Thực hiện đề tài sau: Đề tài: Lớp bạn tổ chức buổi tọa đàm về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm được đặt ra trong tác phẩm văn học

284

Với giải Câu 3 trang 13 SBT Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo chi tiết trong Bài 6: Sống với biển rừng bao la (Truyện ngắn) giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải, từ đó biết cách làm bài tập Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Thực hiện đề tài sau: Đề tài: Lớp bạn tổ chức buổi tọa đàm về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm được đặt ra trong tác phẩm văn học

Câu 3 trang 13 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Thực hiện đề tài sau:

Đề tài: Lớp bạn tổ chức buổi tọa đàm về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm được đặt ra trong tác phẩm văn học. Bạn hãy chuẩn bị bài nói để tham gia trình bày ý kiến trong buổi toạ đàm này.

Trả lời:

Bài nói tham khảo

Đề bài: Vấn đề hành trang bước vào đời của người trẻ trong thời đại mới qua văn bản “Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI” (Đỗ Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Đức Dũng).

Xin chào thầy cô và các bạn. Trong buổi thuyết trình hôm nay, em sẽ mang đến một vấn đề xã hội mang tính thời sự được đặt ra trong một tác phẩm văn học nghị luận trong SGK Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo, tập 1. Đó là vấn đề hành trang bước vào đời của người trẻ trong thời đại mới qua văn bản “Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI” (Đỗ Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Đức Dũng).

Xã hội ngày hôm nay đang đổi thay từng ngày theo tiến trình toàn cầu hóa sâu rộng. Điều đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ - một thế hệ được định sẵn để làm chủ và thay đổi đất nước. Khác với những năm tháng bi thương của chiến tranh khiến thế hệ cha anh phải gác lại mọi hoài bão để gánh trên vai trách nhiệm với đất nước, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đang được sống trong hòa bình và một môi trường đảm bảo cho sự phát triển toàn diện có đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của mình cần phải làm gì cho Tổ quốc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hay không? Chính vì vậy, vấn đề hành trang bước vào đời của người trẻ trở thành một vấn đề có sức ảnh hưởng, định hướng vô cùng lớn. Các tác giả Đỗ Thị Ngọc Quyên và Nguyễn Đức Dũng cũng đã có những quan điểm xoay quanh vấn đề này trong văn bản “Người trẻ và những hành trang vào thể kỉ XXI”.

Trong mọi thời kỳ, với mỗi quốc gia, thanh niên bao giờ cũng có vai trò hết sức to lớn, họ là sức sống hiện tại và tương lai của dân tộc. Bác Hồ đã chỉ rõ: Một dân tộc muốn hồi sinh, trước hết phải hồi sinh thanh niên, nếu thanh niên không chịu giác ngộ, không đủ nghị lực, không còn sức sống, không được tổ chức lại, chỉ chìm đắm trong rượu cồn và thuốc phiện thì dân tộc có nguy cơ bị diệt vong. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) Đảng ta cũng đã khẳng định: Vấn đề thanh niên phải đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng và rèn luyện thế hệ thanh niên.

Chính vì vậy, chúng ta nhận ra, xây dựng hành trang làm điểm tựa để mỗi cá nhân bước vào đời là vô cùng quan trọng. Vậy hành trang là gì? Hành trang là đồ dùng mang theo và các thứ trang bị khi đi xa. Ở đây dùng với nghĩa là hành trang tinh thần như tri thức, kĩ năng, thói quen để bước vào một thời kỳ mới. Vậy thế nào là thời kì mới? Đây là cụm từ chỉ thế kỉ XXI, thế kỷ của khoa học, của thế giới “phẳng” hơn và “ảo” hơn Thế kỉ mới (thế kỉ XXI) là thời kỳ đất nước ta đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hơn thế nữa “hội nhập càng sâu vào nền kinh tế thế giới”. Chuẩn bị hành trang là cách để mỗi người thay đổi, cải thiện bản thân để hướng đến một mục tiêu. Bước đi này giúp mở ra hướng đi trong việc chuẩn bị các hành trang tiếp theo. Dù là thời kì đồ đá hay đồ đồng, kể cả thời hiện đại, dù ở nước Mỹ hay ở Việt Nam thì bản thân con người bao giờ cũng là trung tâm của sự phát triển. Vì từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới, nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ, vai trò của con người càng nổi trội. Muốn chuẩn bị cho bản thân thì phải nhận ra cái mạnh và cái yếu của chính mình.

