây thôn Vĩ Dạ? Ý nghĩa của sự đối lập này là gì?

Trả lời:

Khi sáng tác tập Thơ Điên cũng như Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử đang mang trọng bệnh, hoàn toàn cách biệt với bè bạn, người thân. Điều này khiến hình dung về thế giới trong Hàn có sự phân chia giữa ở đây (nơi nhà thơ đang sống) và ngoài kia (thế giới của những con người bình thường).

Trong Đây thôn Vĩ Dạ, sự đối lập không gian hiện diện trong cả ba khổ thơ. Ở khổ thơ 1: hàm ẩn trong lời mời về chơi thôn Vĩ. Lời mời này cho thấy thôn Vĩ đẹp đẽ, tinh khôi là hoàn toàn xa xôi với chủ thể trữ tình. Đến khổ thơ 2: từ đó tạo ra đối lập ngầm ẩn giữa “ở đó” (sông trăng đẹp đẽ) và “ở đây”. Đến khổ thơ 3: từ “ở đây” mới hiện lên trực tiếp. Lưu ý là “ở đó” (thôn Vĩ và sông trăng) đều là không gian của ánh sáng còn “ở đây” lại là không gian mờ nhoè (sương khói mờ nhân ảnh). Những đối lập này tô đậm thân phận bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề cuộc sống của chủ thể trữ tình.

Câu 6 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo em, hình ảnh “khách đường xa” trong khổ kết của bài thơ là hình ảnh của ai?

Trả lời:

Đây cũng là câu thơ đem lại nhiều cách hiểu khác nhau.

Có người hiểu “khách đường xa” là “em”, là đối tượng cho sự mơ mộng của chủ thể trữ tình.

Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử cũng thường tự nhận mình là khách xa (“Khách xa gặp lúc mùa xuân chín” – Mùa xuân chín). Nếu hiểu như thế thì “khách đường xa” ở đây lại chỉ chủ thể trữ tình.

Dù hiểu theo cách nào thì vẫn luôn có một khoảng cách giữa chủ thể trữ tình và “em” – điều làm nên sự khắc khoải đặc biệt trong bài thơ.

Tình ca ban mai (Chế Lan Viên)

Câu 1 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Những biến đổi của hình tượng “em” ở bốn khổ thơ đầu được so sánh với những thời điểm trong một ngày và cảnh sắc thiên nhiên. Phân tích ý nghĩa của cách biểu đạt này.

Trả lời:

Có thể phân tích hình ảnh “em” trong từng khổ thơ (qua những so sánh khác nhau) để từ đó rút ra ý nghĩa khái quát của hình tượng “em”. Khổ thơ 1: “Em đi, như chiều đi / Gọi chim vườn bay hết”.

Câu thơ này phải hiểu là: em đi khiến vũ trụ quanh anh như thay đổi, mất hết sự sống. Vườn chỉ đẹp, chỉ rộn ràng sự sống khi có chim. Vườn không có chim thành hiu hắt, cô quạnh. Em đi là một tình huống để qua đó anh nhận biết em quan trọng với anh đến nhường nào. Đất trời, vũ trụ của anh đều biến đổi.

Ở khổ 2: “Em về tựa mai về / Rừng non xanh lộc biếc”. Em về thì vũ trụ quanh anh, của anh lại hồi sinh, ngập tràn sự sống. Và hạnh phúc là ngập tràn khi em ở: nắng trưa cũng trở thành êm mát, chở che (nắng sáng màu xanh che) và ngay cả đêm tối cũng lấp lánh hạnh phúc.

Như vậy, các hình ảnh thiên nhiên và thời gian được so sánh với “em” để làm nổi bật ý nghĩa của em trong anh: có em là có tất cả. Vũ trụ đổi thay theo em. Không em thì ngày cũng tàn, trời đất cũng tàn tạ. Có em thì dù là trưa hay đêm vẫn ắp đầy tình yêu, sự sống.

Câu 2 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Sức mạnh của tình yêu lứa đôi (‘tình ta”) được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ 6, 7 và 8?

