SBT Ngữ Văn 8 Bài tập viết trang 11 (Cánh diều)

173

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải Giải SBT Ngữ Văn 8 Bài tập viết trang 11 (Cánh diều) hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SBT Ngữ văn 8 từ đó học tốt môn Ngữ văn 8.

SBT Ngữ Văn 8 Bài tập viết trang 11 (Cánh diều)

Bài tập viết trang 11

Câu 1 trang 11 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Thế nào là bài văn phân tích một tác phẩm truyện? Để viết được bài văn theo yêu cầu này cần chú ý những gì?

Trả lời:

- Phân tích một tác phẩm truyện là kiểu bài nghị luận văn học mà trong đó, người viết dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ một số đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Bài viết phải nêu được chủ đề; dẫn ra và phân tích được tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm; từ đó, nêu lên nhận xét, đánh giá về những nét đặc sắc đó.

- Để viết được bài văn theo yêu cầu này cần chú ý:

+ Việc phân tích và nhận xét, đánh giá về truyện phải bám sát nội dung, hình thức của tác phẩm.

+ Trước khi viết, cần tìm ý và lập dàn ý. Căn cứ vào đề bài để xác định cách tìm ý cho phù hợp (đặt câu hỏi hoặc suy luận).

+ Các nhận xét, đánh giá trong bài văn về tác phẩm truyện, đặc biệt là các nét đặc sắc nghệ thuật, phải rõ ràng, đúng đắn, có lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Nên kết hợp nêu các yếu tố cần phân tích với việc phát biểu những nhận xét, cảm nghĩ của bản thân về yếu tố ấy.

+ Bài văn phân tích tác phẩm truyện cần có bố cục mạch lạc, lời văn chuẩn xác, gợi cảm.

Câu 2 trang 11 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Em có thể dựa vào những câu hỏi nào để tìm ý cho bài văn phân tích một tác phẩm truyện?

Trả lời:

Để tìm ý cho bài văn phân tích một tác phẩm truyện, có thể dựa vào các câu hỏi sau đây:

- Tác giả và ngữ cảnh: Ai là tác giả của tác phẩm? Khi nào và ở đâu tác phẩm được viết? Ngữ cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa có ảnh hưởng đến tác phẩm không?

- Nhân vật: Tác phẩm có những nhân vật chính và phụ nào? Họ là ai, có đặc điểm gì đặc biệt? Có mối quan hệ, tương tác như thế nào với nhau?

- Cốt truyện: Truyện kể về cái gì? Sự kiện chính diễn ra như thế nào? Có các sự kiện phụ, xoay quanh những yếu tố gì khác?

- Phong cách viết: Tác phẩm được viết theo phong cách nào? Lối viết của tác giả có đặc điểm gì? Tác phẩm có sử dụng các kỹ thuật văn học như chỉ dẫn, so sánh, tượng trưng, lồng ghép ý nghĩa... không?

- Ý nghĩa và thông điệp: Tác phẩm mang ý nghĩa gì đối với độc giả? Tác giả muốn truyền tải thông điệp hay giá trị gì thông qua tác phẩm? Có liên hệ gì giữa nội dung và ngữ cảnh lịch sử, xã hội của tác phẩm không?

Câu 3 trang 11 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Tìm ý cho đề văn: Phân tích đoạn trích Trong mắt trẻ (trích Hoàng tử bé của Ê-xu-pe-ri).

Trả lời:

- Nét đặc sắc trong cốt truyện của văn bản (các chương I, II và XXVII riêng rẽ nhưng nội dung liên quan mật thiết với nhau, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong cốt truyện; từ đó, góp phần làm sáng tỏ vai trò của nhân vật hoàng tử bé cũng như nêu bật ý nghĩa của văn bản).

- Chủ đề của văn bản (cách nhìn riêng biệt, độc đáo, giàu trí tưởng tượng, đầy thú vị của trẻ thơ).