Vậy mỗi người trẻ cần chuẩn bị những hành trang gì trên con đường bảo vệ tương lai của dân tộc? Trong văn bản “Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI”, các tác giả đã nêu rõ 3 nhóm hành trang dành cho thế hiện trẻ. Đó là tri thức - kỹ năng - thái độ. Tri thức cần có ở đây không chỉ riêng kiến thức chuyên môn mà ở đây còn là tri thức tổng quát của các ngành gần, các ngành liên quan - đó là vấn đề liên ngành. Ngoài ra, thế hệ trẻ cũng cần trang bị khối kiến thức chung nằm trong “Khung kĩ năng thế kỉ XXI”. Đây được định nghĩa là khối kiến thức xã hội, với tất cả kiến thức về các vấn đề xung quanh chúng ta (văn hóa, môi trường, sức khỏe, kinh tế,...) nhằm giúp mỗi cá nhân có thể tồn tại độc lập trong kỉ nguyên bất định. Về kĩ năng, mỗi người cần xây dựng kĩ năng học tập, sáng tạo, công nghệ - thông tin - truyền thông, kĩ năng sống và làm việc. Và cuối cùng, điều quan trọng hơn cả là thái độ của mỗi người trẻ với xã hội, với cuộc đời. Sẵn sàng, chủ đôngj, khiêm nhường,.... là rất nhiều những đức tính tốt đẹp để người trẻ có thể học hỏi và tích lũy bài học cho chính mình. Và đó là toàn bộ hành trang mà tác giả đã đưa ra trong văn bản. Nhưng để thực hiện được điều đó là không dễ dàng.

Người Việt chúng ta hay bất kì dân tộc nào khác đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Cái mạnh của con người Việt Nam là sự thông minh và nhạy bén với cái mới. Sự thông minh nhanh nhạy là một mặt mạnh mà không ai có thể phủ nhận. Nhờ vậy mà dân tộc ta có thể tồn tại và phát triển quan 4000 năm lịch sử đầy thăng trầm biến động bởi thù trong, giặc ngoài; mới vượt qua được bao thử thách nghiệt ngã, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Ngược lại, điểm yếu của người Việt Nam là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề.

Vì vậy, để người trẻ có thể bước vào thời kì mới an toàn và vững chắc nhất, trước hết cần thay đổi những điều tiêu cực và phát huy điểm mạnh để hướng đến tích cực. Chúng ta đang sống, sinh hoạt, học tập trên đất nước Việt Nam; chúng ta thừa hưởng, sự thông minh, nhạy bén của cha ông. Và giờ đây, chúng ta phải biến thế mạnh ấy thành kho tàng riêng của mình bằng cách ra sức học tập để bồi dưỡng cho kho tàng ấy ngập tràn kiến thức. Bởi lẽ “kiến thức là sức mạnh”, chỉ có kiến thức, tuổi trẻ mới có sức mạnh xây dựng đất nước phát triển. Nhưng để làm được điều đó chúng ta phải học những gì, học ra sao? Có lẽ không phải là học vẹt, học tủ. Mà phải thay đổi phương pháp học tập, “học đi đôi với hành”.Bước chân vào thế kỉ mới, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam có rất nhiều cơ hội; hòa nhập, mở rộng giao lưu về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Vấn đề làm sao tận dụng những cơ hội, ứng phó với thách thức do tiến trình hội nhập đem lại là vấn đề hết sức to lớn, là mối quan tâm của tất cả mọi người.

Tóm lại, bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thì thế hệ trẻ chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Con người trẻ phải chuẩn bị những hành trang cần thiết để bước vào thế kỉ XXI bằng cách trang bị tri thức khoa học công nghệ, có nhận thức đúng về bản thân, xã hội, thời đại, có tâm hồn trong sáng, lành mạnh, giàu tính nhân văn, có lí tưởng, có niềm tin để tiếp bước những truyền thống tốt đẹp của cha ông, để đất nước Việt nam mãi mãi vững bền.

Bài trình bày của em đến đây là kết thúc. Xin chân thành cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những đóng góp của mọi người để bài thuyết trình được hoàn thiện hơn.

Đánh giá

0

0 đánh giá