Trả lời:

Từ khổ thơ 6 có một sự thay đổi quan trọng: từ “tình em” đã chuyển sang “tình ta” (tình yêu của anh và em). Tình yêu này thách thức những thay đổi của thế giới khách quan, mang trong nó khả năng hồi sinh kì diệu:

“Sợ gì chim bay đi

Mang bóng chiều đi hết

Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về”

Có tình yêu, vũ trụ luôn chứa đầy năng lượng sống tích cực (phân tích sâu ý nghĩa của phép so sánh: “Tình ta như lộc biếc”).

Không chỉ thế, ngay cả khi cách xa, ngay cả khi không có “em” (câu thơ “Dù nắng trưa không ở” cần đọc trong sự kết nối với câu thơ “Em ở trời trưa ở” ở khổ 3) thì tình yêu vẫn vượt lên tất cả, vẫn đong đầy hạnh phúc:

“Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít”

(Hay các em có thể so sánh sự khác biệt của hai sắc thái: “Rải hạt vàng chi chít” (dòng 8) và “Mọc sao vàng chi chít”).

Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Khổ thơ cuối có khác biệt gì với các khổ thơ trước đó? Ý nghĩa của sự khác biệt này?

Trả lời:

Bài thơ gồm chín khổ thơ, tám khổ có 2 dòng thơ, riêng khổ cuối có 1 dòng. Mỗi khổ 2 dòng thơ là một cặp hình ảnh đối sánh các thời điểm trong ngày với những hình ảnh biểu tượng cho các cung bậc cảm xúc và nhận thức về tình yêu của tác giả: chiều, mai, trưa, khuya, đối sánh với chim vườn bay hết, rừng non, lộc biếc, nắng sáng màu xanh, sao khuya, hạt vàng. Dòng thơ ở khổ cuối khẳng định niềm tin, niềm hi vọng ở tình yêu.

Câu 4 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Có thể có những cách hiểu nào về nhan đề bài thơ: Tình ca ban mai?

Trả lời:

Nhan đề của bài thơ được xây dựng rất độc đáo. Đó là sự ghép chung của hai danh từ: tình ca và ban mai. Giữa hai danh từ này không có một quan hệ từ nào và vì thế nó để ngỏ cho những cách hiểu khác nhau.

Có thể hiểu là tình ca về ban mai: tình ca về sự khởi đầu, về sự sống.

Cũng có thể hiểu là tình ca từ / của ban mai: tình ca là âm thanh đẹp để được cất lên từ ban mai.

Lại cũng có thể hiểu: tình ca luôn mang tính chất của ban mai - luôn là sự lạc quan, là ánh sáng, là hồi sinh.

Câu 5 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích nét độc đáo của dòng thơ: “Nắng sáng màu xanh che”.

Trả lời:

Nắng ở đây là nắng trưa vì “Em ở trời trưa ở”. Nhưng vì gắn với “em ở” nên nắng cũng mang sắc màu thật dịu dàng, thật đẹp (sáng màu xanh). Tuy nhiên, độc đáo nhất là từ “che”. Đây là một ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: khiến nắng không chỉ có màu mà có hình hài của chiếc ô che chở, ôm ấp. Nắng của tình yêu nên đem lại sự ấm áp - êm mát.

Câu 6 trang 15 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Cảm nhận của em về hình tượng “hoa em” trong câu kết bài thơ.

Trả lời:

Đây cũng là một trường hợp cho thấy sự dụng công và điêu luyện trong ngôn ngữ của Chế Lan Viên.

“Hoa em” có thể hiểu là hoa và em, hoa cùng em về trong ánh ban mai (của tình yêu). Nhưng “hoa em” cũng có thể được hiểu em cũng như hoa, em là một loài hoa đẹp. “Hoa em” như thế là loài hoa đã được Chế Lan Viên sáng tạo ra trong thơ và bằng thơ.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 bộ sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

II. Bài tập tiếng Việt trang 15, 16

III. Bài tập viết và nói - nghe trang 16, 17

Đánh giá

0

0 đánh giá