- Ấn tượng chung của bản thân sau khi đọc văn bản (sự khác nhau trong cách nhìn của hoàng tử bé và những người lớn đã khơi gợi những bài học nhận thức đầy ý nghĩa).

- Nhân vật cần chú ý phân tích: hoàng tử bé (xuất hiện rất đúng lúc, đối lập hoàn toàn với những gì mà nhân vật “tôi” đang gặp; vai trò quan trọng của hoàng tử bé đối với nhân vật “tôi” và sự thể hiện chủ đề của văn bản).

- Nét đặc sắc và tác dụng của một số yếu tố hình thức trong văn bản (trần thuật từ ngôi thứ nhất giúp truyện được kể lại một cách chân thật, giàu cảm xúc; nhân vật được khắc sâu với chân dung đặc biệt; ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế; có những tranh vẽ minh hoạ bám sát diễn biến câu chuyện khiến hình thức trình bày trực quan, sinh động;...).

- Bài học có thể rút ra từ văn bản (mỗi người đều cần học cách chấp nhận những quan điểm khác biệt, có sự tôn trọng cần thiết đối với góc nhìn riêng của từng cá nhân về một sự vật, hiện tượng; đừng bao giờ đánh mất sự bay bổng của ý tưởng sự đột phá trong suy nghĩ, sự thú vị trong những phát hiện đã từng có ở thời thơ ấu. vì đây chính là những nền tảng quan trọng để giúp mỗi cá nhân có thể trưởng thành nhanh chóng;...).

- Điều sâu sắc và đáng nhớ nhất sau khi đọc truyện (sự thấu cảm của tác giả đối với trẻ thơ đã chi phối chủ đề, cách xây dựng nhân vật, hình thức trình bày và thông điệp của tác phẩm).

Câu 4 trang 11 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Viết đoạn văn triển khai một ý cho đề văn nêu ở bài tập 3.

Trả lời:

Đoạn trích Trong mắt trẻ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả, đó là bài học về việc học cách chấp nhận những quan điểm khác nhau, tôn trọng những góc nhìn của mỗi người và điều quan trọng hơn cả, đó là đừng bao giờ đặt ra giới hạn và đánh mất những ý tưởng, sáng tạo bay bổng mang tính đột phá của mình. Trong đoạn trích, nhân vật “tôi” đã từng là cậu bé với khát khao được vẽ. Và cậu vẽ những điều cậu thấy, bằng trí tưởng tượng non nớt, thanh thuần nhất. Nhưng thật tiếc, những người lớn xung quanh nhân vật “tôi” chỉ là những người lớn bình thường, sống giữa cuộc đời vội vã nhiều bộn bề, trí óc họ đã đầy ắp những lo toan cuộc sống, những chuẩn mực, tiêu chuẩn xã hội. Vậy nên họ không thấy, không cảm nhận và cũng không muốn cảm nhận bức tranh của một cậu bé. Thay vào đó, họ áp đặt những tiêu chuẩn, những suy nghĩ họ cho là đúng đối với nhân vật “tôi”. Một phần, điều đó đúng là hợp lí và có ích đối với nhân vật “tôi” khi lớn lên, nhưng có lẽ chẳng ai biết được, một người họa sĩ có tiềm năng đã không bao giờ tồn tại, ước mơ nguyên bản của nhân vật “tôi” đã biến mất kể từ năm 6 tuổi. Chỉ đến ngày gặp gỡ hoàng tử bé, giấc mơ ấy mới được khơi gợi lại một phần trong kí ức. Có lẽ bởi vậy, nhân vật “tôi” đã luôn nhung nhớ hoàng tử bé, hay nhung nhớ những ước mơ thưở nhỏ, những bức tranh kì quặc đặc biệt của tuổi ấu thơ của chính mình.

Xem thêm các bài giải vở bài tập Ngữ văn 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 6: Truyện

I. Bài tập đọc hiểu trang 3

II. Bài tập tiếng Việt trang 9, 10

IV. Bài tập nói và nghe trang 11

Bài 7: Thơ Đường luật

Đánh giá

0

0 đánh giá